2012/06/19

Tại sao cứ nhất định đàm phán song phương với Trung Quốc


Lê Vĩnh - Phan Nhật Bình

Việc Quân Đội Nhân Dân Việt Nam vừa khai trương trang mạng bằng tiếng Tàu ngày 19/6/2012 đang làm nhiều người bực tức và thắc mắc. Ngay cả nếu một ban ngành liên quan đến ngoại giao hay tuyên truyền mở trang tiếng Tàu như vậy trên đất Việt thì đã là chuyện quá quái gỡ. Nay giới lãnh đạo lại mở riêng một trang tiếng Tàu của quân đội Việt Nam thì để phục vụ thật sự cho mục tiêu gì?
Để tìm câu trả lời, có lẽ phải bắt đầu bằng việc lùi về 2 tuần trước đó. Tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 ở Phnom Penh, thủ đô Campuchia, Đại tướng Phùng Quang Thanh hôm 29/5 tuyên bố: “Tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kềm chế”. Lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trong bối cảnh suốt những năm vừa qua Trung Quốc ngày càng tạo thêm những căng thẳng trên Biển Đông, có vẻ muốn đưa ra một lời khuyên nhủ có lý có tình cho các bên đang tranh chấp. Tuy nhiên, nếu đi sâu thêm vào vấn đề Biển Đông nói riêng, và vào những mối quan hệ khác giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, thì người ta sẽ thấy thêm những thông điệp quan trọng khác qua những khuyên nhủ “có lý có tình” vừa kể của tướng Phùng Quang Thanh, hay đúng hơn là của đảng Cộng Sản Việt Nam về các vấn đề Việt – Trung.
Trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử cận đại, Trung Quốc gần như là nước thường xuyên gây ra những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước lân bang. Trên lục địa, cả chục quốc gia có biên giới chung với Trung Quốc từ phía nam sang phía tây lên phía bắc, đều ít nhiều đã có những xung đột quân sự với Trung Quốc. Riêng phía đông là Thái Bình Dương bao la thì Trung Quốc còn cả một chặng đường rất dài để phát triển được một lực lượng hải quân “nước xanh” để xưng hùng xưng bá, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những tranh chấp với Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan. Do đó, sau khi cân nhắc thì chỉ có Biển Đông của Việt Nam là khâu yếu nhất để Trung Quốc tung hoành. “Yếu nhất” ở đây không chỉ về tương quan lực lượng quân sự; mà quan trọng hơn, là tương quan bang giao chính trị giữa Trung Quốc và các nước liên hệ. Các nước Philippines, Indonesia, Mã Lai, v.v... tuy không lớn mạnh hơn Việt Nam, nhưng họ cương quyết chống lại bất cứ sự gây hấn nào của Trung Quốc. Chỉ riêng Việt Nam, vừa là nước sát biên giới với Trung Quốc, vừa liên tục mất đất, mất đảo, mất biển, và nhiều loại chủ quyền khác, thì lại đặc biệt có những người lãnh đạo rất dễ bảo và cứ đòi bảo vệ mối tình “xã hội chủ nghĩa anh em” với Bắc Kinh. Vì vậy, thông điệp qua lời khuyên nhủ nêu trên của tướng Phùng Quang Thanh “Nếu các nước không tự chế sẽ có xung đột”, dành cho ai thì đã rõ. Qua đó, trước hết và hơn ai hết, ông Thanh muốn cho Bắc Kinh thấy Việt Nam đã, đang và sẽ là quốc gia trong khối ASEAN tự nguyện “kềm chế”, không để Trung Quốc phải “phiền lòng”.
Vậy thử đào sâu thêm ý nghĩa thực sự trong việc tự kềm chế đó của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam là gì? Có đạt được những mục tiêu như ông đại tướng nói không? Và nếu đạt được thì cho ai và vì ai?
Sự kềm chế đa diện, đa dạng, và “đầy quyết tâm” của Việt Nam đã thể hiện rất rõ ràng và liên tục từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ hội nghị Thành Đô năm 1991 mà cố Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch sau đó phải than thở rằng “Một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu”! Lời than thở ấy của ông Nguyễn Cơ Thạch đến nay so với thực tế, không những vẫn là một lời cảnh báo còn nguyên giá trị, mà quan trọng hơn, đã được tuần tự diễn ra ngày một trắng trợn hơn. Các lãnh tụ Việt không chỉ chấp nhận, làm ngơ, mà còn chủ động tạo thuận lợi cho các tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Sau những hiệp định trên bộ, trên biển; nhiều khu vực rộng lớn trong lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam bị thu hẹp ở nhiều chỗ. Giải thích về việc đất, biển Việt Nam “mọc chân” chạy sang phía Trung Quốc, ông Lê Công Phụng (trưởng ban đàm phán biên giới lúc đó) đã khuyên nhủ người Việt rằng: “Ta phải biết cách sống với Trung Quốc”.Do đó, những gì được phía CSVN làm sau này cũng chỉ là thực hiện lời “khuyên nhủ” đó mà thôi, vì nó không những tránh cho Trung Quốc bị mang tiếng xấu là gây hấn quân sự khi Trung Quốc chẳng có một đồng minh nào cả, mà còn làm cho lời cảnh báo của cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch trở thành hiện thực một cách êm thắm và vẹn toàn.
Mới đây, trong một bài viết về quyển sách “Death by China”, nhà báo Đoan Trang đã nhận định rằng, “Không kể những nơi khác trên thế giới, ít nhất tại khu vực Biển Đông,Trung Quốc trở thành một đầu mối của sự bất ổn, tuy rằng họ luôn hô hào khẩu hiệu "không xen lấn vào nội bộ xứ khác" và trưng ra thực tế là đối tác kinh tế của rất nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, những người lãnh đạo ở Hà Nội có lẽ nhìn Trung Quốc dưới lăng kính khác theo chủ đích riêng của họ. Từ cuối năm 2007, khi Trung Quốc thành lập khu vực hành chính Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, khiến lần đầu tiên trong lịch sử cầm quyền của đảng CSVN đã có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược của thanh niên, sinh viên, trí thức và người dân yêu nước; thì chỉ cần một lời “nhắc nhở nhẹ nhàng” của bộ ngoại giao Trung Quốc là bộ máy công an Việt Nam lập tức “vào trận” một cách hăng hái và cần mẫn, để nhắc nhở người Việt Nam lời “khuyên nhủ” của ông Lê Công Phụng. Việc Trung Quốc coi Biển Đông là ao nhà của họ với đường “lưỡi bò” chiếm 80% vùng biển này, mà hệ quả là những lệnh cấm đánh cá (cấm người Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam), ngăn cản Việt Nam khai thác tài nguyên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, thậm chí phá hoại tàu thăm dò của Việt Nam (vụ tàu Bình Minh 02), v.v... thì cũng chỉ được phía Việt Nam đáp ứng bằng cách “tự kềm chế”.
Hàng ngàn ngư dân Việt Nam liên tục bị hải quân Tàu bắt giết, đánh đập, cướp bóc, bắt cóc, tống tiền theo kiểu hải tặc trong ngư trường truyền thống của Việt Nam trên Biển Đông trong suốt mấy năm liền, chẳng thấy một ai lên tiếng, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Sau này, khi áp lực của dư luận buộc Hà Nội phải lên tiếng thì chỉ nhắc đi nhắc lại những điều cũ kỹ cho có lệ. Đến khi có dịp mở miệng thì ông đại tá tư lệnh một vùng duyên hải của Việt Nam giải thích đó là “việc dân sự”, không thuộc phạm vi của hải quân (dù rằng cả thế giới dều biết sự kiện tàu hải quân của gần 20 quốc gia tham gia trong việc ’dân sự’ tiễu trừ hải tặc Somalia). Còn hải quân Việt Nam thì được lệnh của đảng “quan sát và bảo vệ” từ trên bờ. Còn ở dưới nước thì hải quân Việt Nam chỉ “hồ hởi” tuần tra chung với hải quân Trung Quốc.
Tháng 3 vừa qua, hai tàu Trung Quốc to ngồn ngộn thả neo trái phép ở Nha Trang mà hải quân Việt Nam chẳng hề hay biết. Tên hai tàu bằng chữ Hán to đùng trên mạn tàu, thuỷ thủ đoàn là người Tàu, mà các cơ quan chức năng sau hai tháng “xác minh” vẫn không cho đó là tàu Trung Quốc, mà vẫn chỉ là “tàu lạ”. Tương tự, các cơ quan truyền thông của Hà Nội chỉ được phép gọi những hành vi hải tặc của Trung Quốc là do “nước lạ”, “tàu lạ” gây ra, chứ không được gọi đích danh thủ phạm. Mới đây công an biên phòng có mở một cuộc diễn tập chống hải tặc... ở trên bờ (Đà Nẵng) rất “hoành tráng”, qua một kịch chống hải tặc tưởng tượng cũng... “hoành tráng” như phim Hollywood, và chỉ được trang mạng của ban tuyên giáo trung ương (Infonet.vn) tường thuật.
Bên cạnh đó, một vài trang mạng của nhà nước Việt Nam cũng được nhường cho Trung Quốc, hay thậm chí được chính ban tuyên giáo của đảng CSVN dùng làm phương tiện tuyên truyền cho Trung Quốc. Khi bị phát hiện thì hoặc là tảng lờ, hoặc là được giải thích đó chỉ chuyện nhỏ, là “lỗi của cậu đánh máy” mà thôi. Chẳng thế mà khi người lãnh đạo tương lai của Trung Cộng, là ông Tập Cận Bình, sang Việt Nam thì được các thiếu nhi Việt Nam tiếp đón bằng cờ 6 sao. Tiếp đó, ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh nhận “chiếu chỉ” thì đài truyền hình Việt Nam cũng “vô tư” chiếu cờ 6 sao trên cả nước, và đó cũng chỉ là chuyện... nhỏ mà nhà nước phớt lờ trước những đòi hỏi một lời giải thích của dư luận.
Mỗi lần có những biến cố trong sự “va chạm” với Trung Quốc là có ngay những lời xoa dịu hoặc những việc làm mang thông điệp mang ý nghĩa “thắm thiết” từ phía Việt Nam gửi cho Trung Quốc. Năm ngoái, sau vụ hai tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam tiếp tục bị tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị, thì bên lề Hội nghị Đối thoại Shangri-La tại Singapore vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (Liang Guangli): "Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc"!
Đến cuối tháng 6, khi đang diễn ra loạt cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn, với tư cách “đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam” đến Bắc Kinh gặp Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo) để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc và xin chỉ thị. Chiếu chỉ từ Bắc Kinh do ông Hồ Xuân Sơn mang về mang tên “Thỏa thuận về các Nguyên tắc ơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc”, có nội dung được tóm gọn trong câu trả lời phỏng vấn giải tỏa thắc mắc dư luận của ông Hồ Xuân Sơn sau đó: “ Khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt; Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác của khu vực và thế giới”.
Đến cuối tháng 8, nhân cuộc đối thoại về quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Bắc Kinh, khi đề cập tới những cuộc biểu tình của nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng của CSVN đã đoan chắc với phía Trung Quốc rằng: “... kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam” và “dứt khoát không để sự việc tái diễn.”
Những tuyên bố thuộc loại như vừa kể hẳn là rất vừa lòng Trung Quốc. Chẳng thế mà hai năm trước tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đã trích lại lời tướng Phùng Quang Thanh ca ngợi: "Trung Quốc là anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt và đồng chí tốt của Việt Nam". Đến nỗi, ông Su Hao (Tô Hạo) của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc phải khen "Cuối cùng Việt Nam cũng tỏ ra biết điều”!
Riêng tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào giữa tháng 10 cũng khẳng định việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc phải lấy “đại cục làm trọng” và “thực hiện những thoả thuận của lãnh đạo hai bên” qua phương thức đàm phán song phương. Năm nay, cũng trong hội nghị tại Kampuchia, báo Quân đội Nhân dân thuật lại lời khẳng định của tướng Phùng Quang Thanh về lập trường của Việt Nam: “Trong quá trình đàm phán hòa bình, tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết”. Điều này cho thấy, ông Phùng Quang Thanh chỉ lập lại chủ trương của đảng CSVN trong việc tiếp tục chính sách đàm phán song phương đối với Trung Quốc dù biết trong kiểu đàm phán đó Việt Nam luôn luôn ở thế yếu và bị buộc dâng nhượng tiếp tục những mảng chủ quyền khác nữa, và chẳng có hy vọng gì các nhà ngoại giao gốc Việt dám đề cập đến những gì Trung Quốc đã cướp trên vùng biển của Việt Nam, những xương máu của người Việt đổ ra trong hai thời điểm 1974 và 1988.
Cũng từ đó, dù chưa bao giờ lãnh đạo Hà Nội nói cho nhân dân biết “đại cục của hai nước” hay “sự thoả thuận của lãnh đạo hai nước” là gì và gồm những gì?, nhưng qua những việc làm của Hà Nội người ta có thể biết phần nào nội dung của hai “khái niệm” đó, đồng thời biết rằng việc thực hiện đang đi đến đâu. Tuy nhiên, một câu hỏi còn lại mà sự giải đáp vẫn mù mờ. Đó là, tại sao lãnh đạo CSVN cứ nhất định chỉ thương thảo song phương với Trung Quốc và cự tuyệt đưa vấn đề tranh chấp ra diễn đàn quốc tế đa phương? Dù rằng ai cũng biết, trên một diễn đàn đa phương, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế về bằng chứng chủ quyền, về lịch sử và về luật pháp quốc tế trong các vấn đề tranh chấp, so với những gì Trung Quốc đã và đang ngụy tạo.
Đến đây thì chẳng còn gì là bí ẩn về lý do tại sao Hà Nội cứ nhất định chỉ đàm phán song phương với Bắc Kinh. Nếu gạt ra những lớp sơn phết và loại trừ các tuyên bố đầy tính hỏa mù, ai cũng có thể thấy tại cốt lõi, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội là quan hệ chủ tớ. Trong mối quan hệ này, phận làm “tớ” là phải thoả mãn những tham vọng của “chủ” để duy trì được “phận làm đầy tớ” của lãnh đạo đảng CSVN. Lịch sử Việt Nam cũng đã chứng kiến một số lần hiện tượng đầy tớ gốc Việt tương tự. Chính vì vậy mà mà Hà Nội quyết giấu kín, không cho nhân dân biết những gì đã thoả thuận với Bắc Kinh, cũng như kiểm soát chặt chẽ dư luận, cấm người dân phản đối sự xâm lược ngang ngược của Trung Quốc. Cuối cùng, cũng chính vì vậy mà Hà nội cự tuyệt việc đưa các tranh chấp với Trung Quốc ra các hội nghị hay diễn đàn đa phương, vì những nước cùng tham dự một hội nghị hay diễn đàn như vậy sẽ không có lý do gì để giấu kín các vấn đề được thoả thuận, và báo chí của các nước đó cũng sẽ tự do tường thuật.
Vấn đề chỉ đơn giản như vậy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét