2012/06/28

Kinh nghiệm ’China Risk’ của các hãng Nhật ở Hoa Lục


Ngô Văn

Sau nhiều cuộc biểu tình lớn bài Nhật tại Trung quốc vào năm 2005, các xí nghiệp Nhật đang có hãng xưởng tại đây bắt đầu cảm thấy bất an và khởi động kế hoạch rút ra khỏi quốc gia này để dời sang các nước tại Đông Nam Á.
Trong thời gian gần đây, khi tiền điện ở Nhật tăng vọt đối với các xí nghiệp sản xuất vì tất cả các nhà máy điện hạt nhân được lệnh ngưng hoạt động hàng loạt theo sau tai nạn tại lò nguyên tử Fukushima, nhiều hãng Nhật tìm cách dời xưởng sản xuất sang nước khác. Tuy nhiên, đại đa số các hãng này không dám nghĩ tới Trung Quốc nữa. Một từ ngữ tiếng Anh mới được giới điều hành các đại công ty và tư vấn nhắc đến nhiều trong các bàn thảo kế hoạch chiến lược là "China risk". Hai chữ ngắn gọn này bao gồm đầy đủ các kinh nghiệm cay đắng của nhiều công ty nước ngoài đã được ghi lại với đầy đủ dữ liệu. Nay chỉ cần dùng 2 chữ "China risk", cả người nói lẫn người nghe đủ biết các loại rủi ro nào và mức độ tệ hại đến đâu chứ không cần dẫn giải gì thêm. Và thường thì hiện nay, 2 chữ này đã đủ để một công ty Nhật rẽ sang ngã khác, không tiến vào Hoa Lục nữa.
Có hai loại rủi ro lớn nhất đã trở thành thông lệ hàng mấy thập niên. Thứ nhất là các chiến dịch bài ngoại do chính giới lãnh đạo Bắc Kinh phát động bất kỳ lúc nào họ có nhu cầu chuyển hướng dư luận ra khỏi một vấn nạn lớn, một thiên tai lớn, hay một vụ tai tiếng của một quan chức lớn nào đó của đảng. Và nếu chiến dịch bài ngoại nào nhắm trực tiếp vào nước Nhật thì các hãng Nhật trên đất Tàu càng bị thiệt hại hơn nữa. Rủi ro lớn thứ nhì là các sản phẩm trí tuệ không được bảo vệ. Các sáng chế của mọi hãng xưởng ngoại quốc, chứ không riêng gì hãng Nhật, đều bị đánh cắp nhanh chóng và chuyển cho các hãng Tàu chuyên làm "hàng nhái". Văn phòng nhà nước có trách nhiệm bảo vệ bản quyền luôn ca bài "không đủ người để áp dụng luật lệ" và làm ngơ các hãng sản xuất ngay trong khu vực chung quanh văn phòng. Chỉ thỉnh thoảng mới làm một cảnh xe ủi đất cán lên một số dĩa CD, DVD để báo đài chụp hình, quay phim.
Bên cạnh 2 loại rủi ro lâu năm đó, một số loại rủi ro mới đang lan tràn tới mức báo động. Tệ hại nhất là nạn nhân viên ăn cắp đồ của hãng. Ăn cắp hàng loạt đã được chấp nhận như chuyện đương nhiên. Mọi cấp đều ăn cắp và ăn cắp tất cả những gì có thể lấy được. Trong cuộc hội thảo rút kinh nghiệm về việc đầu tư, lập hãng sản xuất tại Trung quốc do các hãng Nhật tổ chức tại Tokyo vào ngày 22/06/2012 vừa qua, một kết luận làm nhiều người giật mình về mức độ trầm trọng: "Không có một hãng Nhật nào tại Hoa Lục thoát khỏi nạn công nhân viên ăn cắp đồ hàng loạt của hãng".
Ông Yamaguchi, cố vấn tối cao cho hãng bảo vệ Secom của Nhật, một hãng làm ăn ở Thượng Hải đã gần 10 năm. Ông lắc đầu ngao ngán nói với ký giả rằng: "Hãng Secom chúng tôi trong mấy năm nay, tháng nào cũng phải bồi thường thiệt hại cho các hãng thuê Secom đến bảo vệ về chuyện mất cắp. Nếu chuyện mất cắp là do kẻ lạ đột nhập vào thì Secom có bồi thường cũng đành chịu vì nhân viên bảo vệ của hãng không làm tròn trách nhiệm. Nhưng khi những kẻ ăn cắp chính hầu hết đều là nhân viên bảo vệ của hãng thì còn gì để nói nữa. Thử hỏi có ăn trộm nào mà ăn cắp được cả mấy tấn sắt thép, ăn cắp luôn mấy dàn máy tiện… khi có mặt các bảo vệ gác hãng. Nhiều nhân viên bảo vệ còn làm chìa khóa giả để ban đêm lẻn vào phòng ăn cắp hồ sơ, tài liệu mật của hãng mướn mình đến canh giữ". Cũng theo ông Yamaguchi: "Lúc đầu chúng tôi nghĩ người Trung Quốc ở vùng quê thật thà, chất phát hơn người ở thành thị nên tuyển họ vào làm nhân viên cho hãng. Nhưng chỉ vài tháng sau là họ học thói ăn cắp chẳng thua gì dân thành phố".
Các giám đốc điều hành của một số công xưởng chế tạo đồ chơi của Nhật ở ngoại ô Bắc Kinh cũng chia sẻ kinh nghiệm tại cuộc hội thảo nêu trên. Họ cho biết nhiều kỹ sư Trung quốc khi đến xin việc đã nói thẳng rằng: "Nếu nhận tôi vào làm việc với lương tháng gấp đôi số lương của hãng cũ trả cho tôi thì tôi sẽ cung cấp cho ông danh sách khách hàng và một số bí mật của hãng trước mà tôi đã lấy được".
Thường thì khi bị mất cắp, các hãng xưởng Nhật đi báo công an ngay. Nếu cho rằng kẻ trộm là người ngoài, đột nhập vào hãng ăn cắp, công an đồng ý lập hồ sơ để điều tra. Nhưng cả trăm vụ mới may ra bắt được một vài vụ. Còn khi cho rằng kẻ trộm là chính nhân viên của hãng, công an thường phủi tay, coi đó là "chuyện nội bộ" của hãng và hãng phải tự điều tra.
Trong mấy năm qua, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là ba nước được các xí nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc và Nhật Bản nhắm tới. Họ chấp nhận khoản chi phí huấn luyện đội ngũ nhân viên mới tại các nước này. Vào khoảng năm 2006, 2007 nhiều quan sát viên quốc tế chờ đợi Việt Nam sẽ thu hút được một số hãng xưởng công nghệ cao của Nhật, nhưng sau một thời gian nghiên cứu và nghe ngóng kinh nghiệm của các hãng xưởng Mỹ đã thử môi trường làm ăn tại Việt Nam, hầu hết các xí nghiệp Nhật đã chuyển hướng qua Thái Lan hay Indonesia.
Một số hãng cho biết lý do là tuy Việt Nam vẫn còn giá lao động rẻ, rẻ hơn cả hai nước kia, nhưng khiếm khuyết chính là hệ thống luật pháp không rõ ràng và tùy tiện theo ý của những người cầm quyền tại mỗi vùng, mỗi cơ quan, mỗi văn phòng. Với nền tảng pháp luật như thế, Việt Nam cũng sẽ tiến dần đến mức tệ hại như Trung Quốc trong vòng vài năm. Và họ tự hỏi như thế thì bỏ Trung Quốc dời sang Việt Nam để làm gì và rồi lại mất tiền giọn đi một lần nữa.
Một số kinh nghiệm được chia sẻ tại buổi hội thảo. Trong nhiều trường hợp, thủ tục giấy tờ đã được chính quyền Trung ương chấp thuận, nhưng khi tới địa phương thì lại bị quan chức ở đây bác bỏ, bắt làm lại từ đầu, nghĩa là bắt phải chi thêm tiền. Cơ quan nào cũng khẳng định họ mới có thẩm quyền quyết định, còn cơ quan đã ký đơn trước đó là "làm sai luật". Khi hỏi luật nào thì mỗi cơ quan hay cấp bộ đều đưa ra "luật riêng" của họ và lại khẳng định chỉ có luật của họ mới đang có hiệu lực.
Dẫn chứng điển hình là một số xí nghiệp Nhật muốn đầu tư hay dời hãng từ Trung Quốc sang địa bàn Hà Nội, đã đến sứ quán Việt Nam ở Tokyo nhờ hướng dẫn và làm thủ tục. Hiển nhiên sứ quán nhận là họ có đầy đủ thẩm quyền, chỉ cách nạp đơn, thu đủ loại lệ phí, rồi cấp giấy phép. Nhưng khi các xí nghiệp này đến Hà Nội thì các giới chức thành phố Hà Nội không chấp nhận. Các quan chức này cho biết muốn đầu tư hay dời hãng sang địa bàn này thì phải đến nạp đơn tại "Văn phòng Đại diện Thương mại của thành phố Hà Nội ở Tokyo" chứ không phải tại Đại sứ quán Việt Nam.
Hiển nhiên, kinh nghiệm của các hãng Mỹ tại Việt Nam trong thập niên trước nay đã được truyền đến các hãng Nhật, và chắc chắn các hãng Nhật lại truyền kinh nghiệm của họ đến các hãng ngoại quốc khác trong tương lai.
Dân tộc Việt Nam vẫn cứ tiếp tục mất vô số các cơ hội lớn, nhỏ để vươn lên cùng các quốc gia trong vùng và nhân loại. Tất cả chỉ vì lòng tham khủng khiếp của một thiểu số những con người khập khiễng nhưng cứ nhất định buộc cả nước chỉ được phép đi theo và đi sau họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét