Mạc Khải - TNCG
Sau hơn ba tháng chuẩn bị, vận động, quảng bá, Ngày Hành Hương “Công Lý và Sự Thật” do Hội Thanh Thiếu Niên Paris tổ chức nhân lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên cũng đã đến. Cuộc Hành Hương tới Nhà Thờ Đức Mẹ Chartres, cách xa Paris 88 cây số có mục đích hiệp thông với 17 anh chị em thanh niên Công Giáo đang bị tù đày trong nước và cầu nguyện cho họ cùng gia đình họ được bình an và sớm thoát cảnh ngục tù oan khuất. Suốt thời gian này, tin tức về 17 anh chị em Thanh Niên Công Giáo nhận được từ trong nước cho thấy nhà cầm quyền cộng sản chẳng những không tỏ ra bất cứ dấu hiệu thiện chí nào đối với họ; trái lại còn có vẻ cứng rắn và ác ôn hơn nữa. Ai cũng biết tình cảnh bi thương của gia đình anh Paulus Lê Sơn, một mẹ một con neo đơn, nghèo khó. Trong khi anh Lê Sơn bị bắt và bị giam giữ trái phép vì đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng biển đảo, bà Maria Đỗ Thị Tần, mẹ anh lâm trọng bệnh và mong chờ được gặp mặt con lần cuối. Bà đã từ trần vào ngày 20.04.2012 vừa qua trong cô quạnh vì họ đã không cho anh Sơn về để tang và chôn mẹ. Tiếp theo là tin chị Tạ Phong Tần đang bị suy kiệt vì tuyệt thực, yêu cầu được chịu bí tích Xức Dầu là bí tích Công Giáo ban cho người bệnh có nguy cơ lâm chung. Nhưng cũng đã bị nhà cầm quyền trại giam từ chối. Sắp tới có thể 4 anh trong họ sẽ bị đưa ra xét xử.
Tại sao hành hương tới Nhà Thờ Đức Bà Chartes?
Có thể Chartres là một thánh địa hành hương lâu đời nhất ở nước Pháp. Từ hơn 1 ngàn năm nay hay ít nhất là từ năm 876, khi thánh đường Chartres lưu giữ di vật thánh của Đức Mẹ Maria đã có đến hàng triệu triệu người đến hành hương cầu nguyện. Vì để trong một hộp đóng kín, nên trong gần 10 thế kỷ, người ta nghĩ đó là tấm áo của Đức Mẹ. Nhưng vào năm 1712 khi Giáo Hội cho mở, thì mới biết đó là một tấm khăn choàng của Mẹ Thiên Chúa bằng lụa rộng 46cm và dài 5,35 m. Sau cách mạng Pháp, năm 1793 nhiều kẻ đã phá hộp này và chiếc khăn đã bị cắt ra làm nhiều mảnh thất lạc tứ tán. Trong suốt 200 năm, rất nhiều nỗ lực đã được đầu tư để thu hồi Khăn Choàng gồm nhiều mảnh nhỏ và một mảnh lớn dài hơn 2 mét. Năm 1927, một cuộc kiểm tra khoa học chứng minh các mảnh đó đều thuộc về Khăn Choàng và Khăn này có niên đại những năm đầu công nguyên.
Cuộc hành hương từ Paris-Chartres đầu tiên diễn ra cách đây 100 năm (1912), khi nhà văn Pháp Charles Péguy đi bộ từ Paris đến Chartres để cầu nguyện cho con của mình bệnh nặng. Năm 1914, khi nhà văn Péguy mất, các bạn bè và gia đình của ông tiếp tục đi hành hương Paris-Chartres hàng năm để tưởng nhớ đến ông. Từ đó, cuộc hành hương Paris-Chartres ngày càng thu hút nhiều người tham gia với nhiều hình thức khác nhau. Có những nhóm đi bộ suốt 88 cây số trong vòng 4 ngày từ Nhà Thờ Đức Bà ở Paris đến Nhà Thờ Đức Bà ở Chartres. Nhưng đa số các nhóm đi xe lửa từ Paris đến một làng nhỏ, rồi đi bộ đến Chartres, để cuộc hành hương có thể diễn ra trong vòng một ngày. Đây cũng là hình thức được Hội Thanh Thiếu Niên Việt Nam (HTTN) tại Paris chọn để tạo điều kiện thuật lợi cho nhiều người tham gia.
Tuy thời tiết không được ấm cho lắm, nhưng mọi người điều vui vẻ vừa đi bộ, vừa cầu nguyện, vừa hát Kinh Hòa Bình. Con đường từ St-Prest đến Chartres, có lúc đi trong rừng, có lúc đi ngoài đồng cỏ, quanh co theo con sông Eure. Khi đến Chartres, phái đoàn phải leo dốc và hơn 100 bậc đá mới tới nơi vì Nhà Thờ Đức Bà Chartres nằm trên đỉnh cao nhất trong vùng. Ngôi Nhà Thờ Đức Bà Chartres nguy nga hiện nay được xây cất lại vào thế kỷ XIII trên nền một nhà thờ nhỏ hiện hữu tại đó từ thế kỷ thứ IX.
Trên quảng trường trước Nhà Thờ, đoàn hành hương đã được cha giám quản Thánh Đường, Dominique Aubert chào mừng tiếp đón. Đại diện cho phái đoàn hành hương, Cha Thành có lời cảm tạ cha sở Aubert bằng tiếng Anh, và trình bày với các người bản xứ và du khách mục đích của buổi hành hương hôm nay. Sau đó, Cha Aubert dẫn phái đoàn hành hương đến 3 nơi đặc biệt trong Nhà Thờ. Đầu tiên là tượng Đức Mẹ Trụ Cột, khắc trên gỗ vào năm 1540. Tiếp đó là Di Tích Khăng Choàng của Đức Mẹ Maria, mang từ Thánh Địa Jérusalem đến Pháp vào thế kỷ thứ 9 và được trưng bày ở đây từ đó. Thông thường, Di Tích này không có trưng bày cho du khách xem, nhưng chỉ mang ra khi có một sự kiện đặc biệt như ngày hôm nay. Nơi thứ 3 là Nhà thờ hầm, ở dưới Nhà Thờ Đức Bà hiện nay, nơi mà trước đây có nhà thờ nhỏ thời thế kỷ thứ IX. Tại 3 nơi đây, phái đoàn hành hương điều cầu nguyện và ca hát bằng tiếng Việt.
Đoàn Hành Hương Việt Nam đầu tiên từ trước tới nay
Cha giám quản cho biết “đây là phái đoàn Việt Nam đầu tiên tới hành hương”. Điều này khiến mọi người thêm phấn khởi.
Tiếp đó, phái đoàn hành hương tập trung trên công trường phía trước Nhà Thờ Đức Bà Chartres. Tại đây, các người du khách và bản xứ có thể xem các bản triễn lãm nói về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, và đặc biệt các chi tiết về 17 Thanh Niên Công Giáo bị nhà cầm quyền CSVN giam cầm thừ năm 2011.
Anh Lai Xuân Dũng, hội trưởng Hội Thanh Thiếu Niên Việt Nam tại Paris (HTTN) đã có đôi lời bằng tiếng Việt đến mọi người. Anh Dũng nói rằng hội HTTN không thể nào nhắm mắt làm ngơ, vô cảm và đã đáp lơì kêu gọi "Đừng im tiê’ng mà phải lên tiê’ng", bênh vực và đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do lập tức cho 17 Thanh Niên Công Giáo, vì các bạn này là những người yêu nước thật sự, tranh đấu cho Công Lý và Sự Thật chứ không phải là những tội phạm như nhà cầm quyền CSVN cáo buộc, và cũng không quên những tù nhân lương tâm, tôn giáo, cùng các tùnhân chính trị khác. Anh Dũng nói thêm đây không phải là lần đầu tiên hội HTTN hiệp thông chia sẻ với 17 anh em Thanh Niên Công Giáo. Năm 2011, hội HTTN đã cộng tác với một số tổ chức khác để khuấy động dư luận về trường họp của 17 bạn trẻ, như buổi lễ tại Nhà Thờ Đức Bà ở Paris ngày 2 tháng 10, 2011, và buổi thắp nến cầu nguyện nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền vào ngày 10 tháng 12, 2011.
Sau anh Dũng, anh Khôi, một hội viên của HTTN, trình bày bằng tiếng Pháp lý do của buổi hành hương hôm nay, và tại sao anh Khôi và các bạn trẻ khác thuộc HTTN muốn hiệp thông với 17 bản trẻ đang bị giam cầm. Tiếp theo, bác sĩ Trần Đức Tường trình bày lời cầu nguyện cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Sau các lời phát biểu là điệu múa"Nguyện Cầu" do các thành viên của HTTN trình diễn, và một số họp ca với các bài như "Đừng Đứng Nhìn", "Hành Trang Tuổi Trẻ", "Hãy thắp sáng lên niềm tin", "Kinh Hòa Bình", v.v.
Đến 17 giờ, mọi người tiến về Nhà thờ hầm để dự lể, do Cha Phanxico Xavie Nguyễn Đức Thành chủ tế. Trong bài giảng, Cha Thành nói lên lòng Nhân Ái của người Kitô Giáo, thể hiện qua việc làm của 17 anh em Thanh Niên Công Giáo. Mọi người cùng nhau dâng lời cầu nguyện bình an cho Paulus Lê Văn Sơn, Anton Đậu Văn Dương, Gioan Baotixita Hoàng Phong, Gioan Nguyễn Văn Oai, Tạ Phong Tần, Paul Trần Minh Nhật, Phêrô Nguyễn Xuân Anh, Phalô Hồ Văn Oanh, Gioan Baotixita Nguyễn Văn Duyệt, Phêrô Trần Vũ Anh Bình, Phêrô Trần Hữu Đức, Phanxico Xavie Đặng Xuân Diệu, Phêrô Hồ Đức Hòa, Phêrô Nguyễn Đình Chương, Nông Hùng Anh, Gioan Thái Văn Dung, và Antôn Chu Mạnh Sơn. Cuối thánh lể, Anh Dũng đại diện Hội Thanh Thiếu Niên Viêt Nam tai Paris có đôi lời cám ơn Cha Thành và những người tham dự buổi hành hương này. Mọi người chia tay ra về trong niềm hân hoan, vui vẻ, dưới sự che chở phù hộ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tất cả người hành hương được tặng một xâu chuỗi với hình ảnh của 17 Thanh Niên Công Giáo làm kỷ niệm.
Mạc Khải (Thanhnienconggiao)
Một số hình ảnh buổi hành hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét