2012/05/12

Cảnh giác với thủ đoạn chơi xấu!


Lê Nguyên Hồng

11/05/2012
Theo thông tin từ báo chí trong nước, chỉ riêng năm 2008 đã có tới hơn 400 ngàn lượt kiều bào người Việt về quê thăm thân, du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hoạt động kinh doanh. Như vậy cho đến năm 2012 này con số đó sẽ tiếp tục tăng, ước tính năm nay sẽ có không dưới 500 ngàn lượt người gốc Việt về lại quê hương với những mục đích khác nhau. Một trong những mục đích đó, chính là nhiều người muốn về nước để sát cánh cùng đồng bào trong nước trên mặt trận đấu tranh chính trị.
Hiện nay Đảng Việt Tân là một tổ chức bị chế độ Cộng Sản trong nước “chĩa mũi dùi” mạnh nhất, không chỉ bởi đảng này đã quy tụ được rất nhiều những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước tham gia, mà còn bởi sự lớn mạnh không thể cưỡng lại của họ trong xu thế tháo gỡ Độc tài chung trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Vì lẽ đó, nhà cầm quyền Hà Nội do không còn có thể bám víu vào lý do gì để đàn áp Đảng Việt Tân, nên họ quay lại luận điệu cũ, đó là vu cáo cho Việt Tân là tổ chức “khủng bố”.
Dư luận hẳn còn nhớ, tháng 11/ 2007 vợ chồng ông bà Lê Văn Phan và Nguyễn Thị Thịnh - việt kiều Mỹ - đã bị công an bắt giữ tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất vì “trong hành lý có một khẩu súng Ruger và 13 viên đạn”. Rà soát lại câu chuyện chúng ta thấy: Ông bà Phan đã xuất cảnh từ Hoa Kỳ bằng đường hàng không, sau đó quá cảnh tại Hồng Kông. Như vậy là họ đã qua ít nhất 3 lần cung đoạn kiểm tra hành lý cá nhân tại các cổng an ninh của hai cửa khẩu hàng không có sự trang bị kỹ thuật tối tân nhất, và nghiêm ngặt số 1 thế giới.
Nhưng đến khi hai vợ chồng ông bà Phan về đến cửa khẩu Tân Sơn Nhất, họ lại bị “phát hiện có vũ khí”. Đây là một chi tiết khó chấp nhận, vì trước đó họ đã bị kiểm tra hành lý tại những cổng an ninh hàng đầu thế giới, mà đối với Việt Nam chắc hẳn không thể so sánh về mặt phương tiện kỹ thuật. Ngay khi báo chí trong nước loan tải tin về “bắt nhóm khủng bố có súng” là ông bà Phan tháng 11/2007, người ta đã nghĩ ngay đến một màn kịch nhét vũ khí vào hành lý của hành khách, tạo chứng cớ giả của công an Việt Nam. Nhưng cuối cùng thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cũng phải chấp nhận thả vợ chồng ông bà Phan vô điều kiện, mà không thể đưa ra bất cứ cáo buộc nào…
Thủ đoạn tạo chứng cứ giả là thủ đoạn không mới. Nó thường được công an an ninh Việt Nam áp dụng trong tình thế muốn bắt người nhưng không có lý do. Điều này cũng đã xảy ra với nhà đấu tranh ôn hòa Cù Huy Hà Vũ: Ban đầu là lý do “kiểm tra hành chính” sau đó là “phát hiện hai bao cao su đã qua sử dụng”, và bước tiếp theo là “vì phát hiện hai bao cao su nên cần phải… kiểm tra máy tính”, cuối cùng là “phát hiện tội phạm can tội tuyên truyền chống nhà nước”. Đó quả thực là một trò hề, nhưng để vừa lòng cấp trên, công an Việt Nam đã bất chấp, nhắm mắt làm điều phi lý…
Để gán ghép tội “khủng bố” cho Đảng Việt Tân, năm 2007- khi công an bắt nhóm của tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân – họ thậm chí chẳng ngần ngại khi đưa ra những bằng chứng mà đến trẻ con cũng không thể chấp nhận, trích: “Ngày 17/11, lực lượng An ninh Việt Nam đã kịp thời phát hiện và bắt giữ một nhóm đối tượng có hành vi khủng bố thuộc mạng lưới của Việt Tân, thu giữ gần 7.000 tờ truyền đơn phản động của Việt Tân, hơn 8.000 bao thư, 3.775 tem bưu chính, 1.000 đề can in logo của Việt Tân, trên đó có ghi tần số, giờ phát sóng của đài “Chân trời mới”… (Báo CAND ngày 27/11/2007). Nếu như với những tài liệu in trên giấy trắng như vậy mà họ còn có thể vu cho người ta tội khủng bố, thì có thể vài cây kim khâu, hay hộp lưỡi lam cạo râu, cũng có thể được coi là súng đại bác vậy!
Vậy làm cách nào để phòng tránh chuyện bị công an nhét vũ khí vào hành lý? Cách tốt nhất là khi về nước, các nhà đấu trang ôn hòa chỉ nên mang đồ tư trang gọn nhẹ theo bên mình, hành lý khác nên gửi bằng chuyến bay khác, ta có thể nhân sau. Hoặc là mua sắm đồ dùng ngay tại Việt Nam. Nhưng lưu ý rằng, họ chắc chắn sẽ bị bắt, nếu công an nắm được thân nhân của họ. Trường hợp này vừa mới xảy ra đối với tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân – đảng viên Đảng Việt Tân – tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngày 17/4/2012. Đây lại là cung đoạn đấu tranh tiếp của cả cộng đồng người Việt và quốc tế…
Qủa thật, chế độ Cộng Sản Việt Nam rất lo sợ sự lớn mạnh của Đảng Việt Tân. Điều này có thể thấy qua việc họ luôn áp đặt người này người kia là đảng viên Việt Tân, trong khi họ chẳng có bằng chứng gì. Ví dụ như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Trần Luật, luật sư Lê Quốc Quân, thậm chí cả diễn viên điện ảnh luật sư Trịnh Hội vv…, cũng bị công an vặn vẹo về tội hết sức mơ hồ, đó là họ có phải là người của Việt Tân hay không…
Xét trên góc độ pháp lý, tòa án không thể xét xử một người chỉ với tội danh “tham gia Đảng Việt Tân” hay tham gia một tổ chức ôn hòa tương tự. Điều này cho dù đối với chế độ Độc tài, có thể họ bất chấp. Nhưng trước xu thế minh bạch bắt buộc đối với quốc tế, chắc chắn sự bất công này phải được xóa bỏ. Bằng chứng là công an đã buộc phải thả chị Bùi Thị Minh Hằng, và họ rất có thể sẽ phải thả tiếp các nhà đấu tranh ôn hòa khác như Nguyễn Quốc Quân, Điếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Tạ Phong Tần vv…
Tuy nhiên, nếu các nhà đấu tranh ôn hòa rút được kinh nghiệm từ bài học của ông Lê Văn Phan và bà Nguyễn Thị Thịnh, thì họ cũng có thể tự biết cách linh động để đối phó với hoàn cảnh của mình. Tất nhiên, sự chấp nhận nguy hiểm là điều họ đã có sự chuẩn bị tâm lý trước. Là một người Việt, khi ta về nước tức là ta về với quê cha đất tổ, về với đồng bào. Vì vậy chắc chắn ta sẽ được đồng bào bảo vệ. Ngoài ra những kiều bào về nước đấu tranh còn có sức mạnh gần như tuyệt đối, đó là họ được chính phủ của các nước dân chủ đang cưu mang họ bảo vệ trên phương diện pháp lý.
Riêng đối với tội danh “khủng bố”, có thể khẳng định là nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không thể quy chụp cho những chính đảng quyết tâm theo đuổi đường lối đấu tranh chính trị ôn hòa như Đảng Việt Tân được. Vì không đời nào một tổ chức khủng bố có thể tồn tại công khai trên đất Mỹ - một quốc gia hàng đầu thế giới về chống khủng bố. Dẫu vậy, các nhà đấu tranh về nước chung lung đấu cật cùng đồng bào, vẫn phải cố gắng làm sao đó để vô hiệu hóa các trò “gắp lửa bỏ tay người” của chế độ Cộng Sản.
Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét