2012/04/27

Tại sao Phản kháng Dân sự lại thành công? (2)


Maria J.Stephan và Erica Chenoweth

(Kỳ 2, tiếp theo kỳ 1 ngày 31/03/2012)
Kiểm định lý thuyết
Ronaldo Francisco và những nhà nghiên cứu khác đã phát hiện rằng các cuộc trấn áp của chính quyền đều gây ra hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” và làm tăng sự tham gia (huy động) của dân chúng cho phong trào phản kháng, trong khi một số học giả khác lại thấy có sự biến thiên trong các hiệu ứng của trấn áp đối với sự huy động dân chúng.[31] Tính khoan dung của chính quyền trong các cuộc trấn áp cũng được thấy có thể phụ thuộc vào tính chất bất bạo động hay bạo động của một phong trào phản kháng.[32] Động lực này được thể hiện ở giả thuyết 1 dưới đây.
Giả thuyết 1: Ý chí sử dụng bạo lực của chính quyền sẽ làm tăng khả năng thành công cho các phong trào bất bạo động nhưng lại gây bất lợi cho các phong trào bạo động.
Thách thức hoặc bất tuân mệnh lệnh là một hành vi không bình thường của lực lượng an ninh. Các biểu hiện của đào ngũ, ly khai trong hàng ngũ quân đội là những dấu chỉ cho thấy chính quyền không còn điều khiển được sự hợp tác hay sự tuân phục của một trụ đỡ quan trọng bậc nhất của nó nữa. Sự thách thức bất bạo động có nhiều khả năng tạo ra thiện cảm, ủng hộ trong lực lượng an ninh đối với những người phản kháng, trong khi các đấu tranh vũ trang lại dễ có khả năng làm cho các hàng ngũ an ninh siết chặt lại với nhau để chống lại phong trào phản kháng. Giả thuyết 2 sẽ giải thích dự báo này.
Giả thuyết 2: Đấu tranh bất bạo động có lợi thế tương đối lớn hơn đấu tranh bạo động trong việc tạo ra chuyển đổi thiện cảm, ủng hộ trong lực lượng an ninh đối với sự phản kháng.
Bên cạnh việc nhận được thiện cảm và khả năng tăng thêm cho tính chính đáng, một phong trào bất bạo động bị đàn áp bằng bạo lực còn có thể nhận được sự ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Mặc dù cuộc nghiên cứu này không nhằm lập danh mục tất cả các dạng trợ giúp từ nước ngoài nhưng dư luận thường cho rằng các trừng phạt quốc tế nhằm vào một chế độ đàn áp sẽ giúp cho các phong trào bất bạo động phát triển tốt hơn.
Giả thuyết 3 dưới đây cho rằng các phong trào bất bạo động nhận được lợi thế từ các hỗ trợ bên ngoài.
Giả thuyết 3: Các trừng phạt quốc tế và các trợ giúp công khai của các quốc gia cho các phong trào phản kháng sẽ hướng tới các phong trào bất bạo động hơn là bạo động.
Cuối cùng, có thể hỗ trợ từ bên ngoài sẽ dành cho chính quyền đang bị thách thức để chống lại các phong trào bạo động với lý do là các phong trào đó được xem như là những thách đố bất chính đối với một trật tự đã được thiết lập. Các chính quyền đang bị thách thức cũng có thể nhận được hỗ trợ của đồng minh để chống lại các phong trào phản kháng bất bạo động.[33] Phán đoán của chúng tôi là các động thái đó sẽ làm giảm khả năng thành công cho các phong trào phản kháng vì chính quyền đã nhận được những nguồn trợ giúp lớn hơn so với phong trào phản kháng.[34] Giả thuyết 4 sẽ đề cập yếu tố này.
Giả thuyết 4: Trợ giúp của quốc gia bên ngoài cho chính quyền đang bị thách thức sẽ gây bất lợi cho cả hai loại phong trào bất bạo động và bạo động.
Mô hình nghiên cứu và Phương pháp luận
Mục đích nghiên cứu của chúng tôi gồm ba phần: trước tiên, xác định xem loại phong trào đấu tranh nào (bất bạo động hay bạo động) có tiền sử tốt hơn trong việc đạt được các mục tiêu đã định; thứ hai, thăm dò biến số (yếu tố) nào ảnh hưởng tới kết quả của phong trào; và ba là tìm hiểu xem phải chăng các yếu tố cấu trúc có ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại. Nhằm vào những mục đích này, chúng tôi đã lập Bộ dữ liệu Kết quả của các Xung đột Bạo động và Bất bạo động (NAVCO), trong đó gồm các dữ liệu gộp của 323 phong trào đấu tranh bất bạo động và bạo động xảy ra từ năm 1900 đến 2006.[35]
Chúng tôi định nghĩa một phong trào phản kháng là một loạt các hoạt động có tính chiến thuật, liên tục, có thể quan sát được, nhằm đạt được một mục đích chính trị. Một phong trào phản kháng có thể kéo dài từ nhiều ngày đến nhiều năm. Các phong trào đều có lãnh đạo rõ ràng và thường có tên gọi riêng, khác với các cuộc bạo loạn ngẫu nhiên hoặc các hành động tự phát của quần chúng.[36] Thông thường, các phong trào đều có điểm khởi đầu và điểm kết thúc có thể thấy rõ, nối nhau bằng nhiều sự kiện. Việc lựa chọn các phong trào và xác định các thời điểm khởi đầu và kết thúc của chúng được chúng tôi thực hiện dựa trên một mẫu được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau và có sự nhất trí của nhiều học giả.[37]
Việc đặt tên cho một phong trào là “bất bạo động” và một phong trào khác là “bạo động” là một việc khó khăn. Trong nhiều trường hợp, cả hai loại hoạt động “bạo động” và “bất bạo động” đều cùng diễn ra trong các nhóm đấu tranh khác nhau. Hơn nữa, một số nhóm lại sử dụng cả hai phương pháp bạo động và bất bạo động trong quá trình đấu tranh, như phong trào ANC (African National Congress) ở Nam Phi. Việc mô tả một phong trào là bất bạo động hay bạo động đã làm đơn giản hóa đi sự phức tạp của các phương pháp đấu tranh.
Để giải quyết các khó khăn đó, chúng tôi đã lập ra một số chuẩn bao hàm (inclusion) cho mỗi loại. Danh sách các phong trào bất bạo động ban đầu được chúng tôi tập hợp từ việc xem xét bao quát các tài liệu, ghi chép, nghiên cứu về các xung đột hay các phong trào xã hội bất bạo động. Sau đó chúng tôi thẩm tra các dữ liệu đó với các nguồn khác nhau, bao gồm cả các từ điển bách khoa, các điển cứu (case studies) và các thư mục toàn tập về các cuộc đấu tranh dân sự bất bạo động của April Carter, Howard Clark và Michael Randle.[38] Cuối cùng, các phong trào được chọn ra lại được chuyển cho các chuyên gia về xung đột bất bạo động để họ xem chúng có xứng đáng được xếp hạng vào các xung đột bất bạo động lớn hoặc cũng để xem có trường hợp nổi tiếng nào bị bỏ sót không. Những trường hợp được đề nghị thêm bởi các chuyên gia cũng đều được đưa vào thẩm định cùng một qui trình như thế. Tập dữ liệu thu được bao gồm các phong trào đấu tranh lớn có tính chất bất bạo động ngay từ khởi thủy hoặc suốt cả quá trình tồn tại. Các phong trào đã thực hiện một số lượng có ý nghĩa các hành động bạo lực đều được đánh mã là bạo động. Dữ liệu về các phong trào bạo động được lấy chủ yếu từ bản cập nhật Kristian Gleditsch’s 2004, tập dữ liệu Correlates of War về các cuộc nội chiến (COW) và từ danh sách Kalev Sepp về các chiến dịch chống nổi dậy có qui mô lớn trong các cuộc xung đột sau năm 2002.[39]
Đơn vị phân tích là năm (theo lịch quốc gia) khi phong trào đạt tới đỉnh điểm. Việc quan sát, đánh giá diễn tiến của một phong trào thuộc năm thể hiện “đỉnh” của phong trào. Trong nhiều trường hợp, khi một phong trào diễn ra chỉ trong một năm thì năm đạt đỉnh là rất rõ ràng. Bên cạnh đó lại có những phong trào kéo dài nhiều năm, trong những trường hợp này thì đỉnh của phong trào được xác định bằng một trong hai tiêu chuẩn: (1) năm có số thành viên lớn nhất tham gia vào các hoạt động; hoặc (2) khi các thông tin về thành viên của phong trào không có hoặc bị thất lạc thì đỉnh điểm sẽ được coi là năm mà phong trào kết thúc do bị trấn áp, bị tan rã hoặc đã thành công.
Kết cục của phong trào được xác định theo ba mức: “thành công”, “thành công hạn chế” hoặc “thất bại”. Để được cho là “thành công”, một phong trào phải thỏa mãn hai tiêu chí: (1) mục đích đã được công bố phải đạt được trong một khoảng thời gian là hai năm kể từ khi phong trào kết thúc; và (2) phong trào phải tạo ra một hiệu ứng có thể phân biệt được sau khi phong trào kết thúc.[40] “Thành công hạn chế” là khi một phong trào đạt được những nhượng bộ có ý nghĩa (ví dụ, được quyền tự trị một phần, được chia sẻ quyền lực ở cấp địa phương, hoặc có sự thay đổi về lãnh đạo (không do bầu cử) trong trường hợp phong trào xảy ra trong chính thể độc tài) trong khi các mục đích đã công bố không đạt được hoàn toàn (ví dụ: độc lập về lãnh thổ hoặc lập chính quyền mới thông qua bầu cử tự do và công bằng).[41] Một phong trào được đánh mã “thất bại” khi không đạt được các mục đích hoặc không đạt được các nhượng bộ có ý nghĩa.[42]
Để kiểm định bốn giả thuyết trên, chúng tôi đã tập hợp các dữ liệu dựa trên nhiều biến số độc lập. Chúng tôi cũng tạo ra một biến số giả cho yếu tố bạo lực của chính quyền, đó là biến số phân đôi (dichotomous) nhằm xác định khả năng chính quyền sử dụng bạo lực để trấn áp phong trào.[43] Chúng tôi cho rằng hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” dễ xảy ra hơn khi chính quyền dùng bạo lực để trấn áp một phong trào bất bạo động và cho rằng nguyên nhân là do sự trấn áp đã gây ra sự phẫn nộ ở trong và ngoài nước.[44] Vì vậy sự trấn áp của chính quyền sẽ có hiệu ứng tích cực đối với xác suất thành công của các phong trào bất bạo động và làm giảm các cơ hội thành công cho các phong trào bạo động.
Chúng tôi cũng tạo ra một biến số phân đôi khác để xác định các trường hợp đào ngũ, ly khai trong lực lượng an ninh của chính quyền. Biến số (có tính thước đo) này không đánh giá các trường hợp đào ngũ cá nhân mà đánh giá tình trạng suy sụp có hệ thống và ở diện rộng trong việc thực hiện mệnh lệnh của chính quyền.[45] Chúng tôi coi các trường hợp đào ngũ trong lực lượng an ninh như một thước đo nghiêm ngặt cho sự chuyển dịch sự trung thành trong chính quyền nhưng chỉ số này không thể hiện được sự chuyển dịch trung thành trong xã hội dân sự hay cơ quan hành chính của chính quyền. Thước đo nghiêm ngặt đó bao gồm các đào ngũ xảy ra cho tới tận khi phong trào kết thúc và chúng tôi cũng cho rằng điều đó có hiệu ứng tích cực đối với xác suất thành công của phong trào phản kháng.
Các biến số độc lập khác là mức độ ủng hộ từ bên ngoài cho phong trào phản kháng và cho chính quyền (đang bị phản đối). Sự ủng hộ từ bên ngoài cho phong trào phản kháng có thể xác định bằng hai biến số riêng biệt: sự bảo trợ của chính phủ nước ngoài đối với phong trào và các trừng phạt quốc tế. Sau đó chúng tôi đã đưa vào một biến số dùng để xác định xem một phong trào có nhận được các trợ giúp công khai về vật chất (quân sự hoặc kinh tế) từ các quốc gia trên thế giới để chống lại chế độ hay không; và một biến số khác để cho thấy một chính quyền có phải là mục tiêu của các trừng phạt quốc tế liên quan tới hành vi của nó đối với phong trào phản kháng hay không.[46] Đồng thời chúng tôi cũng tạo ra một biến số phân đôi để xác định chính quyền có nhận được trợ giúp quân sự từ chính phủ nước ngoài để chống lại phong trào phản kháng hay không.[47]
Cuối cùng, chúng tôi đưa thêm vào nhiều biến số kiểm soát. Một số học giả đã kết luận rằng các chính quyền dân chủ có khả năng dung thứ lớn hơn đối với các bất đồng, có sự chống đối lớn hơn trong việc sử dụng bạo lực để trấn áp các phong trào đối lập trong nước và có một công chúng có khả năng tạo ra các áp đặt cao hơn. Do đó cả hai loại phản kháng bất bạo động và bạo động đều có khả năng thành công lớn hơn trong các chế độ dân chủ so với các chế độ độc tài.[48] Để thẩm định các hiệu ứng này, chúng tôi đã sử dụng bảng tính điểm thể chế cho chế độ (gọi là Polity IV), được tính lùi lại trước một năm so với thời điểm kết thúc của phong trào.[49] Tiếp theo, chúng tôi kiểm định độ dài của xung đột (tính bằng ngày), vì độ dài về thời gian cũng có thể tác động tới hệ quả của phong trào.[50] Các biến số giả Chiến tranh lạnh và hậu Chiến tranh lạnh cũng được đưa vào để đánh giá, với thời kỳ chiến tranh lạnh từ 1949 – 1991 và hậu chiến tranh lạnh là 1992-2006.
- - -
[31] Công trình rất quan trọng này là của Karen Rasler, “Concessions, Repression, and Political Protest in the Iranian Revolution,” American Sociological Review, Vol. 61, No. 1 (February 1996), pp. 132–152. Xem thêm cả Ronald A. Francisco, “After the Massacre: Mobilization in the Wake of Harsh Repression,” Mobilization: An International Journal, Vol. 9, No. 2 (June 2004), pp. 107–126; Ruud Koopmans, “The Dynamics of Protest Waves: West Germany, 1965 to 1989,” American Sociological Review, Vol. 58, No. 5 (October 1993), pp. 637–658; and Clifford Bob and Sharon Erickson Nepstad, “Kill a Leader, Murder a Movement? Leadership and Assassination in Social Movements,” American Behavioral Scientist, Vol. 50, No. 10 (June 2007), pp. 1370–1394.
[32] Các nghiên cứu trong tương lai nên tìm hiểu liệu một chế độ có khả năng phân biệt giữa những người phản kháng với dân thường trong khi đàn áp có thể tránh được hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” không. Để biết thêm một nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, xem Ronald A. Francisco, “The Dictator’s Dilemma,” in Christian Davenport, Hank Johnston, and Carol Mueller, eds.,Repression and Mobilization (Minneapolis: University of Minnesota Press, 2005).
[33] Ví dụ, Nga đã công khai ủng hộ các chính phủ của Gru-dia và Ukrai-na trong các cuộc “cách mạng màu”.
[34] Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra một tương quan mật thiết và tích cực giữa đấu tranh bất bạo động với quá trình dân chủ hóa bền vững. Karatnycky and Ackerman, How Freedom Is Won.
[35] Tập dữ liệu NAVCO có chứa một mẫu các phong trào đấu tranh (phản kháng) dựa trên các dữ liệu có sự thống nhất của các học giả về cả hai loại xung đột bạo động và bất bạo động. Các phong trào phản kháng bao hàm cả các phong trào nhằm làm thay đổi chế độ trong nước và cả chống lại sự chiếm đóng của nước ngoài hoặc cả việc giành độc lập hoặc đạt được quyền tự quyết. Những dữ liệu còn thiếu là các dữ liệu liên quan tới các phong trào kinh tế, xã hội lớn như các phong trào đòi các quyền dân sự và các phong trào dân túy ở Hoa Kỳ. Để được đưa vào tập dữ liệu NAVCO, một phong trào buộc phải có một mục tiêu nhằm gây gián đoạn lớn về chính trị, ví dụ như chấm dứt chế độ chính trị hiện hành, kết thúc sự đóng quân của nước ngoài hoặc giành được độc lập. Có khoảng 10 phong trào (4 là bất bạo động và 6 là bạo động) đều không phù hợp với bất kỳ tiêu chí nào như vừa nói nhưng đã được chấp nhận đưa vào tập dữ liệu. Bảng xếp mã cho thấy mỗi phong trào đều có một mục đích thống nhất, nhưng hầu như tất cả đều có nhiều phe nhóm khác nhau. Các động lực do các hoàn cảnh đó tạo ra sẽ được xem xét ở một nghiên cứu khác.
[36] Ackerman and Kruegler, Strategic Nonviolent Conflict, pp. 10–11; Pape,Dying to Win; and Horowitz and Reiter, “When Does Aerial Bombing Work?”
[37] Có một số khó khăn khi sử dụng phương pháp này. Thứ nhất, rất khó đánh giá sức mạnh của một phong trào và các hoạt động của nó theo thời gian. Thứ hai, thiếu các dữ liệu về các sự kiện (event) cụ thể thì về lý thuyết sẽ khó có thể so sánh tất cả các phong trào được coi là tương đương nhau khi ta lại biết một số có khả năng gây gián đoạn chính trị tốt hơn các phong trào khác. Nhưng cũng có những lý do ủng hộ cho việc phân tích các phong trào hơn là phân tích các sự kiện. Thứ nhất, các dữ liệu về sự kiện khó thu thập hơn nên việc khái quát hóa một cuộc xung đột gần như là không thể. Bằng cách phân tích các phong trào thay cho các sự kiện riêng biệt, chúng tôi có thể đi đến các nhận xét tổng quát về những phong trào mà chúng cho phép tìm hiểu sâu hơn thông qua các điển cứu sâu hơn (in-depth case study). Hơn nữa, các phong trào phản kháng liên quan tới nhiều hoạt động khác hơn là các sự kiện được biểu hiện ra ngoài. Ví dụ, chúng còn liên quan tới việc lập kế hoạch, tuyển người, huấn luyện, tình báo và các đặc vụ khác với các hoạt động gây gián đoạn dễ nhìn thấy nhất. Việc sử dụng sự kiện như đơn vị phân tích cơ bản sẽ bỏ sót mất các hoạt động khác, còn khi phân tích các phong trào lại giúp chúng tôi xem xét được qui mô hoạt động đầy đủ hơn của các phong trào.
[38] April Carter, Howard Clark, and Michael Randle, eds., People Power and Protest since 1945: A Bibliography on Nonviolent Action (London: Housmans, 2006). See also Ronald M. McCarthy and Gene Sharp, Nonviolent Action: A Research Guide (New York and London: Garland, 1997).
[39] Kristian Gleditsch, “A Revised List of Wars Between and Within Independent States, 1816– 2002,” International Interactions, Vol. 30, No. 3 (July–September 2004), pp. 231–262; and Kalev Sepp, “Best Practices in Counterinsurgency,”Military Review, Vol. 85, No. 3 (May–June 2005), pp. 8–12. Tập dữ liệu COW đòi hỏi phải có 1000 người tử vong trong quá trình xung đột giữa các nhóm có vũ trang. Chúng tôi cũng đã đối chiếu với dữ liệu các phong trào kháng chiến của Jason Lyall and Isaih Wilson III. Xem Lyall and Wilson, “Rage against the Machines: Explaining Outcomes in Counterinsurgency Wars,” unpublished paper, Princeton University, 2008.
[40] Xem Hufbauer, Schott, and Elliott, Economic Sanctions Reconsidered; and Pape, “Why Economic Sanctions Do Not Work.” Ngưỡng hai năm giải thích cho sự chậm trễ về hoạt động hoặc trong việc cung cấp nguồn lực để đem lại kết quả cuối cùng.
[41] Có một lo lắng thật sự, đặc biệt liên quan tới các phong trào bất bạo động, là tập dữ liệu của chúng tôi đã bị thu thập thiên về các phong trào thành công, vì các phong trào được ghi nhận thường là các phong trào lớn và mạnh. Đã có các phong trào bất bạo động non trẻ đã bị dập tắt ngay khi mới phôi thai (và vì vậy đã thất bại) không thể có mặt trong tập dữ liệu. Đây chính là hạn chế lớn khó tránh được trong nghiên cứu này. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã nhờ các chuyên gia hàng đầu về các phong trào bất bạo động xem lại tập dữ liệu để đảm bảo là chúng tôi đã tính cả các phong trào bị thất bại. Chúng tôi còn sử dụng cả các test phức hợp để thẩm định chéo cho cả hai loại bất bạo động và bạo động và cả test riêng các trường hợp bất bạo động nhằm đảm bảo sự chân thực cho các kết quả. Tuy nhiên nếu có những phong trào quan trọng không có mặt trong tập dữ liệu này thì chỉ đơn giản là vì chúng tôi không được biết.
[42] Khi một phong trào vẫn đang diễn ra thì đánh giá được ghi cho năm 2006 và được đánh mã là thất bại. Một ví dụ là phong trào tại Tây Papua chống lại việc chiếm đóng của Indonesia từ năm 1964 đến nay, phong trào này được đánh mã là thất bại vào năm 2006.
[43] Dupuy Institute, Armed Conflict Events Database, Release Version Beta 1.2.1,ttp://www.onwar.com/aced/index.htm; Zunes, “Unarmed Insurrections against Authoritarian Regimes”; Schock,Unarmed Insurrections; Karatnycky and Ackerman, How Freedom Is Won; Zunes, Kurtz, and Asher, Nonviolent Social Movements; Wehr, Burgess, and Burgess, Justice without Violence; Central Intelligence Agency, The World Factbook, 2007 (Washington, D.C.: Central Intelligence Agency, 2006); Sepp, “Best Practices in Counterinsurgency”; and Carter, Clark, and Randle, People Power and Protest since 1945.
[44] Các thông tin đến từ các phương tiện truyền thông có thể gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau. Ví dụ, xem Martin,Justice Ignited.
[45] Dữ liệu được tập hợp bởi Dupuy Institute, Armed Conflict Events Database;Zunes, “Unarmed Insurrections against Authoritarian Regimes”; Schock, Unarmed Insurrections; Karatnycky and Ackerman, How Freedom Is Won;Zunes, Kurtz, and Asher, Nonviolent Social Movements; Wehr, Burgess, and Burgess, Justice without Violence;Central Intelligence Agency, The World Factbook, 2007;and Carter, Clarke, and Randle, People Power and Protest since 1945.
[46] Biến số về trợ giúp bên ngoài không bao gồm các trợ giúp ngầm – những cái không thể xác định được trừ khi bị rò rỉ ra công luận. Việc đo lường này cũng không bao gồm các trợ giúp âm thầm của các chính phủ thông qua các tuyên bố công khai hay các áp lực ngoại giao, các hỗ trợ của các NGO, hỗ trợ từ các nhóm hải ngoại, hỗ trợ từ các tác nhân phi nhà nước hoặc các ảnh hưởng của các mạng lưới hỗ trợ liên quốc gia (TAN). Xem thêm Margaret Keck and Kathryn Sikkink, Activists beyond Borders: Advocacy Networks in International Politics(Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1998).
[47] Biến số này được đánh mã là 1 nếu trợ giúp được nhằm rõ vào việc hỗ trợ chính quyền chống lại phong trào phản kháng như nó đã được thể hiện rõ trong các phát biểu chính thức hay trong các thể hiện khác. Dữ liệu liên quan tới các trấn áp của chính quyền được thu thập bởi Dupuy Institute, Armed Conflict Events Database; Zunes, “Unarmed Insurrections against Authoritarian Regimes”; Schock, Unarmed Insurrections; Karatnycky and Ackerman, How Freedom Is Won; Zunes, Kurtz, and Asher, Nonviolent Social Movements; Wehr, Burgess, and Burgess, Justice without Violence; CIA, The World Factbook, 2007;Carter,Clarke, and Randle, People Power and Protest since 1945; and Hufbauer, Elliott, and Schott, Economic Sanctions Reconsidered.
[48] James D. Fearon, “Domestic Political Audiences and the Escalation of International Disputes,” American Political Science Review, Vol. 88, No. 3 (September 1994), pp. 577–592; and Pape, Dying to Win.
[49] Điểm của Chính thể IV tương đương với chính thể độc tài. Điểm số về dân chủ tính trên thang từ -10 đến + 10 (-10 là độc tài còn +10 là dân chủ đầy đủ). Xem Monty G. Marshall and Keith Jaggers, POLITY IV Project: Regime Characteristics and Transitions, 1800–2004 (College Park: Center for International Development, University of Maryland, 2005).
[50] Dupuy Institute, Armed Conflict Events Database; Karatnycky and Ackerman, How Freedom Is Won; Carter, Clark, and Randle, People Power and Protest since 1945; Gleditsch, “A Revised List of Wars Between and Within States”; and Sepp, “Best Practices in Counterinsurgency.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét