2012/04/19

Sửa đổi hiến pháp: vừa vô ích vừa hữu ích


Lê Vĩnh

Theo kế hoạch sửa đổi hiến pháp thì vào tháng 4 này Ban Biên tập của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam báo cáo tổng kết việc thi hành và những nội dung cần bổ sung, sửa đổi đối với Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, nội dung cần sửa đổi, bổ sung như thế nào và nhằm mục tiêu gì thì đã được ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ Tịch Quốc Hội (QH), đồng thời là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhấn mạnh trong phiên họp đầu tiên của uỷ ban này ngày 8/8/2011 là phải “bám sát cương lĩnh của Đảng” và để “nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và các văn kiện”.
Ba năm trước, trong buổi họp ngày 18/4/2009 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội, Chủ tịch Quốc Hội, lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng, đã thông báo: Đảng đoàn Quốc Hội đã có tờ trình với Bộ Chính trị (đảng CSVN) về sửa đổi HP. Tháng 2 năm 2008, Bộ Chính Trị đã làm việc với Đảng đoàn Quốc Hội, và trả lời là “phải chờ thông qua cương lĩnh mới. Sửa HP cái gì thì phải khớp với cương lĩnh,...”.
Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 1/7/2011, khi đề cập đến việc sửa đổi hiến pháp, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng: “sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng cần được tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng....”
Với mục đích và yêu cầu của việc sửa đổi hiến pháp như được chủ tịch quốc hội của hai nhiệm kỳ quốc hội và tổng bí thư nói rõ như trên, ngày 6/8/2011, Quốc Hội đã thành lập một “Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp” gồm 30 người. Trong đó có 8 uỷ viên Bộ Chính Trị (1). Thành phần còn lại đều là đảng viên đảng CSVN trung và cao cấp. Chỉ nhìn các thành viên của Ủy ban này, người ta đã có thể thấy rõ mục tiêu và đối tượng phục vụ của nỗ lực sửa đổi Hiến pháp.
Một cách tổng quát thì hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, quy định về những quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước, đặt nền tảng pháp lý cũng như tổ chức đời sống chính trị cho một quốc gia, ấn định những quyền và nghĩa vụ của công dân. Do đó Hiến pháp là nền tảng của hệ thống pháp luật của nhà nước. Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp, không được mâu thuẫn với Hiến pháp. Thế nhưng, việc sửa đổi hiến pháp của CSVN lại phải bám sát cương lĩnh của Đảng” và để “nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng” v.v.... tức là chiều hướng sửa đổi hiến pháp đến từ một cơ chế còn cao hơn nữa và không có trong hiến pháp. Sau đó, bản dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ được trình cho Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, một cơ chế cũng không có trong hiến pháp. Một lần nữa, nhìn vào các cơ chế điều động và cứu xét các điều khoản dự tính sẽ tu chính, người ta đã có thể thấy rõ mục tiêu và đối tượng phục vụ của nỗ lực sửa đổi Hiến pháp.
Công luận thế giới, đặc biệt tại các nước dân chủ, chắc sẽ rất ngạc nhiên khi đọc các tin trên. Nhưng đây là điều quá quen thuộc đối với người Việt Nam. Cả 4 bản hiến pháp của chế độ CSVN từ trước đến nay chẳng có bản nào được đóng đúng vai trò của một bản hiến pháp theo định nghĩa chung của thế giới, cả trên văn bản cũng như trong việc thực thi. Lãnh đạo đảng CSVN không ngần ngại khẳng định rất nhiều lần, nhiều nơi, và trên giấy trắng mực đen rằng họ không coi hiến pháp là văn kiện nền tảng cho sự vận hành và sinh hoạt quốc gia, mà chỉ là một công cụ phục vụ những “nhiệm vụ chính trị” của Đảng. Không hơn. Không kém.
Chẳng phải tốn nhiều công tìm kiếm, ai cũng có thể bắt gặp những tài liệu ghi rõ giá trị của Hiến pháp dưới mắt Đảng, như trang web của Bộ tư pháp CSVN có ghi như sau: Theo truyền thống pháp luật XHCN, các nhà nước XHCN không coi Hiến pháp như một tín điều pháp lý mà là cơ sở pháp lý cho các mục tiêu chính trị. Chính vì vậy, các điều khoản của Hiến pháp có thể được sửa đổi khá dễ dàng theo yêu cầu của những mục tiêu chính trị.(2). Chưa đủ, từ quan niệm về vai trò của hiến pháp vừa kể, cùng với sự kế thừa truyền thống pháp luật XHCN khởi nguồn từ Nhà nước Nga Xô viết với 3 học thuyết nền tảng — a/ Pháp chế XHCN, b/ Tập trung dân chủ và c/ Làm chủ tập thể — đảng CSVN còn đưa ra một nguyên tắc cơ bản của pháp luật: “Đảng và Nhà nước sở hữu những đặc quyền dùng chính sách thay pháp luật.” (3). Thế còn gì là Hiến pháp!
Cũng với đầu óc đó, trong hơn 60 năm cầm quyền, trong cả 4 bản hiến pháp do đảng CSVN viết, họ đều xác định “nhiệm vụ chính trị” của đảng trong từng giai đoạn. Những hiến pháp trước đây ít nhiều đều có những đoạn ca ngợi “thắng lợi” của cuộc cải cách ruộng đất, của “cải tạo kinh tế” bằng hợp tác xã, của “giải phóng miền Nam”... Hiển nhiên, những cái gọi là “thắng lợi” đó mang ý nghĩa như thế nào và đem lại hậu quả khủng khiếp thế nào lên đất nước thì ngày nay ai cũng có thể tìm đọc. Bên cạnh đó, mỗi bản HP không ít thì nhiều đều đề cập đến ý nghĩa của sự ra đời của HP là để thực hiện nghị quyết của Đảng CSVN, cũng như nhấn mạnh đến việc đi theo chủ nghĩa Marx-Lenin, một chủ nghĩa sai lầm và đẫm máu đã bị hầu hết nhân loại vứt vào sọt rác của lịch sử. Quan trọng hơn cả, mỗi bản HP đều bằng cách này hay cách khác khẳng định quyền cai trị đương nhiên, độc nhất, và vĩnh viễn của đảng CSVN.
Thế là, trước những cặp mắt trợn tròn kinh ngạc của thế giới, đảng CSVN đã và đang rất thoải mái và đương nhiên đứng trên Hiến pháp. Họ chẳng ngại ngùng gì khi chà đạp hiến pháp của chính họ làm ra, cũng như cai trị bằng các nghị định thay đổi soành soạch, đi ngược lại các quy định của hiến pháp, để hình thành một hệ thống luật pháp có cả “một rừng luật” có giá trị “luật rừng”. Tư duy đó xuyên suốt từ Tổng bí thư đến các quan chức phường xã và các công an trên đường phố: “Miệng Tao Là Pháp Luật”. Đến chính làng báo chí của nhà nước cũng phải than phiền là hiện đang có “trên 4 ngàn văn bản luật trái pháp luật”.
Đảng cũng chẳng ngại ngùng gì khi cho bản hiến pháp sau bẻ ngược lại bản trước, miễn sao phục vụ cho nhu cầu trước mắt là được. Năm 1959, đảng CSVN sửa đổi hiến pháp lần đầu tiên sau khi “tiến hành thắng lợi cuộc cải cách ruộng đất” và “hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, nhiệm vụ chính trị của đảng sau đó là “giải phóng miền Nam”. Hiến pháp năm 1980 nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam trong “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước”. Đến lần thay đổi hiến pháp năm 1992 thì “nhiệm vụ chính trị” của đảng phức tạp hơn. Cuối thập niên 80s khối cộng sản tan rã. Những chính sách sai lầm trong đường lối cai trị đất nước, điều hành kinh tế ngày càng bị bộc lộ. Đây là những chính sách, những đường lối được ghi trong hiến pháp, từng được xưng tụng suốt mấy chục năm; nhưng để tự cứu, để sống còn, đảng CSVN đã phải thay đổi, đi ngược lại những gì mà họ đã từng kết án, từng vùi dập trước đây. Bên cạnh đó, sự sụp đổ của khối các nước XHCN cũng là sự phá sản của học thuyết Mác-Lê. Tất cả đã khiến tính chính đáng trong tư cách lãnh đạo của đảng có nguy cơ bị triệt tiêu. Vì vậy, bên cạnh sự man trá, tự cho mình có công trong việc khởi xướng và lãnh đạo công cuộc “đổi mới”, đảng CSVN phải tìm ra một tư tưởng khác bên cạnh tư tưởng Mác-Lê, đồng thời phải bám chặt và củng cố được quyền lực bằng cách chính đáng hóa quyền lực của đảng qua hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 ra đời với điều 4 hiến pháp quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN, tư tưởng ảo (tức không có thật) của ông Hồ Chí Minh được thêm vào để làm nền tảng tư tưởng, kinh tế thị trường thời kỳ “đổi mới” được gắn thêm cái đuôi XHCN (mượn từ nhóm từ “kinh tế thị trường đặc thù Trung Quốc” từ phương bắc).
Nhìn rộng ra một chút, nếu so sánh với Bắc Hàn (4), thì Hiến pháp CSVN có nhiều điểm rất giống nhau từ hình thức văn bản cho đến việc thực thi. Cũng với 4 lần thay đổi, Hiến pháp của Bắc Hàn cũng “bảo đảm” các quyền tự do ngôn luận, hội họp, biểu tình, tự do tôn giáo, quyền được xét xử công bằng ở toà án, v.v...; cũng có điều đầu tiên quy định “quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước”; cũng có điều 67 quy định quyền người dân giống như điều 69 hiến pháp CSVN. Và nếu so với hiến pháp của Trung Quốc, Lào, Cuba, các điểm tương đồng nêu trên lại hiện ra. Sở dĩ có sự trùng hợp hàng loạt đó là vì các bản hiến pháp các nước này đều rập khuôn từ tài liệu “truyền thống pháp luật XHCN” của Liên Xô cũ.
Thế thì câu hỏi được đặt ra là: nếu đảng không coi trọng vai trò nền tảng của hiến pháp, đồng thời đảng lại sở hữu những đặc quyền dùng chính sách thay pháp luật, thì đảng mất công nặn ra hiếp pháp và lâu lâu lại thay đổi hiến pháp để làm gì?
Theo một số cán bộ lão thành thì thời xưa vì “cái khuôn mẫu Liên Xô nó như thế. Các nước XHCN khác cứ thế mà làm theo thôi. Chẳng ai hỏi lý do. Mà cũng chẳng ai dám hỏi!”. Còn ngày nay, khi phải mở cửa ra để kiếm sống với thế giới dân chủ, Đảng cần Hiến pháp để biện minh cho tính chính danh và cai trị độc tài của họ. Nói cách khác, để bảo rằng họ cai trị độc đảng là do “dân muốn như vậy”.
Từ mấy thế hệ qua, tính chính đáng về sự cầm quyền và lãnh đạo của đảng đặt trên nền tảng “đảng đã có công lãnh đạo và chiến thắng” các cuộc chiến giành độc lập, và “thống nhất đất nước”. Đến nay, với sự tiến bộ của truyền thông, mặc dù đảng không cho phép, nhưng đảng phải bất lực trong bối cảnh ngày càng có nhiều người qua phương tiện internet tiếp cận được với thông tin đa chiều. Nhiều sự thực đảng giấu kín từ trước đến nay bị phơi bày, những “vùng tối” của lịch sử ngày càng được soi rọi. Từ đó, tính chính đáng về sự cầm quyền và lãnh đạo của đảng ngày càng bị thách thức nghiêm trọng, song song với những câu hỏi về sự chính đáng của các cuộc chiến do đảng phát động. Bên cạnh đó, trong thực tiễn xã hội Việt Nam hiện nay, cơ chế sở hữu nhà nước, một công cụ tước đoạt tài sản (quyền sử dụng đất đai) (5), đang tạo ra những biến chứng xã hội càng lúc càng có nguy cơ bùng nổ. Những chồng chéo phát xuất từ sự lãnh đạo của đảng cùng sự suy xụp toàn diện trên mọi phương diện xã hội, v.v... càng khiến sự chính danh trong tư thế lãnh đạo của đảng bị suy sụp. Vì vậy, đảng có nhu cầu thay đổi hiến pháp, để bằng cách nào đó tái thể chế hoá sự lãnh đạo của đảng đã và đang bị soi mòn trầm trọng.
Tuy những điểm trên về giá trị thực tế của Hiến pháp tại Việt Nam đã trở thành kiến thức phổ thông, nhưng thực tế đó vẫn không làm người ta ngưng ước mơ cho tương lai. Thật vậy, từ khi vấn đề sửa đổi hiến pháp được đưa ra, đã có những hy vọng rằng quyền con người, quyền công dân, vai trò của xã hội dân sự, sự phân quyền, luật về lập hội, v.v... sẽ được cải thiện và quy định chặt chẽ trong hiến pháp mới cho phù hợp với thời đại ngày nay. Theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung (khoa Luật, ĐHQG Hà Nội) thì việc sửa đổi hiến pháp lần này, việc tôn trọng quyền con người, vốn đã bị nhà nước “treo” từ trước đến nay; cũng như việc kiểm soát quyền lực của nhà nước và quyền sở hữu đất đai phải được đặc biệt chú trọng (6). (Nghịch lý ở đây là, thay vì dựa vào hiến pháp để sửa đổi luật đất đai, nhà cầm quyền lại sửa Hiến pháp cho vừa với luật đất đai mới).
Tuy nhiên, chỉ nhìn sâu hơn một nấc, người ta đã thấy những hy vọng và những loại đề nghị vừa nêu rất khó xẩy ra. Lý do đơn giản là hướng phát triển của các quyền và vai trò xã hội đó đều tỷ lệ nghịch với thẩm quyền kiểm soát của Đảng, và ngay cả đe dọa quyền lực độc tôn của Đảng. Rõ ràng, ngay từ đầu Đảng đã rất chặt chẽ trong tiến trình sửa đổi hiến pháp, từ mục tiêu cho đến nhân sự và thủ tục tiến hành. Có người còn dẫn chứng kinh nghiệm từ những lần sửa đổi hiến pháp trước đây, cũng đầy những hứa hẹn về sự tham gia của thành phần trí thức, luật gia, v.v.... Chính Đảng khoe rằng có đến hàng trăm ngàn góp ý, nhưng rốt cuộc bản dự thảo vẫn chẳng thay đổi gì. Có nghĩa là hàng trăm ngàn góp ý đó đều bị cho vào sọt rác.
Như vậy, liệu có nên tham gia vào các cuộc tranh luận về thay đổi Hiến pháp không? Có ích lợi gì không hay chỉ vô tình tham gia “đóng kịch” với Đảng và cho Đảng?
Mới nhìn thì có vẻ như vậy NHƯNG nếu xét kỹ hơn, đây vẫn là cơ hội và phương tiện để quần chúng đấu tranh, nới rộng vòng xích kềm kẹp, và nhất là giúp nhau bước ra khỏi quán tính đương nhiên chấp nhận của nhiều thập niên qua. Thật vậy, chỉ nội việc công khai thảo luận về bản Hiến pháp đã là cơ hội thúc đẩy nhiều người:
- Tìm hiểu về những bản hiến pháp đúng nghĩa; về vai trò của hiến pháp trong một thể chế dân chủ thật sự.
- Từ đó nhận ra những BẤT THƯỜNG và LẠC HẬU của hiến pháp Việt Nam, chẳng hạn như điều khoản về vai trò đương nhiên và vĩnh viễn của một đảng cầm quyền, v.v.
- Nhận ra sự tương phản giữa thực tế xã hội và các điều khoản được Hiến pháp cho phép và bảo đảm. Nói cách khác, đây là cơ hội để người dân nhận rõ mức độ gian dối và phạm pháp của nhà cầm quyền, chẳng hạn như Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND, và Giám đốc công an Hà Nội đều đang vi phạm Hiến pháp trầm trọng khi đã và đang trấn áp quyền biểu tình tại thủ đô của những người Việt yêu nước chống Trung Quốc xâm lược. Chính họ đang là những tội phạm, v.v...
- Nhận ra những nghịch lý và bất lực của hệ thống chính quyền do Hiến pháp hiện nay đẻ ra. Từ đó sẽ suy ra được mức độ gian dối trong những chính sách như xây dựng nhà nước pháp quyền, diệt trừ tham nhũng, v.v…
Cuộc tranh luận về sửa đổi hiến pháp cũng là cơ hội để đưa ra cho thế giới thấy sự thật đàng sau những bộ dạng văn minh của các lãnh đạo Việt Nam. Chính làng báo tự do (Lề Trái) có thể cung cấp cho thế giới ngọn đèn soi rọi vào cái hố thăm thẳm giữa các tuyên bố của lãnh đạo khi ra nước ngoài và những gì họ ghi trong Hiến pháp, luật pháp và tiến hành trong xã hội Việt Nam. Thí dụ gần đây nhất là những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng trên đất Miến Điện về dân chủ, đa nguyên đa đảng, bầu cử tự do. Tất cả những điều đó đều không có trong Hiến pháp Việt Nam và lại càng không có trong thực tế xã hội.
Và quan trọng hơn hết, đây cũng là cơ hội để giới trí thức Việt Nam đi đầu trong việc giúp toàn dân tự soạn ra 1 bản thảo hiến pháp riêng “theo ý dân và vì dân” song song với bản hiếp pháp “theo ý đảng và vì đảng” của nhà cầm quyền. Sau đó sẽ để cả 2 bản trên mạng Internet để dân chúng tự do nhận xét, phê bình, và bày tỏ ý nguyện chọn lựa.
Chắc chắn bản thảo hiến pháp của dân tộc này sẽ góp phần rất lớn vào bản Hiến pháp sau cùng của một nước Việt Nam dân chủ, tự do thật sự sau này.
= = = = = = = 
Chi chú:
(1) 8 người thuộc bộ Chính Trị trong Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh.
(2) “Truyền thống pháp luật XHCN tại VN: Đôi điều suy ngẫm”
http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/nghin%20cu%20trao%20i/view_detail.aspx?ItemID=4440
(3) Bài đã dẫn.
(4) Hiến Pháp Bắc Hàn, http://en.wikipedia.org/wiki/Constitution_of_North_Korea
(5) Chương II của Hiến Pháp 1992
(6) Trọng tâm sửa đổi Hiến pháp 1992:Cụ thể nhân quyền và kiểm soát quyền lực, http://tintuc.vibonline.com.vn/Home/Y-kien-chuyen-gia/8481/Trong-tam-sua-doi-Hien-phap-1992Cu-the-nhan-quyen-va-kiem-soat-quyen-luc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét