2012/04/06

Đọc lại sử xưa


Trần Khải Thanh Thủy

Theo lời Nguyễn Trãi dạy: "Lấy xưa nghiệm nay xét suy mọi cơn hương phế" tôi cũng mở lại trang sử nước nhà mà giật mình vì ngay từ trang đầu tiên của Triều đình nhà Lý (1010) do Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ đứng đầu, đã vô cùng dân chủ thông thoáng trong việc trị Quốc.
Ngay từ chiếu rời đô ông viết: 
"Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô. Phải đâu các vua thời Tam Ðại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi. Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không đổi dời. 
Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương: ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. 
Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”
Câu kết của chiếu rời đô không phải là "Khâm thử" như mọi chiếu chỉ của mọi thời khác, mà là "Các khanh nghĩ thế nào?" Một câu hỏi hết sức hợp lòng dân, thời thế. Bởi đã là pháp lệnh thì dân chỉ việc cúi đầu phục tùng, đằng này dân lại được quyền suy nghĩ, bàn bạc để cùng với vua thực thi pháp lệnh, há chẳng phải dân chủ lắm sao?
Trong thời điểm hiện tại, triều đình cộng sản đưa ra các khẩu ngữ nghe thật sống động, sướng tai. Nào: Một chế độ cho dân và vì dân, Nào: Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra:... Nhưng sự thực, người dân mới chỉ dừng ở mức biết đã là một sai lầm lớn, lập tức phải trả giá, huống hồ còn đòi bàn và kiểm tra nữa thì mức độ nguy hiểm còn cao tới cỡ nào, chưa bị cách mất mạng là may. Một loạt các trường hợp cụ thể như Trần Ngọc Anh, Lê Thị Kim Thu, Đặng Thị Thông, Nguyễn Thị Huần (dân oan) hoặc Nguyễn Việt Chiến, Phạm Văn Hải (nhà báo), Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn văn Đài (nhà dân chủ) v.v... Có thể kể hàng ngàn trường hợp oan sai ở Việt Nam mà tất cả chỉ vì thiếu hiểu biết về tính chất và mức độ dã man, tàn bạo của độc tài cộng sản...

Nghe Đảng kêu gọi phải chống tham nhũng, lập tức lao vào như con thiêu thân, kết cục tiền mất, hận mạng, bản thân bị đánh te tua, thậm chí chết ngất.
Trần Ngọc Anh mất 5200m2 đất, đi khiếu kiện cả chục năm trời, đến mức khuynh gia bại sản, bao uất ức tích tụ chất chồng, chị phải mặc quần áo lót, căng khẩu hiệu chéo qua ngực: "Người phụ nữ Miền Nam kiên cường bất khuất, cương quyết chống giặc nội xâm tới cùng, còn một chút ’lòng khôn’ cũng chống!".
Cay cú vì bị lỡm "lòng khôn" nói lái theo kiểu dân gian là L. không. Hàng chục công an phường Điện Biên nhào ra, kẻ bấm huyệt, người kéo chân, kẻ đạp thục mạng giày đinh vào đầu, vào ngực, đặc biệt là vào "lòng khôn" của chị. Kết cục chị bị ngất xỉu, máu xối xả chảy ra ở cửa mình. Khi chị tỉnh dậy tại giường bệnh, đầu đau như búa bổ, hai bắp tay bị bóp xả xuống như hai cánh gà rù. Toàn thân mệt mỏi đau nhừ, không kể các căn bệnh hiểm nghèo do huyết áp tụt, như đau âm ỉ đầu, đau tim, người luôn trong tình trạng lạnh lẽo, tê tái. Giữa mùa hè khắc nghiệt nơi trại 5, nhiệt độ thường xuyên lên tới 39, 40 độ C (chị bị kết án 15 tháng) mà chị phải đắp chăn bông, mặc áo khoác, đi không vững, nhìn không rõ.
Tiếc là số người như Trần Ngọc Anh không ít. Nếu có thể đi hết 800 trại tạm giam, nhà tù ở cấp quận huyện, trung ương, thì số người đi chống tham nhũng mà bị cả hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới chống lại, không sao kể xiết. Tỉnh nào cũng có, thành nào cũng lắm.
Cũng chính vì sợ bị tham nhũng bóp bẹp, chết dí trong nhà tù mà số người nhận biết về bộ mặt thật của tham nhũng rất nhiều trong số can đảm đứng lên, đương đầu với chế độ hà khắc của độc tài cộng sản không nhiều, chính sự hà khắc này là nguyên nhân cho số người oan ức tăng cao.
Trong khi triều đại nhà Lý đề cao dân chủ, tôn trọng thần dân, khiếp sợ thần Phật, thì triều đình Cộng sản làm ngược lại... 
Ai cũng biết sau khi ổn định xã hội Nông nghiệp, đắp đê, làm thủy lợi, khuyến khích người dân cày cấy gieo trồng, phát triển chăn nuôi, Nhà Lý lập tức xây chùa chiền, đền đài. Một loạt chùa xây trong thời Lý như chùa Diên Hựu (Chùa Một cột - 1048) Chùa Phật Tích, Chùa Vĩnh Phú, Chùa Giậm ở Hà Bắc, Chùa Hương Lãng ở Hải Hưng, Chùa Hà Tấm ở Hà Nội...v.v. Năm 1088, nhà Lý phân chia các Chùa trong nước làm 3 hạng là đại, trung và tiểu danh lam, căn cứ điền nô và khố vật của nhà Chùa. Trong số hàng ngàn Chùa dựng dưới thời Lý, ngoài một số Chùa lớn được sử sách nhắc đến, chắc hẳn còn nhiều Chùa nhỏ ở lẫn trong các thôn xóm hoặc núi rừng ít được người đời lui tới.
Còn cả bốn tứ trấn như: Quán Thánh, Voi phục, Kim Liên, Bạch Mã... thì triều đình cộng sản, đi sau cả ngàn năm văn hiến, lại ra sức đập phá chùa chiền, tượng Phật. Ngay từ khi giành được chính quyền từ tay nhân dân, hàng loạt chùa chiền đã bị bỏ hoang thành phế tích hoặc phá bỏ không thương tíếc. Từ một đất nước mộ đạo thành những kẻ vô đạo, biến chùa chiền thành lớp học, nơi chứa phân hoá học, kho thóc..v.v. Tượng Phật tam tứ phen bị móc mắt, chặt cổ, moi ruột để kiếm tìm vàng bạc kim cương bên trong. Qua thời Việt Nam dân chủ Cộng Hòa (1945 - 1975) đến thời Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976 đến nay) một số ít chùa chiền có được phục hồi, trùng tu lại, nhưng nạn đánh bắt giáo dân, phá nhà thờ, toà Thánh thì không bút nào tả xiết... Hàng loạt vụ như giáo xứ Thái Hà, Toà Khâm Sứ Hà Nội, giáo xứ Tam Toà (Quảng Bình) trở thành đối tượng tàn sát của độc tài cộng sản. Cả ngàn, cả vạn giáo dân bị tấn công bằng dùi cui điện, lựu đạn, hơi cay. Đơn giản vì đảng cộng sản ý thức rõ điều mà tổ sư của cộng sản tức Max đã dạy: Tôn giáo là thuốc ru ngủ nhân dân. Chính sự "ru ngủ" này mà họ gắn bó với nhau và gắn bó với Chúa, sống tốt đạo, đẹp đời, không chịu chấp nhận những điều ác độc, dã tâm như cộng sản. Chính vì biết giữa cha bề trên và các con chiên luôn có một gương mặt tinh thần chung. Mỗi lời của cha đều là mệnh lệnh, ý cha là ý Chúa... nên cộng sản sợ phải chia sẻ quyền lực. Đơn giản vì khi thần dân say mê thần Phật, thì cộng sản lại say mê quyền lực. Tôn giáo có thần, cộng sản vô thần, như nước với lửa, như lạnh với nóng, như đầy với vơi, như tròn với méo, như trắng với đen, như sáng với tối, như thiên thần và quỷ dữ, làm sao có thể rèn rũa họ theo kiểu cha mẹ sinh con, Đảng, - đoàn xã hội chủ nghĩa sinh tính được? Vì bản thân họ chỉ biết có Chúa, họ đâu cần đến Đảng vốn chỉ là một đạo quân vô phèng, ô hợp... Càng được cha bề trên thuyết giảng về luân lý của Chúa, họ càng nhất mực tin theo, tạo thành một khối bất tuân xung quanh Đảng... Vì thế Đảng lo sợ khi tôn giáo biến thành thuốc phiện ru ngủ nhân dân tìm về phía Chúa, đoàn kết, gắn bó bên nhau và bên Chúa lòng lành của mình thì Đảng chỉ còn nước lép vế, bởi khi đó Đảng chỉ còn là lòng ác không những không đè đầu cưỡi cổ họ được, còn bị họ khinh bỉ, xa lánh, không hợp tác, không chung sống... Kết cục điều Đảng lo sợ đã diễn ra: Tuy không phải đa nguyên đa đảng song nguy cơ của nó còn lớn gấp ngàn lần đa nguyên.
Chính vì sợ khối bà con tôn giáo chỉ biết phục tùng Chúa không phục tùng Đảng, nên trong cơn sợ hãi bị chia sẻ quyền năng, Đảng đã tung đòn đánh trước, hòng biến họ phải tan ra từng mảng để Đảng dễ bề mị dân, cai trị độc tài, độc tôn, độc quyền, độc đảng. Vì ngu muội, dốt nát, đê hèn, bỉ ổi, Đảng muốn ngồi trên Chúa - một điều phạm thượng mà Đảng tự cho mình có quyền tối thượng để san bằng, gạt bỏ. Kết quả từ hàng chục năm nay, Đảng luôn chĩa mũi dùi vào Chúa và thần dân của người. 
Đọc lại sử xưa để soi tỏ hôm nay, mới thấy thật là bất hạnh cho Việt Nam khi lãnh đạo cộng sản coi mình là con trời, chúa tể, không sợ ai, càng không nể thần Phật, chỉ một mực đưa đất nước theo con đường độc đảng, khiến người dân Việt Nam phải chịu một nền chuyên chế vô cùng hà khắc. Ngược lại, thật hạnh phúc cho người dân Việt Nam trong 225 năm nhà Lý tồn tại, khi đất nước đề cao tôn giáo, thần Phật. Ngay từ ngày đầu, Lý Công uẩn (tức Lý Thái Tổ) lên ngôi đã chủ động tiếp cận Phật giáo, tôn trọng các giá trị tinh thần... Đó cũng là lý do vì sao triều đình nhà Lý tồn tại 225 năm qua 8 đời (còn gọi là Lý Bát Đế), không kể Lý Chiêu Hoàng. Còn đảng cộng sản không thể nhích nổi con số 85 vì tính chất độc ác phi nhân tính của mình. Điều mà ông bà ta dạy: “Những vương đạo thì trường tồn mãi mãi, còn hôn quân ám Chúa sẽ làm sụp đổ vương triều”. Triều đình cộng sản trong suốt quá trình cai trị của mình đã sản sinh quá nhiều tham nhũng, hôn quân nên sự suy vong là tất yếu, chỉ còn là ngày một ngày hai mà thôi.
Càng xem lại sử xưa, càng thấy triều Lý có Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ thật là vĩ đại mà bất cứ triều đình nào cũng phải học theo. Triều đình cộng sản vì ngu dốt, hợm hĩnh mà mắc phải vô số sai lầm, vì thế hãy xem con tạo lần này sẽ xoay vần ra sao? Chắc chắn tạo hoá sẽ vần cho độc tài cộng sản phải xoay như chong chóng và tắt lịm ở sau lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long, trong năm Nhâm Thìn như một điều nhỡn tiền không thể khác.
Hoả Lò, tháng 4 - 2010
T.K.T.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét