2012/04/12

Các dân tộc khác không ’phản đối chay’ hay ’bỏ chạy’


Ngô Văn

Ngày 26/03/2012, Trung quốc đã làm thêm một chuyện ngược ngạo, khó coi khác đó là việc tuyên bố đang tiến hành việc khảo sát, đo lường để vẽ lại bản đồ biển Đông với mục tiêu xác định chủ quyền của mình tại đó. Công luận các nước trong vùng đều lập tức cho đây là một hành động bá quyền bất chấp thực tế địa lý, bằng chứng lịch sử, chủ quyền các quốc gia và luật lệ quốc tế quy định về lãnh hải của các nước trong vùng. Nhóm công tác này của Bắc Kinh, với tên tương đương tiếng Anh National Administration of Surveying, Mapping and Geoinformation (NASMG), tức Cục Quản lý về đo đạc, bản đồ, và địa học, bao gồm thành viên từ 13 ban ngành, cơ quan chính phủ như bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng, bộ Công an, bộ Thương mại, v.v...
Bản đồ mới về biển Đông của Trung quốc chưa trình làng nhưng hầu như ai cũng biết hình dạng nó ra sao. Theo các nhà quan sát thời cuộc thì sau các màn biểu diễn đo đạc, bản đồ mới chỉ là đường ‘lưỡi bò 9 đoạn’ mà họ vẽ ra vào năm 1947 được kéo rộng lên phía bắc để bao luôn quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) mà Nhật đang duy trì chủ quyền. Trong mục tiêu chung của giới lãnh đạo Bắc Kinh, kích động chủ nghĩa dân tộc quá khích để chuyển hướng quan tâm của quần chúng ra khỏi các quốc nạn thật, trong suốt những ngày cuối tháng 3 vừa qua, các thành viên của Cục NASMG thay nhau lên báo đài tuyên bố bất cần lý lẽ và chứng tích, như:
"Do không quan tâm đúng mức, nên bản đồ về biển Đông của chúng ta trước đây vẽ sai vì không bao gồm quần đảo Điếu Ngư. Điều này làm thiệt hại lợi ích quốc gia bấy lâu nay và ảnh hưởng xấu về mặt ngoại giao khi chúng ta lên tiếng xác nhận đó là những lãnh thổ, lãnh hải bất khả xâm của Trung quốc."
NASMG cũng nói thẳng rằng:
"Việc vẽ bản đồ biển Đông [mới] để chúng ta tăng cường khai thác dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên một cách hợp pháp ở vùng biển này."
Và còn tính luôn:
"Khi bản đồ biển Đông mới được thành hình phải đưa ngay vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh biết đó là lãnh hải và lãnh thổ của Trung quốc để gìn giữ, không cho bất kỳ một ai tự nhận đó là chủ quyền của mình như hiện nay."
Trước thái độ "coi thế giới bằng vung" đó, cả một làn sóng phẫn nộ đang dâng lên tại các nước trong vùng Thái Bình Dương, dù họ ở sát cạnh đường lưỡi bò hay biết mình ở vòng nới rộng xấc xược kế tiếp của Trung Quốc. Những nơi có phản ứng mạnh nhất phải kể đến đảo quốc Palau với dân số chỉ 22,000 người. Họ đã quyết định nổ súng khi hải quân Trung Quốc giả dạng ngư dân lại giở trò đâm tàu vào cảnh sát tuần duyên.
Kế đến là chính phủ Nhật; họ triệu ngay Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo vào Bộ ngoại giao Nhật để chính thức phê phán hành động bất tuân luật pháp quốc tế của Trung quốc và yêu cầu Bắc Kinh phải ngưng ngay chuyện tự ý vẽ bản đồ biển để tuyên bố đó là lãnh hải và lãnh thổ của mình. Trong khi đó, dân Nhật nổi lên biểu tình khắp nơi để lên án hành vi xâm lược của Bắc Kinh. Đặc biệt những phát biểu trong cuộc biểu tình phản đối Trung quốc của ngư dân Okinawa, gần quần đảo Senkaku, đã được hệ thống truyền thông Nhật và quốc tế loan tải rộng rãi. Ngư dân Nhật yêu cầu chính phủ của họ rằng ngoài việc kháng nghị theo đường ngoại giao còn phải tăng cường lực lượng tuần duyên để ngăn chận tàu bè Trung quốc thường xâm phạm vùng biển Okinawa và quanh khu vực quần đảo Senkaku. Nếu không thì trong một ngày gần đây ngư phủ Nhật cũng sẽ bị Trung quốc bắn chết, bắt đòi tiền chuộc như họ đã làm đối với các ngư dân Việt Nam.
Thật vậy, cách hành xử của Việt Nam đang được dân Nhật dùng làm bằng chứng để thuyết phục chính phủ của họ về hệ quả tai hại của thái độ "bỏ chạy". Cách hành xử khấu tấu chính là sự khuyến khích Bắc Kinh hãy nâng cấp mức xấc xược. Giáo sư Tono Oka, một học giả và cũng là một nhà hoạt động Nhật, quá đổi ngạc nhiên về sự kiện này đã thốt lên: "Tuy có thừa quyết tâm, nhưng hiện nay người dân Việt Nam đang gặp một trở ngại lớn. Họ không chỉ chống Trung quốc xâm lược mà còn phải chống đỡ sự đàn áp từ chính quyền của họ."
Vào đầu năm 2005, khi hải quân Trung Quốc lần đầu tiên giết hại cùng lúc tới 9 ngư dân Việt ngoài khơi Thanh Hóa, chẳng ai thấy Hà Nội triệu hồi Đại sứ Tàu đến phản đối mà chỉ thấy ngược lại. Sau khi Bộ ngoại giao Việt Nam ra bản "phản đối chay" vài ngày, đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên lễ mễ đến đại sứ quán Trung quốc để chúc Tết và long trọng nâng ly cam kết bảo vệ 16 chữ vàng và 4 tốt. Nghĩa là ngay cả một bản "phản đối chay" cũng sợ làm bực mình Bắc Kinh và Hà Nội phải tức tốc bồi tiếp bằng một hành động "xin lỗi" thành khẩn.
Tiền lệ đó được lập lại suốt hơn 6 năm qua: cứ mỗi lần hải quân Tàu đánh đập, cướp của, bắn chết, bắt sống, tống tiền ngư dân Việt, Bộ ngoại giao Việt Nam lại ra một câu phản đối vài chục chữ... và liền sau đó một đại diện cao cấp của đảng và nhà nước CSVN lại lễ mễ sang Tàu xin lỗi, lại "hân hoan" đã được Bắc Kinh đón tiếp và báo đài lại tường thuật không khí thắm thiết và ca tụng quan hệ hữu hảo 16 chữ vàng – 4 tốt.
Dẫn chứng gần đây nhất, ngày 21/03/2012, hai tàu đánh cá Việt Nam bị Trung quốc bắt tại quần đảo Hoàng Sa và công khai liên lạc thẳng đến gia đình các ngư dân này trên đất Việt để ra lệnh "đóng tiền phạt chuộc thân nhân". Hai ngày sau Bộ ngoại giao Việt Nam ra một phản đối chay và 8 ngày sau Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải sang Tàu để xin lỗi và không nhắc gì đến giải đua thuyền buồm mà Bắc Kinh cho tổ chức tại Hoàng Sa 1 ngày trước đó.
Cùng lúc với thông điệp từ Hà Nội rằng "chúng em chỉ phản đối cho có lệ" thì các chỉ thị từ Bắc Kinh đều là những khẩu lệnh được trịnh trọng rước về thực hiện. Khi các cuộc biểu tình của người Việt yêu nước diễn ra tại Hà Nội vào giữa năm 2011, hết Thứ trưởng ngoại giao Hoàng Xuân Sơn đến Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh — chứ không thèm dùng cấp thấp như Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh — được triệu sang Tàu nhận lệnh. Và thế là công an bắt đầu đánh, đạp, vật người biểu tình ngay trên đường phố cùng với các tuyên bố "phải giải quyết triệt để các vụ tụ tập" trên báo đài!
Oái oăm thay, đó lại là những kẻ đang bắt những người yêu nước như chị Bùi Thị Minh Hằng đi "giáo dục" lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét