2012/02/27

Động đất, sóng thần và điện hạt nhân

Ngô Văn

Người dân Nhật chưa hoàn hồn từ trận động đất và sóng thần xảy ra vào hồi tháng 3 năm ngoái ở vùng Đông Bắc Nhật, thì vào tuần qua truyền thông nước này lại đưa tin cho hay từ đây đến năm 2027, tức trong vòng 15 năm tới, có xác suất rất cao đến 70% Tokyo sẽ bị động đất lớn với sóng đứng ở cấp chấn động 7 theo bảng Richter. Nhìn các vụ động đất sóng ngang (lung lay qua lại) đã đủ tạo vô số thiệt hại lên tài sản và sinh mạng, công luận Nhật đang vô cùng lo âu về các dự kiến về động đất sóng đứng này (nhún lên nhúng xuống). Hầu hết nhà cửa không có sức chịu đựng loại sóng đứng và rất dễ bị xập.
Sống tại đất nước nằm trên và nằm cạnh nhiều lằn nứt của vỏ trái đất trên cả đất liền và dưới lòng biển, lúc nào cũng có những chiêm tinh gia, tiên tri, thầy bói nói về các “điềm dữ động đất” sắp tới, nhưng công luận Nhật không mấy ai tin. Tuy nhiên, bản dự báo lần này do nhiều chuyên gia địa chấn hàng đầu Nhật Bản tính toán và công bố. Cũng có người hoài nghi và chỉ ra các lần dự báo cũng rất khoa học nhưng “không xảy ra” trước đây. Đáng kể nhất là lần vào giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, các chuyên gia địa chấn Nhật dự đoán từ năm 1978 đến năm 2004 thủ đô Tokyo sẽ bị động đất lớn với cấp chấn động 7 hoặc 8 theo thang điểm Richter. Bây giờ là năm 2012 mà vụ động đất đó vẫn chưa xảy ra, nghĩa là dự đoán đó sai. Một số nhà khoa học khác giải thích nhờ có những vụ động đất nhỏ hơn đã xảy ra nên sức ép dưới lòng đất được giải tỏa và không tích tụ lại thành một vụ lớn như đã dự đoán. Và rồi với vụ động đất ngày 11/3/2011, Tokyo bị rung mạnh tới trên cấp 5 Richter; mọi người đều tái xanh mặt mũi và ít còn ai tranh luận về tính chính xác của các dự đoán nữa. Đó là chưa kể tâm điểm của trận động đất đó chỉ mới nằm ngoài khơi Myagi ở miền Đông Bắc chứ chưa phải ở ngay vùng vịnh Tokyo.
Có một số luồng dư luận chọn thái độ “bịt tai cho đỡ sợ”. Họ cho rằng dù có dự đoán trước thì việc gì đến sẽ vẫn đến thôi, có thay đổi được gì đâu. Báo trước chỉ tạo thêm hoang mang vô ích và các biện pháp chuẩn bị đối phó cũng đã làm cả rồi. Có nhóm chuyên gia địa chấn khác còn cố gắng chứng minh ngược lại rằng trong thời gian gần đây động đất ở Tokyo đã bắt đầu giảm dần, căn cứ vào những dữ kiện mới nhất thu nhận được từ các máy đo địa chấn đặt ở nhiều khu vực. Vì vậy họ cho rằng nếu tính toán lại thì sẽ thấy xác suất xảy ra một trận động đất lớn ở Tokyo thấp hơn so với dự đoán trước đây. Nhưng rồi công luận lại trở về với lập luận: khi không có các động đất nhỏ chưa chắc đã là điều đáng mừng vì có nghĩa là áp suất đang bị tích tụ lại cho trận lớn; và bên cạnh đó là câu hỏi: “Có thật chúng ta đã làm tất cả những gì có thể làm được để chuẩn bị đối phó chưa?”
Ngay sau một trận động đất lớn, đặc biệt nếu tâm điểm chấn động nằm dưới lòng biển, thường có sóng thần. Thoát chết với hai thiên tai này dù có thiệt hại tài sản đã là may mắn lắm rồi. Nhưng nay người Nhật phải còn chống chọi thêm với một “nhân tai” nữa, đó là các lò phát điện hạt nhân. Nếu chúng bị đổ, nứt, hay quá nóng và phát nổ cùng lúc với hai thiên tai trên thì mức nguy hoại rất khó lường, không chỉ cho dân Nhật mà còn cả các nước trong vùng. Chính vì vậy mà phong trào chống điện hạt nhân ở Nhật hiện nay đang lên cao. Ngày 11 tháng 2 vừa qua, tại Tokyo đã có một cuộc mít-tinh chống điện hạt nhân với sự tham gia của hơn 12 ngàn người. Ban tổ chức cuộc mít-tinh bao gồm nhiều trí thức, học giả kể cả những chuyên gia nguyên tử lực hàng đầu của Nhật. Trưởng Ban tổ chức là nhà văn Oe Ken Zaburo, người nhận giải Nobel Văn chương năm 1994. Họ cũng đang vận động khoảng 10 triệu người Nhật đồng loạt xuống đường biểu tình, mít-tinh khắp nơi chống điện hạt nhân vào ngày 11 tháng 3 tới đây, tức đúng kỷ niệm 1 năm sau thiên tai động đất, sóng thần xảy ra ở vùng Đông Bắc Nhật Bản. Khối người này chống luôn việc chính phủ Nhật muốn tiếp tục bán kỹ thuật điện hạt nhân cho các quốc gia khác.
Cách đây không lâu, đã có một cuộc thảo luận lớn về vấn đề điện hạt nhân trên kênh truyền hình số 5 giữa các chuyên gia nguyên tử lực và các chính trị gia Nhật Bản. Tất cả các vị này đều chê trách Thủ tướng Noda khi ông dám tuyên bố điện hạt nhân an toàn trong dịp đón tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng và gạ bán các lò điện hạt nhân cho Việt Nam. Có chuyên gia khẳng định trong buổi thảo luận này rằng: “Ai nói điện hạt nhân an toàn là người đó chẳng biết gì về điện hạt nhân cả”. Nữ dân biểu Fukushima Mizuho, Chủ tịch đảng Xã hội-Dân chủ Nhật, cho biết bà đã nói thẳng với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: “Việt Nam không nên có điện hạt nhân vào lúc này vì ngay chính Nhật Bản cũng chưa giải quyết xong tai nạn nổ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Vậy không ai dám nói điện hạt nhân an toàn cả. Ông đừng tin vào lời nói đó của Thủ tướng Noda.” Các tham dự viên trong cuộc thảo luận nói trên bày tỏ sự lo lắng về trách nhiệm của Nhật Bản trước lời tuyên bố của ông Noda. Nếu sau này tại Việt Nam xảy ra tai nạn nổ lò nguyên tử do Nhật xây cất vì bất cứ nguyên nhân gì thì không chỉ cá nhân và nội các của ông Noda chịu trách nhiệm, mà toàn thể nước Nhật cũng mang tội trước thế giới và dân tộc Việt Nam.
Cũng giống như vụ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, nhiều chuyên gia nguyên tử lực hàng đầu của Việt Nam đã lên tiếng cản ngăn việc xây nhà máy điện hạt nhân, như Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên Tử Đà Lạt, hay Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Công Ty Điện Lực EDF của Pháp và đang giảng dạy tại đại học Bách khoa Grenoble. Nhưng một lần nữa, lãnh đạo đảng CSVN lại gạt phăng các lời khuyên can của giới chuyên gia Việt Nam nặng lòng trách nhiệm đối với đất nước. Các thành viên Bộ chính trị, đặc biệt là ông Nguyễn Tấn Dũng, vẫn nhất định tiến hành các dự án “lớn” và xem các ý kiến phản biện là thù nghịch. Và có lẽ lý do “lớn nhất” đằng sau các quyết tâm này là vì các dự án đều quá béo bở. Mỗi lò nguyên tử trị giá từ 4 đến 6,6 tỷ mỹ kim và hầu hết do ngoại quốc đổ tiền vào cho mượn nợ. Chỉ một phần số tiền rút ruột từ các công trình này cũng đủ làm giàu thêm hàng loạt các quan chức liên hệ. Còn cái núi nợ kia sẽ do các thế hệ tương lai của dân tộc trả dần. Và sau hết, gia đình của các lãnh đạo đảng đều sống rất xa các lò điện hạt nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét