Việt Hà - RFA
Câu hỏi nghiêm trọng được đông đảo người dân Việt đặt ra vì vụ Tiên Lãng là “Chính quyền Việt Nam có đảm bảo quyền con người đầy đủ cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn hay không, khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế?”. Tổ chức quốc tế “Theo dõi Nhân quyền” trả lời câu hỏi này với Việt Hà.
Việt Hà phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới về vấn đề này. Trước hết ông Phil Robertson nhận định về tình hình cưỡng chế đất đai tại Việt Nam như sau:
- Phó giám đốc châu Á của HRW Phil Robertson- HRW web photo
Phil Robertson: Có một nạn dịch lấy đất đang diễn ra ở Việt Nam. Những người phải chịu trách nhiệm chính trong các vụ này thường là chính quyền địa phương cùng với công an địa phương, là những người đã đẩy người dân ra khỏi nhà của dân. Trường hợp ông Đoàn Văn Vươn gây nhiều chú ý bởi vì người dân, tức gia đình ông Vươn, đã chống cự lại bằng vũ lực.
Chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng vũ lực, nhưng dường như ngày càng nhiều người Việt Nam thấy rằng đây là một trường hợp thử nghiệm. Đoàn Văn Vươn và gia đình đã quyết định kháng cự đến mức cao nhất, và rõ ràng là đã tạo được nhiều sự chú ý vào vụ việc mà giới chức địa phương muốn lờ đi, muốn làm theo cách của mình và nghĩ là không ai có thể can thiệp để ngăn chặn việc thu hồi đất.
Đối với trường hợp này thì sẽ rất đáng quan tâm để biết được chính phủ sẽ xử lý thế nào. Ngày càng có nhiều người lên tiếng phản đối cách thức mà chính quyền địa phương đã làm, và chúng ta hiểu là đang có một cuộc điều tra có tầm quốc gia liên quan đến chính quyền địa phương. Ở thời điểm này mọi người rất quan tâm muốn biết họ sẽ xử lý ra sao, một số người trong gia đình ông Vươn bị kết tội là giết người nên điều quan trọng là họ phải được xử một cách công khai, công bằng. Nhưng dù điều gì xảy ra đi chăng nữa thì nó cũng sẽ không chấm dứt được những quan ngại về vấn đề nhân quyền liên quan đến việc thu hồi đất đai ở Việt Nam.
Việt Hà: Chúng ta đang mong chờ quyết định sắp tới mà chính phủ đưa ra để giải quyết vụ việc này. Theo ông những quyết định đó sẽ ảnh hưởng thế nào tới những vụ cưỡng chế đất đai khác, cũng như vấn đề nhân quyền liên quan đến những vụ cưỡng chế đất đai?
Phil Robertson: Chúng ta không khuyến khích người dân sử dụng những vũ khí nổ xung quanh nhà mình để bảo vệ khu đất của mình khỏi bị xâm nhập. Rõ ràng là gia đình ông Vươn đã sử dụng vũ lực chống lại công an vào đất nhà mình.
Điều này cho thấy sự cùng quẫn mà gia đình này phải đối mặt vì họ không còn con đường nào khác. Nó cho thấy sự thoái hóa của chính quyền địa phương. Nó cho thấy sự mất lòng tin vào việc thực thi luật pháp. Nó cũng cho thấy ngày càng có nhiều suy nghĩ là chân lý thuộc về kẻ mạnh tại Việt Nam. Và nó vượt qua cái gọi là nhà nước pháp quyền mà chính quyền Hà Nội thích nói về mình.
Chúng ta biết là trước kia đất ở thành phố hay ngoại thành, những mảnh đất được những người dân đã cư trú làm ăn trên đó từ nhiều đời hay nhiều năm, được định giá thấp. Nhưng sau đó những mảnh đất này tăng giá.
Và bởi vì tất cả đất đai đều thuộc nhà nước nên chính quyền địa phương đã lợi dụng điểm này để mang vào đó các công ty, các đối tác kinh doanh. Những công ty này nói “Tôi cho anh liên doanh, anh cho tôi đất đai và tôi cho anh một phần trong công ty”.
Cho nên có sự tham nhũng của chính quyền địa phương liên quan đến việc kinh doanh của các công ty và điều này làm người dân nổi giận. Họ đã sống ở đó từ nhiều đời, còn trong trường hợp ông Vươn, gia đình ông đã đầu tư biết bao nhiêu tiền của, công sức để có thể thành công trên mảnh đất ấy.
Vì thế tôi không nghĩ là chuyện thu hồi đất đai sẽ chấm dứt, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Việt Nam có nhận ra rằng nếu họ tiếp tục để chính quyền địa phương tự làm, tự quyết định như vậy thì có gây ra sự xuống cấp của nhân quyền tại Việt Nam hay không, và nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới mất ổn định xã hội.
Việt Hà: Trước tình hình này, ông có hy vọng gì trong những quyết định sắp tới đối với gia đình anh Đoàn Văn Vươn?
- Ngôi nhà thành bình địa
Phil Robertson: Tôi nghĩ họ sẽ bị kết tội giết người. Tôi cho rằng bắn công an ở Việt Nam thì cũng nghiêm trọng chẳng kém gì tại các nước khác cho nên khó có thể được tha. Luật pháp không cho phép người dân được quyền bắn vào cảnh sát, nên tôi không nghĩ họ sẽ được tha bổng.
Nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ điều gì sẽ xảy ra đối với những người thuộc chính quyền địa phương, những người đã vi phạm quyền con người, họ tiếp tục thay đổi câu chuyện của mình về toàn bộ sự việc, họ đang phải bị điều tra, họ cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu họ không bị kỷ luật thì niềm tin của người dân vào chính phủ sẽ tiếp tục xuống dốc.
Việt Hà: Ông có nói rằng đây là một phép thử của chính quyền. Vậy nếu đảng và chính quyền đưa ra những án kỷ luật thật nghiêm minh với những người làm sai pháp luật thuộc chính quyền địa phương thì liệu đây có thể coi là một cơ hội cải thiện uy tín cho đảng và chính quyền trung ương?
Phil Robertson: Tôi nghĩ là có cơ hội cho chính phủ trung ương vào cuộc và bảo đảm là sự việc phải được xử lý đúng. Họ phải bảo đảm việc điều tra được tiến hành ngay lập tức và công khai, phải đưa những người trong chính quyền địa phương liên quan đến vụ này ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đơn giản như vậy thôi. Vấn đề là việc lấy đất đai ở Việt Nam đang trở nên hết sức phức tạp, càng ngày càng có nhiều người dân bị lấy đất. Cho nên chúng tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam vì nó xảy ra khắp nơi, nó không chỉ vi phạm quyền dân sự mà còn các quyền về kinh tế, xã hội của người dân.
Do đó đây là vấn đề mà chính quyền trung ương phải làm, phải ngăn chặn địa phương gây ra các sai phạm, như là trao đất của dân cho các doanh nghiệp trái phép, những mảnh đất mà người dân phải vất vả canh tác, tạo dựng cuộc sống trên đó.
Việt Hà: Sắp tới liệu Tổ chức Nhân quyền thế giới có thể sẽ đưa ra những báo cáo hay nghiên cứu nào về vấn đề cưỡng chế đất đai tại Việt Nam, thưa ông?
Phil Robertson: Chúng tôi không chắc sẽ làm một báo cáo về trường hợp này mà chỉ theo dõi diễn tiến. Tôi rất chú ý đến những điều lên án sau vụ việc và về cách mà gia đình này kháng cự, nó đã thay đổi cục diện vấn đề hoàn toàn, khiến cho nhiều nhóm người tham gia, quan tâm.
Nào là luật sư muốn bào chữa miễn phí cho họ, rồi các sĩ quan quân đội cao cấp về hưu lên tiếng và nói là họ hiểu là tại sao gia đình này phải làm vậy. Cho nên rõ ràng là có một sự ủng hộ khắp nơi dành cho gia đình anh Vươn trong nước.
- Ngôi nhà thành bình địa
Tôi hy vọng sẽ có một tòa án xét xử công khai, công bằng theo chuẩn mực quốc tế, và họ phải xem xét vấn đề các quyền lợi của gia đình này đã bị vi phạm từ trước khi sự việc xảy ra. Họ không thể chỉ bắt đầu từ ngày vụ đụng độ xảy ra mà phải xem tiến trình toàn bộ sự việc đã khiến quyền con người của toàn bộ gia đình này bị chính quyền địa phương vi phạm.
Và khi chúng ta có được một bức tranh tổng thể thì chúng ta có thể có được một cái nhìn rõ hơn về những gì chúng ta sẽ làm trong tương lai để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra.
Việt Hà : Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét