2012/01/05

Năm mới, chuyện cũ!

Trần Hùng

Nhân dịp đầu năm, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng có viết một bài. Bài này dài hơn 4.000 chữ, dĩ nhiên được đăng tải trên tất cả các báo chí lề phải. Có tờ đặt tựa cho nó là "Thông điệp đầu năm 2012", có tờ gọi là "Thông điệp đầu năm mới"...
Nếu gọi là "Thông điệp đầu năm" thì nó không mang nội dung như bình thường vẫn có, nghĩa là trình bầy trung thực thành tích trong năm qua với những ưu, khuyết căn bản, đồng thời đề ra hướng đi cho năm sắp tới. Bài viết này trái lại không đề cập gì đến tình hình năm vừa qua, mà chỉ có vài giòng nói về "những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới". Phần còn lại, chú trọng phân tích về việc "tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong năm 2012, theo quan điểm đã được Ðại hội Ðảng lần thứ XI xác định", với những khẩu hiệu quen thuộc, những lý lẽ xa rời thực tế, và những hứa hẹn viển vông, theo kiểu "khó khăn là nhất thời, thuận lợi là căn bản...". Có thể nói, đây là một loại nghị quyết dành cho cán bộ học tập hơn là để nhắm đến quảng đại quần chúng.
Như thế để tổng kết tình hình đất nước trong năm 2011, những người quan tâm có thể nêu lên những điều gì? Có nhiều điều để bình phẩm, nhưng chỉ cần 2 chữ cũng đủ nói lên đời sống của người dân ngày hôm nay: thê thảm!
Thê thảm trước hết vì làm ăn kinh tế hoàn toàn bết bát. Năm 2011 không có lãnh vực nào thành công. Vẫn biết những con số thống kê của nhà nước CS thường không chính xác, hay che giấu mảng tối và tô đậm mầu hồng, nhưng chỉ với những gì đã được họ công bố, và nhìn vào thực tế, cũng đủ để có nhận định như trên. Theo những con số này thì nợ công hiện lên đến 70% GDP, dự trữ ngoại tệ chỉ còn trên 12 tỷ nghĩa là chỉ đủ cho hơn 1 tháng nhập cảng, tỷ lệ phát triển chưa tới 6% mà lạm phát lại ở mức cao nhất Á châu: hơn 18%... Tình hình trên đã làm nhiều nhà đầu tư bỏ chạy, khiến nhiều cổ phiếu trên thị trường chứng khoán hiện có trị giá chưa bằng 1 ly trà đá, hay chỉ bằng 3 cọng hành ngoài chợ như so sánh của một vị tiến sĩ kinh tế ở trong nước.
Kinh tế thất bại chính là kết quả của chính sách kinh tế què quặt mang cái đuôi "định hướng xã hội chũ nghĩa" mà mức lợi nhuận không đủ để đáp ứng túi tham không đáy của hệ thống tham nhũng có chân rết chằng chịt khắp từ trung ương đến địa phương, mà trường hợp Vinashin mang nợ hơn 4 tỷ đô la mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, hay chương đầu của một chuyện dài nhiều tập...
Tình trạng nói trên có thể vẫn chưa là ảm đạm đối với cán bộ, quan chức hay giới tư bản đỏ, bởi vì những thành phần này vẫn có thể thưởng thức những chai rượu hàng mấy trăm đô, ăn bát phở bò Kobe giá tiền triệu, ăn nhậu với các em "chân dài" trên tầu phà sông nước, hoặc giải trí bằng những ván cờ tướng cá cược 4 tỷ đồng... Nhưng đối với đa số quần chúng thì cuộc sống hiện nay đã ở mức tận cùng. Ngay trên báo lề phải đã đăng tải những tin tức thường vẫn bị che giấu: nạn đói giáp hạt ở nhiều nơi, kêu gọi góp tiền cứu đói, mua quần áo ấm cho các trẻ miền cao. Nhiều gia đình tang thương phải sống nhờ sự cưu mang của làng xóm. Trẻ em đói, người lớn đói... Nhiều cụ già phải cố ngủ để quên đói. Ngay ngày đầu năm một thanh niên trai tráng đi bán cam đột nhiên ngất xỉu vì "từ sáng tới giờ chưa có gì để ăn...". Đó không phải là trường hợp cá biệt, mà là điển hình cho tình trạng đói của tầng lớp bình dân. Nhiều triệu công nhân, học sinh ra khỏi nhà buổi sáng với cái bụng đói như anh ta... Đói vì không đủ ăn. Khi ăn thì chỉ những bó rau héo hay miếng thịt ôi. Và không phải bỗng dưng mà chuột cống cũng đã trờ thành nguồn cung cấp protein chính cho một số người dân ở ngay tại thủ đô!
Đời sống vật chất đã như thế, những lãnh vực khác cũng tệ hại không kém.
Trước hết thử nhìn qua lãnh vực giáo dục. Tình hình kiếm sống khó khăn khiến nhiều gia đình không thể cho con em đến trường. Số còn lại may mắn, thì bố mẹ của các em cũng luôn lao đao với đủ mọi chi phí từ lúc đi tìm trường - đầu vào - cho đến khi thi cử - đầu ra -, khiến việc cắp sách đến trường của các em trở thành một nhu cầu xa xỉ, có thể bị chấm dứt bất cứ lúc nào. Trong lãnh vực giáo dục, người ta có thể tóm tắt: trình độ của học sinh thì đi xuống, đặc biệt là môn sử, và tình trạng bạo lực thì đi lên, bao gồm cả nạn thầy đánh trò, trò đánh thầy và học trò đánh nhau! Nếu phải nhìn rõ hơn, ở đây chúng ta có thể mượn báo cáo năm 2011 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, theo đó chỉ số giáo dục của Việt Nam rất thấp, đứng hạng 128 trong số 187 quốc gia.
Sang lãnh vực y tế, đương kim bộ trưởng y tế CSVN Nguyễn Thị Kim Tiến đã giúp chúng ta đưa ra 2 nhận định nổi bật, đó là tình trạng quá tải và tệ nạn phong bì. Bà Tiến nói vô cùng đau đớn khi nhìn thấy cảnh bệnh nhân nằm 3, 4 người trên một giường và cả ngoài hành lang, và bà cũng bảo rằng tệ nạn phong bì đã làm bẩn áo blouse! Bà chỉ lập lại những điều mà các bộ trưởng tiền nhiệm của bà đã từng nói nhiều lần, nhưng trình độ diễn xuất quá xuất sắc của bà để người ta tưởng là những chuyện này mới vừa xẩy ra ngày hôm trước, nên rốt cuộc chỉ giúp nhấn mạnh thêm cái "tư duy nhiệm kỳ" của chính quyền cộng sản. Bà Tiến sẽ ra đi, nhưng các vấn nạn trên sẽ còn tồn tại để người bộ trưởng kế nhiệm sẽ có những màn trình diễn tương tự...
Một lãnh vực khác nữa là giao thông. Hiếm nơi nào mà tình hình giao thông hỗn loạn như tại Việt Nam. Nhà nước đã có sẵn câu thần chú: "Ý thức chấp hành giao thông của người dân quá kém", để che giấu cho những thực tế là đường xá thiếu thốn lại hư hỏng nặng, cách phân bố cung đường lạc hậu và tùy tiện, và bộ phận quản lý chỉ nhắm vào việc làm tiền. Khi xây cất cầu đường cũng để "rơi vãi" tiền vào túi, đến khi kiểm soát giao thông cũng lại "tranh thủ" để kiếm ăn. Rốt cuộc số người chết vì tai nạn giao thông hàng năm nhiều hơn con số thường dân thương vong thời chiến tranh. Và những người còn sống phải dành hàng ngày mấy tiếng đồng hồ "tụ tập" trên đường phố vì nạn "ùn tắc", hay tìm cách bơi trên những con phố biến thành sông khi trời đổ mưa. Những ngày cuối năm, bỗng xẩy ra mấy chục vụ cháy xe bất thường. Xe bị cháy gồm đủ các loại xe hơi cũng như xe gắn máy, gồm đủ các hiệu xe Nhật cũng như xe Mỹ... Tuy nhiên, việc điều tra hầu tìm biện pháp phòng ngừa, nhà nước để cho nhân dân... tự phát. Các cơ quan "chức năng" còn đang bận tìm cách "vô hiệu hoá" nạn tham nhũng trong ngành giao thông. Trước kia có lệnh "khâu miệng túi" của các nhân viên cảnh sát đang hành nghề. Nay điều chỉnh là CSGT chỉ được phép mang trong người tối đa 100.000 đồng. Chính người ban lệnh chắc cũng không tin vào hiệu lực của các biện pháp quái gở nói trên, nên vừa rồi đã ra lệnh bắt giữ nhà báo Hoàng Khương của tờ Tuổi Trẻ (và ngay hôm sau em vợ của nhà báo Hoàng Khương cũng đã bị bắt giữ). Anh là người đã thực hiện nhiều bài phóng sự về nạn tham nhũng trong nghành CSGT. "Vô hiệu hoá" Hoàng Khương, nhà nước tin rằng nạn tham nhũng trong lãnh vực này sẽ không còn tồn tại, ít nhất là trên những trang báo...
Những điều nghịch lý trên đất nước Việt Nam bao trùm trong mọi lãnh vực, cho tất cả mọi người... chẳng phải chỉ trong một vài lãnh vực vừa nêu, vì thế không thể trình bầy hết được trong một bài viết. Một vài điều nêu ra chỉ để cho thấy thực tế hoàn toàn khác xa với những điều hoa mỹ giả tưởng mà Nguyễn Tấn Dũng phô trương trong "thông điệp đầu năm" như "tăng tốc phát triển, rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại". Với "lợi ích phe nhóm" và "tư duy nhiệm kỳ", nói theo kiểu của các quan cộng sản, làm sao CSVN có thể rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, khi một cuộc nghiên cứu cho thấy chỉ để bắt kịp Thái Lan cũng phải mất gần 100 năm! Để tổng kết về bản "thông điệp" của Nguyễn Tấn Dũng, phải mượn lời của một thanh niên yêu nước vừa viết trong bài có tựa đề "Tạm biệt 2011: ’Tất cả chỉ là dối trá, bịp bợm’".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét