2011/12/09

Hội Quảng Nam-Đà Nẵng phản đối CSVN khủng bố gia đình Huỳnh Ngọc Tuấn


BẢN LÊN TIẾNG CỦA CÁC HỘI QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG HẢI NGOẠI

Về việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam khủng bố gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn 
Nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, cựu học sinh Trung Học Trần Cao Vân Tam Kỳ, sinh năm 1963 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, là người cầm bút can đảm dấn thân cho lý tưởng công bằng, tự do, dân chủ. Từ khi còn trong tuổi hai mươi, anh đã viết các truyện ngắn phản ảnh thực trạng của xã hội Việt Nam dưới thời chuyên chính vô sản sau 1975. Năm 1991, vợ anh Huỳnh Ngọc Tuấn qua đời đột ngột, để lại ba người con còn rất nhỏ. 
Tháng 10-1992, anh Huỳnh Ngọc Tuấn bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt và kết án 10 năm tù và 3 năm quản chế vì “tội tuyên truyền chống chế độ”. Anh vào tù khi 29 tuổi để lại bên ngoài song sắt cháu Huỳnh Thục Vy 7 tuổi, cháu Huỳnh Trọng Hiếu 5 tuổi và cháu Huỳnh Khánh Vy vừa tuổi lên 3. 
Tuổi thơ của Thục Vy, Trọng Hiếu là những ngày tháng bị cô lập, xa lánh, khinh rẻ đầy tủi buồn và nước mắt. Nhưng cũng từ những giọt nước mắt đau thương phẫn uất đó, các cháu đã lớn nhanh hơn về nhận thức chính trị, phá thủng hàng rào bưng bít thông tin của chế độ, thoát khỏi chính sách tẩy não của nền giáo dục cộng sản và thông cảm sâu xa hơn với sự chịu đựng của đồng bào. 
Sau 10 năm tù, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn vừa phải tần tảo nuôi con, vừa dùng ngòi bút để tiếp tục theo đuổi lý tưởng tự do. Các cháu Thục Vy, Trọng Hiếu tuy còn trong tuổi hai mươi cũng đã nối bước cha để viết thay hàng triệu người không có cơ hội phát biểu nguyện vọng chính đáng của mình. Đặc biệt cháu Huỳnh Thục Vy, sinh ra 10 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, và 10 năm thơ ấu không có cha mẹ trực tiếp dìu dắt, học xong cấp ba, không có tiền để vào đại học, phải đi làm công nhân kiếm sống, nhưng trưởng thành rất sớm. Em đã vượt qua khoảng không gian nhỏ hẹp của thôn Phú Quý, xã Tam Phú, Tam Kỳ xa xôi hẻo lánh để cống hiến cho hàng ngàn độc giả trong và ngoài nước những tiểu luận sâu sắc về chính trị, dân chủ, nhân bản, hiến pháp. 

Phản ứng cố hữu của nhà cầm quyền Cộng Sản là liên tục đe dọa, khủng bố tinh thần gia anh Huỳnh Ngọc Tuấn. 
Hôm 8 tháng 11 2011, hàng trăm công an Quảng Nam đến lục soát và tịch thu tất cả máy computers, dụng cụ in ấn và các phương tiện dùng nối kết vào internet của gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn. Buổi chiều cùng ngày công an đã giữ anh Huỳnh Ngọc Tuấn và cháu Huỳnh Trọng Hiếu nhiều giờ. 
Và lần nữa, lúc 3 giờ chiều ngày 2 tháng 12 năm 2011, hàng trăm công an đã xông vào nhà, chốt chặt các lối ra vào nhà và đọc 3 quyết định “xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin” với tổng số tiền phạt lên đến 270 triệu đồng, tương đương khoảng 13 ngàn Mỹ kim. Trước khi rút đi, công an đã ăn cắp 3,000 Mỹ kim trong một túi xách của gia đình do đồng hương khắp nơi gởi về giúp gia đình anh trong cơn hoạn nạn, tịch thu 1 máy ảnh Canon và 6 điện thoại di động. Nghiêm trọng và dã man hơn những lần trước, lần này Công An Quảng Nam đã đánh đập các phụ nữ có mặt trong nhà, kể cả cụ bà Mai Thị Yến (bà nội của Huỳnh Thục Vy), các chị Huỳnh Thị Hường và Huỳnh Thị Thu Hồng (cô của Huỳnh Thục Vy) và bắt cháu Huỳnh Ngọc Lễ (anh họ của Huỳnh Thục Vy vì cháu đã can thiệp khi thấy cụ bà và các phụ nữ trong nhà bị đánh đập). Hiện nay, công an vẫn tiếp tục bao vây cô lập gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. 
Trước các hành động bất chấp công pháp quốc tế, thất nhân tâm và vượt qua đạo lý dân tộc của nhà cầm quyền Việt Nam, các Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng Hải ngoại dưới đây cùng lên tiếng: 
1. Tố cáo trước dư luận quốc tế về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm một cách trắng trợn các công ước và công pháp quốc tế mà chính nhà cầm quyền Việt Nam cam kết tuân thủ trong đó gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn quốc tế Nhân quyền (1948), Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (1966), Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (1966) và Phụ đính của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1998). 
2. Tố cáo trước đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước hành động bất nhân, vô đạo đức, thiếu văn hóa và đi ngược lại truyền thống dân tộc của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, cụ thể qua việc Công An Quảng Nam đã đánh đập tàn nhẫn cụ bà Mai Thị Yến và các phụ nữ yếu đuối, thế cô trong gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. 
3. Ủng hộ “Kháng Thư của Gia Đình Huỳnh Ngọc Tuấn” do nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn công bố tại Tam Kỳ ngày 3 tháng 12 năm 2011, trong đó bao gồm các điểm chính: (1) Tố cáo trước công luận quốc tế về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trắng trợn vi phạm nhân quyền: quyền tự do ngôn luận, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và thân thể, danh dự và tài sản của người dân. (2) Đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải chấm dứt sự can thiệp thô bạo vào quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do ngôn luận của gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn. (3) Trả tự do ngay lập tức cho cháu trai của nhà văn là Huỳnh Ngọc Lễ. (4) Bồi thường những thiệt hại về tinh thần cũng như vật chất. (5) Chấm dứt hoàn toàn mọi hành vi hành hung, đánh đập và bôi nhọ danh dự gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn. 
4. Kêu gọi toàn thể đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng, các cựu học sinh Liên Trường Quảng Nam Đà Nẵng tại hải ngoại tích cực yểm trợ gia đình nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn về tinh thần và cả vật chất không chỉ trong giai đoạn khó khăn này mà còn tiếp tục đứng sau lưng nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và gia đình anh trong cuộc đấu tranh vì lẽ phải, công bằng, tự do và dân chủ cho dân tộc Việt Nam. 
Làm tại California, Hoa Kỳ, ngày 6 tháng 12 2011 
T.M. Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng Nam California, Hoa Kỳ 
Đoàn Ngọc Đa 
T.M. Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng Bắc California, Hoa Kỳ 
T.M. Hội Quảng Đà Dallas Ft. Worth, Texas, Hoa Kỳ 
Bs Nguyễn Văn Hào 
T.M. Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, Georgia, Hoa Kỳ 
Võ Hướng Dương 
T.M. Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, Houston, Texas, Hoa Kỳ 
T.M. Hai Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ 
T.M. Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ 
T.M Hội Ái hữu Quảng Đà Montréal, Canada 
Hội trưởng Bác sĩ Phùng văn Hạnh 
T.M. Hội Liên Trường Quảng Nam Đà-Nẵng Nam California 
Luật sư Trần Đình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét