Chris Hayes
Bài phát biểu của Dân Biểu Chris Hayes tại Quốc Hội Úc
Thứ Ba ngày 22 Tháng 11, 2011
Là thành viên của Quốc Hội tôi đã cam kết công khai lên án những vi phạm trắng trợn quyền thiết yếu của con người. Tôi đã dùng cơ hội này nhiều lần, đặc biệt tại Quốc Hội, để nói lên quan điểm của tôi về nhân quyền tại Việt Nam. Mặc dù chúng ta có thể gọi Việt Nam là một nước láng giềng ở Đông Nam Á và là một đối tác kinh doanh quan trọng, tôi thật sự kinh ngạc rằng hiện nay có hơn 400 người đang bị tống giam tại Việt Nam chỉ vì họ thực thi các quyền cơ bản của con người. Tối nay tôi muốn đề cập đặc biệt đến việc bắt giữ gần đây 15 thanh niên hoạt động dân chủ thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Một số các nhà hoạt động này là thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đến từ khu vực trung bắc Việt Nam, từ Thanh Hóa và Nghệ An.
Tôi được biết rằng làn sóng bắt bớ bắt đầu vào ngày 30 Tháng 7 năm 2011 khi công an bắt giữ ba nhà hoạt động Công giáo tại sân bay Tân Sơn Nhất ở TP. HCM khi họ trở về từ nước ngoài. Trong bảy tuần tiếp theo, nhà cầm quyền đã bắt giữ 12 nhà hoạt động tôn giáo khác. Cho đến nay, 10 người đã bị buộc tội vi phạm đạo luật hình sự 79, về tội âm mưu lật đổ chính quyền, mang theo bản án từ 5 đến 10 năm tù đối với những ‘người đồng lõa’, và từ 12 năm đến tù chung thân, hoặc thậm chí tử hình, đối với những ‘người tổ chức’ những hành động được xem là có hậu quả nghiêm trọng.Tôi xin nêu đặc biệt các nhân tố sau đây mà tôi cho rằng chỉ là một vài trong số nhiều người tranh đấu cho nhân quyền đang bị giam giữ bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Paulus Lê Sơn, một nhà báo và blogger từ tỉnh Thanh Hóa. Anh bị bắt vào ngày 3 tháng 8, và tôi được biết hiện không biết nơi giam giữ của anh ở đâu. Phêrô Hồ Ðức Hòa thuộc giáo xứ Yên Hóa, một kế toán viên làm việc cho Trần Ðình, một công ty chứng khoán ở Vinh. Anh là thành viên Doanh Nhân Công Giáo. Phanxicô Xavie Đặng Xuân Diệu là một cựu sinh viên Công giáo từ giáo sứ Xuân Mỹ. Anh cũng là một thành viên của Doanh Nhân Công Giáo và đồng thời là thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thuộc Giáo phận Vinh. Gioan Nguyễn Văn Oai thuộc giáo xứ Yên Hóa và làm việc cho một công ty ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Anh bị bắt tại sân bay và bị đưa về nhà để lục xét. Phêrô Trần Hữu Đức, một sinh viên công nghệ thông tin thuộc giáo xứ Văn Lộc, đã bị bắt vào ngày 2 tháng 8. Antôn Đậu Văn Dương, một sinh viên ngành du lịch thuộc giáo xứ Văn Lộc, đã bị bắt cùng ngày. Phanxicô Xavie Đặng Xuân Tông, tốt nghiệp ngành du lịch, em trai của Đặng Xuân Diệu, đã bị bắt vào buổi trưa 3 tháng 8.
Trong khu vực cử tri của tôi, tôi có cơ hội đại diện cho một số lớn người Việt Nam. Kể từ khi Sài Gòn sụp đổ 36 năm trước đây, Úc đã nhận hơn 200.000 người tị nạn Việt Nam. Đối với người Úc gốc Việt, những gì đang xảy ra tại Việt Nam là những ví dụ điển hình liên tục về những chà đạp nhân quyền. Rõ ràng nó vẫn còn là mối quan tâm lớn cho nhiều đoàn thể Việt Nam và chắc chắn cho nhiều cử tri của tôi.
Lẽ ra chúng ta nên tự hào về sự kiện chúng ta có một vai trò tiên quyết trong việc phát triển kinh doanh ở các nước như Việt Nam, tuy nhiên tôi tin rằng vài trò tiên quyết này nên mở rộng hơn nữa để đòi hỏi các quốc gia này phải tuân theo Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã cam kết. Một đối tác kinh doanh quan trọng cần phải có lời nói đi đôi với hành động về những ràng buộc luật lệ quốc tế nếu muốn được thực sự tôn trọng. Là một thành viên cam kết một số các công ước quốc tế, Việt Nam đã đồng ý để công dân của mình được hưởng một số quyền căn bản, bao gồm các quyền tự do, và đặc biệt là tự do hội họp.
Tôi kêu gọi tất cả các đồng nghiệp Quốc Hội của tôi hãy cùng tôi nỗ lực để người dân Việt Nam được hưởng các quyền và có tự do. Những chà đạp nhân quyền, dù xảy ra ở bất cứ nơi nào, nên được mọi người chúng ta quan tâm. Lờ chuyện này thì cũng chẳng khác nào tìm lý cớ, và rồi sẽ dẫn đến mặc nhiên chấp nhận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét