2011/11/16

Chị ấm lòng khi ở bên em

Trần Khải Thanh Thủy

(Giữa 4 bức tường tù Trại 5. Đầu tháng 5-2010)
Đầu tháng 10-2009 mình bị bắt. Vào trại giam quận Đống Đa rồi Hỏa Lò luôn đem theo nỗi ám ảnh yêu thương khâm phục và đau xót về Phạm Thị Thanh Nghiên – người con gái bé nhỏ mà kiên cường, dám đi theo con đường tranh đấu của hai nhà văn nhà báo nhà dân chủ Hải Phòng là bác Vũ Cao Quận và chú Nguyễn Xuân Nghĩa. Thực chất là con đường khai sơn phá thạch của cha ông.
“Đục đất thông ra biển
Đội đá vá trời xanh
Trên đời không việc khó
Chỉ sợ lòng không kiên”
Con đường mà theo ảnh hưởng của nho giáo và đạo Khổng chỉ có nam nhi mới đủ ý chí và sức mạnh để bước vào, làm một anh hùng thời đại dù gặp bao gian nan khó nhọc, hoặc xanh cỏ hoặc đỏ ngực mà tỉ lệ xanh cỏ luôn thắng thế đúng như nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã đúc kết:
“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.
Còn nữ nhi chỉ giang sơn gấm vóc nơi nhà bếp. Không những quanh năm suốt tháng chỉ biết những việc nhỏ mọn thường tình là sửa túi nâng khăn cho chồng mà còn chịu cảnh suốt đời phu tử tòng tử (chồng chết theo con). Cả đời không đi ra khỏi cửa buồng cũng như không dám ra khỏi thân phận thường tình của một nhi nữ.
Nghiên thì ngược lại, bé tí tẹo, trông chỉ muốn bồng mà ru mà lá gan to bằng trái núi, bao nhiêu lần vào đồn công an, bị chặn đường, đâm xe vẫn không bẻ gẫy được ý chí làm người của Nghiên. Trước cảnh cả một loạt nhà dân chủ bị bắt từ Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng), Nguyễn Văn Túc (Thái Bình), Ngô Chí Quỳnh (Bắc Giang), Vũ Hùng (Hà Tây),... vẫn không hề run sợ, lùi bước, không núp bóng độc tài để được quyền yên ổn như một số nhà dân chủ ngập ngừng, ngược lại còn thể hiện sự đối kháng quyết liệt với nhà cầm quyền bằng cách ngồi tọa kháng để chúng vì sợ hãi mà phải đến tận nhà bắt đi trước sự trân trối của sáu anh chị em trong nhà, sự ngậm ngùi thương cảm xót xa của mẹ già, sự bàng hoàng phẫn nộ của tất cả những ai còn chút lương tri làm người.
Ngay sau đó, mình đã viết một loạt bài về Nghiên, đặc biệt là bài “Nghiên ơi” có trích dẫn một số đoạn trong huyết tâm thư của Nghiên. Không phải mình bí từ bí chữ phải mượn văn của Nghiên làm chất liệu bài viết mà đó là những đoạn mình vô cùng tâm huyết. Không ngờ một người có trình độ lớp 12, thất nghiệp dài cổ như Nghiên lại viết sắc bén và gan ruột đến thế. Không hề được đào tạo căn bản, cũng không hề có sự biệt hóa cao độ, trình độ nhận thức cũng không hơn hẳn đám đông, chỉ ham mê cháy bỏng và sự gan lì bướng bỉnh, coi trời bằng vung, coi Đảng bằng vũng ao tù nước đọng, nên cứ lao đầu vào vùng cấm địa, cũng là mê cung rắc rối của ngôn từ mịt mù, quái đản, không có lối vào mà cũng chẳng tìm thấy nẻo ra... Nếu không bị bắt, nếu cứ tiếp tục “xông vào trận tiền cởi khố giặc ra”, mình tin ngòi bút của Nghiên còn đựơc mài sắc nữa, và đến độ tuổi sồn sồn như mình, chắc cũng chẳng kém cạnh gì.
Điều mà mình luôn hứng khởi khi cầm bút viết về Nghiên không chỉ đơn giản vì sự dũng cảm của Nghiên trong trận đối đầu với độc tài cộng sản, mà còn vì điều mách bảo của tâm linh, của lý trí rõ ràng. Nghiên đã không làm mình thất vọng, Nghiên đã chủ động đi theo con đường đấu tranh dân chủ đúng như những gì mình kì vọng ở Nghiên qua bài viết đầu tiên: Nói với em Phạm Thị Thanh Nghiên “Tư tưởng đẹp nhưng phải biết bảo vệ, phải đấu tranh để giành giật lấy nó, biến ước mơ thành hiện thực thì mới có ý nghĩa”... Nghiên đã làm được điều này hơn cả tuyệt vời.
Trong bốn bức tường vôi lạnh, hình ảnh mình nghĩ nhiều nhất vẫn là hình ảnh của những nhà dân chủ - những người đồng chí hướng đang bị tù đày biệt giam như mình, trong đó nổi lên hai gương mặt nữ nhi anh hùng, Lê Thị Công Nhân và Phạm Thanh Nghiên, mỗi người một vẻ nhưng nặng tình tin tưởng và quý mến như nhau – vừa thương cảm xa xót, vừa tự hào, mãn nguyện.
Ngày về của Nhân đã gần kề, còn Nghiên thì đau thương vời vợi – 18 tháng trong trại tạm giam Trần Phú Hải Phòng đâu phải chuyện đùa. Nó dài dằng dặc và nhiều áp lực khủng khiếp như thời gian của Vũ Hùng nơi Hỏa Lò vậy. Với mình 9 tháng trong trại tù B14 đã oải rồi, mà 6 tháng 21 ngày tại Hỏa Lò còn muôn vàn lần khủng khiếp hơn. Ăn trong xót, ngủ trong đau và còn phải sống cảnh bày đàn hoang dã. Mình và tất cả sáu ngàn (6000) tù nhân Hỏa Lò bị biến thành súc vật nói tiếng người – thậm chí tiếng người cũng bị hạn chế đến mức tối thiểu, cạn kiệt, chỉ tiếng sủa chửi thề, tục tằn, độc địa chát chúa là vang lên khắp các dãy nhà tù, ngự trị cả đêm lẫn ngày, đầu độc bầu không khí vốn đã ô nhiễm trầm trọng vì mùi ô uế của cống rãnh, phân người trong bùng nhùng rác thải bên ngoài. Vậy mà Nghiên chịu đựng nổi 16 tháng, bỏ qua tất cả cơ hội bọn độc tài chìa ra để giữ vững phẩm giá làm người; chờ ra xử và lại tiếp tục chịu thêm hai tháng nữa cho đến khi về trại 5 cùng mình. Quả là bái phục.
Một chữ tài tô đẹp càn khôn, một chữ tình duy trì thế giới. Tuy hình thể còi cọc song như một sự bù đắp của số phận, Nghiên có cả hai chữ đó. Tất nhiên tài đang còn hé lộ, còn tình thì đã chan chứa lắm rồi, có lẽ từ khi chưa kịp “mọc lông” trong bụng mẹ kia.
Vừa chân ướt chân ráo đến trại 5, nghe bạn tù Hỏa Lò bắn tin có Phạm Thanh Nghiên ở đây, mình đã mừng phát khóc. Không ngờ ông tạo xoay vần để chị em mình gặp nhau – sau cả quãng thời gian đổ mồ hôi, sôi nước mắt đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa ở Việt Nam, đúng như câu thơ mình đã viết trong trại B14:
Tự do không sắc màu
Mà bao người đổ máu
Cũng bao người ẩn náu
Trong độc tài đêm đen
Mình, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Kim Thu, Trần Ngọc Anh và hẫy còn rất nhiều phụ nữ khác, là những người sẵn sàng đổ máu để đạt lấy tự do cho dân tộc từ bàn tay sát nhân của Cộng Sản... Sau này trại 5 phải đưa vào lịch sử Việt Nam vì có thành tích giam giữ những nữ anh hùng của Việt Nam, những gương mặt bình thường như lẽ phải, dám chấp nhận tất cả mất mát, hy sinh, thua thiệt ở đời để sánh vai cùng đạo lý cha ông chống lại độc tài cộng sản tàn ác gian manh.
Thoạt nhìn Nghiên béo ra, khuôn mặt không có cặp kính “trang điểm” nên trông cũ kỹ, quê mùa, vừa tẻ nhạt, vừa xấu xí, song bập vào nói chuyện, chất thép đã hiện ra, từ dáng điệu, giọng nói, đặc biệt là đôi mắt, cứ ánh lên màu thép lạnh, chỉ còn thiếu hai bàn tay thu lại thành nắm đấm nữa thôi là trọn vẹn hình ảnh của Nghiên trong 18 tháng ở trại Trần Phú – Hải Phòng – nơi tàn ác khốc liệt hơn cả Hỏa Lò – một địa ngục trong gần 900 địa ngục của Việt Nam.
Đúng là có chị có em cũng khác. Mình tạm thời không còn coi cô đơn là bạn đồng hành như lần tù trước và gần 7 tháng lần này tại Hỏa Lò nữa. Nghiên bé nhỏ, nhưng tính nết rất đại trượng phu, ham học hỏi, tìm tòi, thích nghe mình trò chuyện để tìm ra những điểm tương đồng, tỏa sáng trong câu chữ, bổ sung vào vốn sống vốn ít nhiều còn bị thiếu hụt do hoàn cảnh, do môi trường điều kiện.v.v..
Bị “bắt cóc” lúc 4 giờ sáng 29-4 theo kiểu “đem con đi bỏ rừng”, không thông báo cho gia đình biết ngày đi, nơi đến, khiến mình vô cớ bị bỏ rơi gần 1 tuần. Khi gia đình mình long sòng sọc, tìm mình khắp Hỏa Lò, Trại Thanh Xuân không được, phải hú họa nhào vào Thanh Hóa mới tắc tế và gửi tiền lưu ký cho mình được.
Gửi cả tuần, tiền lưu ký vẫn không được hợp pháp hóa, mình vẫn là kẻ tiền khô cháy túi, phải nhờ vào số tiền 1,5 triệu gửi trại của Nghiên. Buồn ngủ lại gặp chiếu manh, nếu không mình chỉ còn cách lăn ra hè đường, bờ bụi mà... ngủ.
Thôi thì chỉ còn biết nói một câu, cũng là thay cho lời kết “Chị ấm lòng khi thấy em ở bên” Nghiên ơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét