2011/11/24

Âu Minh Dũng

(Tokyo 22/11/2011) - Như trong bản tin ngày 16 tháng 11, chúng tôi đã tường trình một số chi tiết liên quan đến việc chính giới Nhật như cựu Thủ Tướng Abe Shinzo, Bộ trưởng nội chính Kawabata Tatsuo và cựu Bộ trưởng giáo dục Nakano Kansei và một số trí thức Nhật đứng ra tổ chức một Hội Nghị Dân Chủ Á Châu dưới chủ đề “Ngày Đẩy Mạnh Tiến Trình Dân Chủ Hóa Á Châu” vào ngày 25 và 26 tháng 11 tới đây tại Tokyo.
Ngày 25 tháng 11 là một Hội thảo về tình hình chính trị Á Châu, tổ chức tại Viện Đại Học Takusoku từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Ngày 26 tháng 11 là Hội nghị khoáng đại tại khuôn viên vận động trường Olympic Komazawa, Tokyo, dự trù quy tụ 3000 người tham dự, khai mạc từ 10 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều gồm có 2 phần. Buổi sáng là phần giao lưu, thưởng lãm vũ dân tộc các nước. Buổi chiều là phần chính của chương trình với các bài tham luận từ các chính giới và trí thức Nhật cùng với 7 diễn giả đại diện các dân tộc Á Châu gồm: Ông Xu Wenli, Chủ tịch Đảng Dân Chủ Trung Quốc (đảng đối kháng lớn nhất tại nội địa Trung Quốc hiện nay); ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân; Hòa Thượng Ajia Rinpoche, đại diện Hội Phật Giáo Nội Mông; ông Bema Garupo, đại diện chính phủ lưu vong Tây Tạng; ông Memmet Tohti, đại diện Lực lượng Dân chủ Uyghur (đại diện bà Rebiya Kadeer, thủ lãnh lực lượng dân chủ Uyghur); Ông Tin Win, đại diện Liên đoàn Dân chủ vì Quốc gia Miến Điện; Giáo sư Hoàng Văn Hùng, đại diện Khối dân chủ Đài Loan.
Để tìm hiểu thêm về mục đích của Hội Nghị Dân Chủ Á Châu, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Kojima Takayuki, Giám đốc Trung tâm Sinh ngữ FIJ, và là Trưởng Ban Điều Hành Hội Nghị như sau:
Xin Giáo sư Kojima Takayuki cho biết nguyên do gì Nhật Bản đứng ra tổ chức Hội Nghị Dân Chủ vào lúc này?
Giáo sư Kojima: Phải nói là từ trước đến nay, người dân và chính phủ Nhật không mấy quan tâm về các phong trào dân chủ tại Á Châu, và nhất là hoàn toàn im lặng trước những hành động vi phạm nhân quyền của một số chính phủ như Việt Nam, Miến Điện hay Trung quốc. Chúng tôi rất lấy làm hổ thẹn cho sự ứng xử quá thiếu sót này khi mà Nhật Bản là một thành viên của Á Châu. Chính cuộc cách mạng dân chủ mà người ta hay gọi là cách mạng Hoa Lài xảy ra tại Tunisia, Ai Cập vào đầu năm nay, đã làm cho người Nhật chúng tôi thức tỉnh rằng muốn có làn sóng dân chủ Á Châu thì không thể tiếp tục đứng bên ngoài những cuộc tranh đấu của các dân tộc Trung Quốc, Việt Nam, Miến Điện, Bắc Triều Tiên vân, vân…
Xin Giáo sư cho biết việc vận động tổ chức Hội nghị Dân Chủ Á Châu đã diễn ra như thế nào?
Giáo sư Kojima: Một số người bạn từng hoạt động với tôi trong Nghiệp Đoàn Đồng Minh trước đây và trong đảng Dân Chủ (đảng đang cầm quyền) đã gặp nhau và chia xẻ về ước muốn hỗ trợ phong trào dân chủ tại các nước Á Châu. Từ một số người này, chúng tôi đã liên lạc và trao đổi ý kiến với các dân biểu trong đảng Dân Chủ thì đa số đồng ý là phải làm một cái gì đó để giúp các lực lượng dân chủ Á Châu. Chúng tôi đã có được sự hậu thuẫn nhiệt tình của cựu Thủ tướng Abe và một số trí thức nổi tiếng của Nhật như bình luận gia Miyake Hisayuki, nhà truyền thông Sakurai Yoshiko hỗ trợ nên đã quy tụ trên 100 người tham gia vào Ủy Ban Vận Động Dân Chủ Hóa Á Châu, do giáo sư Kasei làm chủ tịch. Sau khi Ủy ban thành lập chúng tôi đã liên lạc vào trao đổi với đại diện của một số lực lượng dân chủ Á Châu có đại diện tại Nhật như đảng Dân Chủ Trung Quốc, Đảng Việt Tân, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Miến Điện… để mời họ cộng tác và từ đó chúng tôi quyết định tổ chức Ngày Đẩy Mạnh Tiến Trình Dân Chủ Hóa Á Châu vào 2 ngày 25 và 26 tháng 11 tới đây, như là bước khởi đầu cho cuộc vận động.
Xin Giáo sư cho biết là sau Hội Nghị Dân Chủ sẽ có những công việc làm gì cụ thể để hậu thuẫn cho các lực lượng dân chủ Á Châu.
Giáo sư Kojima: Về phía Nhật Bản, chúng tôi có rất nhiều chương trình sẽ phải làm sau Hội Nghị như giới thiệu tình hình đấu tranh dân chủ tại Á Châu đến người Nhật, vận động tài chánh giúp cho các nhà chống đối đang bị cầm tù tại Trung Quốc, Việt Nam, Miến Điện và yêu cầu chính phủ Nhật Bản phải có những thái độ tích cực hơn về các cuộc đàn áp phong trào dân chủ Á Châu. Đối với phía các lực lượng dân chủ tại Á Châu, thì tuỳ theo kết quả Hội Nghị vào ngày 26 tháng 11, chúng tôi mong muốn các tổ chức này tiến đến việc hình thành một ban liên lạc để có thể trao đổi và hỗ trợ nhau thường xuyên hơn.
Trong phần trao đổi nói trên, Giáo sư Kojima còn cho chúng tôi biết là từ khi xảy ra cách mạng Hoa Lài ở Bắc Phi, nhận thức của người dân Nhật đã thay đổi khá nhiều. Ông tin là sẽ có nhiều người Nhật và nhất là những đảng viên của một số chính đảng Nhật Bản tham dự Hội Nghị Dân Chủ Á Châu để sau đó về vận động các dân biểu, nghị sĩ trong đảng của mình đặt vấn đề với chính phủ tại Quốc hội để quan tâm hơn cục diện Á Châu. Còn tác động ra sao đối với các chính quyền độc tài tại Á Châu sau Hội Nghị thì Giáo sư Kojima tin rằng chắc chắn phải có, ít hay nhiều mà thôi, vì người dân Nhật sẽ không để cho họ có thể dễ dàng nhận viện trợ như trước đây nếu vẫn còn duy trì các chính sách vi phạm nhân quyền.
Ban Tổ Chức đã thực hiện một trang Web để giới thiệu về Ngày Đẩy Mạnh Tiến Trình Dân Chủ Hóa Cho Á Châu với dư luận Nhật Bản: http://asiandemocracy.jp/
Âu Minh Dũng tường thuật từ Tokyo 22/11/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét