2011/10/11

Phụ nữ Việt Nam và lòng yêu nước

Phạm Diễm Hương

Thỉnh thoảng, tôi có cơ hội tham dự chương trình Diễn Đàn Tự Do của tổng đài Việt Nam Hải Ngoại do anh Hoàng Bách điều hợp, để chia sẻ những nhận định, cảm nghĩ của mình liên quan đến thời sự thế giới, thời sự Việt Nam. Thứ ba vừa rồi, ngày 30 tháng 8, trong chương trình này, nha sĩ Mỹ Dung của Houston và tôi được mời nói về đề tài: “Phụ Nữ Việt Nam hải ngoại đóng góp như thế nào trong công cuộc đấu tranh hiện nay.”
Theo người điều hợp, buổi nói chuyện khá tốt. Riêng tôi, rất ưng ý chủ đề và muốn chia sẻ chi tiết hơn với quý Bác và quý chị em phụ nữ Việt Nam hải ngoại về đề tài này qua báo chí.
Bình thường, khi viết về phụ nữ, chúng ta có thói quen nghĩ đến thời trang, mỹ phẩm, gia đình, cách dạy con, bếp núc, hoặc giải đáp thắc mắc trong tình yêu, hôn nhân, v.v….
Hy vọng với chủ đề này, chị em phụ nữ chúng ta cùng có cơ hội nhận ra được khả năng tiềm ẩn của mình trong các lãnh vực khác nhau của đời sống, nhưng sẽ cùng hội ngộ với khí phách anh thư dũng liệt của tiền nhân, luôn chảy trong huyết quản mình, và sẽ có những đóng góp hữu hiệu cho đất nước tùy hoàn cảnh của mỗi chúng ta.

Thế kỷ 21, thế kỷ của nữ giới
Bản tin của đài VOA, ngày 30 tháng 8, trong mục Câu chuyện phụ nữ cho biết: Tạp chí Forbes mới đây đã công bố danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới của năm 2011. 100 người này thuộc mọi ngành nghề, từ những vị nguyên thủ quốc gia đến giới trí thức, thương gia, và điện ảnh.
Đánh giá của Forbes không chỉ dựa trên tiêu chuẩn tài chánh mà đặc biệt họ chú ý đến những lần xuất hiện và các tin tức liên quan đến người phụ nữ đó trên các phương tiện truyền thông cũng như các mạng xã hội phổ biến như Facebook hay Twitter. Như thủ tướng Đức Angela Merkel được Forbes bình chọn là người phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới, người được coi là có khả năng giúp cải thiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của khu vực sử dụng đồng euro. Kế đến là Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, Bà đã đem tới sự khích lệ cho những người bất đồng chính kiến ở Ả Rập. Bên cạnh đó, những người làm thiện nguyện như Ca sĩ Lady Gaga gây quỹ được 200 triệu Mỹ Kim cho cuộc chiến chống lại bệnh HIV, hay nữ tài tử Agelina Jolie là Đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp Quốc cũng có tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất của thế giới năm 2011. Á Châu cũng có hai vị nữ lưu có tên trong danh sách này, đó là bà Sonia Gandhi, lãnh đạo đảng Quốc đại đương quyền của Ấn Độ và Tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Như vậy, thế kỷ 21 đúng là thế kỷ của phụ nữ, khả năng của phụ nữ được tín nhiệm đông đảo hơn, họ có nhiều cơ hội đóng góp không những trong khuôn khổ quốc gia, mà còn trong cộng đồng nhân loại. Tuy nhiên, thế kỷ 21 cũng còn là thế kỷ cổ súy cho bình đẳng nam nữ. Qua nhiều tài liệu, các quốc gia trên thế giới không nhiều thì ít, phải đối diện với vấn nạn phân biệt giới tính hay kỳ thị giới tính. Vào thế kỷ thứ 19 hay giữa thế kỷ thứ 20, phụ nữ bị xem là không có khả năng về những công việc liên quan đến trí tuệ. Hiện nay, mặc dù có nhiều nỗ lực của nhiều tổ chức khác nhau bênh vực nữ quyền, nhưng phụ nữ tại một số quốc gia vẫn có số lương thấp hơn nam giới dù họ làm 1 việc giống nhau. Cũng theo đài VOA, tại Á châu, giáo sư Bridget Welsh thuộc trường Đại học Quản trị Singapore cho rằng, việc phụ nữ châu Á xuất hiện trên chính trường như nữ tân thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Bà Sonia Gandhi của Ấn Độ, hoặc cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino, cựu Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri... họ mới chỉ là những người phá vỡ rào cản và mở đường cho những người phụ nữ khác tiến lên nấc thang chính trị, tuy nhiên sự thay đổi về vấn đề bình quyền nam nữ tại chính trường châu Á vẫn diễn ra khá chậm.
Phụ nữ Việt Nam qua từng mốc lịch sử
Khi nước nhà nguy biến, mọi người dân Việt Nam đều tham gia cứu nước, không phân biệt nam nữ. Riêng phụ nữ Việt Nam, tùy hoàn cảnh và cơ cấu của xã hội ở từng thời điểm, sự tham gia dấn thân cứu nước có thể khác nhau, số lượng hình ảnh những anh thư nổi bật có thể thay đổi, nhưng điều này không thể là kết luận cho rằng phụ nữ thời này, không tham gia đóng góp vào chuyện đất nước bằng phụ nữ thời kia.
Chúng ta có thể nhìn lại lich sử một cách sơ lược để thấy sự đóng góp của phụ nữ trong từng thời kỳ:
Thời Hai bà Trưng: theo truyền thuyết, thời ấy nước ta bị nhà Tiền Hán cai trị (đã kéo dài khoảng 150 năm), đất nước bị đổi thành Giao Chỉ bộ và sát nhập vào Trung Quốc, dưới sự giám sát của một Thái Thú Tàu, nhưng quý tộc bản xứ được quyền cai trị nhân dân, vì thế xã hội Việt Nam chưa bị Hán hoá, và vẫn theo chế độ mẫu hệ. Do đấy, nên việc Hai Bà Trưng cũng như các nữ tướng của các bà cầm quân đánh giặc, xưng Vương là điều dễ hiểu và bình thường. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Sau đó, qua ba lần Bắc thuộc, gần cả ngàn năm, và lần thứ tư khoảng 20 năm, mọi cơ cấu xã hội Việt Nam bị đảo lộn, tục trọng nam khinh nữ của người Trung Hoa lan sang nước ta cùng nhiều hủ tục khác, nhằm xoá bỏ Việt tộc, tước đoạt nhân phẩm phụ nữ Việt. Nhưng Việt Nam luôn có những anh hùng hào kiệt chống quân phương Bắc, phụ nữ Việt luôn giữ được phẩm giá của mình, ngôn ngữ Việt được gìn giữ, lệ bó chân của người Trung Hoa không thể bó chân người phụ nữ Việt. Đây là niềm hãnh diện vô biên của dân tộc từ xưa đến nay.
Thời Pháp thuộc: Khi quân Minh bị vua Lê Lợi đuổi ra khỏi bờ cõi trong trận Lam Sơn khởi nghĩa, chấm dứt thời Bắc thuộc lần thứ tư, đất nước trải qua thời kỳ nhiễu nhương Trịnh Nguyễn phân tranh, và rơi vào giai đoạn Pháp thuộc. Ở thời điểm lịch sử này, phụ nữ Việt Nam ra sao?
Chính chủ nghĩa thực dân đã làm sống lại truyền thống “giặc đến nhà đàn bà phải đánh” từ thời Hai Bà Trưng, và nung nấu lòng yêu nước của phụ nữ Việt, và họ đã để lại cho lịch sử những anh thư như Đỗ thị Tâm, Cô Giang, Cô Bắc… Như vậy, chúng ta thấy rằng, qua hai lần đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, từ Tàu đến Pháp, phụ nữ Việt Nam vẫn tự bảo vệ được khí tiết, thanh danh của mình và vẫn sẵn sàng hy sinh khi tổ quốc cần đến họ.
Sau năm 1954, đất nước chuyển mình qua một khúc quanh lịch sử. Không còn chế độ quân chủ, đất nước được độc lập, nhưng bị chia đôi, miền Bắc bị thống trị bởi chủ nghĩa Cộng sản, miền Nam với chủ nghĩa Quốc gia. Nhưng ngay trong nền Đệ I Cộng Hòa, Miền Nam vừa bắt đầu xây dựng nền dân chủ, vừa định cư cho một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Nam tìm Tự Do, thì Cộng sản Hà Nội mở cuộc xâm lăng Miền Nam, đẩy đất nước vào cuộc chiến ý thức hệ tương tàn.
Miền Nam ở vào thế vừa xây dựng vừa tự vệ ngăn làn sóng đỏ, phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh này, một lần nữa đã dấn thân bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ nghĩa quốc gia dân tộc, và lý tưởng Tự Do mà họ đã chọn.
Dưới sự hướng dẫn của bà Trần Lệ Xuân, dân biểu Quốc hội, và cũng là chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới thời đó, lực lượng phụ nữ Miền Nam Việt Nam đã được đoàn ngũ hóa.
Nhân đây, xin viết một chút về bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Nhìn lại lịch sử, nếu đặt quyền lợi đất nước lên trên tất cả mọi quyền lợi khác, có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn công bằng hơn về Bà Nhu, nhìn nhận công trạng của Bà đối với đất nước và nữ giới. Bà là một phụ nữ thông minh, tài giỏi và can đảm, đã ra bộ Luật Gia Đình để nghiêm cấm nạn đa thê, bảo vệ nền tảng căn bản của xã hội và bảo vệ nhân phẩm phụ nữ. Bà cũng thành lập Đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa để đoàn ngũ hóa cán bộ, đưa phụ nữ lên đúng tầm vóc vai trò của họ.
Sau đó, phụ nữ Nam Việt Nam còn có đội ngũ Nữ Quân Nhân được thành lập từ năm 1965 và đã có mặt trong hầu hết các binh chủng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ đất nước.
Đến thời Đệ II Cộng Hòa, tính đến trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, theo nhu cầu của đất nước, con số Nữ Quân Nhân đã tăng lên đến 6000 người. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam sụp đổ, những Nữ Quân Nhân này đã chịu cùng chung số phận với những người lính quân lực VNCH: Họ cũng bị đày ải trong các trại tù cải tạo của cộng sản.
Phụ Nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ hiện nay
Ở trong nước, từ năm 1984, phong trào đấu tranh đòi Tự Do Dân Chủ cho Việt Nam bắt đầu nở rộ với sự ra đời của khối 8406. Hàng vạn người đủ mọi ngành nghề trong và ngoài nước đã ký tên ủng hộ tham gia, trong đó có nữ luật sư trẻ Lê thị Công Nhân, cô cũng là phát ngôn viên của đảng Thăng Tiến, một đảng đối lập tại Việt Nam. Luật Sư Lê Thị Công Nhân bị bắt tại Hà Nội với cáo buộc hoạt động tuyên truyền chống nhà nước, và bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản thúc. Tháng 3 năm 2010, mãn hạn tù, cô đã kể với các hãng truyền thông quốc tế về những ác độc và man rợ mà cộng sản Việt Nam trả thù những nhà dân chủ khi họ bị giam giữ trong tù.
Một khuôn mặt nữ nổi bật trong cuộc đấu tranh hiện nay, vẫn còn đang trong vòng lao lý, là Phạm Thanh Nghiên, là người đầu tiên cảnh báo hiểm họa Bắc Triều, và cô đã đi thăm gia đình những ngư phủ bị Trung Cộng giết hại. Ngày 13 tháng 9 năm 2008, Phạm Thanh Nghiên đã viết một tâm thư phản đối công hàm bán nước Phạm Văn Đồng và kêu gọi mọi người hãy bày tỏ thái độ yêu nước qua việc tọa kháng. Nhưng ngay sau đó, cô bị bắt khi đang tọa kháng tại nhà với biểu ngữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.”. Trong phiên tòa hôm 29 tháng 1 năm 2010, kéo dài vỏn vẹn nửa ngày, Phạm Thanh Nghiên dõng dạc tuyên bố cô vô tội, nhưng bản án 4 năm tù giam, 3 năm quản thúc đã tròng vào cổ người thiếu nữ mảnh khảnh, nặng tình yêu nước.
Khuôn mặt phụ nữ trẻ khác đã tham gia đấu tranh trong mặt trận văn hóa cô Huỳnh Thục Vy, cô đã viết nhiều bài có giá trị, cổ súy cho Dân chủ và Nhân quyền như: Dân chủ-giá trị nhân bản; Cù Huy Hà Vũ-lương tâm thời đại; Bầu cử Quốc hội-sự lựa chọn của thanh niên v.v… Những bài viết này đã bị nhà nước csvn lên án và gia đình Huỳnh Thục Vy bị đe dọa.
Nói đến các nhà văn nữ đấu tranh, không thể không kể đến ngòi bút của blogger Tạ Phong Tần, chủ trang Công Lý và Sự Thật với những bài viết phê phán chế độ rất sâu sắc. Chị vừa bị nhà nước cộng sản Việt Nam bắt giữ ngày 5 tháng 9 năm 2011. Theo bản tin của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) hôm 14 tháng 9 vừa qua, Blogger Tạ Phong Tần cùng 7 nhà văn Việt Nam khác trong số 48 tác giả từ 24 quốc gia vừa được trao giải thưởng Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị.
Hiện nay, đấu tranh đòi tự do và bảo vệ lãnh thổ, đang được đồng bào mọi giới tham gia qua những cuộc biểu tình hàng tuần ở trong nước từ ngày 5 tháng 6 năm 2011. Những khuôn mặt phụ nữ rất trẻ như học sinh, sinh viên, kể cả một em bé gái khoảng10 tuổi trực diện với anh công an bên kia hàng rào cản, được loan tải rộng rãi trên Internet, đến những phụ nữ lớn tuổi, đã xuất hiện ngày càng đông trong các cuộc biểu tình yêu nước, chống Trung cộng xâm lăng, nhưng họ đã bị công an cộng sản đuổi bắt, bị kéo lê trên đường, bị xô đẩy thô bạo… những hình ảnh này đã nói lên tất cả lý do vì sao phụ nữ Việt Nam tham gia đấu tranh.
Với ý niệm trong nước là tuyến đầu, hải ngoại là hậu phương, phụ nữ Việt Nam hải ngoại ngày nay ngoài việc đóng góp tài sức trong xã hội bản xứ, vẫn nặng lòng với quê hương Việt Nam và luôn góp phần vào công cuộc chung.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh, nhiều phụ nữ đã can đảm gạt lệ tiễn chồng trở về nước mưu việc lớn. Họ đã vừa phải tìm kế sinh nhai, vừa thay chồng hướng dẫn nuôi dậy các con.
Họ khuyến khích con em cùng tham gia sinh hoạt cộng đồng, bắc nhịp cầu tiếp nối giữa nhiều thế hệ. Họ tham gia phái đoàn gặp gỡ chính giới bản địa, yêu cầu lên tiếng bênh vực những nhà đấu tranh dân chủ trong nước. Họ vận động tổ chức Liên Minh chống tệ nạn buôn người, khi làn sóng những cô gái trẻ bị csvn bán hàng loạt sang Đài Loan và các nước Đông Nam Á làm nô lệ tình dục, khi những em bé Việt Nam 7, 8 tuổi bị bán sang các nhà chứa ở Campuchia.
Thực sự, chúng ta khó tìm thấy từng khuôn mặt phụ nữ hải ngoại nổi bật trong công cuộc đấu tranh hiện nay, họ đã hòa nhập vào hoạt động của các đoàn thể trong cộng đồng. Nhưng một điều không ai phủ nhận được là: phụ nữ hải ngoại là lực lượng nhận lãnh vai trò lớn lao nhất, quan trọng nhất, và trong nhiều trường hợp, rất âm thầm, đó là giữ gìn văn hoá Việt Nam. Họ đã và đang giữ gìn và bảo vệ những giá trị truyền thống gia đình, mà cộng sản đã ra sức hủy diệt ở trong nước. Chính những giá trị tinh thần này là yếu tố then chốt, giúp xây dựng lại đất nước Việt Nam hậu cộng sản. (PDH 09/11)
Tài liệu tham khảo:
Anh Thư Nước Việt - Từ Lập Quốc Đến Hiện Đại, Phương Lan ( Hoa Kỳ, cơ sở xuất bản Đại Nam, 1980)
Việt Nam Pháp Thuộc Sử (1884-1945), Phan Khoang (1961)
Việt Sử Toàn Thư (Từ Thượng Cổ đến Hiện Đại), Phạm văn Sơn (Hoa Kỳ, cơ sở xuất bản Dại Nam, 1980)
KBC Hải Ngoại: Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH
http://kbchn.com/2011/05/26/n%E1%BB%AF-quan-nhan-qlvnch/#more-4009
Câu chuyện phụ nữ: Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2011
(http://www.voanews.com/vietnamese/news/women/most-powerful-women-2011-128681773.html)
Gia đình Huỳnh Thục Vy: Viếng thăm hay đe dọa?
http://danlamthan.wordpress.com/2011/04/09/gia-dinh-hu%E1%BB%B3nh-th%E1%BB%A5c-vy-vi%E1%BA%BFng-tham-hay-de-d%E1%BB%8Da/
Nguồn: http://diendanctm.blogspot.com/2011/10/phu-nu-viet-va-long-yeu-nuoc.html

Phạm Diễm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét