2011/10/22

Đọc tập sách “Chết Bởi Trung Quốc” của tác giả Peter W. Navarro và Greg Autry (Phần 7)


Lý Thái Hùng

  • Trang: 
  • 1
  • 2
  • 3
Sau đây là Phần 7 bài điểm sách "Chết Bởi Trung Quốc" (Death by China) của Bình luận gia Lý Thái Hùng. Kính mời quý độc giả theo dõi. BBT WebVT
— -
PHẦN 7
Chương 13Death By Chinese Pogrom: When Mao Met Orwell and Deng Xiaoping in Tiananmen Square.
Chết Vì bị Trung Quốc Tàn Sát: Khi Mao Gặp Orwell và Đặng Tiểu Bình ở Thiên An Môn.
 
JPEG - 90.8 kb
Hàng trăm ngàn thanh niên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn Tháng 6/1989.
Trong “thiên đường” của những công nhân Trung Quốc, kẻ thù thông thường nhất của đảng Cộng sản lại là những công dân của chính họ. Những công dân kẻ thù này là những người làm việc cật lực trong nước Cộng Hòa của Nhân Dân, họ muốn đồng lương cao hơn và những điều kiện làm việc tốt hơn, họ ao ước có nước sạch và không khí dễ thở, họ phấn đấu để được chăm sóc sức khoẻ và quyền lợi hưu trí hợp lý, và họ tìm kiếm hết lòng trong tuyệt vọng quyền tự do phát biểu tư tưởng chính trị và tôn giáo.
Tại những phần đất bị chiếm đóng như Tây Tạng, Nội Mông, và Tân Cương, những kẻ thù của đảng Cộng sản Trung Quốc này cũng là những người bản xứ can đảm đi tìm quyền tự chủ từ chế độ Bắc Kinh; họ đòi hỏi quyền được chia một phần sự thịnh vượng từ việc khai thác các nguồn tài nguyên trên mảnh đất quê hương; và họ căm phẫn tột cùng trước làn sóng tràn vào của sắc dân thống trị người Hán mà Bắc Kinh đã đưa vào nhập cư để xóa nhòa và tẩy sạch gốc tích di truyền của họ.
Đối với hàng trăm triệu nạn nhân này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có ba vấn đề:
- Sự áp bức nội địa do mô hình tăng trưởng kinh tế đầy ô nhiễm vận hành trên lao động rẻ mạt (50 xu). 
- Một hệ thống thần quyền cứng ngắc của Đảng Cộng sản dựa trên giai cấp đã hạn chế sự thăng tiến xã hội.
- Một chế độ độc tài toàn trị kiểu “Orwell tiêm kích thích tố Steroids” theo dõi mọi động thái của dân, ức chế mọi hơi thở, và tuyệt đối không dung thứ đối lập.
Trên thực tế, trớ trêu thay cái tên “Cộng Hòa Nhân Dân” vừa không phải là nền dân chủ đại diện bởi những nhà lãnh đạo được người dân bầu lên hợp lệ từ những cuộc đầu phiếu, vừa chẳng phải là một “cộng hòa” nơi người dân, bằng bất cứ phương thức hay cung cách nào giữ được quyền kiểm soát đáng kể đối với chính phủ. Thay vào đó, những cuộc hội họp và những quá trình lấy quyết định của đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn bị che dấu và gạn lọc bởi phương tiện truyền thông do đảng kiểm soát bằng bàn tay sắt.
Đế Quốc Đỏ Nói Dối
Điều 35, Hiến Pháp của Trung Quốc đã ghi như sau: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do diễn hành và biểu tình.”
Ngay cả tên của Trung Quốc - Cộng Hoà Nhân Dân – là một sự dối trá đầy mỉa mai, Hiến pháp của nước Cộng hòa Nhân dân cũng là trò chơi chữ đầy rẫy những phi lý. Trong khi điều 35 bảo đảm các quyền như tự do ngôn luận, lập hội, tụ họp, và biểu tình, thì việc thực hiện bất cứ quyền nào trong số này - nhất là biểu tình – là tự chuốc lấy hoặc bị đánh đập, hoặc bị bỏ tù hay cả hai. 
Đối với tự do báo chí, một điều kiện tiên quyết để thành công của một nhà nước công an trị là khả năng kiểm soát các luồng thông tin và uốn nắn nhận thức qua quản lý cả hai đầu ra vào của thông tin. Đây là một quá trình hai bước nhằm đàn áp thông tin chân thực và thay thế nó bằng sự lừa dối đầy thuyết phục; và Trung Quốc xử dụng báo chí và truyền thông điện tử của họ để làm điều này rất tốt. Trong thực tế, chỉ số tự do báo chí gần đây nhất do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp hạng Trung Quốc đứng thứ hạng 171 trong số 178, đặt nó chỉ trước nửa tá những lỗ đen kiểm duyệt nặng nề như Sudan, Bắc Triều Tiên và Iran.
Điều 40 Hiến Pháp ghi rằng: “Tự do và quyền riêng tư thư tín của các công dân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc được bảo vệ bởi luật pháp”. Điều này cũng thật nực cười. Thử lên Internet ở Trung Quốc và gửi một E mail đến người bạn. Bức thư dù mang tính riêng tư sẽ bị kiểm duyệt bởi “Bức Tường Lửa Vĩ Đại” vốn xử dụng hơn 50,000 công an mạng và nhân viên kiểm duyệt; và chúng tôi đã trực tiếp thấy được điều này khi công an ở Thấm Quyến bắt giữ những người bất đồng chính kiến mà chúng tôi sắp xếp lịch gặp thông qua E Mail.
Muốn thấy Bức Tường Lửa Vĩ Đại trong hành động, ta có thể thử: Đi đến một quán cà phê Internet ở bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc và đánh thử vào trình duyệt (web browser) của bạn những câu như “freedom of speech”, hay “Tiananmen square demonstrations”. Các đường nối liên hệ sẽ bị phong tỏa. Thử lần nữa, và máy của bạn sẽ bị tắt ngay. Cứ tiếp tục thử, và rất có thể sẽ có một công an mạng đến hỏi thăm bạn – hay bị sách nhiễu bởi một kẻ nào đó trong một hệ thống những người thừa hành tài tử vốn kiếm tiền bằng cách giao nạp những công dân mạng như họ để lấy tiền thưởng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng cảnh báo:
Chúng ta phải tăng cường và cải tiến sâu rộng hơn nữa việc kiểm soát các trang thông tin mạng, nâng cao mức độ kiểm soát xã hội ảo và hoàn thiện cơ chế của chúng ta đối với các kênh trực tuyến ý kiến của công chúng.
Cũng nên thêm ở đây rằng, như bao chuyện ở Trung Quốc, kiểm duyệt gắn liền chặt chẽ với chiến tranh kinh tế của Bắc Kinh nhằm chống lại những đối tác mậu dịch và đối thủ cạnh tranh của họ. Ví dụ, Trung Quốc cấm phim ảnh Hollywood tại những rạp chiếu bóng ở Trung Quốc với lý do là phản đối văn hóa và đạo đức trong khi mặc nhiên cho phép những phim này được sao chép trên đường phố Thượng Hải; rõ ràng đây là một rào cản mậu dịch lớn lao nhắm vào trong những kỹ nghệ lớn của Hoa Kỳ.
Tương tự, ngăn cấm những công ty Hoa Kỳ như Google, Youtube, và Facebook xâm nhập thị trường Trung Quốc trong khi đó lại dung dưỡng các công ty nhái như Baidu, Youku và Renren là một sự vi phạm trắng trợn những luật lệ của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới: núp đàng sau lập luận quái đản cho rằng kiểm duyệt là một lý do chính đáng chứ không phải là một tội ác.
JPEG - 39.8 kb
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ tại Thiên An Môn 1989
Tác giả đã đưa ra một vấn đề khá mỉa mai; sự kiện có quá nhiều công dân Trung Quốc bị bỏ tù vì cố thực thi quyền tự do được quy định trong điều 35 và điều 40 của Hiến Pháp, rõ ràng cho thấy rằng công an Trung Quốc không buồn đọc điều 37 Hiến pháp - nêu rõ: “Quyền tự do của các công dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc là bất khả xâm phạm.”
Thực tế, ngày nay, có khoảng 2 triệu công dân Trung Hoa đang khốn đốn trong hơn 300 cái gọi là “trại cải tạo lao động” và hàng chục ngàn những công dân này đã bị giam về những tội như theo đạo Thiên Chúa Giáo “chưa được đăng ký” hay là thành viên của Giáo phái Pháp Luân Công. Điều này nữa, cũng thật kỳ lạ bởi vì điều 36 của Hiến pháp rõ ràng quy định: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc có quyền tự do tín ngưỡng”.
Đương nhiên, khi những công dân bình thường của Trung Quốc buộc phải đối diện với sự tương phản hoàn toàn giữa lý tưởng được nêu ra trong Hiến pháp và thực tế của đời sống hàng ngày kiểu Orwell, họ đã phải tự trải nghiệm một trường nhận thức nghịch lý nghiêm trọng. Điều đó làm nảy sinh câu hỏi: Điều gì đã khiến một quốc gia với người dân cần cù và thông minh và với một lịch sử kinh tế, văn hóa lâu đời và phong phú như thế lại rơi vào địa ngục toàn trị như hôm nay? Để trả lời câu hỏi đó, cần nhìn sơ vào một số bước ngoặt lịch sử quan trọng.
Đế Quốc Đỏ Bần Cùng
Phần lớn sự đổi mới và năng động mà chúng ta liên kết với Trung Quốc bắt nguồn từ đời Đường (khoảng từ 600 đến 900 trước Công nguyên) và đầu triều đại nhà Minh (từ 1370 đến 1450). Trong cả hai thời kỳ này, Trung Quốc - phát minh ra tất cả mọi thứ từ la bàn, thuốc súng và hỏa tiễn đa chặng đến tiền giấy, xe đẩy, rượu và cờ tướng – đã là nền văn minh thịnh vượng nhất, hùng mạnh nhất, ổn định nhất và tiên tiến nhất trên trái đất.
Đặc biệt dưới triều đại nhà Minh, trong khi Châu Âu còn ngủ vùi trong thời kỳ tăm tối, Trung Quốc đã phát triển một nền kinh tế tiêu dùng vững chắc với sự hỗ trợ của một đế chế sáng tạo kỹ thuật và thương mại to lớn. Chính trong thời kỳ này, Hoàng đế thứ ba của Nhà Minh đã cho hạ thủy những hạm đội thám hiểm lớn nhất mà thế giới chưa từng thấy – trước đó hay từ đó về sau.
Theo ghi chép của Samuel Wilson trong quyển The Emperor’s Giraffe, hạm đội viễn chinh Hoàng gia Trung Quốc có hàng trăm “thuyền chở châu báu” đồ sộ - dài bằng nửa chiếc du thuyền hiện đại. Những tàu này chở hàng chục ngàn thủy thủ Trung Quốc đến Ấn Độ, Phi Châu và Trung Đông; chúng quay trở về với đồ cống nạp và sứ thần từ phương xa. Nếu so sánh, toàn bộ hạm đội của Christopher Columbus chỉ là một nhóm thuyền bé nhỏ tội nghiệp, và với sự xuất hành của hạm đội Hoàng gia, Trung Quốc đã sẵn sàng để trở thành một thế lực quốc tế có thể dễ dàng gạt Tây Ban Nha và Anh sang một bên trong cuộc chinh phục địa vị bá chủ hoàn cầu ở thế kỷ 16.
Tuy nhiên, giấc mộng đế quốc của Trung Quốc đã không thành hiện thực. Năm 1433, những hoạn quan đầy quyền lực đã đột ngột cắt đứt các chuyến thám hiểm, phá hủy tàu thuyền, và thậm chí tiêu hủy những ghi chép của các cuộc hành trình. Những gì theo sau là một chính sách cô lập tai hại, trong đó quốc gia có một thời vĩ đại là Trung Quốc từ từ rơi vào thời kỳ đen tối trong lúc Phương Tây phát triển rực rỡ.
Bất chấp sự cô lập của họ, trong những năm đầu thập niên 1800, Trung Quốc vẫn chiếm 1/3 Tổng sản lượng nội địa (GDP) của thế giới so với 3% khiêm tốn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử, Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ cuộc cách mạng công nghiệp.
Thay vào đó, một trong những đổi chiều “gậy ông đập lưng ông” của lịch sử, những kỹ thuật của Trung Hoa như thuốc súng và la bàn được các quốc gia Âu Châu biến thành vũ khí; và cuối cùng những nước này đã đến cướp bóc vương quốc vốn một thời kiêu hãnh và hùng mạnh. Chính trong thời kỳ dài mà người Trung Quốc gọi là thời kỳ “mối nhục ngoại bang” này, các thế lực đang nổi lên của Phương Tây đã thiết lập các căn cứ thuộc địa tại những thành phố cảng như Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba và Thượng Hải. Những nước thực dân này không đến trong hòa bình mà đến để khai thác của cải Trung Quốc để chở về Anh, Hà Lan và Bồ Đào Nha.
Cũng trong thời kỳ này, nước Anh phát động cuộc Chiến Tranh Thuốc Phiện buộc Trung Quốc phải chấp nhận nhập khẩu thuốc phiện giết người từ Ấn Độ để Anh có thể cân bằng thâm thủng mậu dịch khổng lồ với Trung Quốc về những hàng hóa như bông vải, lụa, trà. Những cuộc chiến này tích lũy đưa đến cuộc nổi dậy của Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Rebellion), một cuộc nổi dậy của người Hoa chống lại người ngoại quốc, đã bị dập tắt một cách dã man bởi lực lượng viễn chinh chung của Âu Châu và Hoa Kỳ. Chính các đội quân nước ngoài này đã tiến vào Cấm Thành, bước qua lăng tẩm của các hoàng đế triều Minh vĩ đại, cắt nát mảnh cuối cùng của lòng tự trọng, sự kiên nhẫn và quan trọng nhất là sự đoàn kết của người Trung Quốc.
Theo sau mối nhục ngoại bang này, Trung Quốc từ từ phân rã trong cuộc cách mạng toàn diện. Sau hy vọng ngắn ngủi về một nền cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Tôn Trung Sơn vào năm 1912, Trung Quốc nhanh chóng bị cuốn vào cuộc nội chiến đẫm máu đa phương giữa các phe quốc gia, cộng sản, và nhiều lãnh chúa. Đây là một cuộc hỗn loạn làm suy nhược toàn diện, dẫn đến cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật Bản và đạt đến đỉnh điểm với sự trổi dậy của Mao Trạch Đông, sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc vào năm 1949 và sự đào thoát của những lực lượng quốc gia sang Đài Loan.
  • Trang: 
  • 1
  • 2
  • 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét