Nguyệt Quỳnh
Đất Quảng nghèo. Cái nghèo đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân xứ Quảng; tháng ngày cứ phải oằn mình trong những cơn bão, những cơn mưa, những cơn đói. Người dân xứ Quảng đi xa khi nhớ về quê là nhớ những nồi cơm mẹ nấu có khoai mài, khoai sắn; nhớ những chiều bão rơi và nhớ mẹ. Mẹ là hình bóng thiêng liêng của những hy sinh vô bờ bến. Mẹ đâu biết gì về ý thức hệ, về các thế lực đối đầu quốc tế, về cộng sản hay tư bản. Mẹ chỉ dốc hết ruột gan, ruộng rẫy, dốc cả cuộc đời ra lo cho các con dù chúng đứng bên nào của chiến tuyến.Để rồi cuối cùng sau chiến tranh, những ngày hoà bình đầu tiên, mẹ phải chứng kiến cảnh nồi da xáo thịt. Mẹ đã phải đứng nhìn hàng trăm ngàn đứa con chết rục trong các trại tù cải tạo và những đứa con khác đưa đất nước vào hoang tàn, tụt hậu.
Trên mình mẹ mang nhiều thương tật
tóc mẹ bạc, rồi lại bạc thêm
nhưng đêm đêm
từng nhát cuốc vẫn xoáy vào ruột đất.
(Mẹ đào hầm - Bùi Minh Quốc)
Từng nhát cuốc của mẹ ngày nào vẫn xoáy vào ruột đất, xoáy vào lòng con những đêm quân hành. Mẹ đã mất năm con, mẹ đã mất bảy con, mẹ đã mất chín con trong chiến tranh. Mẹ đưa con mẹ, da thịt mẹ ra chiến trường không phải để có một đất nước như ngày hôm nay! Và, dĩ nhiên, không phải để được dựng tượng đài.
Đất Quảng vẫn nghèo, dân vẫn khổ. Chế độ dành cho những đứa con thương binh, những bà mẹ Việt Nam vài hột cơm bố thí rơi rớt đó đây. Vậy mà cái dự án dựng tượng đài lấy tên mẹ lên đến 410 tỷ đồng. Các con mẹ đâu hết rồi? Còn ai đây, những bọn tham nhũng, bọn thời cơ đang đục rỗng tượng mẹ! Các con ở đâu? Đất nước chưa yên bình sao con đã vội cởi áo lính?!
Xin đừng dựng tượng đài cho mẹ trên mảnh đất nghèo xơ, nghèo xác này. Mảnh đất mẹ để lại cho con từ ngàn xưa đâu có những tượng đài tráng lệ, nhưng mỗi vốc đất trên nắm tay con là xương là thịt, là dấu tích của những hy sinh vô bờ, của những vinh quang kỳ vĩ. Chưa bao giờ đất mẹ lại có nhiều tượng đài như ngày hôm nay, những tượng đài vô cảm, đứng kiêu hãnh nhìn ra biển đông khi các con mẹ bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bức hại …
Dựng tượng đài cho mẹ làm chi trên mảnh đất nghèo khó này và hàng ngàn vùng nghèo khác trên cả nước. Mẹ đứt ruột nhìn các chắt, các chít của mẹ bơi qua sông đi học như ở Quế Sơn. Ai quên được cảnh những cháu học sinh thơ dại chết chìm ở Nghệ An. Vào đúng ngày 19 tháng 5 năm nào, khi lãnh đạo rình rang khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh, trị giá 50 tỉ đồng, ở Nghệ An thay vì làm một cây cầu đơn sơ cho trẻ em đi học. Chỉ tám tiếng đồng hồ sau khi tượng đài được khánh thành, một thảm họa kinh hoàng đã xảy đến. Mưa gió đã lật úp chiếc xuồng nan, lấy đi sinh mạng của 18 em học sinh tiểu học!!!
Còn nhớ không, những ngày kháng chiến chống Pháp? Mẹ đã từng dốc hết tiền bạc của cải ra nuôi cách mạng. Sau chiến thắng, những đứa con trở về, đem theo những tên cố vấn từ Trung Quốc cùng cái chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ngoại lai kinh hoàng phủ xuống nông thôn miền Bắc. Người mẹ kháng chiến có nhiều công lao lớn với cách mạng Việt Nam như mẹ Nguyễn Thị Năm cũng chính là người phụ nữ đầu tiên bị đấu tố, tử hình ở Thái Nguyên. Phát súng đầu tiên của Cải Cách Ruộng Đất bắn vào tim mẹ! Và cái chết của mẹ phải chăng mở đầu cho những tháng năm dân tộc chìm đắm trong một cơn hậu chấn kinh hoàng.
Ngày nào mẹ tiễn đưa lũ con ra biên giới phía Bắc chống ngoại xâm. Mẹ cắt ruột khi các con mẹ nằm xuống ở địa đầu đất nước để rồi mấy năm sau đó mỗi độ xuân về cái guồng máy tuyên truyền lại rêu rao tên mẹ với những tước hiệu mà mẹ chẳng bao giờ muốn. Những dấu tích đớn đau còn nằm ở Lạng Sơn, ở Đồng Đăng, vậy mà nay mẹ lại phải chứng kiến cũng chính chủ nhân cái guồng máy ấy đem mộ bia các con ra đập phá, san bằng để làm hài lòng những kẻ xâm lược phương bắc.
Số phận mẹ cũng không hơn các con là bao. Ngày xưa mẹ đã đào hầm từ những ngày tóc mẹ còn xanh. Mẹ đã dùng nhà mẹ, đất mẹ, hầm của mẹ để chở che những đoàn quân cách mạng. Lãnh đạo Đảng tuyên dương mẹ là Mẹ Liệt Sĩ, Mẹ Anh Hùng. Nhưng nay, những đứa ngày nào mẹ che dấu trong hầm tối, bây giờ đang rình rập để tước đoạt từng mét vuông đất cuối cùng và cuối đời của Mẹ. Căn nhà của “Mẹ Anh Hùng” cũng bị cướp, bị ủi sập để lấy đất bán cho tư nhân. Tấm bằng Mẹ Liệt Sĩ mà mẹ ôm theo trong đoàn người thống khổ đi đòi công lý cũng chẳng giúp được gì khi công an xông đến đánh, đạp, và dẫm nát luôn tấm bằng oan nghiệt đó. Có người như Mẹ Thái Thị Tiễn (http://luongtamconggiao.wordpress.com/2010/08/10/nha-trang-m%E1%BA%B9-dan-oan-om-b%E1%BA%B1ng-t%E1%BB%95-qu%E1%BB%91c-ghi-cong-d%E1%BB%83-th%E1%BA%A5y-%E2%80%9Cchut-liem-s%E1%BB%89-c%E1%BB%A7a-chinh-quy%E1%BB%81n%E2%80%9D/), 86 tuổi, nói trong nức nở: “…Khi gia đình tôi bị cưỡng chế hơn 5.000 m2 đất, tôi đã phải ôm Bằng Tổ quốc ghi công để mong nhận được một chút liêm sỉ của chính quyền. Nhưng không ngờ đến tấm Bằng Tổ quốc ghi công của tôi cũng bị cướp đến nay chưa trả…”
Nhưng đâu phải chỉ riêng mẹ. Nhân dân không tiền bây giờ đều bị đối xử như rác rưởi dưới cống rãnh. Những đứa núp bóng mẹ ngày nào bây giờ ngồi chễm chệ chỉ tay cho đám côn đồ xịt nước cống (http://www.youtube.com/watch?v=QLf3ddXPZGA&noredirect=1), giật thúng rau, hất gánh hàng của mẹ tại các chợ, các vỉa hè…
Dùi cui vung dọc phố
Mẹ già táo tác gánh rau
Chân run té nhào giữa lộ
Còi hú, mẹ ơi dậy mau
Cho rộng đường xe "đầy tớ".
(Một Thoáng Phố Phường - Bùi Minh Quốc)
Nhưng mẹ có xá gì những điều đó. Mẹ sẵn sàng tha thứ hết như đã tha thứ biết bao lần. Nhưng chỉ có một loại người mà mẹ không thể và không bao giờ tha thứ; đó là những kẻ đang cắt từng vùng đất nước đã thấm đẫm máu các con mẹ, thấm đẫm mồ hôi nước mắt của mẹ đem dâng bán, trao đổi với ngoại bang. Và con ơi, chính những kẻ ấy đòi đem mẹ ra tạc tượng!
Đừng tìm mẹ nơi tượng đài vô hồn, vô cảm. Hãy tìm mẹ nơi đèo Eo Gió, ở núi Đình Cương, ở huyện Quế Sơn. Tượng của mẹ là đá đã tạc vào ngàn năm, tạc vào đất quê hương bóng của những đêm đơn chiếc khói nhang, của mấy mươi năm trường đi kêu oan, của những gánh hàng tao tác, của những oan khuất không ngừng.
Con ơi! Đó mới là tượng của mẹ hôm nay.
Nguyệt Quỳnh
9/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét