2011/10/31

Gaddafi: lại một cái chết không cần thiết


Hoàng Trường

Cách mạng Hoa Lài tại Tunisia khởi đầu vào ngày 17/12/2010 và kết thúc vào ngày 14/1/2011, kéo dài 28 ngày với kết quả là nhà độc tài Ben Ali bỏ trốn qua nước láng giềng Saudi Arabia.
Cách mạng tại Ai cập bắt đầu từ ngày 25/1/2011 và kết thúc vào ngày 11/2/2011, kéo dài 17 ngày với kết quả là nhà độc tài Hosni Mubarak từ nhiệm và ở lại Ai Cập.
Hai làn gió cách mạng nói trên đã nhanh chóng thổi qua Libya, bắt đầu với những cuộc biểu tình ôn hoà từ ngày 15/2/2011. Nhưng, những cuộc biểu tình ôn hoà chỉ kéo dài được vài ngày đã nhanh chóng trở thành bạo động, và ngày một khốc liệt hơn để trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu. Số người thiệt mạng lên tới trên dưới 50 ngàn người. Sau 8 tháng và 5 ngày, cuộc cách mạng bạo động tại Libya cũng đã kết thúc trong bạo động với việc lực lượng nổi dậy bắt và hạ sát nhà độc tài Muammar Gaddafi vào ngày 20/10/2011.
Ngay từ những ngày đầu của cuộc cách mạng tại Libya, khi thấy mức phẫn nộ của người dân sau hơn 40 năm bị trấn áp và sự ủng hộ của thế giới, hầu hết các nhà phân tích đều tin chế độ độc tài Gaddafi sẽ sụp đổ. Câu hỏi đặt ra là “bao giờ sụp đổ” và “sụp đổ ra sao”? Nhưng điều làm mọi người ngạc nhiên là cách ứng xử mà Gaddafi đã chọn: hoang tưởng, ngoan cố, và tàn bạo.
Trước hết, Libya không phải là nước duy nhất mà gió cách mạng từ Tunisia và Ai cập thổi đến. Thật ra, chiến thắng của nhân dân 2 nước này đã lan ra trên dưói 17 quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông. Tình hình tại 17 nước này đang diễn ra theo hai hướng: Hướng thứ nhất, nhà nước ít nhiều đáp ứng những đòi hỏi của người dân sau khi nổ ra những cuộc biểu tình. Kết quả là những nhà nước này vẫn tồn tại, nhưng phải nới lỏng sự kềm kẹp, tôn trọng một số quyền của người dân và thi hành những cải cách thích ứng; Hướng thứ nhì, nhà nước quyết liệt dùng bạo lực trấn áp dân chúng. Kết quả là những nhà nước đó sụp đổ hoặc gia tăng cường độ đối đầu với dân chúng. Một số lãnh đạo độc tài bị bắt chờ ngày xét xử (*). Tuy kết thúc theo hai khuynh hướng nhưng đều gặp nhau ở một điểm, đó là sự thắng thế của nhân dân trước những chế độ độc tài.
Riêng tại Libya, Gaddafi và các con của ông (tức toàn bộ phận lãnh đạo) đã quá kiêu căng sau 41 năm cai trị không đối thủ, bất chấp những bài học xảy ra chung quanh để nhận ra rằng: trong thế kỷ 21 này, dân chủ là xu thế không thể đảo ngược được. Và sự tất yếu của xu thế đó là các chế độ độc tài phải cáo chung. Cả gia đình Gaddafi chỉ xem làn sóng nổi dậy của dân chúng là sự “hỗn láo và vô ơn” đối với lãnh đạo. Và từ đó họ chỉ có một chính sách duy nhất là giết chóc một cách tàn bạo bằng đoàn quân ngoại quốc đánh thuê để tạo tối đa sợ hãi trong dân chúng như trong suốt 4 thập niên qua. Vì thế càng ngày Gaddafi càng lún sâu vào tội ác với nhân dân và tự đặt mình vào thế bị dồn đến chân tường.
Đã có câu hỏi được đặt ra là tại sao Gaddafi không bỏ trốn ra nước ngoài, dù rằng ông đã cho gia đình và thân nhân trốn sang các nước lân cận. Phải chăng Gaddafi đã tự biết, với những tội ác khủng khiếp mà ông ta đã gây ra cho dân chúng Libya, với thành tích hỗ trợ các lực lượng khủng bố suốt 4 thập niên và các vụ chủ mưu đặt bom phi cơ và các nơi đông người tại Tây Âu, thế giới ngày nay sẽ chẳng còn quốc gia nào dám cho ông ẩn máu lâu dài. Phải chăng những bài học nhãn tiền từ nhà độc tài Milosevic của Serbia bị xét xử tại Toà Án Hình Sự Quốc Tế, Ben Ali của Tunisia và Mubarak của Ai Cập bị tịch thu tài sản và đem ra xét xử, cũng như số phận của các lãnh tụ Al-Qaida gần đây không còn cho Gaddafi chút hy vọng gì về con đường chạy ra nước ngoài.
Nhưng chính từ thực tế khách quan đó mà các chọn lựa chủ quan của bố con Gaddafi mang đầy tính hoang tưởng và rồ dại. Khi biết không còn con đường trốn ra nước ngoài, lẽ ra ông phải bắt đầu chuẩn bị cho mình một tương lai có thể tiếp tục sống tại quê hương, đó là giảm ngay các biện pháp tàn bạo, chấm dứt các giết chóc, và từng bước đưa đất nước qua chế độ dân chủ đa nguyên như các chính phủ khôn ngoan khác đang làm. Ngược lại, Gaddafi bố và các Gaddafi con chỉ biết ra lệnh bắn, giết, tra tấn.
Nhìn về Việt Nam, người ta tự hỏi liệu những người lãnh đạo đảng Cộng sản VN hiện nay có rút tiả được bài học nào hay không từ cái chết của Gaddafi. Liệu họ có biết kịp thời thức tỉnh, hay chỉ biết dựa vào tay nghề duy nhất là bạo lực như Gaddafi đã làm?
Điều người ta có thể thấy được là, từ những lệnh miệng của ban Tuyên Giáo Trung Ương cho báo chí trong việc đăng tải các tin tức về cuộc nội chiến ở Libya mấy tháng trước đây “để tránh tạo khó khăn trong quan hệ ngoại giao”, cho đến việc Hà Nội phản ứng rất chậm trễ về cái chết của Gaddafi, dù đó là một tin nóng bỏng trên thế giới; cho đến quan điểm rất chung chung và có ý bài xích sự can dự của các nước thuộc khối NATO, được đài Tiếng Nói VN (VOV) đưa ra sau đó. Tất cả thể hiện sự “tiếc thương” của Hà Nội đối với một chế độ cũng mang danh xưng “Xã Hội Chủ Nghĩa” ở Libya.
Những cũng chính bài bản tuyên truyền đó cho thấy sự lo ngại của các lãnh tụ Hà Nội về sự can thiệp của thế giới khi bàn tay của một chế độ dính quá nhiều máu. Hơn thế nữa, từng cá nhân trong giới lãnh đạo thượng tầng và từng quan chức công an cao cấp tại Việt Nam hiện nay chắc chắn đang suy tính cho mình khi nhìn thấy cái chết bầm dập của Gaddafi.
Rõ ràng là việc bỏ trốn ra nước ngoài sau khi chế độ độc tài sụp đổ không còn là một giải pháp trong bối cảnh thế giới hiện nay. Vì vậy, chọn lựa duy nhất là tiếp tục ở lại trong nước. Tuy nhiên, sự an toàn của họ khi ở lại quê hương cũng có điều kiện: đó là mức tội ác của họ đối với nhân dân.
Bản chất bao dung của dân tộc VN và những người đang tranh đấu để dân chủ hóa đất nước bằng con đường đấu tranh bất bạo động, cụ thể như các đảng Thăng Tiến, đảng Việt Tân, đảng Dân Chủ... cũng như hầu hết những nhà đấu tranh độc lập khác đều không chủ trương trả thù. Ngược lại, các tổ chức và cá nhân này đều nhấn mạnh đến việc mở ra cơ hội để cho mọi người có thể đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam hậu cộng sản. Tuy nhiên, đối với những kẻ đã hoặc còn đang tiếp tục gây ra nợ máu với nhân dân thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật của đất nước tự do pháp trị sau này. Những phương tiện hiện đại ngày nay đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam thu thập kỹ lưỡng hành vi tội phạm dưới nhiều dạng thức (âm thanh, hình ảnh) một cách dễ dàng và nhanh chóng, để thiết lập thành hồ sơ cho mai hậu.
Trong thời gian vừa qua, và đặc biệt là kể từ khi phong trào biểu tình chống đối Trung Cộng xâm lược bùng phát ở trong nước, nhà cầm quyền CSVN đã tung lực lượng công an để gia tăng mức độ đàn áp những người bất đồng chính kiến, và đã gây nên những tội ác kể cả thương vong nơi những người yêu nước. Số lượng những người bị sách nhiễu, đánh đập, bắt cóc, cầm tù ngày một nhiều hơn. Riêng đối với thành phần dân oan bị cướp nhà, chiếm đất thì đã có nhiều vụ tử vong do công an gây nên được ghi nhận với những hình ảnh và chứng cớ rõ ràng. Đây là những tội ác mà trách nhiệm không chỉ ở những kẻ trực tiếp gây ra, mà còn ở chính những người lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ, tức là những người ra lệnh.
Hai thập niên vừa qua đã cung cấp nhiều bài học cụ thể và quý giá về sự sụp đổ của những chế độ độc tài. Những người lãnh đạo Đảng CSVN cần phải hiểu là họ không thể cưỡng lại trào lưu dân chủ trên thế giới. Tất cả các chế độ độc tài sớm muộn gì cũng sẽ sụp đổ. Dân chủ chắc chắn sẽ đến với Việt Nam trong một ngày rất gần và chế độ cộng sản sẽ chấm dứt. Nhưng chấm dứt như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của từng cá nhân trong guồng máy cai trị hiện nay.
Gaddafi đã lựa chọn trong kiêu căng, hoang tưởng và tàn bạo, để sau cùng dẫn đến thêm một cái chết không cần thiết!
(*) Bản đồ cuộc cách mạng Hoa Lài ở Bắc Phi: http://en.wikipedia.org/wiki/Arab_Spring

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét