2011/10/21

Cẩm nang luật cho bạn và tôi (Tập 1)


Luật Của Sự Thật

TẬP 1:

  • Quyền của một Công Dân biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước?
  • Cần làm gì khi bị Công An bắt về đồn và thủ thuật với mọi thủ đoạn?
  • Những điều nên và không nên làm khi bị hỏi cung?
1. Bạn có quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước hoặc bày tỏ chính kiến của mình về một vấn đề gì đó không?
Quyền biểu tình được qui định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992, là quyền Hiến định và là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình như qui định tại điều 2 Hiến pháp 1992 “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...”.
Quyền biểu tình cũng là phương tiện để nhân dân bày tỏ ý chí, nguyện vọng và đòi hỏi của mình trước thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Quyền biểu tình còn là vũ khí đấu tranh mạnh nhất và cuối cùng của nhân dân khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm sau khi tất cả các biện pháp giải quyết bằng thủ tục pháp lý khác không mang lại kết quả hài lòng cho nhân dân.
Do vậy bạn có quyền thực thi quyền biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước hoặc bày tỏ chính kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước.
2. Hiến pháp và luật pháp Việt Nam có cho phép và bảo vệ bạn khi bạn biểu tình bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa và trật tự không?
Điều 12 Hiến pháp qui định rằng mọi hành động xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều bị nghiêm trị. Điều 50 qui định rằng các quyền con người về chính trị được tôn trọng. Điều 71 qui định công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.Điều 7 Bộ luật tố tụng hình sự qui định công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Như vậy theo các qui định trong Hiến pháp và luật, thì các quyền con người về chính trị của bạn như quyền biểu tình được tôn trọng và bảo đảm thực hiện. Khi bạn thực hiện quyền biểu tình thì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của bạn được Hiến pháp và pháp luật bảo hộ.Những người nào xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn sẽ bị nghiêm trị.
3. Bạn có vi phạm luật pháp Việt Nam khi cùng bè bạn thực hiện quyền biểu tình để bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình không?
Quyền biểu tình là một trong những quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp trao cho bạn. Đồng thời hiện nay trong hệ thống các văn pháp luật của Việt Nam chưa có bộ luật nào qui định việc hạn chế quyền biểu tình của công dân.
Do đó khi bạn thực hiện quyền biểu tình của mình trong hòa bình thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
4. Khi bị CA đòi bắt đem về đồn, bạn có quyền hỏi lý do và có quyền từ chối không đi cho tới khi có lý do chính đáng không? Nên đi theo CA về đồn hay là không?
Theo qui định tại Điều 71 Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”.
Và tại Điều 6 Bộ luật TTHS: Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.”
Như vậy theo qui định tại Hiến pháp và Bộ luật TTHS, thì công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát. Do đó khi bạn tham gia biểu tình mà bị cảnh sát hay an ninh đòi bắt giữ thì bạn có quyền yêu cầu họ nói rõ lý do bắt bạn, yêu cầu họ cho biết họ cho biết bạn vi phạm luật nào và điều bao nhiêu?
Trong trường hợp họ sử dụng vũ lực để cưỡng bức bạn về đồn cảnh sát, bạn nên tạm thời chấp hành để trách việc họ vu khống cho bạn chống người thì hành công vụ. Nhưng khi họ làm việc thì bạn cương quyết yêu cầu họ nói rõ lý do bắt bạn.
5. CA có quyền tạm giam bạn bao lâu trong tiến trình điều tra? Bạn có quyền yêu cầu để được gặp luật sư của bạn không?
a) Theo qui định của Bộ luât TTHS tại Điều 87 về thời hạn tạm giữ:
Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Như vậy thời hạn tạm giữ tối đa là 9 ngày.
Theo qui định của Bộ luật TTHS tại Điều 120 về thời hạn tạm giam để điều tra:
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.
Như vậy thời hạn tạm giam tối đa là 16 tháng.
c) Theo qui định của Bộ luật TTHS tại Điều 11 về việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo:
Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy bạn có quyền yêu cầu gặp luật sư của bạn ngay từ khi bạn bị tạm giữ. Bạn có quyền không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cơ quan cảnh sát và bạn cũng có quyền từ chối làm việc với Cơ quan cảnh sát cho đến khi bạn gặp được luật sư của bạn. Bạn có quyền yêu cầu luật sư của bạn có mặt trong mọi cuộc làm việc với Cơ quan cảnh sát, trong mỗi bản lời khai đều phải có chữ ký của luật sư. Lý do của bạn là bạn không có đủ kiến thức pháp luật khi làm việc cũng như khi trả lời câu hỏi của Cơ quan cảnh sát và pháp luật cho bạn có quyền có luật sư từ khi bạn bị tạm giữ. Bạn có quyền không chấp nhận bất cứ lý do nào mà Cơ quan cảnh sát đưa ra để từ chối quyền có luật sư của bạn. Quyền tối cao của bạn là giữ im lặng cho tới khi bị đưa ra Tòa.
6. Nếu bị CA đánh thì bạn nên làm gì? Nếu bị CA la lối, sỉ nhục thì bạn nên làm sao?Theo qui định của Bộ luật TTHS tại Điều 7 về việc bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân:
“Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.”
Như vậy khi công an đánh bạn, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì họ đã vi phạm nghiệm trọng pháp luật, và những hành vi đó của họ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Bạn cần học thuộc điều này để khi những người công an thực hiện hành vi vi phạm pháp luật với bạn, thì bạn nhắc nhở họ. Bạn yêu cầu gặp cấp trên của họ để khiếu nại. Sau khi được tự do, bạn có quyền làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của những công an đó với Viện kiểm sát hoặc kiện họ ra tòa.
7. Bạn có quyền yêu cầu liên lạc với gia đình của bạn khi bị CA giam giữ hay không?
Theo qui định của Bộ luật TTHS tại Điều 85: thông báo về việc bắt:
“Người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết. Nếu thông báo cản trở việc điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay.”
Như vậy bạn có quyền yêu Cơ quan đang giam giữ bạn phải thông báo cho gia đình bạn biết về việc bạn bị bắt.
8. Bạn có nên ký giấy nhận tội hay không? Nếu bị ép phải ký giấy nhận tội thì bạn nên ứng xử ra sao?
Theo qui định của Bộ luật TTHS tại Điều 9:
“Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.”
Như vậy chỉ Tòa án mới có quyền phán quyết bạn là người có tội hay không. Bất kỳ người nào ép buộc bạn ký giấy nhận tội là họ đã vi phạm pháp luật. Bạn nhớ thuộc điều này để nhắc nhở những người ép buộc bạn.Bạn cương quyết từ chối việc ký giấy nhận tội.
9. Bạn có thể làm gì nếu CA áp lực nơi hãng xưởng hoặc công ty nơi bạn làm việc để đuổi bạn?
Nếu bạn có bằng chứng về việc công an gây áp với nơi bạn làm việc để họ đuổi việc bạn thì bạn có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đó với thủ trưởng hoặc cơ quan cấp trên của người công an đó; tố cáo tới cơ quan báo chí. Đồng thời bạn có quyền kiện chủ công ty đã đuổi việc bạn một cách trái pháp luật ra Tòa Lao động.
10. Nếu như CA đe dọa gia đình bạn thì bạn có thể khiếu nại nơi đâu?
Điều 74 Hiến pháp năm 1992 qui định:
“Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.”
Như vậy khi công an khi công an đe dọa gia đình bạn thì bạn có quyền tố hành vi vi phạm pháp luật đó với thủ trưởng của người công an, hoặc cơ quan cấp trên của họ. Bạn cũng có thể gửi thông tin tới các cơ quan báo chí nhờ họ giúp đỡ. Những người công an có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn sẽ bị xử lý. Những thiệt hại mà họ gây ra cho gia đình bạn sẽ được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.
11. Một số điều nên và không nên làm hoặc nói trong khi bị CA hỏi cung?
Theo qui định tại Điều 63 Bộ luật TTHS về những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự:
“Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;”
Như vậy, nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Bạn không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Cơ quan điều tra. Bạn có quyền giữ im lặng cho đến khi bạn bị đưa ra Tòa án để xét xử.Bạn có quyền yêu cầu luật sư của bạn có mặt trong buổi hỏi cung của Cơ quan điều tra, bạn có quyền tham khảo ý kiến luật sư của bạn về câu trả lời của bạn cho Cơ quan điều tra.
12. Thông báo của UBND thành phố Hà nội ngày 18-8-2011 có hạn chế được quyền biểu tình của công dân không?
Theo qui định tại khoản 2, Điều 1 Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật của HĐND và UBND như sau: “Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân được ban hành dưới hình thức nghị quyết. Văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân được ban hành dưới hình thức quyết định, chỉ thị.”
Như vậy, việc UBND thành phố Hà Nội ra Thông báo ngày 18-8-2011 là không đúng với qui định trên. Do đó Thông báo ngày 18-8-2011 của UBND thành phố Hà Nội không phải là văn bản qui phạm pháp luật, nó không có giá trị pháp lý để người dân cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội phải chấp hành.
13. Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng có hạn chế được quyền biểu tình của công dân không?
Về mặt pháp lý: Khái niệm “tập trung đông người nơi công cộng” và khái niệm “quyền biểu tình” rất khác nhau.
“Tập trung đông người nơi công cộng” là nhiều người dân tập trung tại công viên để tập thể dục tập thể hoặc vui chơi tập thể; nhiều người tập trung để mua vé xem phim ở rạp hát, mua hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng; nhiều người tập trung để chờ xe buýt; nhiều người tập trung nơi đám cưới, đám tang ở những nhà tang lễ, nghĩa trang, trên đường phố; nhiều người tập trung xếp hàng chờ thăm viện bảo tàng, nhà văn hóa; nhiều người tập trung xếp hàng chờ đến lượt làm các thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan công quyền;…
Trong khi đó “quyền biểu tình” được qui định tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992, là quyền Hiến định, là quyền con người về chính trị và là một trong những công cụ pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình.
Do vậy Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 không có giá trị pháp lý để hạn chế quyền biểu tình của công dân.
Nếu chính quyền áp đặt Nghị định 38/2005/NĐ-CP để hạn chế công dân thực hiện quyền biểu tình thì đó là hành vi vi Hiến, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người về chính trị.
Người dân có quyền khởi kiện những hành vi vi phạm Hiến pháp của những cán bộ, công chức đó ra Tòa án để xét xử theo pháp luật.
PDF - 1.2 Mb
CamNangLuat-1
Nguồn: http://luatcuasuthat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét