2011/09/08

Việt Nam: Tra tấn, cưỡng bức lao động trong Trung tâm cai nghiện


Human Rights Watch

Các Công ty, Nhà tài trợ cần gây sức ép với Chính phủ Việt Nam để đóng cửa các Trung tâm
Ngày 7 tháng 9, 2011
(Bangkok) – Ở Việt Nam. những người bị cảnh sát bắt vì sử dụng ma túy bị quản chế không qua một quy trình tố tụng nào trong nhiều năm, bị ép buộc lao động với tiền công ít ỏi hoặc không được trả tiền, và bị tra tấn và bạo hành thân thể, theo một phúc trình Tổ chức Theo dõi Nhân quyền mới công bố ngày hôm nay. Những trung tâm quản chế người nghiện do nhà nước quản lý, có chức năng “chữa trị” và “cai nghiện” ma túy thực ra chẳng mấy hơn gì các trại lao động cưỡng bức, nơi những người nghiện ma túy phải làm việc sáu ngày một tuần, với các công việc như chế biến hạt điều, sản xuất hàng may mặc hay các hàng hóa khác.
Bản báo cáo dài 121- trang, với tiêu đề “Quần đảo Cai nghiện: Lao động cưỡng bức và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện ma túy ở miền nam Việt Nam,” đã ghi lại trải nghiệm của những người từng bị quản chế tại 14 trung tâm cai nghiện thuộc quản lý của chính quyền Tp. HCM. Từ chối lao động, hoặc vi phạm nội quy của trung tâm sẽ bị kỷ luật, nhiều khi dưới hình thức tra tấn. Quỳnh Lưu, một cựu trại viên bị bắt quả tang khi đang tìm cách trốn khỏi trung tâm, tả lại hình phạt đối với mình: “Trước tiên họ đánh vào hai chân để tôi không chạy đi được nữa… [Sau đó] họ chích điện bằng dùi cui điện [và] nhốt tôi vào phòng kỷ luật suốt một tháng.”
“Hàng chục ngàn người, nam có, nữ có, cả trẻ em nữa, đang bị giam giữ trái ý muốn trong các trung tâm cưỡng bức lao động do nhà nước quản lý ở Việt Nam,” ông Joe Amon, giám đốc ban Y tế và Nhân quyền của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. “Đó không phải là điều trị cai nghiện; cần đóng cửa các trung tâm và trả tự do cho những người đó.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các khoản hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế cho các trung tâm và cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam – cơ quan chủ quản các trung tâm này, có thể có tác dụng ngược vì tạo điều kiện cho chính phủ tiếp tục giam giữ những người nghiện bị nhiễm HIV. Theo luật pháp Việt Nam, những người bị quản chế nhiễm HIV có quyền được phóng thích nếu trung tâm cai nghiện không có đủ điều kiện chữa trị, chăm sóc sức khỏe thích hợp.
Hệ thống các trung tâm cưỡng bức lao động đối với người nghiện ma túy có nguồn gốc từ các trại “cải tạo lao động” dành cho người nghiện ma túy và mãi dâm được hình thành sau chiến thắng của miền Bắc Việt Nam vào năm 1975. Các trung tâm này nhận được sự ủng hộ chính trị được hâm nóng lại vào giữa thập niên 1990, trong một phong trào của chính quyền nhằm xóa bỏ những cái gọi là “tệ nạn xã hội” – trong đó có sử dụng ma túy. Cùng với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, hệ thống này được mở rộng thêm. Vào năm 2000, có 56 trung tâm như vậy trên toàn quốc; tới đầu năm 2011, con số đó đã lên tới 123.
Trại viên thường được quản chế trong các trung tâm sau khi bị công an bắt, hoặc gia đình “tự nguyện” đưa vào. Có một số trường hợp, cá nhân người nghiện tình nguyện đăng ký với niềm tin là các trung tâm sẽ giúp cai nghiện ma túy hữu hiệu.
Các cựu trại viên nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng họ bị đưa vào trung tâm không qua một quy trình tư pháp chính thức để xét xử, và không được tiếp xúc với luật sư hay thẩm phán nào hết. Họ nói họ không biết bất cứ phương thức nào để xin xem xét lại hoặc phúc thẩm quyết định quản chế mình. Những trại viên tình nguyện đăng ký vào trung tâm cho biết họ không được tự ý ra khỏi trung tâm, và thời gian quản chế họ bị tùy tiện gia hạn bởi các thay đổi của chính sách nhà nước hay quyết định của lãnh đạo trung tâm.
Các trại viên kể rằng họ phải làm những công việc chân tay trong thời gian kéo dài, như chế biến hạt điều, làm nông nghiệp, may quần áo và túi mua hàng, xây dựng và gia công các mặt hàng đồ gỗ, nhựa, mây tre. Kinh Môn, một cựu trại viên, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Tôi bóc hạt điều trong ba năm. Tôi phải làm từ sáu tiếng rưỡi đến tám tiếng mỗi ngày để hoàn thành chỉ tiêu khoán. Tay tôi bị nhựa điều ăn cháy da.”
Nhiều trại viên làm việc không công suốt trong nhiều năm. Những người khác được trả một phần nhỏ của mức lương tối thiểu, và lãnh đạo trung tâm khấu trừ tiền ăn, ở và cái gọi là “quản lý phí” vào tiền công của họ. Khi hết hạn quản chế, nhiều trại viên nói, gia đình họ phải trả những khoản tiền mà ban quản lý trung tâm tuyên bố rằng trại viên còn nợ lại trung tâm.
Cuối năm 1994, các nhà tài trợ đã hỗ trợ các trung tâm “tăng cường năng lực,” bao gồm tập huấn cho nhân viên trung tâm về các phương thức điều trị cai nghiện và hỗ trợ phòng chống và chữa trị HIV. Tỷ lệ các trại viên nhiễm HIV không rõ là bao nhiêu, nhưng theo các báo cáo khác nhau, dao động từ 15 đến 60 phần trăm. Đa số các trung tâm đều không tiến hành điều trị kháng vi-rút, thậm chí không có chăm sóc y tế cơ bản.
Một số cựu trại viên đã cung cấp cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tên của các công ty được cho là có sản phẩm được sản xuất chế biến tại các trung tâm. Tuy nhiên, do thiếu minh bạch và không có danh mục công khai các công ty có hợp đồng với những trung tâm quản chế người nghiện của nhà nước, nên việc kiểm chứng quan hệ của các công ty với trung tâm rất khó khăn. Thường các trại viên không được biết về nhãn hiệu hay công ty sở hữu các mặt hàng họ đang làm. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thông báo đang tiến hành điều tra về các công ty có thể có hợp đồng với các trung tâm cai nghiện tập trung.
Trong số các công ty sở hữu các loại hàng hóa mà một số trại viên nói họ bị buộc phải làm, có hai công ty Việt Nam, Công ty Cổ phần Sơn Long – một công ty chế biến hạt điều, và Công ty TNHH Trần Bồi – sản xuất hàng nhựa. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhiều lần gửi văn bản đến cả hai công ty để yêu cầu họ bình luận về thông tin này, nhưng không công ty nào hồi âm.
Các thông tin trên báo chí Việt Nam trong một thập niên qua đưa tin đích danh về hai công ty CP Sơn Long và TNHH Trần Bồi hợp tác sản xuất một số sản phẩm với các trung tâm cai nghiện. Năm 2011, giám đốc của một trung tâm cai nghiện nói với một phóng viên nước ngoài rằng Công ty CP Sơn Long giám sát việc chế biến hạt điều trong trung tâm của mình, và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã tiếp xúc với người phóng viên này.
“Cưỡng bức lao động không phải là điều trị, và trục lợi không phải là cai nghiện,” ông Amon nói. “Các nhà tài trợ phải nhận thấy rằng tăng cường năng lực cho các trung tâm này là duy trì sự bất công, và các công ty phải đảm bảo rằng các nhà thầu và nhà cung cấp của mình không sử dụng sản phẩm từ các trung tâm này.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi chính phủ Việt Nam đóng cửa vĩnh viễn các trung tâm này và tiến hành ngay một cuộc điều tra độc lập, kỹ lưỡng về các hành vi tra tấn, ngược đãi, giam giữ tùy tiện và các hình thức lạm dụng khác trong các trung tâm cai nghiện của nước này. Chính phủ cũng cần công bố danh sách các công ty có hợp đồng sản xuất, chế biến sản phẩm với các trung tâm cai nghiện.
Các nhà tài trợ và các đơn vị thực thi của họ cần rà soát lại các khoản hỗ trợ cho các trung tâm cai nghiện và đảm bảo rằng không có nguồn quỹ nào được sử dụng vào các chương trình hay chính sách có sự vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền.
Các công ty đang liên kết với các trung tâm cai nghiện ma túy của Việt Nam, kể cả thông qua các nhà thầu phụ, cần chấm dứt mối quan hệ đó ngay lập tức, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu.
“Những người nghiện ma túy ở Việt Nam cần được tiếp cận các chương trình chữa trị tự nguyện tại cộng đồng,” ông Amon nói. “Thay vào đó, chính phủ lại nhốt họ lại, các công ty tư nhân bóc lột sức lao động của họ, và các nhà tài trợ quốc tế nhắm mắt trước những hành vi tra tấn và lạm dụng mà người nghiện phải chịu.”
Trích lời những cá nhân được phỏng vấn trong quá trình tập hợp phúc trình Quần đảo Cai nghiện:
Tôi bị công an bắt trong một đợt truy quét người nghiện ma túy... Họ bắt tôi vào đồn công an buổi sáng, và đưa vào trung tâm ngay tối hôm đó... Tôi không được gặp luật sư hay thẩm phán nào hết.
- Quỳ Hợp, bị quản chế bốn năm ở Trung tâm Bình Đức (tỉnh Bình Phước)
Cũng có người không chịu làm việc, nhưng họ bị đưa vào phòng kỷ luật. Ở đó, họ phải làm việc nhiều giờ hơn, công việc nặng hơn và nếu trễ nải thì bị đánh đập. Không một ai từ chối làm việc hoàn toàn.
- Lý Nhân, bị quản chế bốn năm ở Trung tâm Nhị Xuân (Tp. HCM)
Tôi được khoán chỉ tiêu 30 kí-lô (điều) một ngày và phải làm bằng xong. Nếu từ chối làm việc sẽ bị đưa vào phòng kỷ luật, và sau một tháng (ở đó) sẽ chấp nhận làm việc lại.
- Vụ Bản, bị quản chế năm năm ở Trung tâm số 2 (tỉnh Lâm Đồng)
Làm việc là bắt buộc. Chúng tôi làm đồ nội thất và các sản phẩm bằng tre, và ống hút nhựa. Chúng tôi được trả công theo giờ, làm tám tiếng mỗi ngày, sáu ngày một tuần.
- Lục Ngạn, còn vị thành niên khi mới bị quản chế, ở Trung tâm Thanh thiếu niên 2 (Tp. HCM) trong ba năm rưỡi
Trên giấy tờ, tôi được trả 120,000 (đồng) một tháng, nhưng họ lấy. Nhân viên trung tâm nói để trả tiền ăn mặc.
- Quỳnh Lưu, bị quản chế năm năm ở Trung tâm số 3 (tỉnh Bình Dương)
Nếu chúng tôi chống lại cán bộ, sẽ bị họ đánh bằng dùi cui gỗ sáu cạnh, dài một mét. Có những học viên bị đánh gẫy tay gẫy chân. Trong đây, đó là chuyện thường tình.
- Đồng Văn, bị quản chế hơn bốn năm ở Trung tâm số 5 (tỉnh Đăk Nông)
[Xà lim biệt giam] rộng khoảng hai mét, dài hai mét có một bệ nhỏ và cửa sổ nhỏ. Một lỗ vệ sinh thông ra ngoài. Có thể bị biệt giam ở đó từ một đến bốn tháng.
- Chợ Đồn, một phụ nữ bị quản chế năm năm ở Trung tâm Phú Văn (tỉnh Bình Phước)
Không ai từ chối làm việc bằng cách không đi làm cả. Ai cũng phải làm việc, kể cả trẻ em.
- Thái Hòa, bị quản chế năm năm ở Trung tâm Thanh thiếu niên 2 (Tp. HCM)
Nguồn: http://www.hrw.org/node/101490

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét