Maria Phạm Thị Ngọc
VRNs (05.09.2011) - Nam Định – Đức khâm sứ Leopoldo Girelli đã bắt đầu chuyến công tác với giáo tỉnh Huế, từ ngày 03.09.2011. Cộng đoàn dân Chúa không chỉ thuộc giáo tỉnh Huế đón chào, mà Dân Chúa khắp Nam Bắc cũng hướng về ngài. Ngày hôm qua, VRNs đã phổ biến một thư ngỏ của một giáo dân Sài Gòn xin Đức khâm sứ giúp Giáo hội Việt Nam nhiều hơn về việc đào tạo giáo dân, để giáo dân có thể dấn thân hơn cho công cuộc của Chúa tại Việt Nam này.
Nối tiếp tinh thần đó, hôm nay, VRNs xin tiếp tục chuyển đến Đức khâm sứ lá thư ngỏ thứ hai của một thiếu nữ thuộc giáo phận Bùi Chu. Trong thư, người bạn trẻ này xin Đức khâm sứ giải thích cho hai điều, mà theo bạn này, những điều này có thể giúp cho giới trẻ sống được điều Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI huấn giáo cho Giáo hội VN qua cuộc Ad Limina 2009 của HĐGM VN. Hai vấn đề đó như sau:
1. “Nếu chúng con dấn thân vào một đảng phái chính trị để mưu cầu công ích cho xã hội theo đúng đường lối giáo huấn của Học thuyết xã hội Công giáo thì chúng con có phạm tội không?
2. Khi các bạn của chúng con bị bắt một cách phi pháp trong thời gian qua, mà người bắt đây là chính cơ quan công lực, thì chúng con phải làm gì? Hay phải im lặng cho bất công hoành hành, nhân phẩm con người bị đè bẹp? Chúng con có được quyền cậy nhờ các mục tử của chúng con là quý linh mục, giám mục lên tiếng bảo vệ những người trẻ đang dấn thân phục vụ Chúa trong cộng đồng xã hội Việt Nam hôm nay không?”
Sau đây kính mời quý độc giả cùng chia sẻ tâm tình với người trẻ Công giáo này.
Trọng kính Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli,
Đại diện Toà thánh Vatican, không thường trú tại Việt Nam,
Đại diện Toà thánh Vatican, không thường trú tại Việt Nam,
Con là một thiếu nữ từ nông thôn lên thành thị lập thân. Cũng như bao nhiêu người trẻ Công giáo Việt Nam khác, con tin tưởng vào một Đức Yêsu đang sống, Đấng là khởi thuỷ và cùng tận. Con yêu quê hương Việt Nam như chính ý định Thiên Chúa đã có khi dựng nên mảnh đất hình chữ S này.
Trong hơn một tháng qua, nhiều bạn trẻ Công giáo và Tin Lành ở Việt Nam, bị công an Việt Nam bắt cóc. Gọi là bắt cóc, vì họ đã bắt những người bạn này mà không tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật của nhà nước Việt Nam hiện nay. Khi chúng con và thân nhân của các bạn ấy, cùng dư luận lên tiếng, thì họ ghép cho các bạn ấy tội tham gia đảng Việt Tân, và xem đó là lý do bắt người mà không phải tuân theo luật lệ nào.
Trong số 15 người anh em bị bắt vừa qua, có một người bạn thân của con là anh Paulus Lê Sơn, người cùng làng với thánh tử đạo Paulus Lê Bảo Tịnh.
Anh Paulus Lê Sơn thuộc giáo xứ Trinh Hà, giáo phận Thanh Hóa. Anh đã ra Hà Nội học và làm việc từ năm 2004. Vừa tìm kế sinh nhai, anh Sơn vừa tham gia sinh hoạt tại giáo xứ Thịnh Liệt và giáo xứ Thái Hà. Anh là thành viên các nhóm Emmau của Tổng giáo Phận Hà Nội chuyên phổ biến thông tin về phòng chống HVI/AIDS cho các giáo xứ. Anh cũng tham gia nhóm Bảo vệ sự sống tại giáo xứ Thái Hà. Qua các chuyến công tác cùng các nhóm, anh đã viết những bài mô tả tình trạng luân lý xã hội hiện nay tại Việt Nam.
Ngoài ra, anh Sơn cũng là thành viên cộng đoàn Doanh trí Công giáo tại Thái Hà. tham gia các nhóm sinh viên Công giáo Thanh Hóa, nhóm sinh viên Công giáo, nhóm cầu nguyện Taize, là thành viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam.
Đặc biệt, ngoài những hoạt động tại các giáo xứ, anh còn là một thanh niên rất yêu nước, yêu tự do, công lý và hòa bình. Anh đã có nhiều hoạt động cũng như các bài viết công khai (http://paulusleson.wordpress.com/).
Anh Paulus Lê Văn Sơn sau khi bị đám đông công an bắt cóc và niêm phong tài sản (bằng miệng, trái pháp luật) tại nơi anh Sơn thuê trọ vào ngày 03/08/2011. Suốt 24 ngày gia đình không biết tin tức gì về anh, cho đến ngày 27/08/2011, sau nhiều lần gia đình lên hỏi công an xã thì được đưa cho thông báo cho biết anh đang bị giam giữ ở trại tam giam B14 Bộ Công An, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tp. Hà Nội. Trong thông báo có ghi là anh Sơn đã có hành vi tham gia Việt Tân và vi phạm điều 79 Bộ luật hình sự.
Không chỉ anh Sơn, mà đã có 5 thanh niên khác bị bắt cũng bị ghép tội như vậy, và chúng con nghe công an hù doạ các thân nhân còn lại rằng họ cũng sẽ ghép hết những người thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt dịp này vào cùng một tội đó. Nhưng liệu họ có phải như vậy? Và nếu họ có tham gia thì đó có phải là tội?
Kính thưa Đức Khâm sứ,
Trong huấn từ Ad Limina 2009, mà Giáo hội Việt Nam đã lấy lại đưa vào Thư Chung năm 2010, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”(*)
Chúng con muốn chọn giáo huấn của Đức giáo hoàng làm định hướng sống như Giáo hội mong ước, nhưng sao chúng con lại bị bắt khi thực hiện giáo huấn đó. Với lương tâm luân lý Công giáo, con xin Đức Khâm sứ giải đáp chúng con hai vấn nạn sau đây:
1. Nếu chúng con dấn thân vào một đảng phái chính trị để mưu cầu công ích cho xã hội theo đúng đường lối giáo huấn của Học thuyết xã hội Công giáo thì chúng con có phạm tội không?
2. Khi các bạn của chúng con bị bắt một cách phi pháp trong thời gian qua, mà người bắt đây là chính cơ quan công lực, thì chúng con phải làm gì? Hay phải im lặng cho bất công hoành hành, nhân phẩm con người bị đè bẹp? Chúng con có được quyền cậy nhờ các mục tử của chúng con là quý linh mục, giám mục lên tiếng bảo vệ những người trẻ đang dấn thân phục vụ Chúa trong cộng đồng xã hội Việt Nam hôm nay không?
Con thật sự không biết cách nào để chuyển lá thư này đến Quý đức khâm sứ, nên con mạn phép nhờ Quý cha Dòng Chúa Cứu Thế phổ biến thư này trên mạng www.chuacuuthe.com, với hy vọng Đức khâm sứ kính yêu của con nhận được.
Hai vấn nạn con đặt ra không là của riêng con, mà còn là của nhiều bạn trẻ Công giáo khác cùng với phụ huynh của họ. Con kính xin Đức khâm sứ chỉ dạy chúng con.
Con nguyện xin Đức Mẹ La Vang phù trợ cho chuyến công tác đặc biệt này của Đức khâm sứ.
Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2011
Maria Phạm Thị Ngọc
Giáo xứ Ninh Hải, Gp. Bùi Chu
Maria Phạm Thị Ngọc
Giáo xứ Ninh Hải, Gp. Bùi Chu
(*) Hội đồng Giám mục ViệtNam. Thư chung hậu đại hội Dân Chúa 2010. Phụ trương báo Hiệp Thông. 2011, tr 29.
Nguồn: http://www.chuacuuthe.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét