Trung Điền
Sau hơn 1 tháng chỉ thị cho Bộ công an phải đàn áp và chấm dứt những cuộc biểu tình hàng tuần mỗi sáng Chủ Nhật của người dân chống lại các hành vi xâm lấn biển Đông của Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 8 năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản đã yêu cầu Bộ công an nghiên cứu và soạn thảo một dự án liên quan đến Luật biểu tình để thông qua kỳ họp quốc hội khóa XIII trong những ngày tới. Theo Bộ trưởng tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại diễn đàn Quốc hội Cộng sản Việt Nam chiều ngày 28 tháng 9 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đã đến lúc phải có một đạo luật về quyền biểu tình, để thể chế hóa việc tuần hành, tụ tập bày tỏ ý kiến của người dân, trong phiên họp nội các tháng 9.Theo ông Cường thì Luật biểu tình là 1 trong 19 dự án luật được đề xuất trong lãnh vực xây dựng luật điều chỉnh về quyền công dân, quyền tự do dân chủ của người dân. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có luật nào trong 19 dự án luật nói trên được Quốc hội CSVN thảo luận và thông qua. Hai dự án luật về “quyền lập Hội” và “quyền tiếp cận thông tin của người dân” đã được Bộ tư pháp soạn và tu chính nhiều lần dưới cả hai đời chủ tịch Quốc hội là Nguyễn Văn An và ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng vẫn chưa được đưa ra biểu quyết thông qua.
Xuyên qua sự đề xuất Luật biểu tình của Nguyễn Tấn Dũng, Phạn Trung Lý, Chủ nhiệm ủy ban pháp luật Quốc hội cho là có hai luồng ý kiến rất trái ngược trong ủy ban.
Ý kiến ủng hộ thì cho đây là lúc cần phải thể chế hóa quyền biểu tình, quyền tụ họp tuần hành theo những quy định của Hiến pháp. Việc ban hành luật này được Ủy ban pháp luật Quốc hội cho là để người dân thực hiện quyền của mình, đồng thời nhà cầm quyền cũng có cơ chế kiểm soát những hoạt động biểu tình mà trên thực tế không thể nào ngăn cấm được nữa.
Ý kiến không ủng hộ thì cho đây là lúc chưa cần thiết vì việc ban hành luật này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ. Nếu ban hành luật biểu tình thì phải coi lại thời điểm thông qua, nội dung quy định để giúp cho những cơ quan địa phương đối phó với những cuộc biểu tình bị kích động biến thành gây rối trật tự an ninh.
Qua hai ý kiến nói trên, người ta đã thấy rõ là có hai sự nhận thức khác nhau về quyền con người, khi mà cơ chế “xin – cho” đã ăn quá sâu vào trong nếp sống xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Ngay cả lý luận của những người ủng hộ sự ra đời Luật biểu tình, ta cũng nhìn thấy rất máy móc khi cho rằng phải có luật để thể chế hóa cơ chế kiểm soát biểu tình vì không còn có thể ngăn cấm được nữa, chứ không phải dựa trên sự tôn trọng nhân quyền.
Nói cách khác, đề xuất của ông Dũng và những suy nghĩ của các ông bà đại biểu dân trong Ủy ban pháp luật Quốc hội liên quan đến dự án luật biểu tình đều dựa trên nhu cầu của chế độ chứ không phải nhu cầu của người dân. Nếu không có 11 cuộc biểu tình xảy ra “liên tục” tại Hà Nội và Sài Gòn từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 8 vừa qua, ông Dũng và Bộ công an đã không bị sức ép “dư luận” để có... sáng kiến nói trên.
Cho đến nay hãy còn quá sớm để thẩm định “sáng kiến” về luật biểu tình của ông Dũng mang hình thù ra sao? Cấm chỗ nào, mở chỗ nào và cần bao nhiêu chữ ký của cơ quan này, ban nghành kia thì người dân mới được tụ tập biểu tình? Nhưng ít ra… có còn hơn không!
Người ta hy vọng là dưới ánh sáng của những luồng thông tin ảo và những bức xúc của người dân về các vấn đề xã hội hiện nay, nhà cầm quyền Hà Nội đã không thể nào tiếp tục bóp miệng, cầm chân người dân mà phải chấp nhận một “sân chơi” sòng phẳng, đúng với khẩu hiệu “dân làm chủ”.
Thứ nhất, những người soạn dự án Luật biểu tình phải nhìn trên phạm vi quyền công dân, khi hiến pháp thừa nhận người dân có quyền tụ họp và quyền phát biểu ý kiến. Quyền biểu tình phải được coi là một phương tiện của mỗi người dân để chính họ hay nhiều người khác cùng nhau bày tỏ sự đồng ý, ủng hộ hay phê phán các hành động, chính sách của chính quyền hay của những đoàn thể liên hệ đến họ.
Thứ hai, phải dẹp bỏ tư duy “xin – cho” trong khi soạn dự án Luật biểu tình. Tuần hành trên đường phố hay tụ họp mít tinh ở nơi công cộng, nếu có xin phép là ở dạng thông báo cho cơ quan công lực biết mà đến giữ trật tự nơi công cộng, hoàn toàn không có quyền cấm hay cho phép biểu tình. Nói cách khác, khi biểu tình được hiến pháp quy định là quyền thì không cần phải xin phép mà chỉ cần đăng ký hay thông báo cho cơ quan chức năng là đủ. Những cơ quan này không có quyền hạch sách về mục tiêu, động lực của người đứng ra tổ chức hay tham gia.
Thứ ba, phải dẹp bỏ lối suy nghĩ biểu tình là “gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội” khi soạn dự án Luật biểu tình. Quản lý an toàn và an ninh xã hội là nhiệm vụ của nhân viên nhà nước, biểu tình bày tỏ sự ủng hộ hay phản đối các chính sách của nhà nước là việc làm của người dân. Hai yếu tố này không đối nghịch nhau mà bổ túc nhau để vừa bảo đảm quyền công dân, vừa bảo vệ trật tự xã hội chứ không để bảo vệ quyền lực của chế độ.
Thứ tư, không nên núp sau cái gọi là “thế lực thù địch lợi dụng chống phá chế độ” để từ đó đưa ra hàng loạt những quy định về chính trị, văn hóa, đối ngoại, kinh tế... nhằm ngăn cản những cuộc biểu tình bày tỏ ý kiến ôn hòa của người dân. Chính những quy định này, vô hình chung, chế độ đã tự đẩy người dân và chính họ vào hai lằn ranh đối nghịch. Một chính quyền vì dân và do dân thật sự thì không bao giờ lo sợ những thế lực thù địch lợi dụng người dân để lật đổ những người lãnh đạo mà dân chúng kính trọng. Chỉ có những lãnh đạo tham nhũng, bất tài, tham quyền cố vị mới lo sợ sức phản kháng của người dân và tìm cách trù dập. Đó chính là nguyên nhân tạo ra thế lực thù địch.
Thứ năm, ông Nguyễn Tấn Dũng và Bộ công an cộng sản Việt Nam phải hiểu cho thật rõ lý do soạn ra Luật biểu tình để làm gì? Nếu vì biểu tình là xu thế bắt buộc không thể cưỡng lại của tình hình – qua 11 cuộc biểu tình vừa rồi - mà ông Dũng phải thể chế hóa bằng luật để dễ bề trấn áp thì Bộ chính trị cộng sản nên ra lệnh ngưng dự án luật này như đã từng ngưng dự án luật về quyền lập Hội hay quyền tiếp cận thông tin. Lý do dễ hiểu là dù có ban hành Luật biểu tình cũng chỉ là hành động khỏa lấp.
Cách nay non 4 năm, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phan Thanh Nghiên đã làm một lá đơn “xin đi biểu tình” với mục đích ghi rõ ràng là bày tỏ lòng yêu nước đối với sự xâm lấn của Trung Quốc. Lá đơn của hai người đã không được nhà cầm quyền Hà Nội trả lời và nay hai người đang bị ở tù vì liên hệ đến việc treo biểu ngữ kêu gọi bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, dưới tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Do đó, nếu ông Dũng và lãnh đạo Hà Nội thật sự coi biểu tình là một quyền chính đáng cần có một đạo luật thì hãy mời Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và cô Phan Thanh Nghiên ra điều trần tại quốc hội về những quan điểm của họ, ít ra giúp cho đạo luật này có những nội dung đáp ứng lòng của người dân trong tình hình hiện nay nhiều hơn.
Trung Điền
Ngày 29/9/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét