Lý Thái Hùng
Ngày 6 tháng 9 vừa qua, Văn phòng báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Bạch thư về “Phát triển Hòa Bình” của Trung Quốc, đề cập về 5 vấn đề lớn như sau: 1/ Mở ra con đường phát triển hòa bình; 2/ Mục tiêu chung việc phát triển hòa bình của Trung Quốc; 3/ Phương châm chính sách đối ngoại của việc phát triển hòa bình của Trung Quốc; 4/ Phát triển hòa bình của Trung Quốc là sự chọn lựa tất yếu của lịch sử; 5/ Ý nghĩa thế giới của việc phát triển hòa bình.Tuy được công bố nhân dịp kỷ niệm 90 năm (1921 – 2011) ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua, nhưng ý niệm về phát triển hòa bình đã được các giới lãnh đạo Trung Quốc nói đến khá nhiều trong những năm trước đây. Từ cuối năm 2003, ý niệm này được dùng trong nhóm từ “Trung Quốc trổi dậy trong hòa bình” như là cơ sở tư tưởng của chính sách đối ngoại, nhằm trấn an thế giới, nhất là các quốc gia láng giềng Á Châu, không lo sợ, bất an trước sự lớn mạnh quá nhanh của Trung Quốc về kinh tế lẫn quân sự vào thời kỳ này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia tỏ ra “dị ứng” với nhóm từ “trổi dậy hòa bình”, khiến cho lãnh đạo Bắc Kinh đã phải thay chữ trổi dậy thành phát triển và phổ biến Tập bạch thư “Con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc” vào tháng 12 năm 2005.
Vào năm 2005, khi kinh tế Trung Quốc đã đứng hàng thứ tư thế giới sau Hoa Kỳ, Nhật và Đức; Bắc Kinh đã định nghĩa con đường phát triển hòa bình của họ là: “Phát triển dựa trên cơ sở hòa bình, ổn định, đồng thời lấy sự phát triển để bảo vệ hòa bình; Trọng điểm của phát triển là nâng cao sức mạnh quốc gia; Trung Quốc phát triển không cản trở và không đe dọa ai, không xưng bá”. Giọng điệu của Bắc Kinh vào 5 năm trước đây rất nhẹ nhàng, đi theo đúng sách vở mà ông Đặng Tiểu Bình đã để lại trước khi chết. Huấn thị của họ Đặng là “Tao quang yang hui you suo zuo hui” (có nghĩa là giấu khả năng, mua thời gian, nhưng nhận một số điều làm được). Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu sự hướng dẫn của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là cho đến khi Trung Quốc lớn mạnh ít nhất là đến năm 2050, cần áp dụng chính sách ngoại giao khiêm nhường thay vì gây nghi ngờ bằng sự tự phô trương.Trong hơn 5 năm vừa qua, Trung Quốc cố tạo ra hình ảnh “trổi dậy lương thiện” và nhất là tiến hành việc “trổi dậy cùng có lợi” với thế giới chung quanh; nhưng thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc đã không giống như điều họ mô tả “phát triển hòa bình”. Chỉ nhìn vào ba hành động sau đây, người ta thấy là cách ứng xử của Trung Quốc không thực hiện đúng phương châm “trổi dậy cùng có lợi” như họ chủ trương.
Thứ nhất, Trung Quốc đã kiềm giá đồng nhân dân tệ dưới mức thị trường và trợ cấp xuất khẩu để hàng hóa Trung Quốc tuôn đầy ra thị trường thế giới, giết chết nhiều ngành sản xuất và đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia rơi vào tình cảnh phá sản. Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản đang phải đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế của mình do sự thao túng thị trường của hàng hóa Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc đã đi cửa hậu với các quốc gia độc tài tại Phi Châu và Nam Mỹ để tiến hành chủ nghĩa thuộc địa tại những xứ Sudan. Zimbabwe, Congo, Angola, Peru, Malavi.... Đó là dùng tiền bạc mua chuộc giới cầm quyền để thao túng và khuynh loát tài nguyên thiên nhiên với giá rẻ mạt và đưa hàng triệu nông dân Trung Quốc sang định cư tại những quốc gia chưa phát triển này.
Thứ ba, Trung Quốc đã bất chấp lịch sử, công pháp quốc tế đưa ra chủ quyền 80% diện tích biển Đông. Không những thế, Trung Quốc còn ngang nhiên đưa ra chỉ thị cấm đánh bắt thủy sản từ ngày 15 tháng 5 đến cuối tháng 8 hàng năm cũng như cấm nghiên cứu và khai thác dầu khí trên Biển Đông nếu không có phép của họ. Trung Quốc đã coi Biển Đông là cái ao sau nhà của họ, không phải là vùng biển quốc tế nên mới khư khư đưa ra chủ trương mọi tranh chấp chỉ giải quyết song phương.
Bên cạnh những ứng xử nói trên, vấn đề tăng cường lực lượng quân sự, nhất là lực lượng hải quân, đi kèm với những tuyên bố mang tính hiếu chiến của một số tướng lãnh Trung Quốc gần đây, đã cho thấy là Bắc Kinh đang chuẩn bị đương đầu về sự “trổi dậy” của họ. Vào năm 2010, khi bị Hoa Kỳ và một số quốc gia vùng Đông Nam Á phê phán hành vi bá quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã phản đòn bằng cách tuyên bố rằng Biển Đông là vùng “lợi ích cốt lõi”, tương đương với chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, Tây Tạng. Khi Bắc Kinh xác định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” có nghĩa là Trung Quốc sẽ làm mọi giá để giữ lấy, dù xảy ra cuộc chiến tranh với bất cứ quốc gia nào.
Tuy Trung Quốc đang trổi dậy là một cường quốc kinh tế và quân sự, nhưng xét trên tổng thể, Trung Quốc vẫn còn thua xa Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây Phương ở nhiều mặt, nhất là về khoa học kỹ thuật và vũ khí hiện đại. Ngoài ra, tuy chính quyền Trung Quốc có dư tiền (dự trữ ngoại tệ trên 2.000 tỷ Mỹ Kim) để khuynh loát thế giới, nhưng 80% dân Trung Quốc vẫn còn nghèo, sống trong hoàn cảnh khó khăn. Do đó, tuy muốn trổi dậy thật nhanh để chinh phục thế giới, nhưng giới lãnh đạo Bắc Kinh biết là sẽ đối diện với nhưng hiểm nguy sinh tử không phải từ những xung đột bên ngoài mà chính là bên trong lòng xã hội Trung Quốc.
Nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc phải giữ mức tăng trưởng như hiện nay kéo dài liên tục ít nhất là 30 năm nữa trong môi trường hòa bình, thì mới có thể ngang hàng hoặc vượt qua Hoa Kỳ. Ký giả Martin Wolf của tờ Financial Times đã cho rằng Trung Quốc hiện này là “siêu cường nóng vội” (Premature Superpower), tuy có nhiều tiềm năng nhưng vẫn là quốc gia nghèo. Có lẽ giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng biết những giới hạn của họ nên đã không dám đi quá đà. Chính vì thế mà nhân đánh dấu 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, họ đã tu sửa tập Bạch Thư phổ biến lần đầu vào năm 2005, viết nhiều về nhu cầu xây dựng một xã hội Trung Quốc hài hòa trong một thế giới thân thiện, mở cửa, dân chủ và phát triển khoa học... để che bớt hình ảnh hiếu chiến và khuynh loát thế giới hiện nay.
Trong phần mục tiêu tổng thế phát triển hòa bình, tập Bạch thư đã cho rằng Trung Quốc phát triển hòa bình nghĩa là theo đuổi sự phát triển trong nước, theo đuổi phát triển hài hòa và hòa bình về đối ngoại. Nếu so với Tập Bạch thư ra vào năm 2005 thì rõ ràng là Bắc Kinh đã thay đổi thứ tự mục tiêu tổng thể: phát triển trong nước là ưu tiên. Tập Bạch thư 2011 đã viết như sau:
“Sau khi cải cách mở cửa vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Trung Quốc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển hiện đại hóa “ba bước đi”. Bước đầu tiên là tổng sản phẩm quốc nội đã tăng lên gấp đôi vào năm 1980, giải quyết vấn đề ăn no mặc ấm cho dân chúng. Bước thứ hai là tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội vào cuối thế kỷ XX, mức sống của người dân đã đạt đến mức độ khá giả. Mục tiêu của hai bước đi đã được thực hiện. Thứ ba là đến khi kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bình quân thu nhập đầu người sẽ đạt mức phát triển trung bình, người dân có cuộc sống khá giả, thực hiện cơ bản hiện đại hóa, xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại văn minh dân chủ hài hòa dân giàu nước mạnh. Nhiệm vụ trọng tâm của mục tiêu này là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, thực hiện thống nhất dân giàu nước mạnh.
Dựa theo chủ trương nói trên thì hiện nay Trung Quốc đang ở Bước thứ 3 của chiến lược phát triển xã hội và đến năm 2050, người dân Trung Quốc sẽ giàu có, sung túc và được sống tự do? Nói cách khác, Trung Quốc đang dồn nhiều vào bên trong mà họ nói là để làm cho cuộc sống của người dân giàu có hơn, qua 5 nỗ lực : 1/ Đẩy nhanh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt chú trọng về môi trường; 2/ Khai thác mạnh hơn ưu thế về nguồn nhân lực và thị trường Trung Quốc; 3/ Đẩy nhanh xây dựng xã hội hài hòa trong đó chú trọng xây dựng chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa; 4/ Thực hiện chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng; 5/ Tạo điều kiện bên ngoài có lợi và môi trường quốc tế hòa bình.
Với những gì mà Trung Quốc đã làm ăn với thế giới bên ngoài, nhất là núp sau chủ trương “Chỉ có thương mại, không có những điều kiện chính trị” để “đổi máu lấy dầu” tại Phi Châu, Nam Mỹ và Á Châu trong 2 thập niên vừa qua, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phát triển hòa bình tại Trung Quốc qua hai hình ảnh tương phản như sau:
Thứ nhất là một thiểu số sẽ trở thành giai cấp quý tộc sống giàu có tại những đô thị, thành phố lớn của Trung Quốc. Thiểu số này tuy sẽ gia tăng theo mức phát triển giàu có của xã hội Trung Quốc nhưng sẽ không chiếm quá 20% dân số 1,3 tỷ người.
Thứ hai là đại bộ phận dân chúng sẽ tiếp tục sống trong nghèo khó, với nạn ô nhiễm đe dọa cùng cực. Hiện có 400 trong số 600 dòng sông lớn của Trung Quốc bị ô nhiễm đe dọa sinh mệnh của gần 500 triệu người dân. Liệu Trung Quốc có phép lạ nào để biến cải 400 dòng sông lớn trở lại bình thường, khi mà họ vẫn tiếp tục dồn sức chạy đua với Hoa Kỳ trong 20 năm tới.
Nói tóm lại, Bạch thư phát triển hòa bình của Trung Quốc chỉ là một văn kiện che đậy dã tâm của “cường quốc nóng vội” đang muốn đốt giai đoạn chinh phục thế giới bằng ước mơ trở thành siêu cường số 1 vào năm 2050. Chính ước mơ và những thủ đoạn hắc ám của Bắc Kinh đang đe dọa hòa bình và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước ta do những tham lam và lú lẫn của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý Thái Hùng
Ngày 22/9/2011
Ngày 22/9/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét