Nguyệt Quỳnh
Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ
biết làm sao
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói
Đừng quên nấm mồ nào!
(Thăm Mộ Chiều Cuối Năm - Nguyễn Thái Sơn)
Nhang trầm một thẻ
biết làm sao
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói
Đừng quên nấm mồ nào!
(Thăm Mộ Chiều Cuối Năm - Nguyễn Thái Sơn)
Những câu thơ của Nguyễn Thái Sơn có lẽ cũng là nỗi lòng của cựu đảng viên CSVN Vi Đức Hồi. Nguyễn Thái Sơn tìm đến nơi đầu gió để nén nhang của ông hương khói được hết những nấm mồ đồng đội. Vi Đức Hồi đã hương khói những chiến binh ấy bằng chính những năm tháng còn lại của đời mình. Đối với tôi, Vi Đức Hồi luôn là một người lính dù ông không ở trong quân đội.
Trọn cuộc đời Vi Đức Hồi đã đi theo lý tưởng và trách nhiệm của một người lính và cho đến mãi mãi ông vẫn thuỷ chung với điều ấy. Trong lúc các đồng chí của ông lo hưởng thụ, lo vơ vét, lo đi xây nhà lầu… Ông trở lại với chính mình và chọn làm nén nhang trầm một thẻ.
Từ một đứa trẻ được nuôi lớn lên bằng những câu hát ru của bố; lẫn trong những bài ru “con cò bay lả bay la”, “mẹ đi làm về”, còn có những câu: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, bác Hồ hơn mẹ hơn cha…”. Các câu ru ấy đã nuôi lớn tâm hồn đứa trẻ thuộc giai cấp bần nông, để ước mong được lớn thật nhanh, được vào đảng, được cống hiến đời mình cho tổ quốc cho nhân dân.Cái mơ ước ấy to lớn đến nỗi ông bảo: “Nhớ lại những năm mới đi công tác, tôi nôn nóng muốn được đứng vào hàng ngũ của đảng, chả thế mà mấy lần chi đoàn cơ quan tôi bình bầu đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp đảng, tôi bị rớt mấy lần vì còn một số mặt hạn chế cần tiếp tục tu dưỡng, tôi đã cảm thấy chán sống…”
Đến năm 1980, ở tuổi 24 ông đạt được ước mơ. Ông được kết nạp vào đảng, sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông. Trở thành một đảng viên trung kiên, ông luôn đặt niềm tin vào đảng. Ông là một trong những người lớn tiếng khẳng định đường lối của đảng luôn đúng đắn; ngay cả trong thời điểm đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm do những chính sách sai lầm của đảng gây ra.
Sau chiến thắng, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bao gồm nhiều thành viên của các đảng phái, tổ chức. Những tổ chức, những đảng phái này được thành lập một cách tự phát trong thời chiến tranh với tất cả khát khao là giành lấy nền độc lập-tự do cho quê hương, đất nước. Ngay liền sau đó, các thành viên của các đảng phái khác đã phải tìm cách rút lui khi nhìn thấy sự xảo trá của đảng Cộng Sản.
Đảng Cộng Sản bắt đầu ra tay triệt hạ những tổ chức đảng phái ấy. Đảng đã “hóa vàng” hai đảng Dân Chủ Việt Nam và đảng Xã Hội Việt Nam; trốc tận gốc cái mà không những đang làm mờ bớt hào quang của đảng Cộng Sản, mà còn tiềm ẩn làm lung lay vị trí độc tôn cai trị của đảng.
Từ ấy, đất nước chỉ còn lại có một đảng. Đảng lên ngôi vua, đảng duy nhất độc tôn chi phối toàn bộ đất nước. Nhưng cũng từ ấy, bản chất của Đảng từng bước hiện nguyên hình.
Người ta có thể dùng tiền bạc, công danh để mua chuộc một con người, nhiều con người; nhưng người ta không thể nào dùng những thứ ấy để mua chuộc được người lính đúng nghĩa. Người lính không thể là công cụ của bất cứ một đảng phái nào. Lương tâm người lính đứng cùng đồng bào, danh dự người lính đứng cùng cái trách nhiệm bảo vệ tổ quốc. Người lính Vi Đức Hồi, Vũ Cao Quận, Trần Anh Kim, Tô Hải... không thể biến hình thành những kẻ côn đồ “chỉ biết còn đảng còn mình”. Người lính Phạm Minh Hoàng, Dương Kim Khải, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức không quay lưng với trách nhiệm. Khi viết những dòng chữ này, tôi biết rằng đất nước tôi đang có rất nhiều người lính chưa xưng tên.
Ba mươi năm hy sinh xương máu. Hơn ba mươi năm hoà bình chỉ đem đến cho người dân hai miền một cuộc sống nham nhở, nghèo nàn, lạc hậu. Đất biển cha ông bị lấn chiếm, lãnh đạo đảng hèn kém cúi đầu chịu nhục. Người lính Vi Đức Hồi một buổi chiều đứng ở nghĩa trang Trường Sơn nhìn những nắm xương liệt sĩ bị máy cày ủi lên mà ứa lệ. Rồi cũng như ông Vũ Cao Quận, ngày qua ngày, đảng cứ lụi dần chân lý trong ông.
Đoạn đường đi đến quyết định ly khai đảng của Vi Đức Hồi là một quyết định lột xác đau đớn, mang hình ảnh những mảnh đời của người bộ đội phục viên, xuất ngũ. Những chiến sĩ anh hùng của quân đội nhân dân ngày nào hụt hẫng ngơ ngác đi tìm kế sinh nhai giữa xã hội đầy dẫy bất công. Những cán bộ lãnh đạo tỉnh, những cán bộ có chức có quyền bỗng giàu lên như diều gặp gió, ăn trên ngồi trốc. Người lính ngày nào đem ruộng đất cha ông hiến cho nhà nước bây giờ thành trắng tay. Có người đã vì bát cơm của gia đình, tự ý đi cày trên khoảng ruộng của mình ngày xưa. Và thế là họ biến thành kẻ gây rối. Bị bắt lên xã, lên huyện; bị giam cầm để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác!
Là một người sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ, đã một thời ông Vi Đức Hồi mang niềm tự hào, niềm kiêu hãnh được đứng trong hàng ngũ đảng, được thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là gởi trao những thông điệp của đảng đến toàn dân khi đảng còn là hiện thân cho những hy sinh, những cống hiến hết lòng cho tổ quốc. Ông bảo: đã đến lúc ông phải đi tìm lối thoát cho chính mình, với ước mong đoạn đường còn lại của cuộc đời ông được vơi đi những nỗi ân hận. Đây là một quyết định khó khăn, khó khăn nhất trong đời ông.
Ông tìm đến với phong trào dân chủ bằng cả một quá trình nhận thức, tuy âm thầm nhưng rõ ràng và ông chọn thái độ đoạn tuyệt một cách dứt khoát. Ông chấp nhận cái giá mà ông phải trả, bị mất chức thường trực huyện ủy Hữu Lũng, mất chức giám đốc trường đảng, bị giam giữ nhiều lần, bị quản chế liên tục và bị thẩm vấn thường xuyên. Vợ ông bị khai trừ khỏi đảng và không được tiếp tục dạy tiểu học, phải xuống trông coi nhà trẻ dù bà có chuyên môn về cao đẳng tiểu hoc và là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở cấp huyên, cấp tỉnh.
Ông viết nhiều bài viết nói về sự cần thiết của việc dân chủ hóa đất nước. “Đối Mặt” là một hồi ký mang nhiều suy tư trăn trở và những lý luận sâu sắc. Là một người lính không chấp nhận bỏ cuộc; ông chấp nhận hy sinh và chọn con đường tiếp tục đấu tranh, đấu tranh để dẫn tới một ngày tươi đẹp cho quê hương ông. Ông tìm đến với các nhà dân chủ khác để cùng hợp sức với họ. Ông tâm sự:
“Tôi tự hào vì tôi đang góp chút sức mình vào công cuộc dân chủ hóa đất nước. Giờ đây tôi có thể đột ngột từ giã thế giới yêu quý này, tôi cũng rất thanh thản và chẳng có gì phải ân hận vì cái trăn trở nhất của đời tôi, tôi đã vượt qua được, tôi đã quay lại để sống, làm việc đúng với lương tâm, trách nhiệm của mình...”
Ngày 20 tháng 7 năm 2009 chấm dứt trang hồi ký của mình ông nhắn gởi: Các bài viết mang tựa đề: “Đối Mặt”của tôi xin được tạm dừng tại đây, có thể tôi sẽ còn viết tiếp vì các cuộc đối mặt với bộ máy chính quyền cộng sản chưa thể chấm dứt ở đây.
Vi Đức Hồi đã không chỉ viết “Đối Mặt” trên trang giấy của những dòng hồi ký; ông viết bằng sức sống trải dài trước mặt cùng nỗi gian lao của những năm tháng còn lại trong đời.
Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi năm, nhưng người lính ngày nào vẫn chưa cởi áo trận. Hành trình của người lính Vi Đức Hồi vẫn luôn được soi sáng bằng máu lệ đã đổ xuống của đồng đội và của những thủy chung với cái ước mơ ban đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do ngày 16 tháng 4 vừa qua, bà Hoàng thị Tươi ngưòi bạn đời đã thay ông nói tiếp về cuộc đối mặt của tù nhân Vi Đức Hồi. Khi được hỏi về tình trạng sức khoẻ của ông bà nói:
“Về mặt tinh thần thì chồng tôi cũng rất là thoải mái, không có vấn đề gì. Anh ấy gửi lời hỏi thăm tất cả bạn bè, nói rằng tinh thần của anh vững vàng, không có gì thay đổi... nếu mà họ (chính quyền) cố tình xử bao nhiêu năm tù thì anh cũng có thể ở tù được chứ không có vấn đề gì.”
Tôi yêu người lính Việt Nam, yêu cái hình ảnh chinh nhân được khắc ghi trong trái tim mẹ Tô Thị, yêu câu hát của nhạc sĩ Lê Thương: “Cầm chiếc gươm thân phụ di truyền. Chàng bế con trao lại gươm bền. Rồi chỉ vào sơn hà biến cố. Trao nó đi gây lại cơ đồ”
Vi Đức Hồi là một người lính, một người lính luôn chiến đấu cho tự do và nhân phẩm của đồng bào ông. Ông đang là một người tự do. Tự do ngay cả lúc hai tay bị còng.
Đất nước chúng ta trân quí những người lính ấy. Hãy bảo vệ họ. Và tôi luôn tin rằng vẫn còn rất nhiều những người lính chưa xưng tên trên quê hương tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét