2011/04/07

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC)

Nguyễn Thanh Văn

Không đầy 2 tuần lễ sau cuộc cách mạng ngày 15 tháng 2 tại Libya, những cuộc biểu tình bất bạo động của người dân Libya để chấm dứt chế độ độc tài của ông Gaddafi đã ngự trị đất nước này từ 42 năm qua đã lan đến ngõ của thủ đô Tripoli. Đứng trước nguy cơ bị lật đổ, ông Gaddafi đã không ngần ngại dùng lính đánh thuê bắn tỉa dân chúng trên đường phố và dùng quân đội, xe tăng, phi cơ tấn công vào những người biểu tình ôn hoà. Do vậy mà ngày 3/3/2011 Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thông báo quyết định điều tra Tổng thống Moammar Gadhafi và một số con trai của ông cùng những cố vấn thân cận nhất về những tội ác chống loài người. Trong một cuộc họp báo tại The Hague, Hoà Lan, tố viên Luis Moreno-Ocampo cho biết: “Chúng tôi đã nhận diện được một số người trong chính quyền có quyền hạn chỉ huy những lực lượng an ninh tấn công vào những người dân. Những người này gồm có ông Gaddafi, các con của ông ta và những người thân cận”. Ông cũng đưa ra một danh sách, trong đó còn có chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ, chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát. Vị công tố viên này đã yêu cầu toà án ra lệnh bắt giam những người có trong danh sách trong vài tháng tới. Ông cũng nhấn mạnh, phe đối kháng cũng sẽ bị điều tra tương tự nếu có sự tố cáo gây thiệt hại nhân mạng của thường dân.
Những tuyên bố như vừa nêu của công tố viên Luis Moreno-Ocampo cho thấy, toà án quốc tế là một cơ chế có quyền lực rất lớn, và phạm vi cưỡng chế khá bao trùm trong cộng đồng quốc tế. Như vậy Toà Án Hình Sự Quốc Tế là cơ chế như thế nào và có quyền lực ra sao?
Tòa Án Hình Sự Quốc Tế
Tòa án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal court, tiếng Pháp gọi là Cour Pénale Internationale) - thường được gọi tắt là ICC hay ICCT - là một tòa án thường trực để khởi tố các cá nhân phạm tội diệt chủng, tội phạm chiến tranh và tội hiếu chiến xâm lăng (mặc dù tòa hiện nay không có thẩm quyền xét xử về tội hiếu chiến xâm lăng).
Sự thành lập ICC có thể được xem là một cuộc cải cách quan trọng nhất về luật quốc tế từ năm 1945.
Hệ thống pháp trị này cung cấp sức mạnh cho hai bộ phận luật pháp quốc tế để giải quyết về những hành xử giữa con người: luật về nhân quyền và luật về nhân đạo.
ICC được thành lập từ ngày 1 tháng 7 năm 2002. Đây cũng là ngày mà Pháp Chế Rome bắt đầu có hiệu quả. Tòa chỉ có thể truy tố các tội phạm gây ra từ ngày này trở đi. ICC là một tổ chức quốc tế độc lập và không phải là một cơ chế của Liên Hiệp Quốc.
Toà án đặt tại thành phố Den Haag (The Hague), Hòa Lan, nhưng các thủ tục pháp lý cho các phiên tòa có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào. Ngân sách hoạt động của toà án này chủ yếu là do các quốc gia thành viên đóng góp. Ngoài ra tòa cũng còn nhận được đóng góp tự nguyện từ các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các cá nhân, các tập đoàn và các tổ chức khác.
Cho đến tháng 3 năm 2011 ICC đã có tất cả 114 quốc gia là thành viên. Bên cạnh đó còn có thêm 34 quốc gia, kể cả Nga, đã ký vào hiệp ước nhưng chính quyền các quốc gia này chưa thông qua Pháp Chế Rome. Hoa Kỳ ký tên vào ngày 31 tháng 12 năm 2000, nhưng chữ ký này đã bị rút lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush vào ngày 6 tháng 5 năm 2002. Tuy nhiên, Hoa Kỳ lần đầu tiên ủng hộ hệ thống pháp lý của tòa án này vào năm 2011.
Một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt cho tòa nhưng lại chưa ký tên tham gia và cũng chưa thông qua Pháp Chế Rome.
Tòa án này thường chỉ xét xử những trường hợp khi bị can là một quan chức của các quốc gia thành viên, với những tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của họ, hoặc xét xử những vụ án do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đề nghị.
Hệ thống công pháp này được thiết lập ra để bổ sung cho nền luật pháp hiện hành của một quốc gia như sau:
- Tòa sẽ chỉ có quyền xét xử khi hệ thống luật pháp quốc gia không muốn hoặc không thể điều tra hay xét xử những tội phạm nói trên.
- Nhiệm vụ chính của việc điều tra và trừng phạt những tội phạm thường được giao cho mỗi quốc gia có trách nhiệm phụ trách.
Cho đến nay, ICC đã điều tra sáu vụ án. Tất cả đều xảy ra tại Phi châu, gồm các nước: Uganda, Cộng Hoà Dân Chủ Congo, Cộng Hòa Trung Phi, Darfur (Sudan), Cộng Hòa Kenya và Libya.
Tòa đã kết án 23 người; 21 người khác đang trong tiến trình lập thủ tục truy tố. Trong số 21 người này, 8 người đang trốn tránh (một được xem như đã chết), 5 người đang bị giam giữ, 2 người đã ra tòa và 6 người còn lại đang chờ để tình nguyện ra hầu tòa.
Phiên tòa đầu tiên diễn ra vào ngày 26 tháng 1 năm 2009 để xét xử lãnh tụ dân quân Congo, Thomas Lubanga. Phiên tòa thứ hai mở ra ngày 24 tháng 11 năm 2009, xét xử hai lãnh tụ dân quân Congo Germain Katanga và Mathieu Ngudjolo Chui.
Lịch Sử hình thành
1919: Một tòa án quốc tế để xét xử những lãnh tụ bị kết án tội phạm chiến tranh đã được thành lập lần đầu tiên trong hội nghị Hòa Bình Paris.
1937: Vấn đề thành lập một tòa án quốc tế lại được đem ra bàn thảo một lần nữa tại một hội nghị tại Geneve vào ngày 1 đến 16 tháng 11, dưới sự bảo trợ của Hội Quốc Liên (hay còn gọi là Liên Hiệp các Quốc Gia, tiền thân của Liên Hiệp Quốc sau này) nhưng đã không đi đến một thành quả thực tiễn nào.
1948: Tiếp sau hai phiên tòa tại Nuermberg và Tokyo, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc cho rằng cần phải thành lập một tòa án quốc tế thường trực để giải quyết những tội phạm đã thực hiện những hành vi tàn bạo trong Thế Chiến thứ Hai. Với yêu cầu này của Đại Hội Đồng LHQ, Ủy Ban Luật Pháp Quốc Tế đã soạn thảo hai đạo luật vào đầu thập niên 50, nhưng hai đạo luật này bị bỏ xó vì tình trạng chiến tranh lạnhlúc đó đã khiến cho việc thành lập một tòa án quốc tế trở thành không thực tế.
Ông Benjamin B. Ferencz, một nhân viên điều tra các tội phạm chiến tranh của Đức Quốc Xã (Nazi) sau Thế Chiến Thứ Hai và Trưởng ban truy tố của Lực Lượng Bộ Binh Hoa Kỳ tại phiên tòa Einzatzgruppen (*) và là người ủng hộ mạnh cho việc thành lập một hệ thống công pháp quốc tế và một Tòa Án Quốc Tế.
Phiên tòa Einzatzgruppen vừa kể là một trong mười hai phiên tòa quân sự do các viên chức Hoa Kỳ tại Nuermberg điều hợp. Trong quyển sách “Định Nghĩa về Hiếu Chiến Quốc Tế - Cuộc Đi Tìm Hòa Bình cho thế Giới” xuất bản vào năm 1975, ông Benjamin B. Ferencz đã biện luận và cổ võ cho việc thành lập một Tòa án quốc tế.
1989: Ý kiến thành lập một tòa án quốc tế được hồi sinh khi đương kim Thủ Tướng Arthur Robinson của Trinidad và Tobago (đảo quốc vùng Nam Mỹ), đề nghị thành lập một tòa án quốc tế để đối phó với tình trạng buôn lậu ma tuý. Để đáp ứng yêu cầu của Trinidad và Tobago, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Ủy Ban Luật quốc tế (ILC) tiếp tục làm việc trong một tòa án hình sự quốc tế, có thẩm quyền điều tra việc buôn bán ma túy.
Trong lúc việc soạn thảo một đạo luật đang đươc tiến hành, thì cộng đồng quốc tế thành lập những phiên tòa tạm thời để xét xử những tội phạm chiến tranh tại Yugoslavia và Rwanda. Sự kiện này càng cho thấy nhu cầu phải có một tòa án quốc tế thường trực.
Tháng 6 năm 1998: Sau nhiều năm thương thảo, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tiến hành một phiên họp tại Rome với mục tiêu hoàn tất một hiệp ước về việc này.
Ngày 17 tháng 7 năm 1998: Pháp chế Rome cho hệ thống Tòa Án Quốc Tế ra đời. 120 quốc gia bỏ phiếu thuận, 7 phiếu chống, và 21 phiếu trắng. Bảy quốc gia bỏ phiếu chống gồm có Trung Quốc, Iraq, Do Thái, Libya, Qatar, Hoa Kỳ và Yemen. Cuộc bỏ phiếu hôm đó hôm đó có sự tham gia của đại diện 160 quốc gia, 33 tổ chức liên chính phủ, và liên minh của 236 tổ chức phi chính phủ.
Ngày 11 tháng 4 năm 2002: Pháp Chế Rome đã trở thành một hiệp ước có hiệu lực khi số quốc gia thông qua đạo luật lên đến sáu mươi.
Ngày 1 tháng Bảy năm 2002: Pháp Chế chính thức bắt đầu có hiệu lực, và ICC chỉ có thể truy tố những tội phạm xảy ra từ sau ngày này. Bối thẩm đoàn gồm 18 quan tòa do hội đồng các quốc gia thành viên bầu ra vào tháng 2 năm 2003. Họ tuyên thệ trong phiên tòa đầu tiên vào ngày 11 tháng 3 năm 2003. Tòa án ban hành trát tòa đầu tiên vào ngày 8 tháng 7 năm 2005 và buổi điều trần trước phiên xử đầu tiên diễn ra vào năm 2006.
Ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2010: Trong một cuộc họp để tái duyệt Pháp Chế của Tòa Án Quốc Tế tại Kampala, Uganda, hai điều tu chính cho Pháp Chế Rome đã được thông qua. Điều tu chính thứ 2 liên quan đến định nghĩa về tội hiếu chiến xâm lăng. Trong đó bao gồm những hành động như hoạch định, chuẩn bị, khởi động một cuộc chiến để đi xâm lăng.
Thành Viên
Cho đến tháng 11 năm 2010, đã có 114 quốc gia trở thành viên của Toà Án Quốc Tế, trong đó bao gồm hầu hết các nước Âu châu, Nam Mỹ và khoảng gần phân nữa các nước Phi châu.
Đã có thêm 34 quốc gia đã ký tên tham gia nhưng chưa thông qua Pháp Chế Rome. Pháp chế này bắt buộc những nước thành viên phải tự kiểm tra và kiềm chế những "hành động đi ngược lại với mục tiêu và ý định" của pháp chế.
Ba nước Do Thái, Sudan và Hoa Kỳ đã rút lại chữ ký của họ và phủ nhận những ràng buộc pháp lý mà quốc gia họ đã ký kết trước đó.
Thẩm quyền
1- Những tội phạm thuộc thẩm quyền của ICC
Theo điều 5 của Pháp Chế Rome, Tòa có thẩm quyền trên bốn loại tội, quy ra là "những tội đáng quan tâm nhất cho toàn bộ cộng đồng quốc tế", bao gồm: tội diệt chủng, tội đối với đồng loại, tội phạm chiến tranh và tội hiếu chiến xâm lăng. Ngoại trừ tội hiếu chiến, Pháp Chế Rome đã định nghĩa mỗi loại tội phạm vừa kể. Do đó Tòa sẽ không tiến hành việc truy tố tội hiếu chiến cho đến khi các nước thành viên đồng ý về định nghĩa của tội phạm này và vạch ra những điều kiện mà dựa theo đó can phạm sẽ bị kết án.
Tháng 6 năm 2010, trong đại hội để tái duyệt những định nghĩa đã được thông qua trong lần tổ chức tại Kampala Uganda, các quốc gia thành viên đã thông qua tu chính về định nghĩa của "tội phạm hiếu chiến" song song vối việc nới rộng thẩm quyền của Tòa Án Quốc Tế trên những lãnh vực trên.
Tòa Án Quốc Tế chỉ có thể bắt đầu kết án tội hiếu chiến này vào năm 2017. Ngoài ra, tòa cũng nới rộng phạm vi của tội phạm chiến tranh để bao gồm thêm việc xử dụng một số loại vũ khí trong một cuộc tranh chấp vũ trang không dính dấp đến nhiều nước (mang tính chất quốc tế).
Nhiều quốc gia muốn bao gồm tội khủng bố và buôn lậu ma túy vào danh sách các tội phạm của Pháp Chế Rome. Tuy nhiên một số quốc gia đã không đồng ý về định nghĩa của danh từ khủng bố, đồng thời cũng quyết định không kèm thêm tội buôn lậu ma túy, vì điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho khả năng hạn chế của tòa hiện nay.
Ấn độ cho rằng việc xử dụng vũ khí nguyên tử và vũ khí huỷ diệt hàng loạt nên được liệt kê vào tội phạm chiến tranh, nhưng cuối cùng đề nghị này đã bị phủ quyết. Ấn độ e ngại rằng luật hiện hành của ICC, cho thấy là việc xử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt vô hình chung không bị xếp vào hàng tội phạm chiến tranh. Đây là một thông điệp bất thường gửi đi cho cộng đồng quốc tế.
Một số cho rằng, định nghĩa tội phạm liệt kê trong Pháp Chế Rome quá tổng quát hoặc quá mơ hồ. Thí dụ như Trung Quốc cho rằng định nghĩa “tội phạm chiến tranh” đi quá mức thường được định nghĩa trong những luật quốc tế hiện nay.
2- Thẩm Quyền về Lãnh thổ
Trong các cuộc hội đàm dẫn đến việc thành lập Pháp Chế Rome, một số lớn quốc gia cho rằng tòa nên có thẩm quyền toàn cầu. Tuy nhiên, đề nghị này bị bác bỏ, phần lớn là do sự chống đối của Hoa Kỳ. Cuối cùng tòa đã đạt được một thỏa hiệp để thi hành thẩm quyền đối với các hoàn cảnh dưới đây mà thôi:
- Khi bị can phạm tội là công dân của một nước thành viên (hoặc khi quốc gia của bị can chấp nhận lệ thuộc thẩm quyền của tòa);
- Khi tội cáo buộc xảy ra trên lãnh thổ của nước thành viên (hoặc quốc gia chủ quyền các lãnh thổ mà tội phạm xảy ra chấp nhận lệ thuộc thẩm quyền của tòa);
- Khi vụ án được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm.
3- Thẩm Quyền về thời gian tính
Thẩm quyền của tòa chỉ có hiệu lực đối với các tội xảy ra từ ngày 1 tháng Bày năm 2002 trở về sau (ngày mà Pháp Chế Rome có hiệu lực). Những tội phạm xảy ra trước đó sẽ không bị hồi tố. Khi một quốc gia trở thành hội viên của Pháp Chế Rome sau ngày nói trên, tòa có thẩm quyền xét xử các tội phạm xảy ra kể từ khi Pháp Chế Rome có hiệu lực.
Phụ Lục
ICC được xem như tòa án cuối cùng. Tòa này điều tra và kết án khi tòa án quốc gia bị thất bại.
Điều 17 của Pháp Chế liệt kê rằng một trường hợp như sau sẽ không được tòa nhận cứu xét nếu:
(a) Sự vụ đang được điều tra và kết án bởi một quốc gia đang có thẩm quyền xét xử, ngoại trừ quốc gia này không muốn hoặc không có khả năng thi hành việc điều tra hoặc kết án;
(b) Sự vụ đang được điều tra bởi một quốc gia có thẩm quyền trên sự việc này và quốc gia đã quyết định không kết án bị can, ngoại trừ quyết định đến từ sự miễn cưỡng hoặc bất lực của quốc gia trong việc kết án bị can;
(c) Đương sự đã bị kết án do những hành động đến từ lời khiếu nại, và phiên tòa đã không được phép xét xửa theo điều 20, chương 3;
(d) Sự vụ không đủ tầm mức để Tòa phải bỏ thêm công sức vào.
Điều 20, chương 3, liệt kê rằng, nếu một cá nhân đã bị kết án bởi một tòa án khác, ICC không thể xử họ trên cùng những hành động đó ngoại trừ các thủ tục tố tụng của tòa kia: "(a) Là mục tiêu để che chở đương sự trong việc nhận tội mà những tội này đối chiếu ra thuộc thẩm quyền của hệ thống Tòa (ICC); hay (b) đã không tiến hành một cách chí công hoặc độc lập theo thể thức vận hành của luật pháp quốc tế và được tiến hành theo một thể thức, trong các hoàn cảnh, mâu thuẫn với ý định để mang đương sự ra trước ánh sáng của luật pháp."
(*) Các Einzatzgruppen trong Đức Quốc xã là "tiểu đoàn tấn công" của quân đội SS chống lại người Do Thái, họ đã giết chết hàng triệu người. "Tiểu đoàn tấn công" này như là đạo quân ở hậu tuyến của quân đội Đức quốc xã và sau đó giết tất cả các dân thường và các trí thức của quốc gia bị chiếm đóng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét