Việt Xuân
Thế là cuộc cách mạng đòi dân chủ và công bằng xã hội đã tràn qua Trung Đông và Bắc Phi với tất cả những bất ngờ và ngạc nhiên cho bao nhiêu người.
Tại thời điểm hiện nay tuy làn sóng này chưa quét sạch được hết những thể chế độc tài bạo ngược và tham lam trong khu vực, nó cũng sẽ đưa Trung Đông và Bắc Phi vào một thời kỳ mới, với nhiều niềm tin tưởng là sẽ tốt đẹp và nhân bản hơn. Lịch sử đã sang trang, và lịch sử sẽ đưa làn gió mát dân chủ tới những nơi còn lại của Địa cầu.
Sự thành công tại hai nước khởi đầu là Tuy-Ni-Di và Ai Cập chỉ sau thời gian rất ngắn chỉ vài tuần, sau những năm trường đè nén đã đem lại niềm vui và phấn khích đến ngỡ ngàng với những ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền và dân chủ, và ngược lại, sự lo lắng hoảng loạn với những kẻ còn đang cố dùng cường quyền để bám giữ quyền lực ở những nước còn lại trên thế giới.
Hãy tạm chưa bàn tới các yếu tố nhỏ hơn hay ít hiển hiện hơn khác thì nhìn vào sự khởi đầu, tiến trình cũng như tính chất của các cuộc đấu tranh, chỉ cần nhìn từ góc rộng ai ai cũng đã thấy rõ hai yếu tố quan trọng:Thứ nhất là số đông, tại tất cả các nơi đang xảy ra cách mạng, phong trào dân chủ đã tập hợp được số lượng lớn quần chúng tham gia, số lượng lớn đến ngạc nhiên, ngay cả trong điều kiện áp chế, bưng bít, cắt đứt thông tin liên lạc. Khi nói đến số đông còn phải nhắc đến việc các phong trào dân chủ tại đây đã nhanh chóng kết hợp mở rộng thành phần tham dự, ban đầu chỉ là giới thanh niên trí thức, sau đã nhanh chóng chuyển tới cả giới nhân dân thành thị, đặc biệt là công nhân, và rồi cuối cùng cả những thành phần trong bộ máy công quyền chế độ. Thứ hai, cũng hết sức quan trọng và hiển hiện là vai trò của quân đội các nước này trong việc đưa lại kết quả tốt đẹp của làn sóng xuống đường. Tại hai nước Tuy-Ni-Di và Ai Cập, quân đội đã chuyển từ chỗ trung lập, án binh bất động cuối cùng đã nghiêng hẳn về phía nhân dân, tôn trọng hoài bão của họ. Tại Libya, cho đến nay cũng đã có nhiều mảng lớn từ thành phần quân đội hạ súng hay quay súng đào tị và bất tuân lệnh, và lại được tự coi mình là một phần của dân tộc. Với đà tiến triển hiện nay, tình hình Libya cũng rất khả quan. Tại Bahrain, quân đội cũng đang ở trong vị thế khá trung dung.
Một cách tổng quan, cả hai yếu tố trên là hai mặt không thể tách rời và tương hỗ cho nhau trong công cuộc giải phóng và khó có thể thiếu được một trong hai. Nhìn từ lăng kính thông thường thì có thể đánh giá các cuộc cách mạng này là các cuộc cách mạng nhân dân do số đông quần chúng đã vượt qua nỗi sợ, đứng lên đối mặt với cường quyền, và được sự hỗ trợ của quân đội. Có những cái nhìn đặc biệt hơn lại cho rằng đây là những cuộc đảo chính quân sự “bất bạo động” – cũng thật đúng. Cái nhìn thứ hai có nhiều điểm lý thú và đi kèm nhiều nhận định khá chính xác, nhưng cần nhớ rằng để thành công, cuộc “đảo chính” này phải có vế không thể thiếu, đó lại chính là số đông của người dân nổi dậy - và đây phải nói là yếu tố tiền đề.
Bây giờ xin đi sâu hơn về cách nhìn thứ hai với các yếu tố lý thú của nó, và về quân đội. Nếu xét về mức độ khái quát hóa của các cuộc cách mạng dân chủ - hay đấu tranh bằng số đông quần chúng, thì ngoài việc dựa trên cơ sở người dân vượt qua được nỗi sợ để tập hợp lại với nhau, thì phương thức cơ bản để triển khai các bước khác là sự bất tuân dân sự, tương đương với đối đầu bất bạo động. Cụ thể hơn: Sinh viên học sinh bãi khóa, công nhân đình công, người thị dân cứ tụ tập bất kể cấm đoán, người theo đạo hay tu hành cứ thờ phượng theo niềm tin của mình, cán bộ nhân viên lãn việc, nhân dân đến kỳ bầu cử tẩy chay bỏ phiếu, không treo cờ, treo ảnh lãnh tụ độc tài - Tức là trong phận sự của mình, người người, nhà nhà không làm lợi cho chế độ, hay không làm theo những gì chế độ muốn. Thực tế trong các trường hợp thành công kể trên, quân đội đã lãn công, hay bất tuân dân sự trong phần vụ của họ! Và như vậy cho dù có thói quen vốn đã ăn sâu vào tâm thức nhiều người rằng quân đội chỉ là quân đội, họ lại đã hành động như nhân dân đấu tranh, và chính là một phần của nhân dân đấu tranh. Như thế lý thuyết về đấu tranh bất bạo động lại đã được chứng minh cụ thể hơn, và ở tầm rộng hơn.
Với những biến chuyển lịch sử như vậy tại Trung Đông và Bắc Phi đi kèm với vai trò và vị thế hành xử của giới quân đội tại những nơi đó, câu hỏi tất yếu, và cũng vốn đã được nhiều người đặt ra, là “Vậy liệu nếu một ngày nào đó người dân Việt Nam cũng xuống đường đòi những quyền của mình được tôn trọng, và đòi được sống trong một đất nước không còn cảnh tham nhũng bất công tràn ngập, thì quân đội Việt Nam sẽ làm gì?”
Có người đã lo lắng nghĩ đến những viễn cảnh tăm tối là những chiếc T-54 tràn ngập và xích sắt nhuốm máu dân thường như đã xảy ra ở Thiên An Môn 22 năm trước đây, đó là mối quan tâm chính đáng, nhưng thế giới ngày nay đã khác, cách hành xử và vị trí khách quan của quân đội kể các nước còn độc tài đảng trị như Việt Nam, nay cũng đã khác. Từ phía chế độ, việc nhận thức được sự đe dọa của phong trào dân chủ, hay cái mà họ hay gọi là “diễn biến hòa bình” cùng với vai trò của quân đội, là rõ ràng. Chính vì thế, trong những năm gần đây, giới chóp bu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cố công tận lực để củng cố và neo giữ sự ủng hộ của quân đội thông qua hai việc là cố gắng chia chác lợi ích quốc gia và quyền lực chính trị cho các thành phần quân đội, cụ thể là cố gắng tăng ngân sách giành cho quân đội, cho phép quân đội kinh doanh lớn và nhỏ, và tăng số lượng nhân sự quân đội trong chóp bu lãnh đạo, ví dụ như việc tăng số Ủy viên Trung ương đảng sau vụ bầu bán Đại hội vừa qua.
Lẽ tất nhiên với những cố gắng đó, chế độ đã mua thêm được ủng hộ của một thành phần quân đội, nhưng thực chất chỉ ở thượng tầng chính trị quân đội mà thôi.
Quân đội ở đâu cũng vậy, ở Việt Nam cũng vậy, là một phần được “biên chế hóa” từ khối nhân dân, và do đó thành phần và cấu trúc cũng “trải dài” như cấu trúc xã hội, tức là thượng tầng quyền lực cho đến hạ tầng quần chúng thực thi ở dưới. Thượng tầng gồm các thành phần - tất nhiên là tướng lĩnh, nắm các quyền chính trị, có mặt trong các cơ cấu chóp bu của Đảng, nắm các quân khu về mặt hành chính chính sách, kế đó là các tướng tá cao cấp nhưng ở mức độ thực hiện tác chiến, chỉ huy các cơ cấu chiến đấu như quân đoàn, sư đoàn, quân binh chủng… rồi mới xuống đến các chỉ huy trung cấp, và cuối cùng là chỉ huy cấp nhỏ và bộ đội. Sự cách biệt giàu nghèo trong thực thể quân đội hoàn toàn giống sự cách biệt giàu nghèo do tệ nạn tham nhũng và phân chia lợi ích hiện hữu trong xã hội hiện nay. Các thành phần chóp bu quân đội thì tất nhiên cũng giàu có thừa mứa, tham nhũng, lạm quyền, nhưng kể từ trung cấp trở xuống, thì cũng trong tình trạng như bất cứ cán bộ bình thường hay công nhân viên nhà nước, tức là tầng lớp không được hưởng các lợi ích xã hội một cách công bằng.
Nói một cách khác, thất bại Đảng và Nhà nước trong việc đem lại một cuộc sống tốt hơn cho đại khối nhân dân Việt Nam cũng chính là thất bại trong việc nâng cao đời sống của các thành phần quân đội từ trung cấp trở xuống. Thực tế là họ có các cố gắng tăng ngân sách, tăng hệ số lương, trợ cấp lương cho các lực lượng vũ trang nhưng cũng không nằm ngoài được bài toán tổng thể là nền kinh tế tiếp tục èo uột và nạn đục khoét nguồn lực quốc gia tràn lan. Ngay cả một số thành phần tương đối cao cấp, có thể nói là tướng tá, đặc biệt ở các nghạch tác chiến vất vả, ít “màu”, từ tư lệnh quân binh chủng, quân sư đoàn, xuống thấp hơn, tuy có được hưởng thu nhập từ chính sách khá hơn cách đây khoảng 10 năm rất nhiều, thì cuộc sống vẫn phải nói là đạm bạc, hay đơn giản, không thể so được với các đại gia chóp bu hay số ít quân đội làm kinh tế.
Điểm qua tình hình lương bổng của quân nhân một vài cấp:
- Cấp Tá: Lương cứng 5-8 triệu.
- Cấp Úy: Lương cứng 2-4 triệu.
- Lính: Lương cứng dưới 2 triệu.
- Tiền an dưỡng theo chế độ giành cho quân nhân cấp thấp là khoảng 50 ngàn đồng/ngày khi sức khỏe không đảm bảo.
Đó cũng chính là “số đông” trong lực lượng quân đội, với những thu nhập thực tế như thế, họ vốn đã và đang có khó khăn trong đời sống thường nhật, chưa kể là cũng sẽ cùng đại khối quần chúng phải đối mặt với các cơn bão giá đang tràn tới, và họ rõ ràng cũng đã bị phản bội bởi chế độ.
Về tinh thần, trừ một số nhỏ thuộc thành phần ăn trên ngồi chốc siêu tư bản trong quân đội, ngay cả một số tầng lớp tương đối cao cấp, một lần nữa, đặc biệt là phía tác chiến, còn rất nhiều người có suy tư về đất nước và nhân dân, bản thân họ cũng còn coi mình là một bộ phận của dân, và chưa mất hết các mối quan tâm ràng buộc với người dân hay người lính bình thường. Do vậy sự ủng hộ, hay trung thành với chế độ, đã và đang bị soi mòn sâu sắc.
Tất nhiên khi nhìn vấn đề một cách toàn diện và đầy đủ, thì cho dù là những người còn quan tâm hay thậm chí không bằng lòng hoặc bất mãn với chế độ, phần lớn các thành phần quân đội sẽ không phải là những người chủ động tham gia các phong trào đấu tranh đòi dân chủ hay công bằng xã hội ngay từ ban đầu, nhưng việc không tham gia với việc chĩa súng vào những người xuống đường đấu tranh, lại là hai việc hoàn toàn khác xa, thậm chí trái ngược.
Vậy, giả sử một ngày kia khi có một vài kẻ điên rồ ra lệnh từ trên xuống rằng người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam phải chĩa vào những người dân xuống đường, thì có thể kết luận tương đối chắc chắn rằng, những người lính đó, ít nhất là từ trung tầng trở xuống, sẽ tuân theo “lệnh” của lương tâm mình, và quay súng để đứng về phía nhân dân!
Nếu bạn, một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, vì một lý do nào đó, khi đọc được những dòng trên, mà vẫn nghĩ rằng mình, có một ngày gần, sẽ vẫn sẵn sàng ra lệnh, hay chĩa súng bóp cò trong trường hợp đó, thì hãy bình tâm tự vấn liệu rằng chữ Nhân Dân có còn nên nằm kèm trong cái danh hiệu “Quân đội Nhân dân Việt Nam” nữa hay không, hay mình có đang là con ốc đang cố gắng ngăn chiều xoay của bánh xe lịch sử vĩ đại đang quay ngày một nhanh hơn, hay không!
Việt Xuân - cựu Thiếu úy QĐNDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét