2011/03/19

Nước ngoài là nước nào?....

canhco’s blog

Nhà ông bác tôi có người con trai cả đã chết vào ngày 14 tháng 3. Gia đình bác vẫn âm thầm lo ngày giỗ của anh rất chu đáo.
Khi chết anh chưa có vợ và một điều khiến gia đình buồn nhất là anh không có một nấm mồ để mà thăm viếng. Anh chết ngoài hải đảo, đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.
Gia đình biết rất ít về việc anh hy sinh. Không một di vật nào được mang về nhà và theo lời bác trai tôi kể thì anh rất yêu đời khi chết mới 24 tuổi và anh vừa gửi về hai bức thư kể lại những ngày ở đảo xa. Bác gái tôi đôi khi ngồi nhắc lại chuyện vợ con của anh như một hoài niệm.
Chị Sum, người yêu của anh vẫn thường ghé nhà dù rằng giờ đây chị đã có cháu kêu bằng bà ngoại. Tấm ảnh của anh trên bàn thờ đã vàng úa màu thời gian nhưng cứ mỗi năm gần đến ngày này là chị tới nhà ngồi nói chuyện với những đứa em của anh, trong đó có tôi. Từ ngày hai bác tôi qua đời thì chị là người được tôi xem như người chị lớn nhất nhà để hỏi han những gì mà một phụ nữ thường tò mò, trong ấy có chuyện tình yêu của chị với anh tôi.
Năm nay như thường lệ, chị Sum đến nhà rất sớm. Việc đầu tiên là tìm tôi để hỏi thăm xem có gì lạ không vì biết tôi đã về nhà bác rất sớm. Tôi nhìn chị và cảm thấy thương người đàn bà này vô chừng. Chị vẫn thế tuy tóc đã bạc nhiều. Nhìn hình anh trên bàn thờ tôi thầm nghĩ giờ này trên kia chắc anh cũng vui lắm vì mối tình hơn hai mươi năm của anh vẫn trong suốt như những ngày đầu.

Chị kéo tay tôi và bảo, "này tôi nói cho cô nghe, báo nhà nước nhắc tới anh ấy đây. Nhưng sao thế nhỉ?"
Tôi ngạc nhiên nhìn chị, "sao là sao hở chị?" chị lẳng lặng đưa tờ giấy in bài viết của báo Thanh Niên mà chị nói là do thằng cháu chị in ra từ internet. Tôi đọc một đoạn, vẫn chưa hiểu ý chị muốn nói gì, tôi hỏi: "Ừ năm nay mới thấy họ nhắc tới trận đánh này, nhưng em không biết chị nói sao là sao cơ chứ?"
Chị vói tay lấy tờ giấy chỉ cho tôi, Cô không thấy họ nói như thế này a: "Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN". Họ nói là "nước ngoài" chứ có phải là Trung Quốc đâu à? Ngay cái tên mà cũng sợ thì anh ấy chết có yên đâu?
Tôi lặng người như bị tạt nước lã vào mặt. Chỉ có yêu thương anh nhiều lắm mới khiến cho chị chú ý từng chi tiết một dù rất nhỏ như vậy. Tôi tỉnh người ra và nhận thấy mình thật vô tâm. Chị Sum không hề biết gì ngoài cánh đồng ban ngày và gia đình về đêm, nhưng chị thật sáng suốt biết bao khi nhận ra một điều rất lớn đang xuất hiện trên nhiều trang blog có bài viết về hiện trạng Trung Quốc đối với các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.
Bài báo trên tờ Thanh Niên làm tôi xốn xang khi đọc tới những hàng này:
"...ngày này 23 năm trước, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa khi bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
"Kính thưa hương hồn các anh hùng liệt sĩ! Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ bao đời nay và mãi mãi về sau là một phần máu thịt, là lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc VN. Nhưng với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN…Họ đã tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta và cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng xây dựng biển, đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại đã xảy ra ác liệt. Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng VN. Đó là các cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, 604, 605 thuộc Lữ đoàn 125; các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83. Đó là anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng tàu HQ 604; anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Còn rất nhiều tấm gương sáng về sự hy sinh mà chúng tôi không thể nói hết. Chính nơi đây, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân VN đã anh dũng hy sinh…”.
Tôi thật sự nghi ngờ khi đọc tiếp những giòng sau:
"Ngừng trong giây lát, đại tá Nguyễn Kiều Kinh gạt nước mắt và tiếp tục với giọng chắc nịch, hào hùng: “Trường Sa hôm nay vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, và xây dựng Trường Sa trở thành huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến lược trên biển Đông”.
Chỉ một từ Trung Quốc thôi mà ông Kình không dám nhắc tới. Nó như một sự kiêng húy, một Taboo hay nếu công bình khi nhìn thẳng vấn đề thì rõ ràng là một sự sợ hãi đến hèn nhát.
Ông Đại tá hải quân đứng trên mảnh đất thuộc chủ quyền của Việt Nam, đọc diễn văn thay cho 14 Ủy viên bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với một giọng chắc nịch, hào hùng như tờ báo mô tả. Nhưng trong cái chắc nịch hào hùng ấy kẻ thù chính đựơc ông lái sang một hướng khác. Ông nói thay cho hơn 60 gia đình liệt sĩ đã bỏ thân vì đất nước trong đó có gia đình tôi, và ông đại tá rướm nước mắt nhắc tới "nước ngoài" như nhắc tới một nước ở hành tinh khác khiến cho tôi đau đớn.
Thà ông đừng rướm nước mắt. Và thà ông đừng tổ chức ném hoa xuống biển cho những người đã khuất. Ông chỉ làm cho người thân của các gia đình liệt sĩ thêm đau đớn mà thôi.
Gia đình tôi đau đớn một thì chị Sum đau đến mười. Chị vẫn cầm tờ báo trên tay, mắt chị không nhìn lên bàn thờ như mọi khi mà chừng như chị không nhìn gì cả. Tôi biết, trong giờ phút này chị chỉ nhớ đến anh, người trứơc khi lên tàu đi xa, ôm hôn chị mà không hẹn ngày trở lại... Ôi cái ngày 14 tháng Ba...

canhco’s blog
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/466

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét