Iris Vinh Hayes
Có không ít người vẫn đặt niềm tin vào sức mạnh bạo lực trong cách mạng để thay đổi xã hội. Và như Huỳnh Thục Vy đã nhận xét, “[d]ường như khi nói đến cách mạng chúng ta luôn liên tưởng ngay đến bạo lực. Những ai từng ngồi trong nhà trường xã hội chủ nghĩa đều thấm nhuần quan điểm rằng: bạo lực cách mạng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu của việc giành chính quyền.” (danlambao1.files.worldpress.com, posted 13/03/2011). Cô cũng đã viết, “chỉ nhằm trình bày quan điểm và những ưu tư của cá nhân tôi. Chúng tôi – thế hệ 8x, vẫn còn quá trẻ để có một tầm nhìn mang tính chiến lược về con đường dân chủ hóa Việt Nam. Thế nên, chúng tôi trông cậy rất nhiều vào những bậc trưởng thượng – những người sẽ vạch ra con đường và dẫn dắt chúng tôi, để từ đó chúng tôi có cơ hội đóng góp sức mình cho đất nước và biết được mình sẽ phải làm những gì. Bởi nếu những người đi trước nhầm đường thì cả dân tộc sẽ khốn đốn và những người trẻ chúng tôi sẽ gặp thảm họa.” Những ưu tư này của cô cần phải được hồi đáp với tất cả sự trân trọng và thận trọng. (Ai dám nói tuổi trẻ Việt Nam thiếu trí tuệ? Ai dám nói tuổi trẻ Việt Nam thờ ơ trước vận nước? Tuyệt vời quá đứa em thuộc thế hệ 8x!)
Không dám nhận mình là bậc trưởng thượng, nhưng là một người thuộc thế hệ trước thế hệ 8x khá xa, tôi muốn nói với Huỳnh Thục Vy và tất những đứa em thân thương của tôi thuộc lớp người trẻ rằng: ĐỪNG TIN VÀO SỨC MẠNH CỦA BẠO LỰC! Họ đã hoàn toàn sai khi cho rằng “bạo lực cách mạng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu của việc giành chính quyền.” Đó chỉ là kinh nghiệm của quá khứ. Sự vận hành của thế giới ngày hôm nay đã khác xa ngày trước. Sự thay đổi đó đã mở ra cơ hội để cho chúng ta có được sự lựa chọn khác. Nhân dân có thể giành được chính quyền từ tay bọn độc tài chuyên chế mà không cần sử dụng đến bạo lực. Thêm vào đó, họ cũng đã từng hoàn toàn sai khi chọn con đường bạo lực để giành chính quyền. Tại sao sai? Nếu họ đúng thì chúng ta không nói đến chuyện xuống đường làm cách mạng ngày hôm nay, có đúng thế không? Họ sai là vì mục tiêu đích thực của cách mạng là để mang đến những thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội, không phải chỉ để giành chính quyền. Và một khi sử dụng bạo lực để giành được chính quyền thì cơ hội để mang đến những thay đổi tốt đẹp hơn sẽ lập tức bốc hơi. Sau khi đã giành được chính quyền bằng bạo lực, máu vẫn tiếp tục chảy, một cùm gông mới nặng hơn lại áp đặt lên đất nước, đêm càng đen hơn và dài hơn trước, thân phận con người càng đáng thương hơn trước. Bạo lực trong cách mạng đã để lại những di sản tồi tệ nếu không muốn nói là kinh hoàng trong tiến trình tìm kiếm hạnh phúc của nhân loại. Tồi tệ nhất và kinh hoàng nhất là làn sóng bạo lực do cộng sản gây ra. Ngần ấy bằng chứng chẳng lẽ không đủ để thuyết phục chúng ta ĐỪNG TIN VÀO SỨC MẠNH CỦA BẠO LỰC?Cho những ai vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục từ bỏ ý nghĩ sử dụng bạo lực để đối kháng bạo lực, tôi xin trình bày thêm:
Dùng cái cứng để đối chọi với cái cứng hơn thì nhất định sẽ bị cái cứng hơn nghiền nát. Đây là định luật tự nhiên. Khi đối phương có sức mạnh bạo lực hơn ta ngàn vạn lần, sử dụng bạo lực để đối kháng là một hạ sách nhất định sẽ dẫn tới nhiều tử vong và cuối cùng là thua cuộc. Đó là lý do thứ nhất tại sao không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền.
Dùng sức mạnh bạo lực để đối kháng với một sức mạnh bạo lực mạnh mẽ hơn nhiều nhằm tạo ra kẻ hở rồi nương theo đó giành thắng lợi không phải là không khả thi trong đối kháng chính trị. Nhưng khi bạo lực được vận dụng để “làm cách mạng” (mở rộng và đẩy tới chỗ cực đoan) thì đấu tranh chính trị có nguy cơ biến thành nội chiến, một lỗi lầm mà nhân loại đã có rất nhiều bài học và VN cũng đã từng trải qua. Nội chiến là một cái giá rất đắt phải trả để đạt mục tiêu chính trị, nếu may mắn đạt được. Đó là lý do thứ hai tại sao không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền.
- Trong những cuộc biểu tình chống độc tài, nhà cầm quyền luôn luôn chủ động dẫn dụ đám đông xuống đường đi vào chiếc bẫy “bạo động” để biến họ từ danh nghĩa là những “công dân xuống đường đòi quyền sống được hiến pháp bảo vệ” thành ra “đám người cướp bóc/phiến loạn đe doạ trật tự xã hội và an ninh quốc gia” rồi tiến hành “trừng trị thẳng tay theo pháp lý và ý chí của nhà cầm quyền.” Phản kháng bằng bạo lực — dù rằng vì lý do tự vệ trước sự đàn áp mạnh tay của nhà cầm quyền — là tự đưa đầu vào cái bẫy rập của đối phương, là cho họ cơ hội để mạnh tay đàn áp, là cho họ “viên thuốc an thần” để họ không bị mặc cảm tội lỗi khi ra tay tàn sát quần chúng. Đó là lý do thứ ba tại sao không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền.
- Bạo lực của nhà cầm quyền có thể gây ra tử vong cho biển người phản kháng bất bạo động, nhưng con số tử vong đó chắc chắn là sẽ ít hơn rất xa so với phương cách phản kháng bạo động. Phía nhà cầm quyền càng sử dụng sức mạnh của bạo lực để đàn áp “biển người phản kháng bất bạo động” bao nhiêu thì sức mạnh và chính nghĩa của quần chúng càng gia tăng bấy nhiêu. Phía nhà cầm quyền càng sử dụng sức mạnh bạo lực để đàn áp “biển người phản kháng bất bạo động” thì tiếng vang của sự kiện càng bay xa và đôi mắt của quần chúng trong nước cũng như của toàn thế giới càng dán chặt vào đó. Con số tử vong của quần chúng phản kháng bất bạo động do phía chính quyền gây ra cho họ càng cao bao nhiêu thì sự phẫn nộ của nhân dân trong nước và sự hổ trợ của thế giới bên ngoài dành cho quần chúng phản kháng bất bạo động càng cao bấy nhiêu. Có được sự phẫn nộ và đồng tình cao độ của nhân dân trong nước, thì biển người phản kháng càng lúc sẽ càng to. Có được sự hổ trợ của mọi người trên toàn thế giới thì cuộc cách mạnh càng có cơ hội thành công. Nội ngoại hợp công càng mạnh mẽ bao nhiêu thì thời gian để giành được chính quyền từ tay của bọn độc tài càng rút ngắn bấy nhiêu. Đó là lý do thứ tư tại sao không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền.
- Những cuộc cách mạng ít hao tổn xương máu nhất, mở ra và khép lại trong thời gian ngắn nhất, và cho những thành quả lạc quan nhất chính là những cuộc cách mạng bất bạo động. Đây là sự thật, không phải nói theo cảm tính. Đó là lý do thứ năm tại sao không thể sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền.
Tôi tin chắc là còn có thể đưa ra thêm nhiều lý do nữa nhưng thiết nghĩ bao nhiêu đó cũng đã quá nhiều để chúng ta ĐỪNG TIN VÀO SỨC MẠNH CỦA BẠO LỰC.
Cái mà quần chúng cần làm trong những cuộc xuống đường là: BIỂN NGƯỜI + BẤT BẠO ĐỘNG + KHÔNG KHOAN NHƯỢNG CÁI XẤU ÁC. Đây mới chính là một công thức khả thi và cho nhiều cơ hội. Đây mới chính là phương án đấu tranh để tạo ra sự thay đổi lớn cho xã hội theo đường hướng có lợi cho đất nước và đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho quần chúng tới mức thấp nhất. Nên nhớ rằng: để có thể xây dựng được một quốc gia lý tưởng (là mục tiêu đích thực của cuộc cách mạng) mọi người phải kiên quyết khước từ sử dụng bạo lực ngay từ giờ phút đầu của cuộc cách mạng. Phương án BIỂN NGƯỜI + BẤT BẠO ĐỘNG + KHÔNG KHOAN NHƯỢNG CÁI XẤU ÁC được đề ra không phải là chính trị “lãng mạn” mà là một tính toán “chính lược” (và nếu tinh ý các bạn sẽ thấy tôi đã chọn không sử dụng ngay cả chữ chiến lược cũng vì cái hàm ý chiến tranh và bạo lực chứa đựng trong nó).
Để mở ra một vận hội mới cho đất nước nhằm kiến tạo một quốc gia lý tưởng trên nền tảng tự do & dân chủ & nhân bản thì quần chúng không những phải tin vào sức mạnh của yếu tố NHÂN BẢN mà còn phải thực hành nó với chủ trương BẤT BẠO ĐỘNG ngay từ lúc đầu; không những phải tin vào sức mạnh của yếu tố ĐOÀN KẾT mà còn phải thực hành ĐẠI ĐOÀN KẾT với phương pháp đấu tranh BIỂN NGƯỜI ngay từ lúc đầu; không những phải tin vào yếu tố XÁC LẬP QUYỀN LỰC CỦA NGƯỜI DÂN BẰNG CHÍNH SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN mà còn phải thực hành nó với ý chí KHÔNG KHOAN NHƯỢNG CÁI XẤU ÁC ngay từ lúc đầu. Nói và làm cần làm phải đi đôi, nhất định phải đi đôi, từ đầu cho đến cuối. Nếu quần chúng không làm được những điều này thì vận hội mới hãy còn rất xa.
Nhân dân cần phẫn nộ, nên phẫn nộ, phải phẫn nộ khi mà GIỚI HẠN CỦA SỰ NHẪN NHỤC ĐÃ BỊ PHÁ VỠ trước thực trạng “mạng sống của dân đã bị coi thua súc vật, tài sản của dân đã bị tước đoạt dễ như lấy đồ trong túi, tôn nghiêm của dân đã bị chà đạp quá đáng.” Phẫn nộ để đứng lên tham gia vào nền chính trị của đất nước một cách tích cực và cụ thể nhằm tái lập một cơ chế điều hành đất nước của dân, do dân và cho dân. Phẫn nộ để đứng lên tham gia vào nền chính trị của đất nước một cách tích cực và cụ thể nhằm tái lập một xã hội văn minh và thiện đức. Nếu một người không còn biết phẫn nộ trước độc tài chuyên chế, trước tham nhũng lũng đoạn, trước trấn lột cưỡng đoạt, trước dối gian bưng bít, trước gian ngoa xảo quyệt, trước khủng bố bạo hành, trước bất chính bất minh, trước tham lam tráo trở, trước những cái xấu ác thì con người đó coi như chỉ là một xác chết biết đi, một người máy không có cảm tính của nhân loài. Nhưng sự phẫn nộ của quần chúng không có nghĩa là cho phép ai đó lợi dụng và dẫn dắt quần chúng tới chỗ sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền, không có nghĩa là quần chúng nên sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền, không có nghĩa là sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền sẽ cho quần chúng được ưu thế, không có nghĩa là sử dụng bạo lực để đối kháng với bạo lực của nhà cầm quyền sẽ giúp giảm thiểu tử vong của quần chúng.
Nhân dân cần phẫn nộ, nên phẫn nộ, phải phẫn nộ khi mà GIỚI HẠN CỦA SỰ NHẪN NHỤC ĐÃ BỊ PHÁ VỠ trước thực trạng “mạng sống của dân đã bị coi thua súc vật, tài sản của dân đã bị tước đoạt dễ như lấy đồ trong túi, tôn nghiêm của dân đã bị chà đạp quá đáng.” Phẫn nộ nhưng đừng thù hận và đừng bạo hành. Ngược lại, càng phẫn nộ vì những cái xấu ác đang diễn ra trước mặt thì chúng ta càng phải hiểu rõ chính cái yếu tính bạo lực, chính cái chủ thuyết đầy bạo lực, chính cái cơ chế được xây dựng từ nền tảng của bạo lực là cái gốc đã sản sinh ra những thứ xấu ác đó và vì thế càng phải ra sức triệt hạ cái gốc rễ bạo lực để tái lập một xã hội mới, một quốc gia mới nhân bản hơn, tự do hơn, dân chủ hơn, phồn thịnh hơn, công bằng hơn, ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Càng phẫn nộ vì những cái xấu ác đang diễn ra trước mặt thì chúng ta càng phải thương hơn và cảm thông hơn cho thân phận của con người trên một đất nước mà tất cả mọi người đều trở thành là nạn nhân của một guồng máy cai trị được nặn ra từ bạo lực và tiếp tục vận hành bằng bạo lực. Đảng viên, công nhân viên, quân đội, công an, cảnh sát, thường dân… tất cả đều là nạn nhân, đều cần được giải phóng khỏi guồng máy bạo lực. Đúng, chính là họ đã ra tay đàn áp và chà đạp quần chúng nhưng đồng thời chính họ cũng là nạn nhân bị cầm tù trong cái guồng máy bạo lực mà họ thừa hành mệnh lệnh. Đúng, ĐCSVN đã cai trị quốc gia này và gây ra những hệ lụy tiêu cực lớn lao cho quốc gia này nhưng chính đảng viên của ĐCSVN cũng là nạn nhân bị cầm tù trong chính cái cơ chế mà họ phục vụ.
Toàn dân cần phẫn nộ, nên phẫn nộ, phải phẫn nộ và biến sự phẫn nộ của mình thành hành động. Phẫn nộ nhưng không nên xuẩn động để tự sát xuyên qua con đường bạo lực. Phải hành động để thắng chế độ độc tài chứ không phải xuẩn động để cho họ cơ hội tiêu diệt. Thắng bằng những thứ sức mạnh mà toàn dân có được ngược lại cơ chế độc tài toàn trị hoàn toàn không có và không thể có.
Đúng, Huỳnh Thục Vy đã nói đúng. Nếu những người đi trước nhầm đường thì cả dân tộc sẽ khốn đốn và những đi theo sẽ gặp thảm họa. Vì thế cho nên, 1001 Ghonim của Việt Nam sắp hiện thân lãnh đạo là “những người đi trước” để dẫn đường quần chúng cần phải lắng nghe những ưu tư này và cần phải cân nhắc thận trọng để chọn lựa một phương án hành động. Với tư cách cá nhân, tôi không ngại để tỏ rõ ý kiến của mình: DỨT KHOÁT KHÔNG THỂ SỬ DỤNG BẠO LỰC.
Iris Vinh Hayes, Ph.D.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét