2011/03/04

Dân Chủ

  1. Nguyễn Vũ Bình

    Trang:
Chúng tôi vừa nhận được bài viết công phu của Nhà dân chủ Nguyễn Vũ Bình, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
BBT Web VT
— -

DÂN CHỦ

Chương I
CƠ SỞ TƯ TƯỞNG
Lịch sử xã hội loài người là lịch sử quá trình con người đấu tranh tìm kiếm tự do. Quá trình này bao gồm giai đoạn tự do nguyên thủy của con người, giai đoạn mất tự do và cuối cùng là giai đoạn con người tìm được tự do trong toàn thức (ý thức toàn thể, toàn diện).
Nhu cầu có tính nền tảng của con người là tự bảo tồn. Chính nhu cầu căn bản này của cuộc sống con người đã đưa con người từ tự do nguyên thủy đến chỗ mất tự do. Đó là một giai đoạn lịch sử rất dài, khởi đầu từ xung đột và dẫn tới sự diệt vong của một số bộ lạc. Ý thức tự bảo tồn nòi giống con người với tư cách bộ lạc xuất hiện. Sự hình thành tập thể để bảo tồn nòi giống bắt buộc con người phải tuân theo những quy định và sự quản lý, lãnh đạo chính là bước đi đầu tiên của con người tới chỗ mất tự do. Cùng với tiến trình của lịch sử, sự xuất hiện tù binh, quá trình phóng thích tù binh và hòa nhập vào xã hội đã làm phai nhạt ý thức bảo tồn nòi giống với tư cách bộ lạc. Thay vào đó là ưu tư bảo tồn con người với tư cách một vùng, một khu vực địa lý – đây chính là quá trình xuất hiện các lãnh địa và lãnh chúa…tiếp theo là vương quốc, nhà nước dân tộc. Nếu nhu cầu tự bảo tồn của con người buổi bình minh đưa đến sự mất tự do của mình thì chính nhu cầu tự bảo tồn con người với tư cách nhân loại – trên phạm vi toàn cầu – chính là bước cuối cùng để con người đạt được tự do trong toàn thức.
Có hai quan niệm làm cơ sở cho cách thức tổ chức đời sống của con người. Một quan niệm cho rằng xã hội, hoặc quốc gia là một thực tại bên trên cá nhân các công dân. Quốc gia có thể sử dụng sức mạnh của nó trên các công dân nhân danh toàn thể dân chúng. Quan niệm thứ hai cho rằng, không có cái được gọi là xã hội. Chỉ có các cá nhân cùng nhau quyết định các nguyên tắc và các quy định nhằm mang lại phúc lợi cho nhau, và cùng nhau hợp đoàn để làm những điều vượt quá khả năng của một con người hoặc một gia đình. Những lập luận trong cuốn sách này đặt trên cơ sở Chủ nghĩa Tự do. Theo đó, cá nhân là một thực thể độc đáo, hoàn toàn độc lập, giữ vai trò quyết định và phải được ưu tiên trên hết so với cộng đồng, tập thể, xã hội, nhà nước. Cá nhân hoàn toàn có đầy đủ lý trí và năng lực để làm chủ bản thân và quyết định tất cả các hành vi của mình, do đó cá nhân được hoàn toàn tự do trong mọi hành động, miễn là hành động của cá nhân này không làm tổn hại đến cá nhân khác.

Sở dĩ có sự tồn tại song song hai quan niệm trên bởi vì nó phản ánh thực tiễn vận động của hai cấu trúc dân chủ tương đối khác nhau hiện nay. Một bên là thể chế dân chủ Hoa Kỳ, đặt hoàn toàn trên cơ sở của chủ nghĩa tự do, được hình thành và xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Và một bên là toàn bộ các nhà nước dân chủ còn lại hiện nay. Tính chất giằng co của hai quan niệm trên càng thêm quyết liệt bởi cấu trúc dân chủ Hoa Kỳ, có ưu thế vượt trội nhưng lại không (chưa) áp dụng được cho bất cứ quốc gia nào. Đồng thời, sự mong manh của các thể chế dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu đã tiếp sức cho sự tồn tại của quan niệm đặt xã hội lên trên cá nhân.
Tại sao nền dân chủ Hoa Kỳ, đặt trên nền tảng là chủ nghĩa tự do, trên thực tế đã thể hiện ưu thế vượt trội, lại chưa áp dụng được cho bất kỳ quốc gia nào? Tại sao các nền dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu lại mong manh và vô cùng khó khăn để vượt qua cái ngưỡng dân chủ tuyển cử để trở thành dân chủ tự do? Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay có vai trò gì và tác động như thế nào trong hành trình tìm kiếm tự do của loài người?
Trước hết cần phân biệt sự khác nhau của hai hình thái dân chủ Hoa Kỳ và Tây Âu. Điểm khác biệt quan trọng nhất là quá trình hình thành nền dân chủ Hoa Kỳ đi cùng với quá trình hình thành quốc gia dân tộc, của những con người bình đẳng, không bị ràng buộc vào quá khứ và vào bất cứ vấn đề gì. Chính vì vậy, quốc gia (chính quyền) được xây dựng phản ánh nguyện vọng bảo đảm và bảo vệ tự do cho các thành viên. Nền dân chủ của các nước Tây Âu ra đời dựa trên nhu cầu giải phóng con người khỏi sự áp bức của các chính quyền chuyên chế trước đó. Việc giải phóng con người như vậy (tự do con người có được) diễn ra từng bước, tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể và tương quan giữa các lực lượng tiến bộ và bảo thủ của các cuộc cách mạng. Mặt khác, các dân tộc của Tây Âu đã được hình thành trước khi con người có tự do. Yếu tố dân tộc rất quan trọng vì nó là cốt lõi của quốc gia – dân tộc, phản ánh nhu cầu tự bảo tồn nòi giống với tư cách một quốc gia dân tộc.
Các quốc gia dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu cũng có quá trình hình thành nền dân chủ giống như sự hình thành nền dân chủ của các nước Tây Âu, tức là quá trình giải phóng con người trên cơ sở các dân tộc sẵn có. Tuy vậy, do đi tiên phong giải phóng con người nên các nền dân chủ Tây Âu đã phải dò tìm và tự thiết kế lấy các thiết chế dân chủ của mình. Các nước khác, dù nền dân chủ hình thành từ các cuộc cách mạng xã hội toàn diện hay những thay đổi lớn trong từng lĩnh vực, cũng đã có (và ứng dụng) các kinh nghiệm, cơ chế, cấu trúc của các nền dân chủ trước đó. Do không có các điều kiện hình thành nền dân chủ giống như Hoa Kỳ, tức là nền dân chủ hình thành cùng với sự hình thành quốc gia, dân tộc trên cơ sở những con người bình đẳng, không có ràng buộc gì từ quá khứ là một nguyên nhân quan trọng mà hình thái dân chủ ưu việt của Hoa Kỳ chưa áp dụng được cho bất kỳ quốc gia nào. Nhưng quan trọng hơn, các nguyên lý để xây dựng nên các nền dân chủ được rút ra từ hai hình thái dân chủ Hoa Kỳ và Tây Âu chưa phản ánh được một cách chính xác các yếu tố cốt lõi của một kết cấu dân chủ thực sự. Đó chính là lý do cho sự mong manh của các nền dân chủ ngoài Hoa Kỳ và Tây Âu hiện nay.
Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay mở ra một cơ hội vô cùng rộng lớn cho việc hình thành và xây dựng các nền dân chủ. Không những thế, toàn cầu hóa đã làm phát lộ khả năng kết nối các nền dân chủ, thúc đẩy và mở rộng quy mô dân chủ trên phạm vi toàn cầu, đưa con người bước sang vương quốc của tự do.
Chương II
KHÁI NIỆM, TIỀN ĐỀ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA DÂN CHỦ
Dân chủ là một phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người.
Tự do của con người là một ý niệm. Nó bao gồm quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân.
Vì vậy:
Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất quyền con người và khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi một cá nhân
Chúng ta đều biết rằng, có một sự tương đối trong các khái niệm của triết học chính trị. Mặt khác, dân chủ là một vấn đề lớn, phức tạp và liên quan tới nhiều phương diện của cuộc sống. Chính vì vậy, đã có rất nhiều các định nghĩa về dân chủ. Vậy thì định nghĩa trên đây được khái quát từ đâu và tại sao lại là như vậy?
Nghiên cứu sự hình thành và phát triển của hình thái dân chủ Hoa Kỳ, một hình thái dân chủ vượt trội, vững chắc lại được hình thành trong các điều kiện đặc biệt lý tưởng, có một câu hỏi được đặt ra là, những yếu tố nào đã khiến cho cấu trúc dân chủ Hoa Kỳ tồn tại và tự hoàn thiện qua rất nhiều thử thách như vậy? Có hai yếu tố quan trọng nhất, xuyên suốt giữ cho con tàu dân chủ Hoa Kỳ không chệch hướng mà vẫn băng băng tiến lên phía trước, đó là sự bình đẳng của những con người buổi đầu tham gia thiết kế cấu trúc dân chủ đó (sau này phát triển lên thành sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật) và ý thức tự bảo vệ quyền con người của mỗi thành viên (sau này chuyển hóa thành khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân trong xã hội).
Như vậy, có hai yếu tố cốt lõi bảo đảm sự bền vững và tự hoàn thiện của thể chế chính trị dân chủ Hoa Kỳ. Yếu tố thứ hai, đã được khái quát thành định nghĩa về dân chủ. Yếu tố thứ nhất, sự bình đẳng của các cá nhân trong xã hội chính là tiền đề của dân chủ. Nhưng đối với Hoa Kỳ, sự bình đẳng ban đầu là tự nhiên, phát triển thành sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Còn đối với các quốc gia khác, không có được sự may mắn này thì làm thế nào để có được sự bình đẳng?
Tiền đề của dân chủ: là sự chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của mỗi cá nhân con người, mỗi một nhóm người, tập thể đại diện cho từng sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương
Như vậy, muốn có được sự bình đẳng thì cá nhân và xã hội cần phải chấp nhận và thừa nhận sự khác nhau và khác biệt của con người trên hai phương diện: cá nhân – là sự khác nhau về chủng tộc, hình thức, tính cách…; tập thể - sự khác nhau giữa các sắc tộc, tôn giáo, vùng và địa phương.
Cần nhấn mạnh rằng, trải qua chiều dài của lịch sử, sự khác nhau và khác biệt giữa những cá nhân và nhóm người là rất lớn. Vì vậy, nói tới tiền đề của dân chủ cũng có nghĩa là nói tới quá trình xây dựng tiền đề. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, làm thế nào để có sự thừa nhận và chấp nhận lẫn nhau giữa những con người, sắc tộc, tôn giáo, các địa phương đã có mâu thuẫn, hiềm khích và thù hận trong quá khứ, thậm chí hiện tại? chúng ta cần xây dựng một triết lý, một văn hóa ứng xử tuy không mới nhưng chưa trở thành phổ biến: tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Như vậy, việc xây dựng tiền đề của dân chủ, trong phần lớn các quốc gia, là xây dựng tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Một nền dân chủ muốn được xây dựng thành công cũng cần phải có những điều kiện xã hội nhất định. Có những điều kiện tiên quyết (bắt buộc, phải có ngay lập tức) và những điều kiện cần có được xây dựng theo thời gian.
Điều kiện tiên quyết: Không có chiến tranh hoặc nội chiến. Bởi vì chiến tranh là trạng thái không bình thường của con người và toàn xã hội. Không thể xây dựng một xã hội dân chủ trong điều kiện con người và xã hội trong trạng thái không bình thường.
Điều kiện cần có:
- không có sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc
- không có sự phân biệt và xung đột sắc tộc
- không có sự phân biệt và xung đột tôn giáo
Ở đây cụm từ phân biệt và xung đột phải được hiểu theo ý nghĩa của từ ghép, bởi vì có thể có phân biệt và giúp đỡ một số sắc tộc ít người, hoặc một tôn giáo là quốc giáo chỉ được phân biệt với ý nghĩa số đông dân chúng đi theo tôn giáo đó.
Sự khác nhau và khác biệt của con người và tập thể cũng chính là đặc trưng quan trọng của một nền dân chủ. Mỗi một con người, với khả năng nhận thức, sở thích và điều kiện sống khác nhau sẽ theo đuổi các việc làm, ngành nghề khác nhau và sẽ đạt được các kết quả khác nhau trong xã hội. Tương tự như vậy, một tập thể đại diện cho một sắc tộc, một tôn giáo, một địa phương đều có những đặc điểm, đặc trưng riêng biệt. Sự đa dạng, phong phú trong hình ảnh của mỗi cá nhân, tập thể phản ánh sự chín muồi của tiền đề và các điều kiện của dân chủ, cũng như bản thân nền dân chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét