2011/03/08

Chuyện dài lạm phát: Một bữa no

Châu Ngọc - Radio CTM

Kể từ hôm nhà nước XHCN này tăng giá điện, xăng dầu cũng nâng lên ngất ngưởng, kéo theo tất tần tật mọi thứ đều tăng, mấy thằng bạn hôm nay mới được “bữa ăn no”, mà mình cũng vậy thôi, thật hạnh phúc! Ăn mì tôm nhiều nên cứ thấy hao hao trong người, mụn nổ đầy mặt, và thân nhiệt thì vô cùng nóng. Thằng bạn thỉnh thoảng hay lẩm bẩm “thân nhiệt mình mà tự thiêu thì chắc là cháy rất lớn và lan tỏa rất rộng đây!”. Mới hơn 1 tháng không gặp bọn nó mà bây giờ trông đứa nào, đứa nấy cứ tiều tụy, suy dinh dưỡng hết cả một loạt. Mặt thì héo quắt, râu ria thì lởm chởm, tua tủa, đầu óc thì mơ hồ, mắt mũi thì xanh xao, sâu hoắm, tóc tai thì bù xù. Nói chung là như bệnh nhân nằm viện lâu ngày. Đời thằng thanh niên, sinh viên đang trai trẻ mà như ông cụ 80. Truy tìm nguyên do để hiểu cặn nguồn vì sao mà lại ra nông nỗi như vậy, đứa nào cũng nói rằng do đói quá thôi. Mà đứa nào cũng chịu thương chịu khó làm thêm ngoài giờ kiếm thêm chút đỉnh, ấy mà chẳng thắm vào đâu. Đúng là bão giá đánh vật con người ghê gớm thật.
4 thằng đàn ông gặp nhau trong thời bão giá, đứa học kinh tế, đứa làm tự do, đứa là thực tập sinh. Lần này 4 đứa gặp nhau ở nhà thằng bạn có công việc tự do, nhà nó có cái bếp ga du lịch nên có thể nấu ăn được, thường thì nó hay đi ăn cơm bụi. Chúng tôi đứa có ít, thằng có nhiều quyết định chạy ra chợ mua thực phẩm về nấu ăn một bữa cho “no cái bụng” hơn nữa lại tình cảm anh em. 4 Thằng góp lại được 50 nghìn đồng, nhưng hai đứa còn đang học thì không phải góp đồng nào, nói 4 thằng góp cho có tiếng chứ thằng đi làm tự do bao hết. Hí hửng cầm tiền ra chợ mua đồ ăn, tưởng là mua được nhiều. Mắt liếc cái gì cũng thèm thuồng muốn mua. Nào ngờ, tay đụng vào thực phẩm nào cũng bị “khựng lại”.
Tôi hỏi chị bán thịt lợn – chị bán cho em vài lạng thịt.
Mua bao nhiêu? 8 nghìn một lạng là rẻ nhất – chị bán thịt trả lời.
Tôi lại mặc cả - Thịt lợn những tới 8 nghìn cơ ạ, có loại nào rẻ hơn không chị ơi, hay chị bán rẻ cho bọn em, 6 nghìn được không ạ?
Chị bán thịt lợn chẳng thèm trả lời lại tung ra cái ánh mắt rất khinh khỉnh như kiểu xem chúng tôi là kẻ hành khất rách tướt mướt. Thôi đành chấp nhận cái giá vậy, lâu lắm không được ăn thịt. Chúng tôi quyết định mua một miếng, cân kéo lên tính giá trọn 30 nghìn đồng. Thế là còn 20 nghìn để mua thêm một số thứ rau quả. Ngày trước vật giá chưa tăng, cái Bắp Cải đắt lắm là 5 đến 6 nghìn, bây giờ lên tới 10 nghìn. Thấy tiền đã cạn, số còn lại đủ cho chúng tôi mua thêm được một ít “dưa muối”.
Vậy là 4 thằng đàn ông hôm nay có tiêu chuẩn ăn khá nhất. 3 lạng thịt lợn, một cái bắp cải, một ít dưa muối. Nấu nướng rồi quây quầy bên nhau ăn. Bắt đầu vừa ăn, vừa hàn huyên câu chuyện. Mỗi thằng được 3 lần lấy cơm, nồi đã trắng bong. Thịt cũng hết, rau cũng chẳng còn. Thằng nào ăn xong cũng có vẻ thỏa mãn, mặc dù ăn rau, rưa muối và húp nước canh là nhiều. Có thể đứa nào cũng còn thấy đói và thèm thuồng muốn ăn nữa.
Thằng học kinh tế buột miệng cười toe toét oang oang nói “hôm nay thấy ngon miệng và no thế, từ khi mọi thứ giá cả đều tăng toàn phải ăn mì tôm thay cơm chống đói”. Nghe vậy, cả 4 đứa nhao nhao, đứa nào cũng như muốn tuôn hết nỗi khó khăn, bỉ cực ra cho bỏ cái “bữa cơm no”.
Thằng đang đi thực tập ồn tồn nói “mày như thế còn sướng chán, tao nhiều hôm phải uống nước lã cầm hơi đây. Bây giờ đi thực tập nên gia đình chu cấp cũng eo hẹp, mà nhà lại nghèo nữa trong khi đấy thì giá cả tăng cao. Nhiều lúc nghĩ thật là không biết đời đi về đâu, vài tháng nữa ra trường không biết xin vào làm việc ở đâu, thất nghiệp thì tràn lan ra đó, mà có xin được việc không biết có đủ tiền lương mà sống trong thời buổi này không nữa, lương ba cọc ba đồng mà tiền thuế cá nhân phải nộp cho nhà nước lại cao”. Nó nói đến đấy rồi yên lặng, đứa nào cũng yên lặng. Mân cơm trước mặt còn đó sạch bóng kin kít cứ như được ai đó rửa rồi.
Thằng làm nghề tự do, việc gì nó cũng làm, đôi khi có tiền, đôi khi cũng mang trọng bệnh “viêm màng túi” vừa than thở vừa lên giây co tinh thần cho 4 đứa. Hắn ta nói “chúng mình đều xuất phát ở quê nghèo, bố mẹ đâu có tiền mà đã tần tảo nuôi bọn mình ăn học thế này là một công lao lớn. Bây giờ, đứa nào cũng trưởng thành, không may phải sống trong cái hoàn cảnh xã hội đớn đau nhất như thế này thì chịu khó gắng giữ mình không phạm tội lỗi gì với bố mẹ, với bạn bè và với xã hội là tốt lắm rồi. Cứ như tao đây này, có học vị thấp nhất trong 4 đứa, công việc cũng hôm có hôm không. Sống trong thời buổi vật giá leo thang, nhiều hôm ăn cơm bụi chỉ toàn là rau mà cũng mất 15, 20 nghìn rồi. Không chỉ có tao với bọn mày mà cả xã hội này đang là nạn nhân. Chúng mày học hành tốt hơn, hiểu biết xã hội cũng sâu rộng hơn tao, cố gắng sống và cống hiến sức mình để thay đổi cho chính mình, cho xã hội không phải chịu cảnh mãi ê chề như thế này được”.
Nó là thằng va chạm với xã hội nhiều hơn cả nên sự dạn dĩ của nó khiến cho chúng tôi phải lắng nghe. Cùng lúc đó, bà chủ nhà trọ đến “viếng thăm”. Một tháng đôi lần, bà đến rồi bà lại đi đem theo một số ít mồ hôi và nước mắt của chúng tôi, đổi lại chúng tôi có chỗ mà ngã lưng, tựa đầu.
Bà chủ nhà trọ trông thật là sang, sự sang trọng đúng kiểu của kẻ có tiền. Bão giá thời cuộc không thể vật lộn cái sang của bà ra khỏi người. Đầu tiên tôi tưởng bà đến thăm anh em chúng tôi vì lâu ngày mới thấy chúng hội tụ. Ai ngờ, hôm nay cũng đúng là ngày đến, tháng hết. Mình cứ hay thói tưởng bở! Bà đến lần nào cũng đem theo cuốn sổ tay, trông y như cán bộ dân vận, tuyên truyền đi xin ủng hộ quỹ phát triển đoàn, đảng, chi hội gì đấy.
Bà chủ trọ cất giọng thánh thót, chóng vánh – cháu ơi! Đến ngày nộp tiền rồi đấy!
Bà chủ trọ nói thêm - à, cháu biết đấy, mọi thứ đều tăng giá nên tháng này cháu phải nộp thêm tiền điện, tiền nước nhé. Nhà nước tăng giá điện, nên bác cũng phải tăng, ở các nơi khác họ thu 4 nghìn một số cơ đấy (4 nghìn/ 1 KW), tiền nước cũng tăng lên gấp rưỡi rồi, mười mấy nghìn một khối nước đấy. Tháng này cháu mất 200 nghìn tiền điện, và 95 tiền nước.
Bà chủ nhà trọ giải thích một hôi một hồi, thằng bạn mở ví ra và trao tiền cho bà. Nó biết là ngày giờ nộp tiền đã đến và giá cả nhà trọ cũng tăng nên tích trữ cũng vừa đủ, chứ nếu không có mà đưa luôn là dễ bị ra đường đi lang thang lắm. Khi ra về bà chủ trọ nhắn lại một câu có thể khiến cho nó lại lo sốt vó suốt tháng.
Bà chủ bước đi rồi rồi quay lại nói vọng vào "tháng sau bác sẽ tăng tiền nhà đấy nhé, thêm 2 trăm nghìn nữa đấy"!
Mấy thằng được bữa no, rồi lại tiếp tục chìm vào cảnh "bụng sôi ầm ầm suốt đêm thôi".
Hà Nội 08/03/2011
Châu Ngọc
Nguồn: https://radiochantroimoi.wordpress.com/2011/03/08/chuyen-dai-lam-phat-mot-bua-no/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét