2011/03/10

Bị công an đánh gãy cổ chết chỉ vì tranh cãi lỗi đội nón bảo hiểm

Radio CTM

Hà Nội: Thêm một vụ công an đánh chết dân vì cãi cọ lỗi đội nón bảo hiểm vừa xảy ra ở ngay tại Hà Nội và hiện đang gây căm phẫn trong dư luận quần chúng.
Ông Trịnh Xuân Tùng, 53 tuổi, đã tử vong hôm 8-3-2011 tại bệnh viện Việt Đức, sau 6 ngày nằm liệt phải thở máy vì bị công an đánh gãy 2 đốt sống cổ, tổn thương tủy làm liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp và liệt cả đường tiêu hóa.
Sự việc xảy ra hôm 28-2, ông Trịnh Xuân Tùng, ở số 525 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đã bị trung tá công an tên Nguyễn Văn Ninh, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cùng một số cán bộ tự quản dùng dùi cui đánh ở bến xe Giáp Bát khi ông đạp xe ôm đến đây chuẩn bị cùng với một người bạn đón xe đi Bình Định.
Theo nhân chứng, khi ông Tùng đi xe ôm đến bến xe, vừa cởi mũ bảo hiểm để gọi điện thoại, thì trung tá công an đến đòi biên phạt người chạy xe ôm vì cho rằng vi phạm không đội nón bảo hiểm. Người lái xe ôm không đồng ý dẫn đến tranh cãi.
Tài xế xe ôm là anh Phạm Quang Hùng kể rằng: “Lúc xe máy của tôi sắp đi vào bến, một anh công an tên là Nguyễn Văn Ninh chạy ra chặn đầu xe. Hai, ba anh tự quản giữ xe, giật chìa khóa. Sau đó, họ lôi tôi vào bến để lập biên bản xử phạt lỗi không đội MBH”.

Anh Hùng nói với báo chí: “Họ yêu cầu tôi kí tên vào biên bản để nộp phạt. Tôi không đồng ý với nội dung ghi là tôi đi xe không đội MBH vì rõ ràng tôi có đội MBH, còn việc người ngồi sau nếu họ tháo MBH ra thì tôi không quản được”, anh Hùng nói. Tiếp đó, anh Hùng yêu cầu công an Ninh giải thích rõ thì bị công an này tóm cổ áo. Thấy vậy, ông Trịnh Xuân Tùng tới can ngăn, gỡ tay Trung tá Ninh ra khỏi cổ anh Hùng.
Liền khi ấy, Trung tá Ninh quay sang xô đẩy cầm dùi cui đánh ông Tùng cùng lúc với nhiều cán bộ tự quản khác lao vào tiếp tay đánh đấm khống chế đè ông Tùng xuống đất, trong lúc anh Hùng bị một người giữ lại nên không làm gì được. Ðến khi mọi người giãn ra thì ông Tùng đã nằm sõng soài dưới đất, hai tay bị còng.
Người bạn Ông Tùng, ông Bạch Chí Cường, người được ông Tùng gọi điện hẹn ra bến xe Giáp Bát để cùng đi Bình Định, cũng cho biết, sau khi nhận được điện thoại của ông Tùng, ông ra điểm hẹn thì chứng kiến cảnh đôi co giữa ông Tùng và tổ công tác Công an phường Thịnh Liệt. Ông nói "Tôi thấy một số người cùng nhảy vào đấm đá anh Tùng. Sau đó họ khóa tay anh Tùng vào gốc cây rồi gọi điện cho xe thùng ra chở về trụ sở Công an phường…"
JPEG - 36 kb
Ông Trịnh Xuân Tùng được đưa vào BV Bạch Mai (trái) và chuyển sang BV Việt Đức (phải).
Mặc dầu ông Tùng bị đánh thương tích trầm trọng, công an đã không đưa nạn nhân đi bệnh viện, mà lại còng tay ông Tùng đưa về trụ sở công an phường.
Gia đình ông Tùng hay tin đã đến công an phường van nài xin cho nạn nhân đi khám bệnh vì thấy chân tay ông Tùng không cử động được, nhưng cũng không được giải quyết. Ðến tối, lúc 21 giờ cùng ngày, thấy sức khỏe của ông Tùng suy yếu, công an mới đưa ông đến BV Bạch Mai cấp cứu bằng xe bán tải.
Theo lời Chị Trịnh Thị Kim Tiến, con gái ông Tùng, đến tối ngày hôm sau, 1-3-2011, tình hình ông Tùng ngày một xấu đi nên BV Bạch Mai đã chuyển sang BV Việt Đức. Tại đây, các bác sỹ cho biết, ông bị gãy xương cổ, chỉ còn 20% cơ hội sống sót, nếu cứu được thì cũng sẽ bị liệt toàn thân.
Theo kết quả chẩn bệnh của bệnh viện Việt Đức, ngoài những thương tích do bị đánh hội đồng, ông Tùng còn bị đánh gãy hai đốt xương sống ở cổ “gây liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp gây tắc nghẽn đường phổi.” Ðến ngày 2 tháng 3, 2011, ông Tùng đã được giải phẫu nhưng đến sáng 8-3 thì ông qua đời.
Trong năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ công an đánh dân gây tử vong ít nhất hơn một chục người và nhiều người khác bị đánh thương tích trầm trọng.
Một vụ mới gần đây xảy ra tại Nghệ An hôm 1-3, anh Nguyễn Văn Hướng, ngư dân, đang trên đường đi mua sắm một số dụng cụ đi biển thì bị đội tuần tra công an Nghi Tân đuổi theo vì không đội mũ bảo hiểm. Khi vừa rẽ vào đường làng, lập tức anh Hướng bị hai công an bắt kịp và đánh đập hết sức tàn nhẫn. Sau đó, rất đông người dân xã Nghi Tân đã đồng lòng kéo đến trụ sở Công an biểu tình phản đối việc công an đánh người dã man, đồng thời cương quyết đòi lại công lý cho nạn nhân, khiến công an phải lập biên bản xin lỗi dân, hứa điều tra và chịu tất cả chi phí điều trị cho nạn nhân.
JPEG - 36.8 kb
Anh Nguyễn Văn Hướng bị công an đánh và dân chúng kéo tới trụ sở công an phản đối.
Hồi tháng 7 năm 2010, một vụ công an đánh chết anh Nguyễn Văn Khương, chỉ vì một hành vi phạm luật giao thông, đã nổ lớn tại Bắc Giang. Hàng ngàn dân chúng đã cùng gia đình nạn nhân mang quan tài kéo đến vây cơ quan UBND tỉnh Bắc Giang đòi công lý. Dân cả bốn làng ở gần đó cũng cùng kéo đi theo. Công an phải dùng pháo sáng và hơi cay ngăn chận. Người dân tức giận đã đạp sập cái cổng sắt to và hàng rào xung quanh trụ sở Tỉnh ủy.
Sau khi tìm cách bao che không được, nhà cầm quyền đã cho truy tố thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp. Tuy nhiên, trong phiên xử kết thúc hôm 1-3 vừa qua, tòa án tỉnh Bắc Giang đã chỉ tuyên phạt Nguyễn Thế Nghiệp 7 năm tù về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.
JPEG - 31.3 kb
Hàng ngàn dân chúng các làng cùng gia đình nạn nhân mang quan tài kéo đến vây cơ quan UBND tỉnh Bắc Giang đòi công lý (thang 7-2010).
Xem thêm phần tóm lược cáo trạng vụ xử do báo trong nước loan tải dưới đây:
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và diễn biến tại phiên tòa, vụ án tóm tắt như sau: Khoảng 18 giờ ngày 23/7/2010, anh Nguyễn Văn Khương, sinh năm 1989, quê thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên đi xe môtô chở bạn gái là chị Phạm Thị Ngoãn, sinh năm 1990, quê thôn Sàn, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, cùng tỉnh Bắc Giang.
Đến khu vực cây xăng ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang), do không đội mũ bảo hiểm và không có đăng ký xe môtô nên anh Khương cùng xe môtô bị lực lượng cảnh sát giao thông của công an huyện này đưa vào trụ sở Công an huyện lập biên bản vi phạm tại bàn làm việc đặt ở sân trụ sở đơn vị. Nguyễn Thế Nghiệp, khi đó là Thiếu uý công an được phân công lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh Khương.
Anh Khương không ký vào biên bản vi phạm và quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm của công an lập mà năn nỉ Nghiệp bỏ qua lỗi vi phạm hoặc lập lỗi vi phạm nhẹ hơn nhưng Nghiệp không chấp nhận. Sau đó, Nghiệp khoác tay lên vai anh Khương đưa vào phòng làm việc của mình yêu cầu viết tường trình. Đến cửa phòng, thấy anh Khương chần chừ không muốn vào, Nghiệp dùng tay lôi vào rồi đẩy anh Khương ngồi xuống ghế tựa bằng gỗ.
Khi anh Khương phản ứng lại, Nghiệp giơ hai tay lên, bàn tay phải túm vào cằm anh Khương, bàn tay trái xòe ra giơ cao ở phía sau đầu anh Khương và vỗ một lực theo chiều từ trên xuống dưới, từ sau ra trước vào đầu anh Khương, cườm bàn tay trái đập trúng phần thái dương sau vành tai phải của anh Khương.
Sau đó, Nghiệp tiếp tục dùng hai tay ghì ấn anh Khương ngồi xuống ghế, rồi đi rửa tay và sang phòng bên lấy giấy bút đưa cho anh Khương yêu cầu viết tường trình. Nghiệp bỏ anh Khương ngồi một mình trong phòng và đi ra chỗ lập biên bản ngoài sân.
Một lát sau, một cán bộ công an huyện vào phòng thì thấy anh Khương bất tỉnh trên ghế trong tư thế đầu ngoẹo sang một bên tựa lưng vào thành ghế, mông gần trượt ra khỏi mặt ghế, hai tay buông thõng hai bên, miệng có nước bọt chảy ra. Khi vỗ vai gọi thì anh Khương trượt khỏi ghế, người mềm không có phản xạ gì và từ từ đổ xuống nền nhà.
Ngay sau đó, anh Khương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Yên. Sau khi cấp cứu khoảng 30 phút không có kết quả, Bệnh viện xác định anh Khương đã chết.
Ngay sau khi nhận được tin báo về việc anh Khương chết chưa rõ nguyên nhân, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi anh Khương.
Không đồng ý với kết quả khám nghiệm tử thi lần thứ nhất của Phòng giám định pháp y thuộc Bệnh viên đa khoa tỉnh Bắc Giang vào đêm ngày 23 rạng ngày 24/7/2010, gia đình anh Khương đề nghị cơ quan chức năng tỉnh làm rõ nguyên nhân cái chết của anh Khương và đề nghị Viện khoa học hình sự của Bộ Công an giám định tử thi anh Khương lần thứ 2.
Không được cơ quan chức năng tỉnh trả lời kịp thời, khoảng trưa ngày 25/7/2010, gia đình anh Khương đưa quan tài anh lên tỉnh đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết của anh.
Trên đường đi, nhiều người dân kéo theo tạo thành đám đông, rồi dẫn đến vụ gây rối trật tự công cộng tại khu vực trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang vào chiều 25/7/2010 (trong vụ này, cơ quan chức năng thành phố Bắc Giang đang tiến hành các thủ tục để xử lý hình sự đối với 10 đối tượng về các hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ).
Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, nguyên nhân anh Khương chết là do chảy máu dưới màng mềm mặt dưới tiểu não, quanh cầu não và hành tủy ở người có sử dụng rượu Ethanol.
Cơ chế hình thành thương tích là tổn thương tụ máu da thái dương vùng sau tai phải do vật tầy tác động trực tiếp gây nên; tổn thương chảy máu dưới màng mềm mặt dưới tiểu não, quanh cầu não và hành tuỷ là tổn thương gián tiếp của lực tác động vào vùng thái dương sau tai phải gây nên; vết sây sát da vùng cổ trước bên phải, các vết tấy đỏ vùng cổ trước bên trái do vật cứng, diện tiếp xúc nhỏ tác động với lực nhẹ gây nên và tổn thương này không phải là nguyên nhân gây chết.
Sau đó, Nguyễn Thế Nghiệp đã bị khởi tố hình sự, bị tước danh hiệu công an nhân dân và bị đình chỉ sinh hoạt Đảng.
Tại phiên tòa, Nguyễn Thế Nghiệp đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ ra ăn năn, hối lỗi, xin Tòa giảm nhẹ hình phạt và xin gia đình anh Khương lượng thứ để Nghiệp sớm được trở về với gia đình, tiếp tục khắc phục hậu quả gây ra. Ông Nguyễn Văn Nhương, bố đẻ anh Khương đã làm đơn và ngay tại phiên tòa này cũng đề nghị Toà án tỉnh xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Nghiệp.
Gia đình Nguyễn Thế Nghiệp đã tự nguyện bồi thường cho gia đình anh Khương tổng số tiền 155 triệu đồng và Tòa án chấp nhận sự thỏa thuận bồi thường này giữa 2 gia đình, không đặt ra việc xem xét phần trách nhiệm dân sự của bị cáo trong vụ án này.
Vụ công an đánh chết người ở BG: Dối trá trắng trợn.
(theo Blog nhà giáo Đỗ Việt Khoa)
Sau vụ dân gây bạo động ở Bắc Giang buộc chính quyền tỉnh phải bắt giam 1 trong 2 công an đánh chết người tham gia giao thông, hôm nay ngày 1 tháng 3.2011, toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm vụ án này.
Bực mình đến với bất kỳ ai theo dõi vụ việc: Dù vụ việc được cả thế giới theo dõi thì toà án tỉnh Bắc Giang và cựu thiếu uý công an Nguyễn Thế Nghiệp đã có cách giải thích thật đáng sợ: Đ/C Nghiệp chỉ vô tình đập tay phải đầu anh Khương khiến chảy máu não mà chết! Chuyện anh Khương cắt mất tinh hoàn, đánh thâm tím không được đề cập đến. Việc cha nạn nhân có lời giúp giảm tội, chấp nhận bồi thường 155 triệu đồng để đổi lấy sự yên ổn thì chỉ làm dư luận thêm xót xa. Người ta vẫn không quên đe doạ đưa chục người gây rối ra xử lý. Rất có thể án của những người này nặng hơn nhiều so với án dành cho công an Nguyễn Thế Nghiệp.
Trước đó, chiều 26/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải và phó giám đốc CA tỉnh Dương Ngọc Sáu khi trả lời báo chí đã có những lời về cái chết của anh Khương là "do sức khoẻ không bình thường".
Trước đó, báo chí cho thấy ít nhất 4 công an liên quan vụ đánh chết người. Cuối cùng 1 mình thiếu uý Nghiệp ra toà nhận tất tội lỗi về mình.
Một cách biện bạch dối trá, lộ liễu mà ngu dốt thường thấy: Kịch bản dối trá tiền hậu bất nhất của lãnh đạo địa phương. Nó làm dư luận thêm căm phẫn và mất niềm tin.
Nguồn: https://radiochantroimoi.wordpress.com/wp-admin/post.php?post=6398&action=edit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét