2011/02/08

Sách Biên Giới mới tinh mà đã cũ

Nguyễn Thanh Văn

Sau gần 12 năm Hiệp ước biên giới Việt – Trung được ký kết giửa 2 nhà nước cộng sản Việt Nam và Trung quốc, vào chiều 25/1/2011, tại Hà Nội, nhà cầm quyền CSVN đã cho các ban ngành như Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Hội Khoa học lịch sử, v.v. họp báo trình làng cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc dày 424 trang, có năm chương, nội dung viết về quá trình đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Biên giới đất liền năm 1999 và công việc phân giới cắm mốc trên thực địa, kết thúc cuối năm 2009. Cuốn sách cũng chứa đựng 100 trang phụ lục, bao gồm các sơ đồ, hình ảnh và văn bản liên quan tới đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Dưới sự chỉ đạo biên soạn của GS Phan Huy Lê và Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại Lê Nghiêm, cuốn sách được các chuyên gia của Viện Sử học, Ủy ban Biên giới quốc gia và Đại Học Quốc gia Hà Nội gồm GS Vũ Dương Ninh (chủ biên), PGS. TS Nguyễn Minh Tường, PGS. TS Nguyễn Hồng Thao, ThS Nguyễn Trường Giang, ThS Nguyễn Thị Hường và ThS Đỗ Văn Mai thực hiện.
Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông CSVN khoe rằng, việc xuất bản cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là rất có ý nghĩa. Và đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất bản một cuốn sách đề cập tương đối đầy đủ, toàn diện, và chính xác về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, bao gồm cả đường biên giới mới được hai nước chính thức xác lập một cách rõ ràng, cụ thể, bằng văn bản, trên bản đồ và trên thực địa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Giáo sư Vũ Dương Ninh, 44 năm tuổi đảng, cho rằng cuốn sách sẽ giúp giải tỏa các thắc mắc của những người quan tâm tới vấn đề đường biên giới Việt – Trung. Ông còn đánh giá những chi tiết quá trình đàm phán được ghi trong sách là "rất kiên trì" và "đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết".
Sự thật nằm ở đâu sau những chiêng trống quảng cáo rền rĩ đó?
Trước hết, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội cho ấn hành sách về biên giới Việt - Trung. Vào đầu thập niên 1980, họ đã cho xuất bản ít là 3 cuốn sách:
JPEG - 28.1 kb
Cả 3 cuốn sách này vạch trần những âm mưu hiểm độc của Trung Quốc nhằm xâm chiếm dần dần lãnh thổ Việt Nam, và ghi rõ trên bản đồ những phần đất Việt đã bị Tàu lấn chiếm.
Tuy nhiên, sau khi có những cuộc thương lượng lén lút giữa Lê Khả Phiêu với Bắc triều, dẫn đến hai Hiệp Ước Biên Giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc năm 1999 và 2000, Bộ Chính Trị đảng CSVN bắt đầu những giải thích quanh co, và đóng vai “ngớ ngẩn”. Nhân vật chính được đưa ra đóng kịch trước dư luận là ông Lê Công Phụng, thứ trưởng ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán biên giới, nay đang làm đại sứ tại Hoa Kỳ.
Chẳng hạn như, trong quyển sách Vấn Đề Biên Giới Giữa Việt Nam và Trung Quốc, do nhà xuất bản Sự thật – Hà Nội phát hành năm 1979; ở trang 14, điểm số 7 với tiểu đề : “Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp VN để chuyển dịch đường biên giới“, chính Hà Nội ghi rất rõ thác Bản Giốc rành rành là của VN, và bị Trung Quốc dở thói côn đồ lấn chiếm. Thế nhưng khi trả lời về khu vực thác Bản Giốc, ông Lê Công Phụng tỏ vẻ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng Thác Bản Giốc chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về Việt Nam; và rằng, Trung Quốc không những không tham lam chiếm đất của ta, mà còn “tử tế” tặng cho Việt nam từ 1/3 lên một nửa thác Bản Giốc. Khi trả lời về Ải Nam Quan, ông Lê Công Phụng lại ngạc nhiên tiếp rằng Ải Nam Quan chưa bao giờ thuộc về Việt Nam. Rồi khi trả lời về 720 cây số vuông trên bộ, và hơn 11 ngàn cây số vuông trên vịnh Bắc Bộ đã bị nhượng cho Bắc Kinh, ông Lê Công Phụng lại tiếp tục quảng bá về sự rộng lượng của phía Trung Quốc đã tặng thêm cho Việt Nam; v.v…
Với những màn diễu hài quá trắng trợn của ông Lê Công Phụng còn in đậm trong tâm trí người Việt, khó ai có thể tin vào uy tín của cuốn sách mới tinh vừa xuất bản. Vì các câu hỏi căn bản nhất vẫn tiếp tục bị cố tình làm ngơ:
  • Tại sao một hiệp ước quốc tế về biên giới giữa 2 quốc gia — chứ không phải chuyện riêng thầm kín giữa 2 cá nhân hay 2 đảng — và đã ký gần 12 năm nay, mà lãnh đạo đảng CSVN vẫn không dám công bố nguyên văn và đầy đủ các bản đồ cho chính dân chúng Việt Nam biết? Điều gì khiến họ phải nhất quyết che đậy như vậy? Và đất nước Việt là tài sản chung của dân tộc Việt Nam hay của riêng lãnh đạo đảng CSVN?
  • Tại sao không dám công khai các bản hiệp ước và bản đồ để mọi học giả VN lẫn quốc tế nghiên cứu, mà lại phải đi qua một lưới lọc của nhà nước qua hình thức một cuốn sách? Không lẽ dân chúng Việt Nam không đủ khả năng đọc các hiệp ước và bản đồ đó chăng? Và ngay cả với cuốn sách, người đọc có gì đối chiếu để biết cuốn sách có viết đúng sự thật hay không và còn thiếu sót những gì?
  • Tại sao chỉ dám cho một nhóm rất nhỏ học giả có gốc đảng viên cộng sản kỳ cựu đọc các tài liệu ký kết? Còn biết bao học giả khác trong và ngoài đảng thì sao? Họ không có khả năng, hay bản tính không trung thực hay đều là kẻ thù địch với Đảng?
  • Và tệ hơn hết, tại sao lãnh đạo đảng CSVN tiếp tục giam giữ những người Việt yêu nước, những người đòi biết những phần đất, phần biển đã bị dâng nhượng cho Tàu, những người kêu gọi đồng bào hãy lo bảo vệ lãnh thổ? Tại sao lãnh đạo Đảng không công khai các bản đồ để chứng minh là những tố cáo đảng Cộng Sản VN bán nước là sai?
Tất cả những câu hỏi cơ bản vừa nêu đều qui về một kết luận: giới lãnh đạo Đảng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để che lấp và đánh lừa dư luận về tội lỗi quá lớn của họ đối với một dân tộc có truyền thống yêu nước ngút ngàn. Họ đã hy sinh tiền đồ tổ tiên để giữ ghế cai trị riêng.
Và cũng chính từ những câu hỏi không được trả lời suốt 12 năm qua như đã nêu, mà cuốn sách Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc vừa xuất bản, còn mới tinh, mà đã cũ. Đối với dân tộc Việt, nó chỉ là màn 2 của vở kịch hài do lãnh đạo CSVN đạo diễn; với màn 1 đã được diễn viên Lê Công Phụng đóng vai chính cách đây mấy năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét