2011/02/26

Hai Cuộc Nổi Dậy Song Song - Mối Đe Dọa Mới Cho Các Nước Ả Rập

DAVID D. KIRKPATRICK và DAVID E. SANGER

Do Đăng Giao chuyển ngữ
CAIRO, Ai Cập --- Khi những người phản kháng ở Quảng Trường Tahrir đối đầu với lực lượng thân chính phủ, họ áp dụng ngay bài học từ những người phản kháng ở nước láng giềng Tunisia: "Lời khuyên cho giới trẻ Ai Cập: rưới dấm và để hành củ trong khăn bịt miệng để chống hơi cay."
Những trao đổi như trên tại Facebook là một phần của một mối liên kết suốt hai năm trường để sản sinh một lực lượng mới trong thế giới Ả rập. Đó là một phong trào trẻ liên-Ả Rập để mở rộng dân chủ đến những vùng đất không có dân chủ. Những nhà hoạt động trẻ Ai Cập và Tunisia đã động não kiếm sáng kiến trong việc sử dụng kỹ thuật để tránh bị theo dõi, đã an ủi nhau về cảnh bị tra tấn, và mách nước cho nhau về các cách chống đạn cao su hay dựng hàng rào phòng thủ.
Họ nối liền những kinh nghiệm tổ chức các mạng xã hội đời thường với tinh thần kỷ luật của các hội đoàn tôn giáo. Họ kết hợp được khối năng lượng của những người say mê bóng đá với những suy nghĩ thâm sâu của các bác sĩ. Họ vượt thoát sự ràng buộc với giới đối lập chính trị già nua. Họ dựa vào chiến thuật phản kháng bất bạo đông, được chuyển từ một học giả Hoa Kỳ qua một tổ chức của những người trẻ Serbia, nhưng đồng thời cũng sử dụng những chiến thuật trong ngành tiếp thị mượn từ Silicon Valley.
Khi cuộc phản kháng bùng lên làm chấn động đất nước Ai Cập, họ buộc phải kình với một lãnh tụ có góc nhìn rất khác biệt. Đó là Gamal Mubarak, con trai của Tổng thống Hosni Mubarak, một ông chủ nhà băng đầu tư giàu có và cũng là người chuyên môi giới quyền lực trong đảng cầm quyền. Ông Gamal Mubarak được coi là người đương nhiên thừa kế ghế tổng thống. Cuộc nổi dậy của giới trẻ lần này đã làm tan tính toán truyền ngôi đó. Theo nguồn tin của các viên chức Hoa Kỳ theo dõi những ngày sau cùng của Tổng thống Hosni Mubarak, chính ông Gamal Mubarak đã thúc đẩy cha mình cố bám lấy quyền lực bất kể lời khuyên từ chức của các tướng lãnh cao cấp và thủ tướng. Giọng điệu bất chấp trong bài diễn văn tổng thống hôm thứ năm, theo các viên chức Mỹ, phần lớn là do bàn tay của Gamal.
Một viên chức Mỹ cho biết "Ông ta có thể còn bạo tay hơn cả cha mình". Và ông Gamal đóng vai trò “che đậy bớt mức thê thảm của tình hình đối với Mubarak”. Nhưng bài diễn văn đã gây phản ứng ngược. Nó thúc đẩy quân đội Ai Cập áp lực tổng thống phải ra đi và quân đội nắm quyền kiểm soát tiến trình mà họ hứa là sẽ chuyển tiếp sang một chính phủ dân sự.
Nay những nhà lãnh đạo trẻ đang phóng tầm nhìn xa hơn Ai Cập. “Người Tunisia là động lực thúc đẩy Ai Cập, nhưng những gì Ai Cập làm sẽ là động lực thúc đẩy cả thế giới”, anh Walid Rachid, một thành viên của Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 phát biểu như vậy. Đây là phong trào đã giúp tổ chức ngày phản kháng 25 tháng 1, điểm khởi đầu cho toàn cuộc nổi dậy. Trong một buổi họp vào ngày chủ nhật, khi các thành viên thảo luận về việc chia sẻ kinh nghiệm của họ với những phong trào trẻ tương tự ở Lybia, Algeria, Morocco và Iran, anh Walid phát biểu:
“Nếu có một nhóm nhỏ ở mỗi nước Ả Rập xuống đường và kiên trì như chúng ta đã làm, thì đó sẽ là sự cáo chung của tất cả các chế độ này.”
Anh cũng nói đùa rằng hội nghị thượng đỉnh Ả Rập lần tới sẽ là một “bữa tiệc trình làng” của những nhà lãnh đạo trẻ đang lên.
Bloggers Đi Đầu
Cuộc nổi dậy ở Ai Cập đã được thai nghén từ nhiều năm trước. Anh Ahmed Maher, 30 tuổi, kỹ sư xây dựng và là người tổ chức chính của Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4, bắt đầu tham gia một phong trào chính trị có tên là Kefaya, nghĩa là Đủ Rồi, vào năm 2005. Sau đó, anh Maher và một số cộng sự tổ chức một đội ngũ riêng có tên là Youth for Change (Giới Trẻ Tranh Đấu Cho Cải Thiện). Nhưng họ không lôi cuốn đủ người tham gia; thành phần lãnh đạo bị bắt bớ gần hết, và những người còn lại núp trong những đảng đối lập hợp pháp nhưng e dè. Anh Maher nói: “Chính những đảng phái cũ đã phá hủy phong trào”. Cũng trong thời gian đó, anh đã bị bắt tổng cộng bốn lần.
Tới năm 2008, nhiều nhà tổ chức trẻ đã rút lui về bàn phím của máy điện toán và trở thành bloggers. Họ cố gắng vận động sự hỗ trợ cho một làn sóng những cuộc đình công riêng lẻ vì chính sách tư hữu hóa của nhà nước và nạn lạp phát phi mã.

Sau cuộc biểu tình vào tháng 3/2008 tại thành phố Malhalla, Ai Cập, anh Maher và các bạn kêu gọi một cuộc biểu tình toàn quốc vào ngày 6 tháng 4. Để vận động cho cuộc biểu tình này, họ thiết lập một nhóm Facebook mà sau đó trở thành sợi dây liên kết cho cả phong trào. Họ nhất quyết giữ nhóm này độc lập khỏi mọi đảng phái chính trị hiện hữu. Thời tiết xấu đã khiến cuộc biểu tình không thực hiện được tại hầu hết các nơi khác, nhưng tại Malhalla một cuộc biểu tình bởi gia đình các công nhân đã dẫn tới một cuộc đàn áp tàn bạo của cảnh sát. Đây là cuộc đối đầu lớn đầu tiên của giới công nhân trong vòng nhiều năm.
Chỉ vài tháng sau đó, sau một vụ đình công tại thành phố Hawd el-Mongamy ở Tunisia, một nhóm các nhà tổ chức trẻ trên mạng đã theo cùng khuôn mẫu và thành lập cái mà sau này trở thành nhóm Progressive Youth of Tunisia (Giới Trẻ Cấp Tiến Tunisia). Các nhà tổ chức của hai quốc gia bắt đầu trao đổi kinh nghiệm qua Facebook. Người Tunisia phải đối phó với một chế độ công an trị dầy đặc hơn Ai Cập, và vì thế khó khăn về mặt viết blog và tự do báo chí hơn. Tuy nhiên, các công đoàn của họ lại mạnh hơn và có vị thế độc lập hơn. Anh Maher nhớ lại lúc đó: “Chúng tôi trao đổi kinh nghiệm về đình công và viết blog”.
Riêng về phần anh Maher và các bạn của anh ta, họ bắt đầu đọc về đấu tranh bất bạo động. Họ đặc biệt bị lôi cuốn bởi phong trào trẻ tại Serbia có tên là Otpor. Phong trào này đã giúp hạ bệ nhà độc tài Slobodan Milosevic bằng cách áp dụng những ý tưởng của nhà tư tưởng chính trị Mỹ, Gene Sharp. Những ý tưởng nổi bật của ông Gene Sharp đều áp dụng vừa vặn vào chế độ Mubarak tại Ai cập. Ông lý luận rằng bất bạo động là phương cách hữu hiệu duy nhất để làm suy yếu một chế độ công an trị, vốn hay viện cớ có phản kháng bạo loạn để đàn áp thẳng tay, nhân danh duy trì ổn định.
Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 chọn biểu tượng của họ dựa theo Otpor. Đó là nắm tay có màu đỏ và trắng (hơi có dáng vẻ Sô Viết ngày xưa). Và một số thành viên sang Serbia để gặp gỡ các nhà hoạt động Otpor.
Một ảnh hưởng khác, theo nhiều người nói, đến từ một nhóm người Ai Cập hải ngoại ở độ tuổi 30. Nhóm này thành lập một tổ chức tại nước Qatar lấy tên là Academy of Change (Học Viện Đổi Thay), để quảng bá một phần những ý tưởng của ông Gene Sharp. Một trong những người trưởng nhóm là Hisham Morsy đã bị bắt tại cuộc biểu tình ở Cairo và vẫn còn bị giam giữ.
“Nhóm Academy of Change giống như Karl Marx (lý thuyết), còn chúng tôi là Lenin (thực hành)”. Đó là phát biểu của Basem Fathy, một nhà tổ chức khác từng làm việc chung với Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 và cũng là giám đốc của Egyptian Democratic Academy (Học Viện Dân Chủ Ai Cập). Học viện này nhận tài trợ của Hoa Kỳ, tập trung vào lãnh vực nhân quyền và giám sát bầu cử. Trong thời gian dân chúng chiếm giữ quảng trường Tahrir, ông cho biết đã dùng sự quen biết của mình để quyên góp $5,100 từ các thương gia Ai cập cho tiền mua lều và chăn mền.
“Đây là Đất Nước Của Bạn”
Và rồi, cách đây khoảng một năm, phong trào giới trẻ Ai cập có được một đồng minh chiến lược. Đó là anh Wael Ghonim, một giám đốc 31 tuổi, đảm trách tiếp thị cho công ty Google. Như nhiều người khác, anh được giới thiệu vào một mạng lưới bạn bè của những nhà tổ chức trẻ bởi phong trào của Mohamed ElBaradei. Ông ElBaradei là một nhà ngoại giao, từng đoạt giải Nobel, và trở về Ai Cập năm ngoái để cố gắng hồi sinh lực lượng chính trị đối lập đang hấp hối.
Anh Ghonim có ít kinh nghiệm về chính trị nhưng ghét cay đắng sự lộng quyền của đám công an Ai Cập, trụ cột chính của quyền lực nhà nước. Anh cống hiến những khôn khéo thương mãi của mình cho đại nghĩa. Anh nói: “Tôi làm việc trong ngành tiếp thị, và tôi biết rằng nếu bạn bỏ công xây đắp một thương hiệu, người ta sẽ tin tưởng vào thương hiệu đó”.
Kết quả là một nhóm do Ghonim thiết lập trên Facebook với tên “Tất cả Chúng Ta Là Khalid Said”. Khalid Said là tên một thanh niên Ai Cập đã bị công an đánh chết. Dân chúng ít biết Ghonim là ai nhưng anh làm việc sát cánh với Maher thuộc Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 và với người liên lạc của nhóm ElBaradei. Anh cho biết anh muốn dùng việc Said bị giết để giáo dục người dân Ai Cập về các phong trào dân chủ. Trang web của anh đầy rẫy những đoạn phim ngắn và bài báo về sự tàn bạo của công an. Anh luôn nhắc đi nhắc lại một thông điệp ngắn gọn: “Đây là đất nước của bạn. Công nhân viên là những người làm mướn cho bạn vì họ lãnh lương từ tiền thuế của bạn. Bạn có các quyền của mình.” Anh đặc biệt nhắm vào những xuyên tạc trong truyền thông nhà nước, bởi vì khi “dân chúng không còn tin tưởng vào truyền thông nhà nước nữa thì bạn biết rằng họ sẽ ở luôn với bạn”.
Cuối cùng anh đã thu hút được hàng trăm ngàn người truy cập, và vun đắp sự trung thành của họ qua những thực tập trên mạng về tham gia hoạt động dân chủ. Chẳng hạn như khi các nhà tổ chức lên kế hoạch "một ngày im lặng" trên đường phố Cairo, anh tham khảo ý kiến họ về màu áo mà mọi người cùng mặc, trắng hay đen. (Khi cuộc nổi dậy bùng nổ, chính quyền Mubarak liền giam anh 12 ngày trong tình trạng bịt mắt và cách ly. Họ tìm cách chận đứng tác động của anh nhưng đã quá trễ).

Sau cuộc cách mạng ở Tunisia ngày 14 tháng giêng, Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 nhìn thấy cơ hội biến những cuộc phản đối nhỏ bé hàng năm nhân Ngày Công An - tức ngày 25 tháng 1 mỗi năm để kỷ niệm cuộc nổi dậy của cảnh sát Ả Rập đã bị thực dân Anh đàn áp ngày xưa - thành một biến cố lớn. Anh Ghonim sử dụng Facebook để vận động sự ủng hộ. Trang mạng đề nghị rằng nếu có ít nhất 50.000 người hứa chắc sẽ xuống đường vào ngày đó thì sẽ tiến hành cuộc biểu tình. Hơn 100.000 ngàn người đã ghi danh.
Anh Ghonim nhận xét: "Tôi chưa từng thấy một cuộc cách mạng nào mà lại được thông báo trước như vậy".
Tại điểm đó, Phong Trào 6 Tháng 4 đã kết hợp với những người ủng hộ ông ElBaradei, một số đảng phái cấp tiến và cánh tả, cũng như thành phần trẻ thuộc tổ chức Muslim Brotherhood (Huynh Đệ Hồi Giáo) đi dán đầy Cairo những tấm bích chương rất tân tiến và bắt mắt để quảng bá cho cuộc biểu tình vào Ngày Công An, như dân chúng Tunisia đã làm. Nhưng thành phần trưởng lão — kể cả những thành viên trong hàng ngũ Huynh Đệ Hồi Giáo mà chính quyền Mubarak đã từ lâu xếp vào loại cực đoan — đều e ngại và né tránh việc xuống đường.
Viện lý do Ngày Công An là để vinh danh cuộc chiến đấu chống thực dân Anh, ông Essem Erian, một lãnh đạo của Huynh Đệ Hồi Giáo lên tiếng ngăn cản: "Vào ngày đó, tất cả chúng ta nên cùng ăn mừng với nhau”. Rồi ông hỏi: “Tất cả những người trên Facebook, chúng ta có biết họ là ai không? Chúng ta không thể cột các đảng phái và hội đoàn của chúng ta với một thế giới ảo".
"Thế Là Hết Đời"
Khi ngày 25 tới, liên minh các nhà hoạt động trẻ, hầu hết đều khá giả, muốn khai dụng sự bực dọc khắp nơi đối với chế độ độc đoán, và tình trạng nghèo khổ lê lết trong xã hội Ai Cập. Họ bắt đầu ngày hôm đó bằng cách tập hợp những người nghèo đang oán than về các vấn đề dân sinh: "Trong khi chúng ăn bồ câu, ăn gà hàng ngày thì chúng ta chỉ ngồi nhai đậu từng bữa."

Tới cuối ngày, hàng chục ngàn người đã đi bộ tới Quảng Trường Tahrir. Tiếng hô khẩu hiệu của họ bắt đầu có sức lôi cuốn. "Toàn dân muốn hạ bệ chế độ". Đó là câu khẩu hiệu họ bắt chước dân chúng Tunisia qua hình ảnh tin tức và Facebook. Anh Maher thuộc Phong Trào Trẻ 6 Tháng 4 cho biết những người tổ chức còn thảo luận cả việc có nên xông vào trụ sở quốc hội và đài truyền hình nhà nước không – như các cuộc cách mạng cổ điển thường làm.
Anh Maher tâm sự: "Khi tôi nhìn chung quanh và thấy những khuôn mặt lạ hoắc trong số những người biểu tình, và họ còn can đảm hơn chúng tôi nữa. Ngay lúc đó tôi biết thế là hết đời chế độ rồi".
Từ đó trở đi họ bắt đầu dựa vào những lời cố vấn từ Tunisia, Serbia, và Academy of Change. Học viện này đã gởi nhân viên tới Cairo từ một tuần trước đề huấn luyện những người tổ chức biểu tình. Sau khi cảnh sát dùng hơi cay đánh tan cuộc biểu tình vào thứ Ba, những người tổ chức đã quay lại với những chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc xuống đường thứ Sáu, ngày 28, mà họ gọi là "Ngày Thịnh Nộ".
Lần này, họ mang theo chanh, hành và dấm để giảm bớt tác động của hơi cay. Ngoài ra, nước sô-đa và sữa để rửa mắt. Một số người nhét giấy cạc-tông cứng hoặc chai nhựa bên dưới quần áo như những áo giáp tạm thời nhằm cản đạn nhựa từ phía công an bắn ra. Họ đem theo những bình sơn xịt để bịt kín các kiếng xe công an. Họ cũng thủ sẵn vật liệu để nhét vào ống khói xe hoặc chêm các bánh xe để vô hiệu hoá chúng. Tới đầu buổi trưa, vài ngàn người biểu tình phải đối diện với trên một ngàn công an chống biểu tình với đầy đủ vũ khí, trên cầu Kasr al-Nile. Đây có lẽ là cuộc đụng độ quyết định của cuộc cách mạng.
Anh Maher kể lại: "Chúng tôi mang tất cả mọi ngón nghề ra sử dụng - Pepsi, hành, dấm." Chính anh cũng nhét đầy giấy cạc-tông và chai nhựa dưới áo, đầu đội mũ bảo hiểm xe đạp, và tay mang tấm khiên bằng nắp thùng phuy. "Chiến lược của chúng tôi là những người bị thương lui về phía sau và những người khác tiến lên thay thế. Chúng tôi cứ luân phiên như thế". Sau hơn năm giờ chiến đấu, sau cùng họ đã chiến thắng — và đốt cháy rụi trụ sở đã bỏ trống của đảng cầm quyền trên đường đến chiếm giữ Quảng Trường Tahrir.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét