Ngô Văn
Những cuộc xuống đường biểu tình của người dân Tunisia, Yemen, Algeria và Ai Cập đòi hỏi chấm dứt độc tài, thiết lập dân chủ đang được cả thế giới chú ý, với ước mong nhân dân các nước này sớm được hưởng các quyền đã quá bình thường của nhân loại. Nhưng đối với những người đang nắm độc quyền, độc đảng cai trị như tại Trung quốc, Việt Nam, thì tin tức từ Bắc Phi và Trung Đông thổi lên mối lo sinh tử của chế độ. Họ đang cố tìm mọi cách đắp bờ không cho làn sóng đòi tự do, dân chủ tràn vào đến. Cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội vốn dĩ đã kiểm soát gắt gao mạng Internet, nay càng siết chặt thêm để ngăn chận việc người dân sử dụng hệ thống Internet, các trang mạng Facebook, Twitter để kêu gọi nhau xuống đường biểu tình chống độc tài độc đảng như người dân các nuớc vừa kể trên. Báo đài ở Trung quốc, Việt Nam cũng có đưa tin về các cuộc xuống đường này, nhưng chỉ nhắm vào những cảnh xung đột để đưa đến kết luận biểu tình chỉ gây xáo trộn trật tự xã hội, làm trì trệ sự phát triển kinh tế. Tất cả các ý kiến ủng hộ của thế giới, hình ảnh quân đội đồng tình với người dân, và hình ảnh bạo hành của công an đều bị loại ra.
Dĩ nhiên, cơn bão Bắc Phi không chỉ ngừng lại ở các báo đài lề phải mà còn được đem ra mổ xẻ ở các bộ phận cao nhất. Cụ thể như trước khi nghỉ ăn Tết, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung quốc họp phiên cuối. Tại đây những biến động chính trị tại Tunisia, Ai Cập và các nước Ả Rập được đem ra bàn thảo; và vào cuối cuộc họp, để nhấn mạnh nhu cầu trấn áp truyền thông, ông Miêu Vu, tân Bộ trưởng bộ Thông tin & Công nghiệp, được nêu lên để tưởng thưởng về nỗ lực ngăn chận không cho những “thông tin độc hại” tràn vào Hoa lục, ảnh hưởng không tốt đến sự ổn định xã hội.Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp này một sự kiện lạ xảy ra, cho người ta thấy chỉ dấu cuộc đấu đá ở thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc đã bắt đầu. Từ trước đến nay mỗi khi bộ Chính trị phán điều gì là tất cả phải nhất trí tuân theo, nhưng lần này nhiều Ủy viên Trung ương đảng thuộc cánh Thượng Hải lên tiếng phản đối. Họ nêu lý do rằng sự tưởng thưởng đó phải dành cho ông cựu Bộ trưởng bộ Thông tin & Công nghiệp Lý Tố Trung chứ không phải ông tân Bộ trưởng Miêu Vu. Ông Vu chỉ mới vừa lên thay thì làm gì đã có công trạng mà tưởng thưởng.
Tưởng cần nhắc lại, từ ngữ “cánh Thượng Hải” thường được giới quan sát quốc tế dùng để gọi chung nhóm phe cánh các quan chức từ tỉnh Thượng Hải, đứng đầu là Giang Trạch Dân, được Đặng Tiểu Bình tin tưởng kéo về Bắc Kinh nắm giữ các chức vụ quan trọng sau biến cố Thiên An Môn. Sau đó, Giang Trạch Dân đã mở rộng phe cánh Thượng Hải tại các bộ phận trung ương trong những năm ông nắm ghế Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước, và Chủ tịch Quân Ủy Trung ương. Đối nghịch chính với cánh Thượng Hải là phe Hồ Cẩm Đào, bao gồm cán bộ từ nhiều tỉnh và thường có dính líu tới đoàn thanh niên cộng sản.
Trở lại chuyện tưởng thưởng cho hung thần Internet, sự thật đúng là khi nắm chức Bộ trưởng Thông tin & Công nghiệp, Lý Tố Trung (thuộc cánh Thượng Hải) mới là người đề ra kế hoạch và chỉ thị siết chặt mạng Internet. Ông Trung đã ra lịnh bắt phải đăng ký bằng tên thật khi cài mạng Internet, bắt tất cả máy computer phải gài phần mềm Lục Bá (Green Dam) để ngăn chận việc truy cập những tin tức mà chế độ muốn dấu.
Hiển nhiên, đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào dư biết đây là công lao trấn áp của ông Trung, nhưng chờ sau khi thay người rồi mới tưởng thưởng cho “gà nhà” để ghi đậm thành tích phe ta và xóa nhòa thành tích phe địch. Cánh Thượng Hải uất ức vì vừa bị mất một ghế trong nội các vừa bị chiếm công trạng nên công khai phản đối trong nội bộ hàng ngũ đảng viên mà chẳng sợ hãi gì nữa. Đây lại thêm một chỉ dấu nữa cho thấy sự đấu đá sẽ càng ác liệt trong những ngày tháng tới.
Được biết, trong năm 2010 khoảng 20 người của cánh Thượng Hải giữ các chức vụ Bộ trưởng, Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng đã bị cánh ông Hồ Cẩm Đào loại khỏi ghế quyền lực. Chắc chắn con số này còn gia tăng nhanh hơn nữa từ nay đến kỳ Đại hội toàn Đảng năm 2012 để cánh ông Đào chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc chọn đại biểu về dự Đại hội.
Nhưng đang trên đà thắng lợi đó thì một sự việc mới vừa xảy ra khiến cánh Hồ Cẩm Đào bối rối và chưa biết phải đối phó thế nào. Đó là việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo, vào những ngày giáp Tết, bất thình lình đi thăm viếng một số tỉnh do các quan chức thuộc phe Hồ Cẩm Đào cầm quyền. Đến đâu ông Bảo đều mở những cuộc tiếp xúc với dân oan. Và lần đầu tiên chính tay ông thủ tướng nhận đơn khiếu kiện của nhiều người dân.
Theo các bình luận gia, hành động của ông Ôn Gia Bảo không nhằm mục đích trấn an dân tình hay giải quyết oan trái của dân; vì qua các phát biểu của chính ông Bảo vào khoảng cuối năm 2010 về tình trạng chính trị Trung Quốc, thì rõ ràng ông biết rõ không thể giải quyết các bất công hiện nay khi chúng đều sản sinh từ bản chất của hệ thống cai trị. Do đó, mục tiêu thật của ông Bảo là muốn tô đậm trên báo đài toàn quốc rằng tỉnh nào do người của phe ông Hồ Cẩm Đào đứng đầu đều sinh nhiều bất công, nhiều dân oan khiếu kiện.
Ông Ôn Gia Bảo không thuộc cánh Thượng Hải. Trước biến cố Thiên An Môn, ông là thư ký riêng cho Tổng bí thư Hồ Diệu Bang rồi Tổng bí thư Triệu Tử Dương, người từ chối ra lệnh bắn vào sinh viên nên bị cách chức. Cho đến nay, người ta vẫn chưa có lời giải thích nhờ đâu mà ông Ôn Gia Bảo không bị trừng phạt cùng với ông Triệu Tử Dương. Tuy nhiên, sau nhiều năm mà có người cho là “nín thở qua sông”, có vẻ như ông Ôn Gia Bảo đang muốn trồi lên trong năm cuối cùng ở ghế quyền lực để thực hiện ước nguyện của các ông Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Cùng với một vài viên chức khác trong giới trí thức và quân đội, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2010, cánh Ôn Gia Bảo kêu gọi phải “cách mạng chính trị chứ không thể thay đổi chính trị từng bước nhỏ được”, tức không thể chấp nhận chính sách thay đổi từ từ của Hồ Cẩm Đào. Và theo ông, “nếu không thay đổi chính trị thì những thành tựu kinh tế cho đến nay có thể bị tiêu tan”. Những phát biểu này đã làm rúng động dư luận Trung Quốc và giới quan sát quốc tế.
Cánh ông Hồ Cẩm Đào bắt đầu tìm cách phản đòn, cụ thể như trên tờ Nhân Dân số ra ngày 2 tháng 2 năm 2011 cho đăng một bài xã luận ngầm chỉ trích những lời tuyên bố cải cách chính trị của ông Bảo vào tháng 10 năm ngoái (2010). Bài xã luận này viết rằng việc cải cách chính trị của một quốc gia với hơn 1 tỷ 3 dân phải bắt đầu từ sự hiện thực, chắc chắn không thể đốt giai đoạn được, và nhất là không thể tuyên bố bằng đầu môi chót lưỡi được.
Cánh Thượng Hải lập tức truy lùng và đang tìm cách buộc tội cả người viết bài xã luận đó lẫn chủ bút vì đã công khai phê bình lãnh đạo. Hiện chưa có chỉ dấu rõ ràng về một liên minh giữa cánh Thượng Hải và những người ủng hộ Ôn Gia Bảo, nhưng dứt khoát là họ có cùng một đối thủ chung và đối thủ này đang muốn giành tối đa quyền lực về cho mình.
Chắc chắn sẽ còn nhiều biến chuyển từ nay đến Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 2012 vì chưa có phe nào hoàn toàn thắng thế. Đó là chưa kể vai trò của người dân Trung Quốc, vì so với Tunisia và Ai Cập thì tình trạng bị trấn áp bằng bạo lực, bất công xã hội, và sự bất mãn của người dân Trung quốc còn cao hơn gấp nhiều lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét