Lý Thái Hùng
Nhiều người bắt đầu sốt ruột về những diễn biến chính trị đang xảy ra tại Ai Cập khi chưa thấy ông Mubarak ra đi như ông Ben Ali bên Tunisia; trong khi đó, tân Phó Tống Thống Omar Suleiman, vừa mới được ông Mubarak bổ nhiệm lại xúc tiến những cuộc đàm phán với các nhóm chống đối để thương lượng về các biện pháp ổn định tình hình. Một số dư luận đã quan ngại rằng cuộc nổi dậy của người dân Ai Cập có thể sẽ bị bán đứng hoặc dẫn đến một kết quả chính trị tồi tệ là phe nhóm của ông Mubarak tiếp tục cầm quyền mặc dù ông ta sẽ phải ra đi sau những “thương lượng” chính trị hiện nay.
Những sốt ruột và quan ngại về các diễn biến chính trị tiêu cực nói trên không phải là không có nguyên do, nhưng nếu hiểu rõ những đặc tính của đấu tranh bất bạo động, thì sự quan ngại này sẽ không có. Các diễn biến trong mấy ngày qua tại Ai Cập, chỉ là những thế trận được phe chống đối và phe chính quyền Mubarak tung ra hầu giành thế thượng phong trước công luận. Sự kiện phe chính quyền phải thuê một số người xuống đường ủng hộ Mubarak và tấn công bằng bạo lực đối với quần chúng tay không tại Quảng Trường Tahrir (Quảng Trường Giải Phóng) vào sáng ngày 3 tháng 2 cho thấy sự tuyệt vọng của phe chính quyền trước sự án binh bất động của quân đội và làn sóng biểu tình ngày một dâng cao. Hoặc việc tân Phó Tổng Thống Omar Suleiman mở các cuộc đối thoại với những nhóm chống đối chỉ là kế sách câu giờ.
Nhìn vào những diễn biến chính trị trong hơn 2 tuần lễ vừa qua, đặc biệt là từ những cuộc tụ tập kéo dài liên tục với sự tham gia của hàng trăm ngàn người tại Quảng Trường Tahrir, cho thấy là nhóm chống đối đã nắm rất vững 5 đặc tính của đấu tranh bất bạo động để điều hướng quần chúng. Đó là Số Đông, Công Khai, Quyết Liệt, Thương Lượng, Kỷ Luật.
Trước hết là về số đông, các nhóm chống đối đã không những thành công trong việc huy động số đông mà họ còn duy trì được sự tham gia biểu tình một cách liên tục trong suốt 2 tuần lễ kể từ ngày 25 tháng 1 năm 2011. Theo những tiết lộ gần đây của những người đại diện của hai nhóm chống đối trong Phong trào Trẻ 6 tháng 4 và đảng Ghad thì lúc đầu họ chọn ngày 25 tháng 1, tổ chức một cuộc mít tinh tại Quảng trường Tahrir để tưởng niệm sinh viên Khaled Said, bị công an Ai Cập đánh chết vào mùa Hè năm ngoái. Họ chọn ngày 25 tháng 1 để tổ chức mít tinh vì đây là “Ngày Của Công An” do chế độ Mubarak ấn định, do đó dễ tạo sự chú ý của công luận; nhưng họ ước tính nếu quy tụ được 200 người tham dự là thành công. Trong lúc chuẩn bị, biến cố chính trị tại Tunisia bùng nổ, ban tổ chức đã nhanh chóng khai thác biến sự Tunisia sản xuất hàng loạt các youtube, truyền đơn gửi qua Facebook và Twitter để kêu gọi thanh niên sinh viên tham gia. Kết quả là hàng trăm ngàn người đã túa xuống đường đổ về Quảng trường Tahrir, khởi đầu cho cuộc nổi dậy sau 30 năm sống trong sự áp bức của chính quyền Mubarak. Phong trào Trẻ 6 tháng 4 và các nhóm sinh viên đã rút kinh nghiệm từ sinh viên Tunisia, khai thác tối đa Facebook và Twitter để chuyển các thông điệp vận động, nhờ vậy mà trên đường phố lúc nào cũng có đông đảo người tham gia biểu tình.Kế đến là về công khai, các nhóm chống đối đã chọn một mục tiêu duy nhất là hạ bệ Mubarak và chọn Quảng trường Tahrir làm nơi tụ họp để đưa ra những yêu sách đấu tranh. Song song, để giúp cho những người tham gia biểu tình đều có cùng những hành động giống nhau hoặc có thể tự đối phó trước các cuộc đàn áp của công an và quân đội, ban tổ chức đã thực hiện một tài liệu bỏ túi khoảng 28 trang có tiêu đề là “Làm thế nào để phản đối khôn ngoan” (How to Protest Intelligently) hướng dẫn chi tiết về những hành động và công việc mà người tham gia biểu tình cần làm như: Những khẩu hiệu cùng hô; những bài nhạc cùng hát; những địa điểm cùng tụ họp. Hay là không tiết lộ danh tánh, nơi cư ngụ cho bất cứ ai trong đoàn biểu tình hầu ngăn ngừa bọn mật vụ của chế độ trà trộn khai thác; không mang những loại giày da mà chỉ nên mang loại giày thể thao; mặc những loại áo choàng có mũ trùm đầu để chống hơi cay; mang theo găng tay bằng da để bảo vệ tay hầu chống lại những loại bom nhiệt của cảnh sát. Hoặc hướng dẫn việc sử dụng Coca-Cola để chống lại hơi cay. Mỗi người mang theo Hoa Hồng để bày tỏ cuộc biểu tình ôn hòa….
Kế đến là về quyết liệt, các nhóm chống đối đã thống nhất một chủ trương là không chấp nhận bất cứ sự thay đổi quyền lực nào tại Ai Cập khi còn ông Mubarak tại vị, mặc dù ông ta nói rằng sẽ không ra tái tranh cử vào tháng 9. Ông Mubarak đã cho thay đổi hàng loạt bộ trưởng kể cả việc để đứa con trai của mình từ nhiệm chức Tổng thư ký đảng cầm quyền; nhưng các nhóm chống đối không chấp nhận, đòi Mubarak phải từ nhiệm và ra đi vô điều kiện. Chính sự quyết liệt này đã làm cho kế sách thương lượng của tân Phó Tổng thống Omar Suleiman không đạt kết quả vì những người biểu tình tại Quảng trường Tahrir tuyên bố rằng họ sẽ chỉ đi về nhà khi nào ông Mubarak ra đi.
Hôm Chủ Nhật ngày 6 tháng 2, Phó Tổng thống Omar Suleiman đã có một cuộc gặp chính thức giữa đại diện chính quyền với các nhóm chống đối. Phía chính quyền thì ngoài ông Omar Suleiman còn có ông Hossam Badraway, Tổng thư ký đảng cầm quyền (Đảng Dân Chủ Quốc Gia). Phía chống đối có Tiến sĩ El-Sayed El-Baradei, đại diện đảng đối lập Walid; ông Naguih Sawiris, thành viên của Ủy ban Thông thái (Member of the Wise men Committee); và ông Mohamed Morsi, phát ngôn nhân của Tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo. Trong khi đó, đảng Ghad, Phong trào Trẻ 6 tháng 4 và nhiều Đoàn thể xã hội khác – được coi là những lực lượng nòng cốt tổ chức và điều hành các cuộc biểu tình chống chính quyền Murabak – đã từ chối tham gia các cuộc họp thương lượng với chính quyền. Lý do là trong đấu tranh bất bạo động, thương lượng chỉ là giải pháp gỡ bí của thiểu số lãnh đạo độc tài mà thôi.
Khi các nhóm chống đối chủ động và cứng rắn trong những đòi hỏi leo thang để từng bước đẩy chế độ độc tài rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, kinh nghiệm cho thấy là hầu hết các lãnh đạo độc tài đều tìm cách gặp gỡ phe chống đối để thương lượng qua những cuộc đối thoại gián tiếp hay trực tiếp về tương lai của chế độ. Trong phản kháng chính trị, thương lượng không thể được chọn là một giải pháp. Lý do là khi đã kiểm soát toàn thể xã hội và giữ chặt quyền lực cai trị trong nhiều thập niên dài, giới lãnh đạo độc tài không bao giờ muốn chia quyền lực cho bất cứ ai, bất cứ phe nhóm nào dù là bị đẩy ở thế phải đối thoại với lực lượng chống đối. Khi cuộc đấu tranh rơi vào những hoàn cảnh này, các nhóm chống đối phải coi chừng những cuộc gài bẫy nguy hiểm mà chế độ độc tài dựng ra để triệt tiêu tư thế chính trị của lực lượng dân chủ hoặc để thủ tiêu những kẻ muốn đi đường tắt.
Sau cùng là về kỷ luật, các nhóm chống đối đã kêu gọi người đi biểu tình mang theo Hoa Hồng và nước uống. Hoa Hồng để tặng cho quân đội, nước uống để giúp nhau giải khát. Chính những nỗ lực tối thiểu của từng người đã tạo ra sự cảm thông và nhất là nhờ sự hướng dẫn cụ thể của 28 trang tài liệu từ ban tổ chức đã giúp người tham gia biểu tình trở thành một khối. Khi nhóm người được phe chính quyền thuê dùng bom xăng, gạch đá và dao tấn công vào đoàn biểu tình tại Quảng Trường Tahrir vào ngày 3 tháng 2, đa số người biểu tình đã không tấn công trở lại mà tìm cách quây quần để bảo vệ nhau cho đến khi quân đội vào can thiệp. Hiện nay con số thương vong tại Ai Cập lên đến hơn 300 người, nhưng đó không phải là con số thương vong do các cuộc biểu tình gây ra mà là do “lạc đạn” và những xô xát xảy ra tại các văn phòng chính phủ.
Những diễn biến chính trị tại Ai Cập ngày một trở nên phức tạp khi phe chính quyền muốn kéo dài thời gian tại vị của ông Murabak đến tháng 9 để vừa giữ thể diện cho ông ta, vừa tạo sự chán nản bỏ cuộc của lực lượng biểu tình. Ai cũng thấy rõ thủ đoạn này của ông Mubarak khi bổ nhiệm tân Phó Tổng Thống Omar Suleiman đảm trách việc thương lượng cũng như chuẩn bị thay thế ông ta vào tháng 9 tới. Khi chúng ta hiểu rõ 5 đặc tính của đấu tranh bất bạo động mà phong trào đối kháng tại Ai Cập áp dụng, sẽ thấy rõ rằng các thủ đoạn nói trên của ông Mubarak chỉ dẫn đến thất bại mà thôi. Lý do là đa số những đoàn thể trẻ – lực lượng nòng cốt của các cuộc biểu tình hiện nay – từ chối các cuộc thương lượng và họ tiếp tục cố thủ tại Quảng Trường Tahrir cho đến khi nào ông Mubarak ra đi.
Lý Thái Hùng
Ngày 9/2/2011
Ngày 9/2/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét