Vũ Thạch
Không hẹn nhưng cứ khoảng 10 năm người ta lại thấy một nhân vật từng ở thượng tầng lãnh đạo - ủy viên Bộ Chính Trị ĐCSVN – có những tuyên bố mang tính đột phá. Vào đầu thập niên 1990, ông Trần Xuân Bách đặt dấu hỏi công khai về con đường đi sai lầm và bộ óc giáo điều phi khoa học của lãnh đạo Đảng. Đến đầu thập niên 2000, ông Võ Văn Kiệt vạch rõ và cụ thể: kinh tế tập trung là sai lầm; chính sách hằn thù dân tộc liên tục sau 1975 là sai lầm; tiếp tục trấn áp dân chủ hiện nay là sai lầm. Và nay, ở đầu thập niên 2010, ông Nguyễn Văn An đi vào cốt lõi của các quốc nạn. Vấn đề không còn là chọn con đường sai hay soạn chính sách sai, nhưng tất cả các sai lầm đó là kết quả đương nhiên của cơ chế hiện tại. Ông gọi đó là “lỗi hệ thống”.
Có thể tóm tắt các suy nghĩ của ông Nguyễn Văn An trong cuộc phỏng vấn với báo Tuần Việt Nam vào ngày 10/12/2010 như sau:
- Việc chuyển đổi từ cuộc Cách mạng dân tộc sang Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) theo mô hình Cộng hòa Xô Viết và chủ nghĩa Marx-Lenin là sai lầm.
- Dân chủ trong kinh tế phải đi song song với dân chủ trong chính trị, dân chủ trong văn hóa... thì mới phát triển đúng nghĩa được.
- Lãnh đạo ĐCSVN đã chọn con đưòng xã hội chủ nghĩa khi chưa biết nó thực sự là gì. Và cho đến nay, dù đã cố gắng xác định nhiều lần, vẫn không biết nó là gì.
- Con đường dân chủ là con đường phát triển và làm cho con người ngày càng hạnh phúc hơn như đã thấy tại các nước phát triển. Con đường XHCN là con đường trở về với những thiếu thốn và đói khổ mà người Việt ai cũng từng biết.- Chủ nghĩa Marx là loại lý thuyết cực đoan khi cho rằng tư hữu các tư liệu sản xuất là nguồn gốc mọi sự bóc lột. Lý thuyết này dẫn đến tình trạng nhất định duy trì khu vực kinh tế quốc doanh ở mức lấn át trong nền kinh tế, tiếp tục phung phí khả năng phát triển, và sẽ tiếp tục đẻ ra nhiều vụ Vinashin khác nữa.
- Nếu không bám lấy chủ nghĩa xã hội mà đời sống tinh thần và vật chất của người dân cao hơn, văn minh hơn và nhất là dân chủ tự do hơn, thì đã sao! Và vì thế “Phải dứt khoát từ bỏ lý thuyết và mô hình sai trái từ gốc này”.
- Còn nếu Đảng vẫn bám cứng lấy cơ chế lỗi thời hiện nay, cứ làm “lực lượng cản trở dân chủ, tự do, cản trở sự phát triển xã hội”, thì sẽ đến lúc chính những người cộng sản cũng không muốn bảo vệ cái đảng này nữa. Đừng đổ lỗi cho “diễn biến hòa bình” hay “thế lực thù địch”.
Quả thật, chỉ cần một khẳng định nêu trên, phát xuất từ miệng một cựu ủy viên Bộ Chính Trị ĐCSVN, cũng đã đủ để tạo chấn động nơi người đọc. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến tư duy táo bạo và thành thật đến mức kinh ngạc đó, cũng không thể phủ nhận những bước lùi không đáng có trong bài, chẳng hạn như:
- Vừa đưa ra nhận xét mô hình Xô Viết theo chủ nghĩa Marx-Lenin là sai lầm, ông đã vội bào chữa rằng mình chỉ nhìn từ góc độ thực tiễn và tùy bộ não của Đảng (Hội đồng lý luận Trung ương) ra phán quyết sau cùng. Nhưng cũng chính bộ não đó đã sai lầm từ lý thuyết đến hành động như ông chỉ ra trong các đoạn sau.
- Sau khi chỉ ra tính cực đoan, không phản ánh đúng với thực tế của chủ nghĩa Marx và kêu gọi phải bỏ cả lý thuyết và mô hình dựa trên chủ nghĩa đó, ông lại đề nghị cứ giữ chủ nghĩa Marx-Lenin mà chỉ hòa loãng nó ra thôi.
- Sau khi phân tích “lỗi hệ thống” của chế độ độc đảng và khẳng định phải đi theo con đường Dân Chủ, ông lại chấp nhận: dân chủ dưới chế độ độc đảng như hiện nay cũng được. Thật khó để nghĩ rằng ông An không nhận ra sự mâu thuẫn rất hiển nhiên trong lý luận đó. Tại sao không để cho chính người dân chọn thể chế đa đảng hay độc đảng? Nếu đã tôn trọng quyền làm chủ đất nước của người dân thì tại sao lại cấm họ ngay từ đầu là không được xét tới đa đảng? Rõ ràng loại dân chủ đó đã mất tính dân chủ ngay từ điểm phát xuất.
- Và sau hết, ông vẫn đi theo thói quen máy móc đầy tính “lỗi hệ thống” của nhiều người hiện nay. Đó là rất ngang nhiên khoác những điều mình muốn nói lên “Bác Hồ” để làm khiên che chắn cho bản thân, ngay cả khi ông biết rõ ông Hồ Chí Minh có quan điểm hoàn toàn ngược lại khi còn sống. Chẳng hạn như khi ông An nói rằng ông Hồ thấm nhuần tinh túy của chủ nghĩa Marx-Lenin lẫn tư tưởng của Phật Thích Ca, Chúa Giêsu, Đức Khổng Tử, ... Ông dư biết chủ nghĩa Marx-Lenin muốn tẩy trừ “thuốc phiện tôn giáo” và “tư tưởng tàn dư phong kiến” ra khỏi xã hội tới mức nào, và ông Hồ đứng đâu trên quan điểm đó.
Tuy người đọc có đôi chút thất vọng qua những đoạn bước lùi này vì thấy ông An, một người đang muốn giương đuốc kéo dân tộc ra khỏi đám sương mù hiện tại, lại cũng phun thêm khói như những quan chức khác. Nhưng cũng qua những đoạn này, người đọc có thể thấy đâu là những kết luận của nhiều ngày tháng suy nghĩ và đâu là những phản ứng co giật tại chỗ do thói quen tự phòng vệ sau một đời sống trong nỗi lo âu “tai vách mạch rừng” và “phê bình lập trường tư tưởng”.
Nhưng có lẽ niềm tiếc nuối lớn nhất sau khi đọc bài phỏng vấn 13 trang này vẫn là ý nghĩ: Phải chi lúc còn ngồi trong Bộ Chính Trị và trên ghế Chủ Tịch Quốc Hội, ông Nguyễn Văn An chỉ cần bày tỏ các suy nghĩ này, chứ chưa cần làm gì cả, thì đã là một bước tiến lớn biết bao cho nước cho dân. Có lẽ tên tuổi của ông đã đi vào sử sách với lòng biết ơn của hàng triệu người Việt hôm nay và nhiều thế hệ tương lai.
Đã có người phân tích rằng, chính việc chọn những ngày tháng nghỉ hưu để nói tiếng lương tâm như ông Nguyễn Văn An, ông Võ Văn Kiệt đã cung cấp cho những kẻ đang nắm quyền hiện nay lời biện hộ: “Các ông ăn cho đã rồi bây giờ đến phiên chúng tôi thì các ông phá đám. Có giỏi, có lương tâm thì nói lúc đang tại chức đi. Hay các ông chỉ nói khi không còn gì để mất”.
Có thật ông An không còn gì để mất không? Sống trong xã hội Việt Nam hiện nay, những kẻ đang nắm quyền vẫn có nhiều cách làm những năm cuối đời ông xơ xác như đã từng hành hạ ông Trần Xuân Bách. Tối thiểu là các lăng mạ, xỉ vả đồng loạt của 700 báo, đài lề phải. Và khi đó, những quan hệ bạn bè cũ hay ngay cả quan hệ gia đình với các quan chức hiện tại cũng nhanh chóng đứt lìa hay lạnh nhạt hẳn. Chính vì thế mà nhiều người đọc tiếng nói lương tâm của ông Nguyễn Văn An với lòng cảm kích.
Nhưng có lẽ điều đáng mừng và hệ trọng hơn nữa là: những suy nghĩ thực mà ông Nguyễn Văn An bộc bạch là bằng chứng cụ thể cho thấy đang có nhiều đảng viên, kể cả các đảng viên cao cấp tại chức, đã nhìn nhận đâu là nguyên nhân cốt lõi của tình trạng băng hoại tại Việt Nam hiện nay và đâu là con đường đi lên của dân tộc. Đúng như ông An bày tỏ, trong hàng ngũ ĐCSVN lúc này, kiểu nói lấy được của lãnh đạo, “Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là tại thiên tài Đảng ta”, đã trở thành trò cười phổ thông.
Và nếu ngày càng thêm nhiều những “Nguyễn Văn An về hưu” dám nói công khai tiếng lòng của mình giữa sự ủng hộ ngày càng đông đảo của người dân, đất nước sẽ tiến gần hơn đến thời điểm có những “Nguyễn Văn An tại chức” đủ tin tưởng vào tổng lực của đại dân tộc để chính thức lật ngược các “lỗi hệ thống” đang bóp nghẹt đất nước.
Dân tộc và sử sách Việt Nam đang chờ đợi những Nguyễn Văn An kế tiếp!
Nguồn: http://danluan.org/node/7328
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét