Ngô Thiện Khải
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Tham Nhũng (CPI) năm nay, Việt Nam lại một lần nữa đứng chung hạng với Ethiopia và 6 quốc gia kém phát triển khác, ở vị trí thứ 116-122 trên tổng số 178 quốc gia trong danh sách. Với chỉ số 2.7 trên 10, mức tham nhũng ở Việt Nam thuộc vào nhóm 30% tệ hại nhất ở cuối bảng đánh giá do tổ chức vô vụ lợi Minh Bạch Quốc tế (Transparency International) thiết lập và báo cáo toàn cầu hàng năm.Trên trang đầu của bảng báo cáo năm nay, tổ chức này lập lại nhận định “tham nhũng vẫn là trở ngại cho mọi tiến triển trong việc giải quyết các vấn nạn toàn cầu từ điều tiết kinh tế tới giảm thiểu đói nghèo”. Cần nhắc lại, giảm thiểu đói nghèo là một mục tiêu lớn mà các ngân khoản viện trợ của các nước đã phát triển và các định chế lớn như Ngân hàng Thế giới vẫn còn đổ vào guồng máy nhà nước Việt Nam mỗi năm, mặc cho những lời tuyên bố đầy tự hào của ông Nguyễn Tấn Dũng về thành quả xoá đói giảm nghèo và cho rằng Việt Nam đã vượt lên tới hàng các “quốc gia trung lưu”. Ông Dũng cũng là người tuyên bố quyết tâm đặt việc chống tham nhũng lên hàng ưu tiên quốc gia ngay sau khi nắm chức Thủ tướng năm 2006.
Tham nhũng cấp nhà nước ở Việt Nam là một thực trạng hiển nhiên từ trên xuống dưới. Với mức lương cán bộ nhà nước trong một quốc gia còn thuộc hàng nghèo khó, và khởi đi từ một tiểu sử cá nhân làm giao liên và y tá từ năm 12 tuổi của ông Nguyễn Tấn Dũng, khó có thể giải thích thỏa đáng làm cách nào mà ông Dũng có thể xây tậu một cơ ngơi hoành tráng với nhà thờ họ và một hệ thống làm ăn riêng khổng lồ như hiện nay.
Tham nhũng ở Việt Nam cũng là một thực trạng đã kéo dài từ hàng mấy mươi năm. Lê Khả Phiêu cũng đã từng khoe khoang với thuộc hạ thân tín cơ ngơi đồ sộ với nhiều đồ trang trí đắt tiền bằng ngà voi và gỗ quý. Đỗ Mười cũng từng thú nhận có nhận quà cá nhân trị giá 10 triệu đôla, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế cho công ty và nhà nước, tặng vật có giá trị hơn một con số nhỏ hơn gấp 10,000 lần (trên dưới 100 đôla) đã không còn có thể xem là quà cá nhân mà phải gọi chính xác đó là quà hối lộ của phía người tặng, và tham nhũng của phía người nhận.
Trong một xã hội như Việt Nam, nơi nhất nhất mọi việc đều do đảng Cộng Sản Việt Nam định liệu trong mục tiêu “vì Đảng và cho Đảng”, mà việc phối trí nhân sự là yếu tố then chốt để đạt được và duy trì những mục tiêu đó. Vì vậy, sự lựa chọn và phối trí nhân sự từ bao nhiêu năm nay vẫn được đặt dưới lăng kính "hồng hơn chuyên"; và dù các nhân sự được phe cánh nào trong đảng bố trí đi nữa thì với tiêu chuẩn vừa kể, duy trì sự kiểm soát của đảng trong mọi sinh hoạt xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu. Từ đó mới có thể củng cố được lợi ích của các nhóm quyền lực trong đảng. Do đó, gốc rễ tham nhũng đã đâm sâu vào mọi lãnh vực và sinh hoạt trong xã hội qua việc phối trí nhân sự như vừa kể. Rễ tham nhũng bên dưới cần tàng cây bên trên, trước là để được cài vào những vị trí béo bở, sau để được tán lọng bên trên che chở khi cần thiết. Ngược lại tàng cây tham nhũng bên trên cần cỗi rễ sâu rộng bên dưới, để trực tiếp bòn rút nhân dân và vận chuyển tài lộc lên trên. Đây là sinh hoạt hữu cơ của chế độ, một sinh hoạt cần đến tham nhũng như cây cần nhựa để duy trì sự tồn tại của cả hệ thống.
Tham nhũng dễ sinh lãng phí, vì khi có thừa mứa tiền của không do mồ hôi nước mắt tạo ra, lại không bị bó buộc trong trách nhiệm sử dụng đồng tiền, nên những kẻ cầm quyền dễ dàng chi tiêu hoang phí những đồng tiền tham nhũng đó vào những việc vô bổ. Trong một hệ thống vô trách nhiệm và với quyền lực trong tay, họ dễ dàng vẽ vời ra những dự án to lớn, hào nhoáng nhưng không thiết thực, chỉ cốt sao có thêm môi trường và phương tiện để phục vụ lợi ích cá nhân và nhóm lợi ích của họ; đồng thời họ cũng dễ dàng lẩn tránh, đùn đẩy khi bị quy trách. Vì vậy mà khi tác hại của những vụ tham những quá to lớn, không thể che dấu được nữa, thì dù một vài cá nhân phải nhận trách nhiệm, bị kiểm điểm trong đảng, nhưng chịu trách nhiệm và kiểm điểm như thế nào? với ai?... thì chẳng ai biết. Cả nước đã được xem những màn nhận lỗi, kiểm điểm một cách qua quít, đánh bùn sang ao, của các cá nhân và cơ quan trách nhiệm trong các cuộc chất vấn tại quốc hội khoá họp vừa rồi. Vì thế mà những vụ việc tham nhũng hay tạo cơ hội cho tham nhũng cứ liên tục diễn ra với nhịp độ ngày càng dồn dập hơn và mức độ ngày càng to lớn hơn. Từ vụ PCI, PMU 18, đến giấc mơ làm quả đấm thép Vinashin, và gần đây các vụ tiêu tán hàng tỷ đô la cho dịp Kỷ Niệm Ngàn Năm Thăng Long qua các tân trang hàng mã bề ngoài, qua phim ảnh vô giá trị nghệ thuật, xa rời văn hóa dân tộc,... Tất cả đều là những chứng cứ không thể chối cãi về sự lãng phí, vô trách nhiệm của nhà cầm quyền; và tất cả đều núp sau cái gọi là “cơ chế” để thực hiện cũng như để chạy tội. Nhà nước tưng bừng tiêu tốn cho Ngàn Năm Thăng Long, để mặc cho báo đài ngoại quốc âu lo cho thân phận những em bé ăn xin những đồng tiền lẻ bị công an đuổi khỏi thủ đô; mặc cho Hội Hồng Thập tự, các tổ chức nhân đạo trong ngoài nước, và thậm chí để cả chính quyền các nước bạn lo cứu trợ cho nạn nhân những trận bão lụt mỗi năm mỗi khốc liệt hơn.
Do những nguyên nhân thâm căn cố đế, do cơ chế phi lý nên có một bộ chính trị, một trung ương đảng không hề được đề cập đến trong hiến pháp, nhưng lại độc tôn, độc quyền chi phối toàn bộ sinh hoạt quốc gia một cách độc đoán, không một ai hay một cơ quan nào chế ngự, kiểm soát được; mà chuyên quyền thì sinh ra lạm quyền, lạm quyền sinh ra tham nhũng. Vì vậy không thể nào tự biện minh bằng luận điệu "ở đâu cũng có tham nhũng", nên Việt Nam có tham nhũng cũng chỉ là bình thường. Kiểu khỏa lấp, đánh đồng các nước đều có tham nhũng như vừa kể chỉ cốt để che lấp những cái “không giống ai”, vốn là những thứ phát sinh ra tham nhũng ở Việt Nam. Những quốc gia minh bạch đứng đầu bảng về thành tích không có (hoặc ít) tham nhũng là vì họ có sự minh bạch về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ chế được quy định trong hiến pháp. Các sinh hoạt quốc gia đều dựa trên nền tảng pháp trị; lại có tự do ngôn luận để giúp sức phát hiện, ngăn chặn cái xấu, đề xướng và phát huy cái tốt. Có xã hội dân sự vững vàng để thực hiện hoặc điều hướng những sinh hoạt không thuộc về nhà nước cũng như về kinh tế, v.v... Các quốc gia đó không hề có bộ chính trị hay trung ương đảng của bất cứ một đảng phái nào độc chiếm quyền hành hoặc đòi lãnh đạo toàn diện xã hội. Được lãnh đạo hay không là do quyết định của người dân bằng lá phiếu qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng định kỳ theo hiến định. Và đó cũng là những nền tảng cho sự ổn định xã hội. Người ta có thể dễ dàng thấy điều này qua một số các quốc gia dân chủ đôi khi có khủng hoảng chính trị, các chính phủ bị thay đổi nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn; nhưng không vì thế mà sinh hoạt quốc gia bị hỗn loạn. Ngoài ra, những điều vừa nêu cũng chính là điều kiện cần thiết để bảo đảm không cá nhân hay phe nhóm nào tham nhũng mà vẫn có thể ung dung tiếp tục từ đời cha đến đời con trên đầu, trên cổ người dân.
Với những dữ kiện so sánh vừa nêu, người ta thấy việc thủ tướng và bộ máy cầm quyền tại Việt Nam hùng hổ tuyên bố quyết tâm diệt tham nhũng, hay cho tòa án xét xử một vài bộ mặt không còn dùng được nữa chỉ là những trò hề, không giúp gì cho việc chống tham nhũng. Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể đã quen thói tật nói cho qua, như quen ký cam kết quốc tế rồi quên, nhưng trong thời đại mới, với tài lực chắt chiu, kinh tế trồi sụt, khi người dân các nước cấp viện chất vấn chính nhà cầm quyền của họ về mọi chi tiêu trong ngoài, trong tinh thần minh bạch (transparency) và trách nhiệm (accountability), thì rồi sẽ đến lúc nhà nước Việt Nam với các áp lực quốc tế và đặc biệt là sự đấu tranh ngày càng rộng lớn của người dân, sẽ không thể tiếp tục hành xử trịch thượng đối với người dân Việt Nam như hiện nay.
Đối với người Việt Nam, thời hạn để nhà nước hiện nay chứng tỏ thiện chí và quyết tâm cải sửa đã kéo dài hàng mấy chục năm, nhưng họ càng sửa thì càng sai. Nếu người Việt Nam không muốn mang nỗi nhục cho đến đời con cháu, thì không còn cách nào khác ngoài việc tham gia, tự mình tháo gỡ các cơ chế gây nên sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính cái độc quyền cai trị đó đẻ ra nhà nước độc tài, nhân sự tham nhũng, công an bạo lực, và những luật lệ chồng chéo,... tất cả cốt chỉ để làm đệm êm cho ghế ngồi của các lãnh tụ. Tham gia tháo gỡ như thế nào, thì phương thức đấu tranh bất bạo động đã chỉ ra hàng trăm cách, mà mỗi người đều có thể tham gia trong vị trí, hoàn cảnh của mình. Đây là cách tháo gỡ độc tài hữu hiệu, không gây đổ máu, mà nhà cầm quyền độc tài dù có biết cũng phải bó tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét