2010/12/28

Báo Nhật nghĩ gì về lãnh đạo Việt

Ngô Văn

Những nhật báo lớn tại Nhật đều có ấn bản tiếng Anh và văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia, nhưng ngoại trừ tờ Akahata của đảng Cộng sản Nhật, chẳng có tờ nào mở văn phòng thường trú cho đặc phái viên của họ ở Hà Nội. Khi cần đến Việt Nam thu tin thì họ cử phóng viên, ký giả ở Bangkok hay Singapore sang. Có những tin tức hay ký sự chỉ đăng trên ấn bản tiếng Nhật, mà không trên ấn bản Anh ngữ hoặc ngược lại. Nhưng nếu là chuyện quan trọng đối với thế giới, đặc biệt được dư luận Nhật quan tâm nhiều, thì tin đó được đăng tải trên cả hai ấn bản.
Bản tin đầu tiên tiết lộ về kết quả chọn lựa nhân sự lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cho nhiệm kỳ tới được ký giả Takeshi Fujitani, Trưởng văn phòng đại diện tờ Asahi ở Bangkok, gởi về Tokyo vào ngày 16/12/2010 và xuất hiện ngay trên ấn bản tiếng Anh của tờ Asahi. Lập tức báo, đài của nhiều nước khác mua bản tin này để loan tải. Trong khi đó, ấn bản tiếng Nhật của tờ Asahi lại thong thả, hai ngày sau mới lên tin; và không thấy báo hay đài phát thanh nào khác của Nhật loan tải tiếp tin này. Như thế có nghĩa là đối với người dân Nhật, tin tức đó không thuộc loại đáng quan tâm.
Mãi đến tối ngày 20/12/2010, trong chương trình News Station của đài TV Asahi mới nhắc đến tin vừa kể với một câu nhận định ngắn gọn “chắc chẳng có gì thay đổi”. Theo các chi tiết trong mục này thì ông Nguyễn Phú trọng được mô tả là người của phe bảo thủ, giáo điều, thân Trung quốc, từng phụ trách công tác lý luận của đảng CSVN. Riêng ông Trương Tấn Sang có quan hệ với Nhật một chút khi ông ta nắm chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và Bí thư Thành ủy thành phố Sài Gòn. Còn ông Nguyễn Tấn Dũng được dư luận Nhật biết đến nhiều qua những vụ tham nhũng lớn liên quan đến tiền viện trợ ODA của Nhật cho Việt Nam. Các vụ chấn động như PMU18, hay vụ hãng PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ để được trúng các gói thầu trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây ở thành phố Sài Gòn, v.v. đều bị lộ ra trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Dũng. Còn ông Phạm Quang Nghị thì hoàn toàn không được nhắc đến.
Thực ra đối với nhiều người Nhật quan tâm thì tin về những khuôn mặt lãnh đạo Hà Nội được hội nghị trung ương 14 lựa chọn chỉ là một tin không chính thức, hay chỉ là tin đồn mà thôi. Nhưng xét cho cùng thì dù là bốn khuôn mặt này hay những khuôn mặt khác không còn được nhắc đến nữa trong cuộc chạy đua giành mấy cái ghế quyền lực lần này như Hồ Đức Việt, Tô Huy Rứa, thì cũng chẳng có gì thay đổi đối với Tokyo. Chính sách viện trợ của Nhật cho Hà Nội vẫn thế. Tokyo thừa biết bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng CSVN hiện nay cũng đều khét tiếng tham nhũng. Họ cũng biết tiền viện trợ ODA của Nhật không đến tay người dân bao nhiêu, mà phần lớn chạy vào túi riêng quan chức, cán bộ các cấp. “Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ”. Đây cũng chẳng phải là điều lạ đối với người dân Việt Nam. Các hãng thông tấn “vỉa hè” ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn có lẽ còn biết tin tức nhiều hơn và bình luận sâu sát hơn về nạn “rút ruột quốc gia” trong hàng ngũ lãnh đạo đảng CSVN. Đối với Tokyo, tuy chính phủ Nhật biết rằng tình trạng tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam hiện nay là quốc nạn, hết thuốc chữa, nhưng họ vẫn viện trợ, vì đây cũng là một nhu cầu của Nhật. Vì qua đó họ có thể ép buộc Hà Nội phải dành nhiều quyền lợi cho giới đầu tư Nhật, dù rằng như vậy sẽ gây thiệt hại cho người Việt Nam. Chỉ khi nào quá lộ liễu như vụ PCI, khiến dư luận Nhật chú ý và lên án thì họ mới đặt thành vấn đề.
Tokyo cũng biết bất kỳ ai lên cầm quyền ở Hà Nội thì cũng đều dựa vào Bắc Kinh, nhưng có lẽ họ không ngờ giới lãnh đạo Hà Nội lại bạc nhược và lệ thuộc đến độ chẳng một lãnh đạo nào của đảng CSVN như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng,.... lên tiếng chính thức phản đối hành động lấn chiếm của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa như thủ tướng hay ngoại trưởng Nhật vẫn thường đề cập đến đối với mấy hòn đảo nhỏ của Nhật bị Nga chiếm đóng từ sau thế chiến thứ hai. Bởi vậy khi xẩy ra những sô sát giữa Trung Quốc và Nhật ở đảo Điếu Ngư (Senkaku), Việt Nam là nước cùng cảnh ngộ có biển đảo bị xâm chiếm, lẽ ra Hà Nội phải tiên phong lên tiếng và đứng cùng phía với Nhật. Sự im lặng yếu ớt của lãnh đạo Hà Nội có lẽ cũng khiến Nhật thất vọng trong khi họ đang tìm những hậu thuẫn quốc tế trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Nay tin tức về những người sắp lên lãnh đạo Việt Nam trong thời gian tới cho thấy cũng chỉ là những khuôn mặt cũ trong cái tập thể lãnh đạo “rất nhát với giặc, rất bạo với dân” ở Hà Nội, nên lời bình luận “chắc chẳng có gì thay đổi” của đài TV Ashahi có nhiều phần cũng là quan điểm của chính phủ Tokyo.
Đối với người Việt Nam, bản tin của tờ Asahi dù đúng hay sai, dù có khác ít nhiều với những đồn đoán trong dư luận, thì cũng chẳng có gì là quan trọng. Bởi vì hơn ai hết, người dân Việt nam đều biết rằng dù Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang,... hay ai ai đó trong bộ sậu lãnh đạo đảng CSVN hiện nay lên ngồi vào những chiếc ghế quyền lực thì đất nước và xã hội Việt Nam vẫn không đi lên được. Đó là chuyện riêng của đảng CSVN mà nhân dân không hề được dự phần vào. Nhưng điều trớ trêu là toàn bộ xã hội lại bị nhóm người đó cai trị, chẳng khác nào thời kỳ đất nước bị thực dân đô hộ, khi mà những người cai trị được mẫu quốc phái tới, người dân chỉ được coi là hạng nô lệ, nên mọi ý nguyện đều bị lãnh đạo bỏ ngoài tai. Vì vậy, muốn thay đổi lối cai trị “thực dân bản xứ” này, không còn cách nào khác hơn là đấu tranh để chấm dứt sự cai trị của nó. Ý thức được điều này nên dù trong bối cảnh bị kìm chế nghiệt ngã, càng ngày các lực lượng đấu tranh của dân tộc Việt Nam càng gia tăng về số lượng, càng thêm tinh vi trong cách thức đấu tranh, và càng lan tỏa vào nhiều lãnh vực của đời sống xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét