Global Post
Helen Clark
Bản dịch của NTK
Bản dịch của NTK
Ngày 4 tháng 10, 2010
Mới nhìn thì các biển quảng cáo của Nokia cho điện thoại kiểu C3 chẳng có vẻ gì đáng lưu ý.
Như nhiều quốc gia khác trong vùng, Việt Nam cũng thuộc loại mê say điện thoại di động, và đâu trong các thành phố lớn cũng có quảng cáo cho các thương hiệu. Nhưng các biển Nokia này nổi bật ở chỗ chúng quảng bá tính năng của điện thoại C3 cho phép truy cập vào trang chat của Facebook, trong khi trang chat này và toàn bộ Facebook đương bị chận. Làm thế nào mà một công ty có thể luồn lách hệ thống ngăn chận một cách hiên ngang như vậy?
Trước hết theo các chuyên gia thì hệ thống này cũng chẳng nghiêm ngặt lắm. Tường lửa của Việt Nam gần giống một hàng rào tre bốc khói hơn là cái Tường Lửa Vĩ Đại của Trung Quốc, nghĩa là nó gây phiền phức hơn là cấm đoán thẳng thừng.
Như Trung Quốc, Việt Nam cũng đã đang lấn cấn giữa việc gặt hái được cái lợi từ sự mở rộng của internet, và nhu cầu duy trì quyền kiểm soát thông tin, mà tường lửa là một biện pháp để hạn chế các sinh hoạt tranh đấu trên mạng và những sinh hoạt khác có thể gây hại cho nhà cầm quyền.
Việt Nam chận lối vào Facebook lần đầu vào khoảng cuối năm 2009, trong một kế sách ngăn chận thiếu chu đáo mà nhà nước chưa bao giờ công khai nhìn nhận. Không lâu sau khi có lời đồn đại trên mạng rằng một quy định ngăn cấm vừa ban hành có nêu tên tám trang trong đó có Facebook, các nhà dịch vụ internet đã bắt đầu chận trang xã hội này có khi liên tiếp trong vòng mấy ngày. Nhưng rồi chỉ vài tuần sau ai nấy đã biết cách mày mò sửa hệ tên miền (DNS) để vượt tường lửa, hay truy cập bằng ấn bản Facebook Nhẹ tuy ít tính năng hơn nhưng còn vào được.
Nguyễn Thanh Hải, một nhà tư vấn tiếp thị cho biết qua Faceboo chat: “Việc ngăn chận này không kỹ càng, bạn chỉ cần đổi DNS là qua mặt được”.Khác với Trung quốc ngăn chận trang mạng từ chặng các nhà cung cấp dịch vụ Internet, Việt Nam chỉ chận từ hệ tên miền, tức là nhà nước chỉ buộc các nhà dịch vụ phải hướng máy chủ đi chỗ khác thay vì chận không cho vào trang. Do vậy tường lửa của Việt Nam dễ vượt qua hơn là ở Trung quốc, nơi có khoảng 30 ngàn người kiểm duyệt có nhiệm vụ truy tìm các nội dung bị cấm trên mạng.Một chuyên gia điện toán dấu tên cho biết vượt qua cách chận này dễ như chơi, vì chỉ cần thay hệ tên miền của dịch vụ bằng một trong nhiều hệ khác nhan nhãn trên mạng, chẳng hạn như DNS của Google.
Vì cách vượt khá dễ, mà cũng chẳng có thông báo chính thức ngăn cấm nên người dùng Facebook ở Việt Nam, với số lượng lên trên một triệu, vẫn có thể coi mình vô tội để tiếp tục chat, điền tên trong ảnh, hay chơi Farm Ville (Làng Nông).
Ngoài Nokia, các công ty nước ngoài có mặt tại Việt Nam cũng vẫn quảng cáo trên Facebook, tuy một ít trong số này cho biết họ có lo nghĩ về khía cạnh hợp pháp của sự việc. Một số khác, như hiệu mỹ phẩm Clean and Clear, thì dùng Zing, một trang mạng xã hội (TMXH) của Việt Nam khá phổ biến với thế hệ tiêu dùng thuộc lớp tuổi ít hơn người trên Facebook. Riêng Nokia thì đã không liên hệ để tham khảo được.
Trái với một quy định nhà nước được loan báo rộng rãi năm 2008 theo đó các bloggers có thể viết hay không được viết những gì, việc ngăn chận Facebook ít có viên chức nhà nước nào nhắc đến. Vài tuần sau khi chiến dịch bắt đầu, báo điện tử Vietnam Net Bridge có tường thuật trong một bài hàng đầu rằng Bộ Ngoại giao đã xác nhận để đáp ứng âu lo trong quần chúng các cơ quan nhà nước đang rà soát nội dung của một số TMXH. Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ, tuyên bố rằng một số TMXH đã bị lạm dụng để (nguyên văn) "chuyên chở thông tin có nội dung chống lại nước CHXHCNVN... đe dọa an toàn thông tin". Nói cho gọn thì bà này đã thừa nhận điều mà ai cũng đã cảm thấy từ lâu: có một nhóm tranh đấu đã cho ra một trang chống lại việc nhà nước cho khai thác mỏ bô-xít đáng giá bạc triệu trên vùng cao Trung phần.
Với 25% dân số cũng là cư dân mạng Việt Nam có mật độ sử dụng internet thuộc hạng cao nhất trong vùng. Viết blog đã trở nên thông thuộc từ nhiều năm nay, và cờ bạc trên mạng đã phổ biến đến nỗi một vài trung tâm cai nghiện đã mở cửa để trị liệu những người mắc nghiện cờ bạc. Ngay cả các quán café ngoại ô cũng có trang bị WiFi đầy đủ, thường là miễn phí cho khách.
Những năm gần đây nhà nước đã xuống tay lùng bắt và giam giữ nhiều người viết blog. Nhà nước cũng bị tố cáo trong việc dò thám thông tin và xâm nhập vào những trang mạng họ cho là có hại.
Trung Quốc chận Facebook vào tháng 7 năm 2008, và sau đó chận luôn cả Youtube và Twitter. Chẳng bao lâu sau đó Việt Nam cũng noi gương Trung Quốc trong việc kiểm duyệt Internet.
Gs. Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc Trường Võ Bị Úc Châu nhận định rằng: “Tầm vóc và tài lực của Trung Quốc khác hẵn Việt Nam. Tôi nghĩ là Việt Nam có quyết tâm chính trị nhưng lại thiếu tài lực. Vì thế mà việc kiểm duyệt tại Việt Nam không nặng nề như tại Trung Quốc”.
Nỗ lực ngăn chận của Việt Nam đã bị chỉ trích nặng nề. Nhóm Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên án sự cấm cản, sự bắt bớ người viết blog, và phần mềm dò thám phải thiết kế trên mọi máy tính công cộng ở Hà Nội hạn chót là năm 2011.
Tại hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN ở Hà nội tháng 4 vừa qua Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ bà Hillary Clinton cũng bày tỏ quan ngại rằng, “Tại Việt Nam việc truy cập vào các mạng xã hội phổ thông bổng dưng không được nữa,” và bà cũng lên án việc bắt giữ các blogger và các vụ tin tặc xâm nhập phá hoại các nhà hoạt động và trang mạng.
Đại sứ Anh quốc Mark Kent cũng từng viết blog bằng tiếng Việt và Anh từ hai năm nay trên trang nhà Đại sứ quán, nơi đã mở ra trang Facebook của mình tại Việt Nam sau khi có việc cấm cản. Theo tòa đại sứ, trang này đã có thêm 3 người kết bạn mỗi ngày. Ông nhận xét, "chẳng ai trong nhà nước tuyên bố Facebook bị cấm ... Cấm cản cũng chẳng có vẻ có hiệu quả, vì người ta có cách vượt qua. Chúng tôi cũng từng minh xác rằng cấm cản internet cách vô tội vạ chỉ gây hại cho một xã hội đang phát triển. Nước này đến được chỗ đứng hiện giờ cũng nhờ mở cửa ra với bên ngoài".
Việt Tân, một đảng tranh đấu có trụ sở tại hải ngoại gần đây đã khởi dậy một chiến dịch vượt tường lửa (No Firewall). Bà Angelina Đỗ, phát ngôn viên của Đảng tuyên bố qua điện thư rằng "thật là một điều khích lệ khi đa số người dùng Facebook biết cách làm sao truy cập, tuy nhiên họ cũng còn là một phần nhỏ của số người dùng internet tại Việt Nam... Nhu cầu kiến thức về cách thoát vượt rào cản và bảo mật trên mạng rất cần cho cả nước Việt Nam".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét