2010/10/30

Bài phát biểu của DB Hayes tại Quốc hội Úc về vấn đề vi phạm nhân quyền tại VN

Chris Hayes

Thứ Hai ngày 25 tháng 10, năm 2010
Ông HAYES (Fowler) (9:30 PM) --- Tôi xin được phát biểu về một vấn đề nhân quyền đáng quan tâm tại Việt Nam. Sau lần phát biểu sau cùng của tôi về vấn đề này, trong vòng năm tháng qua, nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm bốn nhà đấu tranh cho nhân quyền. Ông Phạm Minh Hoàng, 55 tuổi, giảng viên trường Đại Học Bách Khoa tp. HCM, bị bắt ngày 13 tháng 8. Mục sư Dương Kim Khải, 52 tuổi, thành viên của Giáo hội Mennonite tại Việt Nam, bị bắt vào ngày 10 tháng 8. Bà Trần Thị Thúy, một tiểu thương gia 39 tuổi, cũng bị bắt cùng ngày 10 tháng 8 tại tỉnh Đồng Tháp. Ông Nguyễn Thành Tâm, một nông dân 57 tuổi, bị bắt vào ngày 18 tháng 7 tại Bến Tre.
Những người này đã bày tỏ một cách ôn hòa mối quan tâm của họ về vấn đề công bằng xã hội và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Điều đáng lo âu là gia đình ông Phạm Minh Hoàng không biết ông đang bị giam giữ ở đâu, mặc dầu đã nhiều lần hỏi thăm tin tức nơi nhà cầm quyền. Tôi được biết là gia đình ông bị nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu liên tục. Tôi cũng được biết thêm là nhà cầm quyền Việt Nam đang giam gìữ những tù nhân chính trị và cáo buộc họ tội "âm mưu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa", một tội danh có thể dẫn đến án tử hình. Dân Biểu vùng McMahon và tôi đã viết thư gởi Bộ Trưởng Ngoại Giao Úc, yêu cầu ông sử dụng mọi khả năng về quan hệ ngoại giao với Việt Nam để bảo đảm là những tù nhân chính trị được đối xử đúng mức.
Tình hình nhân quyền đáng lo ngại tại Việt Nam lại đến gần Úc hơn vào đầu tháng này với việc bắt giữ bà Võ Hồng, một công dân Úc gốc Việt. Bà Võ Hồng đã tham dự vào một cuộc tập họp ôn hòa tại Hà Nội cổ võ cho việc cải tổ dân chủ tại Việt Nam. Điều đáng mừng là bà Võ Hồng đã được trả tự do và đã trở về Úc vào cuối tuần qua. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều muốn gởi tới bà Võ Hồng cùng gia đình bà những lời chúc tốt đẹp nhất.
Những việc bắt bớ nêu trên một lần nữa cho thấy rằng sự vi phạm nhân quyền, đáng tiếc thay, lại xảy ra quá thường xuyên ở Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, hàng chục những nhà đấu tranh cho dân chủ, cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền, và những nhà phê bình trên mạng, đã bị bắt kể từ năm 2009. Họ bị bắt giữ trên những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như "tuyên truyền chống chế độ" hay "lạm dụng quyền tự do dân chủ". Có khoảng 400 người đang bị cầm tù tại Việt Nam vì đã thực thi những quyền căn bản. Thành thực mà nói, tất cả chúng ta phải thấy đó là một sự kinh hoàng.
Một kinh hoàng khác nữa là luật pháp Việt Nam cho phép "giam giữ hành chánh" mà không cần xét xử. Hơn nữa, những nhà đối kháng và những người bị coi là đe dọa an ninh quốc gia có thể bị cuỡng bức đưa vào bệnh viện tâm thần hoặc những trung tâm cải tạo do nhà nước quản lý. Đối với những công dân Úc đang được hưởng các quyền tự do trên xứ sở này thì đây hẳn là điều đáng kinh tởm.
Vì Việt Nam là một phần tử của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, cộng đồng quốc tế có quyền chờ đợi Việt Nam tôn trọng những quyền dân sự của người dân, bao gồm những quyền căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, và tự do hội họp. Đó là những cam kết khi chúng ta ký tên vào Công Ước, cũng như Việt Nam khi ký tên vào Công Ước. Từ khi tham gia vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Việt Nam đã đạt được những thành quả kinh tế đáng khen ngợi. Tuy nhiền, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền vẫn còn là một mối quan tâm.
Tôi xin cám ơn Đảng Việt Tân đã lưu ý tôi về những vấn đề đáng quan tâm này. Việt Tân là một tổ chức đấu tranh cho dân chủ có thành viên ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới. Mục tiêu của Việt Tân là dân chủ hóa Việt Nam bằng phương cách ôn hòa với sự tham gia của người dân.Tôi vui mừng đã có dịp được làm việc chung với Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, một Bác sĩ chuyên khoa về tim tại bệnh viện Liverpool nằm trong địa hạt tôi. Bác sĩ Phong là một thành phần lãnh đạo của Việt Tân tại Úc, và cùng với một nhà hoạt động Việt Tân khác, ông Nguyễn Tấn, là những người tranh đấu mạnh mẽ cho việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Bác sĩ Phong hiển nhiên đã được hưởng một sự giáo dục rất tốt tại Úc và ông cũng đang đóng góp trở lại cho xứ sở này, một cách rất thiết thực, qua công việc ông đang làm tại bệnh viện Liverpool. Tuy nhiên, ông cũng không quên đấu tranh cho những người Việt đang còn ở tại quê nhà. Tôi kính trọng Bác sĩ Phong vì ông là một người rất mực liêm chính và tôi cũng xin khen ngợi ông và những thành viên khác của Việt Tân vì những quyết tâm của họ trong nỗ lực cải thiện nhân quyền tại Việt nam. Tôi thực tâm mong rằng những nỗ lực của họ sẽ mang lại kết quả.
Có một số những tổ chức khác tại Úc cũng đang hoạt động để cải thiện đời sống người Việt Nam. Một trong những tổ chức này là Vietnam Vision, Trong địa hạt tôi, Phù Luân Hội vùng Tây Liverpool hàng năm tài trợ cho một nhóm bác sĩ giải phẫu tại địa phương qua Việt Nam giải phẫu cườm mắt miễn phí cho khoảng 300 người nghèo, phục hồi thị lực cho họ. Thành viên Phù Luân Hội cũng tự túc tháp tùng các bác sĩ và đảm nhận phần vụ tiếp liệu cho đoàn.
Mới đây, tôi vui mừng có dịp được gặp gỡ thành viên Phù Luân Hội (Rotary Club) và các vị địa phương gồm: Ô. Đặng Trung Chỉnh, BS William Trịnh, BS Lê Đức Hồng, Ô. Nguyễn Thuận, Ô. Charles Hill, Ô. Joe cauchi, và Ô. Ted Mlynarz. Thật là bổ ích được nghe trực tiếp những người trong phái đoàn thiện nguyện thuật lại những kinh nghiệm của họ tại Việt Nam và hoàn cảnh thực hiện các cuộc giải phẫu. Sau chuyến sang Việt Nam lần đầu tiên, Ted Mlynarz đã viết:
“ Tôi đã có thể nhin thấy những bệnh nhân, đã được chuẩn bị sẵn sàng để giải phẫu, đang chờ đợi tới lượt. Tôi nhìn thấy sự lo lắng, có thể phần nào sợ hãi. Tuy nhiên, sau khi được giải phẫu, tôi đã nhìn thấy ở họ sự thoải mái và vui mừng.”
Đây là một tổ chức địa phương đã làm thay đổi đời sống của người Việt Nam được tốt đẹp hơn. Những thiện nguyên viên của Vietnam Vision trong địa hạt tôi đã không ngồi nhìn một cách bàng quang những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Họ đã chọn lựa thay đổi nó bằng hành động. Tôi xin ngợi khen những hành động đó.
Để kết thúc, tôi có thể nói rằng, trong vòng vài năm trở lại đây, số người bị bắt tại Việt Nam vì đã cổ vũ cho nhân quyền đã gia tăng một cách đáng ngại. Những tội trạng mà họ bị cáo buộc bao gồm: tham gia vào tổ chức chính trị không được nhà nước thừa nhận, phê bình chính sách của nhà nước, kêu gọi dân chủ hóa, trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn nước ngoài, biện hộ trong các phiên xử hoặc cố vấn về mặt luật pháp cho các nhà đối kháng. Trên phương diện một quốc gia, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để thúc đẩy Việt Nam phải tôn trọng Đạo Luật Nhân Quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 1998. Úc là một quốc gia rất tôn trọng nhân quyền. Điều đó thể hiện rõ ràng qua hệ thống chính trị và tư pháp của chúng ta, và nói một cách thẳng thắn, nó tiềm tàng trong nền văn hóa của chúng ta. Vì vậy bổn phận của chúng ta, trong mọi trường hợp, là phải cổ vũ cho nhân quyền tại tất cả các quốc gia.
Một lần nữa, tôi khẳng định rằng tôi hỗ trợ tất cả những tổ chức trong địa hạt bầu cử của tôi đã làm rất tốt trong những lãnh vực như nhân quyền tại Việt Nam. Tôi xin kính chào những thiện nguyện viên của Vietnam Vision mà tôi đã nêu tên, đã tự nguyện nhận lấy trách nhiệm làm đời sống người khác được tốt đẹp hơn, những người mà tự thân họ, không thể có cơ hội được giải phẫu cườm mắt. Những thiện nguyện viên của Vietnam Vision đã mang những giải phẫu đó tới tầm tay những người nghèo tại Việt Nam. Họ đáng được khen ngợi.
PDF - 112.4 kb
MP Hayes_Vietnamese Human Rights

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét