Ngô Văn
Vào đầu tuần qua, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã cho đi một bài xã thuyết lên án thật nặng ông Shigeo Hiramatsu về một bài bình luận của ông ta mang tựa đề ’’Bản chất hiếu chiến của Trung quốc’’. Tân Hoa Xã liệt ông Hiramatsu vào thành phần cực đoan, luôn tìm cách vu khống, đánh phá Trung quốc về mọi mặt để mong khỏa lấp những tội tày trời mà Phát-Xít Nhật đã gây ra trong thời kỳ chiếm đóng Trung quốc trước đây. Sau đó, bà Khương Du, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc, trong một cuộc họp báo với lời lẽ cay cú nói rằng: "Tôi không biết cái ông Hiramatsu là ai, nổi tiếng như thế nào ở Nhật, nhưng rõ ràng là ông ta muốn phá hoại tình hữu nghị hai nước Trung-Nhật. Những vùng lãnh hải của Trung quốc thì tàu bè của chúng tôi có quyền lui tới chứ, sao gọi là khống chế!".
Trong bài "Bản chất hiếu chiến của Trung quốc", ông Hiramatsu đưa ra nhiều dữ kiện cho thấy tất cả các nước trong vùng đều đang cảnh giác trước ý đồ muốn khống chế biển Đông của Bắc Kinh qua việc xâm lấn hai quần đảo Paracel và Spratly (tức Hoàng Sa và Trường Sa) và tự ý vẽ cái lưỡi bò chạy dài từ đảo Hải Nam xuống tận vùng biển Malaysia rồi ngang nhiên bảo đó là lãnh hải của Trung quốc. Chủ đích của bài viết là để cảnh giác chính quyền Nhật hiện tại, đang có chính sách ngoại giao coi trọng Trung quốc hơn cả các nước Âu Mỹ, tức những đồng minh chiến lược của Nhật từ mấy chục năm nay.Bài viết mở đầu bằng lời tuyên bố của bà Ngoại trưởng Clinton tại hội nghị ASEAN mở rộng được tổ chức ở Hà Nội vào hạ tuần tháng 7 vừa qua. Bà Clinton tuyên bố rằng sự tự do đi lại của tàu bè trên vùng biển Đông là quyền của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, nên chúng tôi phản đối bất ký quốc gia nào sử dụng vũ lực quân sự để khống chế vùng biển này.
Các nước Malaysia, Philippines, Indonesia cũng mạnh mẽ lên tiếng phản đối và sẵn sàng đương đầu với tàu chiến Trung quốc ngụy trang thành tàu ngư chính, tàu thăm dò hải dương, v.v... để lai vãng bên trong lãnh hải của những quốc gia này. Ông Hiramatsu đặc biệt đề cập: Ngay cả đối với Việt Nam, một nước cộng sản, được coi như anh em cật ruột với Trung quốc, thế mà ngư dân của họ ra khơi đánh cá trong lãnh hải của Việt Nam vẫn bị tàu Trung quốc bắn giết, bắt giữ đòi tiền chuộc. Vẫn theo tác giả Hiramatsu, thái độ khá tích cực của Việt Nam tại hội nghị ASEAN vừa qua là việc soạn thảo bản ’’Tuyên ngôn hành động mới’’ để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đông và gần đây nhất là cuộc tập dượt cứu nạn trên biển Đông chung với hải quân Hoa Kỳ. Những dấu hiệu này cho thấy chính Việt Nam cũng phải từ từ xích lại gần các nước trong vùng chống lại việc Trung quốc tìm cách khống chế biển Đông.
Năm 1973, sau hiệp định Paris, Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam, và đến năm 1992, họ bỏ luôn căn cứ hải quân Subic ở Philippines. Sự kiện đó tạo cơ hội thuận tiện cho Trung quốc thực hiện việc khống chế biển Đông, một mưu đồ mà những người cầm quyền ở Bắc Kinh ấp ủ từ lâu nhưng không tiến hành được vì sự có hiện diện của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Ngoài việc xâm chiếm nhiều hòn đảo thuộc hai nhóm Hoàng Sa và Trường Sa để xây sân bay, thiết lập quân cảng với nhiều hệ thống radar nhằm khống chế con đường huyết mạch của tàu bè đi lại vùng biển này, Bắc Kinh còn cho thành lập các đội ngư chính có khi lên đến cả ngàn chiếc vừa đánh cá vừa làm vệ tinh cho tàu chiến của Trung quốc. Sau khi làm mưa, làm gió ở biển đông, Trung quốc không dừng lại ở đây mà còn tiến lên vùng biển Đông Á, cuối tháng 4/ 2010, Bắc Kinh đưa hải quân lên tập trận ở sát lãnh hải Nhật, nhiều tàu chiến Trung quốc còn vượt eo biển Miyako (thuộc quần đảo Okinawa). Ngoài ra, tàu chiến Trung quốc còn ngụy trang thành tàu thăm dò hải dương để thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Trong cuộc tập trận vào tháng 4 vừa qua, ông Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung quốc vừa ra chỉ thị cho toàn quân vừa ngầm đe dọa các nước chung quanh rằng: "Phải luôn duy trì tinh thần chiến đấu vì chiến tranh sẽ xảy ra bất cứ lúc nào".
Theo ông Hiramatsu, nếu chờ thêm 5 năm nữa, khi Trung quốc đóng xong ba chiếc hàng không mẫu hạm thì lúc đó việc ngăn chận hành động xâm lược của Bắc Kinh sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, bây giờ là cơ hội tốt nhất để Nhật liên kết với các nước trong vùng và Hoa Kỳ ngăn chận mưu đồ khống chế biển Đông của Trung quốc.
Cho đến nay, người ta chưa thấy phía Trung quốc đưa ra được dữ kiện hay lý luận nào để đối lại những lời cảnh báo của ông Hiramatsu, ngoài những câu miệt thị và dán nhãn. Sau khi nghe các phản ứng giận dữ của Trung quốc, bình luận gia Shigeo Hiramatsu điềm đạm cho biết: "Tôi chỉ viết lại những điều mà ai cũng biết chứ có bịa thêm chuyện gì đâu mà Bắc Kinh chỉ trích tôi là kẻ muốn phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước? Chính âm mưu khống chế biển Đông của nhà nước cộng sản Trung quốc mới gây nên bất ổn, phá hoại nền hòa bình của thế giới. Đừng sợ kẻ xấu lên án mình mà im tiếng".
Tại Việt Nam, cũng có nhiều tiếng nói cảnh báo về hiểm họa Trung quốc như ông Hiramatsu, thuộc đủ loại thành phần xã hội và chính kiến, như những Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, Nguyễn Huệ Chi, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Trọng Vĩnh, Hà Văn Thịnh, v.v... Sự khác biệt duy nhất là ông Hiramatsu đang được sống tại một nước dân chủ tự do, nơi mà chính quyền không chỉ đề cao lòng yêu nước mà còn phải tuân theo ý nguyện bảo vệ đất nước của người dân. Chính quyền nào không làm được điều đó sẽ bị thay thế ngay trong kỳ bầu cử gần nhất!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét