Ngô Văn
Như đã trình bày trong bài trước, “Quá nhiều bài học từ vụ đụng tàu Hoa - Nhật”, thái độ rất khác thường của chiếc tàu đánh cá dân sự Trung Quốc cố tình đâm vào 2 tàu chiến Nhật Bản đã khiến chính phủ Tokyo quyết định gia hạn thời gian tạm giữ thuyền trưởng Zhan Qixiong, 41 tuổi, thêm 10 ngày nữa để điều tra. Đây là thời gian tạm giữ tối đa mà luật pháp Nhật cho phép.
Trong suốt tuần qua, chính quyền Bắc Kinh gia tăng mức độ phản đối Tokyo về toàn bộ sự việc Nhật Bản bắt 15 ngư phủ của họ đang hành nghề xung quanh đảo Senkaku (Trung quốc gọi là Điếu Ngư). Cả 2 nước đều nhận đây là lãnh hải của họ. Đại sứ Nhật ở Bắc Kinh đã sáu lần bị gọi đến kháng nghị, kể cả một lần bị Quốc vụ khanh Đái Thừa Quốc gọi đến bộ Ngoại giao Trung quốc vào nửa đêm để phản đối. Ngoài ra Bắc kinh cũng ra lệnh đình chỉ tất cả những cuộc hội đàm cấp bộ và cấp tỉnh giữa hai nước, kể cả các cuộc thương thuyết để gia tăng số chuyến bay giữa 2 nước và các khế ước mua bán than đá. Chính quyền Bắc Kinh cũng cho tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản tại nhiều nơi trong tuần qua và công an cố tình làm ngơ để một số “dân tự phát” phá hoại tài sản một trường học do người Nhật làm chủ ở thành phố Thiên Tân. Điều Bắc Kinh đòi hỏi là chính phủ Nhật phải lên tiếng xin lỗi, thả các ngư phủ Trung quốc, và bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, các thủ thuật cổ điển này chỉ hù dọa được những chính quyền đang sống nhờ vào Bắc Kinh, chứ đối với một quốc gia như Nhật Bản thì chẳng có tác dụng gì đáng kể. Bộ trưởng phủ Thủ tướng Nhật, ông Sengoku đã họp báo nói rằng: “Chúng tôi phản đối việc chính phủ Trung quốc nửa đêm gọi Đại sứ Nhật đến bộ Ngoại giao để kháng nghị. Chúng tôi không dễ dàng gì bỏ qua chuyện này.” Tân thủ tướng Nhật, ông Naoto Kan, tuyên bố quan điểm của chính phủ ông: đây là một vụ vi phạm pháp luật bên trong ranh giới chủ quyền của Nhật nên phải đem ra xử phạt theo đúng luật lệ hiện hành của Nhật chứ không phải một vụ đụng độ quốc tế. Bất kỳ ai vi phạm đều bị xử phạt chứ không riêng gì tàu đánh cá Trung quốc. Và hải quân Nhật đã thu hình trọn vẹn hành động cố tình khiêu khích để tạo ra một sự kiện quốc tế của chiếc tàu đánh cá Trung Quốc.Công luận Nhật Bản khi được cung cấp thêm các chi tiết về sự việc đã mạnh mẽ yêu cầu chính phủ không được nhượng bộ. Ngày 13 tháng 9, khi 14 ngư phủ Trung quốc được Tokyo trao trả cho Bắc Kinh, báo chí Nhật đã hỏi Thủ tướng Kan rằng có phải đó là một sự nhượng bộ của chính phủ Nhật hay không. Thủ tướng Kan khẳn định rằng sau một tuần lễ, giới chức phòng vệ biên giới Nhật đã điều tra xong 14 ngư phủ này và không thấy cần hỏi thêm gì nữa nên thả cho họ về. Các ngư phủ bình thường đó chỉ làm theo lệnh của một người là thuyền trưởng Xhan Qixiong. Vì vậy chỉ cần giữ lại người thuyền trưởng, và nếu cần thì đưa người này ra tòa là đủ. Hiện chưa biết thuyền trưởng Xhan đã cung khai những gì với chính phủ Nhật và liệu đó có là lý do khiến Bắc Kinh càng phải lớn tiếng đánh lạc hướng sự việc hay không.
Ngay khi được tin Tokyo sẽ trả tự do cho 14 ngư phủ Trung quốc, Bắc Kinh đưa máy bay chở về ngay, và lập tức biến họ thành phương tiện tuyên truyền. Đài truyền hình chiếu buổi đón rước linh đình như một đoàn quân chiến thắng trở về. Khi vừa đặt chân xuống phi trường Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến, mọi ngư phủ đều nói câu đầu tiên giống hệt nhau là nhờ ơn đảng và nhà nước nên họ mới được thả về. Báo đài ở Hoa lục liên tiếp loan tin này đi trong mấy ngày liền và khẳng định rằng đây là thắng lợi lớn của toàn đảng, toàn dân. Đặc biệt tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho đi những bài bình luận, xã thuyết với nội dung đổ hết trách nhiệm cho Nhật đã gây nên tình hình căng thẳng giữa hai nước như hiện nay. Tờ báo này còn phê phán cả những ai ủng hộ quan hệ hòa hoãn với Nhật vì cho rằng như thế là làm thiệt hại cho Trung Quốc. Họ khẳng định: “Không cần giao hảo tốt với Nhật chúng ta cũng dư khả năng phát triển đất nước”.
Trên nhiều trang mạng ở Trung quốc mà phần đông là do các cơ quan nhà nước quản lý, người ta thấy tràn ngập những bài viết, khẩu hiệu bài Nhật, như: “Hãy cho bọn phát-xít Nhật nếm thử vài quả tên lửa hay một trái bom nguyên tử”, “Hãy tẩy chay không mua hàng hóa Nhật”, v.v. Riêng nhóm tin tặc Liên minh Hồng khác Trung quốc ra tuyên cáo sẽ tấn công toàn bộ hệ thống vi tính, trang nhà của tất cả các cơ quan công quyền Nhật.
Theo các quan sát viên quốc tế thì sự việc này khó có thể kéo dài lâu hơn nữa khi mọi “đòn hù” đều đã được Bắc Kinh đem ra sử dụng mà không tạo được tác động nào đáng kể. Sau nhiều năm đè bẹp mọi hình thức bày tỏ lòng yêu nước của người dân, Bắc Kinh không còn có thể thuyết phục được ai, dù là công luận thế giới hay Trung Quốc, về cái gọi là “sự phẫn nộ của quần chúng” trước sự việc này. Ai nấy đều biết tất cả các cuộc xuống đường biểu tình đều do nhà nước sắp đặt và kiểm soát nghiêm ngặt. Những người “không có phận sự” không được nhập vào các đoàn biểu tình. Có người gọi đây là kiểu “ái quốc vòi nước”. Hễ Đảng mở vòi lúc nào thì được phép yêu nước lúc đó thôi.
Việc đình chỉ các cuộc hội đàm thương mãi cũng chỉ là các “đòn hù” tạm thời vì Bắc Kinh mới là phía bị áp suất nặng nề hơn nhiều trong nhu cầu tạo công ăn việc làm cho dân chúng để tránh nổi loạn xã hội. Và cả thế giới, đặc biệt là Nhật Bản và Hoa Kỳ, đều biết Bắc Kinh không dám thực sự nhấn tới các đối đầu quân sự vào lúc này. Điều mà các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sợ nhất không phải là xác suất bị hải quân nước khác đánh bại, nhưng là viễn cảnh xã hội Trung Quốc - vốn đã rất căng thẳng về cả kinh tế lẫn chính trị - sẽ nổ xập vào trong nếu thêm áp suất chiến tranh. Chỉ dấu này đã hiển thị rất rõ chỉ vài tháng trước đây trong vụ tàu Trung Quốc được lệnh rút chạy khi tàu hải quân Malaysia ra nghênh chiến.
Chính vì thế mà Bắc Kinh chỉ còn có thể to tiếng trên các báo, đài nhà nước... và làm khổ viên đại sứ Nhật thêm một thời gian ngắn nữa là hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét