2010/07/17

Việt Nam phát hành Tạp chí Nhân Quyền để chống đỡ những chỉ trích về nhân quyền

CNSNews

Tạp Chí Nhân Quyền Việt Nam được phát hành nhằm phản công lại những chỉ trích của các "thế lực thù địch" liên quan đến vấn đề nhân quyền
Thứ Năm, ngày 15/7/2010
Bài viết của Patrick Goodenough, International Editor
(CNSNews.com) - Cùng lúc với việc Hoa Kỳ và Việt Nam kỷ niệm 15 năm việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Hà Nội cho phát hành "tạp chí về nhân quyền" đầu tiên, thì một số giới ở Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi gia tăng sự quan tâm về tình trạng vi phạm nhân quyền tại quốc gia còn do cộng sản nắm quyền này.
Theo Thông Tấn Xã chính thức của nhà nước Việt Nam thì tạp chí được phát hành vào ngày thứ Tư vừa qua có mục đích đưa ra "hướng dẫn và quan điểm" của Đảng Cộng Sản Việt Nam về nhân quyền và cung cấp một diễn đàn thảo luận.
Tuy nhiên, theo Thông Tấn Xã Việt Nam thì còn một mục tiêu khác nữa của tạp chí, đó là: "Giúp thông tin cho quần chúng về những âm mưu của các thế lực thù địch dùng đề tài dân chủ và nhân quyền để phá hoại công cuộc phát triển và xây dựng đất nước. Tạp Chí sẽ là tiếng nói mạnh mẽ phản biện lại những luận điệu sai lạc đó".
Vào thứ Tư vừa qua, Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm, cùng lúc là Trưởng Ủy Ban Nhân Quyền của Chính Phủ, đã phát biểu trước một buổi phát hành tạp chí này là "bất chấp những thành quả của công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch tiếp tục dùng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và sắc tộc để bôi nhọ Việt Nam và cản trở tiến trình phát triển. Vì vậy, dân tộc Việt Nam cần phải bảo vệ nhân quyền và quyết tâm chống lại những âm mưu và những luận điệu phá hoại".
Mặc dầu đã có những tiến bộ đáng kể giữa hai nước cựu thù trong 15 năm qua, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam tiếp tục tạo sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, của các nhóm tranh đấu cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, và của những dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ có cảm tình.
Một số nhóm luật sư và những nhà làm luật vẫn thường xuyên kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao hơn cho vấn đề nhân quyền trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước, và nêu lên các trường hợp cầm tù những nhà dân chủ, việc giới hạn tự do tôn giáo và việc kiểm duyệt và giám sát internet.
Hà Nội rất tức giận trước những sự chỉ trích nói trên mà họ coi như là một phần của một chiến dịch của những nhóm tự gọi là tranh đấu cho nhân quyền nhưng mục tiêu thật sự là bôi xấu nhà nước.
Chính phủ Việt Nam đã đặt tên cho nguy cơ này là "diễn biến hoà bình" đã được định nghiã trong một bản báo cáo của Voice of Vietnam là "một phần quan trọng trong chiến lược phản cách mạng toàn cầu của các thế lực thù địch nhằm tấn công những nước xã hội chủ nghiã".
"Đem nhân quyền vào chính sách ngoại giao giữa hai nước"
Năm nay Việt Nam sẽ chủ toạ Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN), và Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ tham dự Hội Nghị các Bộ Trưởng của ASEAN vào đầu tuần tới tại Hà Nội.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết vào ngày thứ Tư vừa qua là bà Clinton cũng sẽ có những cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam liên quan đến "những vấn đề song phương cốt lõi trong vùng" và sẽ dự một bữa ăn trưa kỷ niệm 15 năm quan hệ giữa hai nước.
Trong một bức thư gửi đến bà Clinton vào ngày thứ Năm, 19 nhà làm luật Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng đã kêu gọi bà Clinton lợi dụng cơ hội này để nêu sự quan tâm liên quan đến các tù nhân chính trị và đồng thời yêu cầu "đưa vấn đề nhân quyền vào nội dung cốt lõi của quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam".
Bức thư đã nêu lên trường hợp của những tù nhân đặc biệt bao gồm nhà văn và nhà tranh đấu Trần Khải Thanh Thủy đã bị giam giữ từ Tháng 10 năm ngoái, đã bị hành hung trong khi công an bình thản đứng nhìn, và sau đó thì chính Bà lại bị cáo buộc về tội hành hung người khác, và bị kết án 3 năm rưỡi tù vào Tháng 2 vừa qua.
JPEG - 
54.6 kb
Tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam (VT)
Bức thư cũng nêu lên quan tâm về vấn đề được gọi là "một sự tấn công tinh vi và kiên trì những nhà đối kháng trên mạng" - qua một nghị định bắt buộc tất cả những cửa tiệm cung cấp dịch vụ internet phải cài đặt một nhu liệu mà chính phủ dùng để theo dõi tất cả những sinh hoạt của người xử dụng máy và ngăn chặn việc truy cập một số trang mạng.
Những người ký tên vào bức thư nói trên gồm có Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao của Quốc Hội là Dân Biểu Howard Berman và một thành viên khác của Ủy Ban là Dân biểu Đảng Cộng Hoà Ileana Ros-Lehtinen.
Đảng Việt Tân, một đảng tranh đấu cho dân chủ, bị cấm hoạt động ở Việt Nam, vào ngày thứ Năm vừa qua đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi nói trên của hai đảng và "đồng ý với các vị dân biểu Quốc Hội là nhân quyền là tối cần thiết cho việc phát triển Việt Nam".
Việt Tân cho biết sứ mạng của họ là "chấm dứt độc tài, xây dựng nền tảng cho một nền dân chủ bền vững và tranh đấu cho công lý và nhân quyền của người dân qua phương thức đấu tranh bất bạo động đặt căn bản là sự tham gia của quần chúng."
Hà Nội coi Việt Tân là một tổ chức khủng bố.
Sau việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào Tháng 7 năm 1995, vào Tháng 11 năm 2000 Tổng Thống Clinton đã là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm viếng Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Tổng Thống Bush đến Việt Nam năm 2006, và Hà Nội đã mời Tổng Thống Obama thăm Việt Nam trong thời gian Việt Nam chủ toạ ASEAN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét