2010/07/15

Phản biện bài viết của tác giả Lệ Chi trên tờ Quân Đội Nhân Dân (2)

Nguyễn Ngọc Già

Một câu nói, mà tôi đã nghe trực tiếp từ miệng một nhà báo có tuổi, có tiếng và có chức trong làng báo Việt Nam khi ông ta khuyên lớp trẻ: "Nếu chưa vô (Đảng) thì đừng vô, nếu lỡ vô rồi thì ráng... đừng ra(!)", câu nói này cho người dân thấy rõ việc gia nhập Đảng CSVN không hề là việc đầy lý tưởng và tự do như nhiều người đang nghĩ.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy, nhiều vị Đảng viên lâu năm, "chửi" Đảng rất "dữ", nhưng khi người khác (ngoài Đảng) bảo họ: "vậy thì "ra" đi!", họ lại chùn hẳn xuống và... im lặng hoặc kiếm cớ lảng sang câu chuyện khác(?!) Yếu tố tự nguyện khi tham gia các chính đảng là điều tự nhiên của mỗi người có lý tưởng, điều này hiện nay hoàn toàn không có khi ai đó muốn gia nhập Đảng.
Chúng ta có thể liên tưởng đến nhà văn Phạm Đình Trọng, mà việc từ bỏ Đảng CSVN của ông còn khá mới và đáng để suy nghĩ về tính bi đát của nó, hay xa hơn, nhà báo Bùi Tín, mà cho đến nay những cụm từ xấu xa nhất vẫn không buông tha và luôn trút lên ông mỗi khi có dịp, ngay trong bài báo của Lệ Chi cũng nhắc đến ông trong cái nhìn đầy khinh miệt. Những ai luôn dõi theo mọi hành vi lớn nhỏ của Đảng CSVN đều nhận thấy rõ "tầm vóc", "tư tưởng" "trình độ" của Đảng CSVN là như thế nào!
* * *
Một chính đàng được xem là đàng hoàng, hợp hiến, hợp pháp cần phải hội đủ các yếu tố:
1. Việc tham gia hoặc rút lui là hoàn toàn tự nguyện. Không một cá nhân, tổ chức nào được quyền ép buộc, đe dọa, trù dập, gây tổn hại về tinh thần và thể xác cho người tham gia hoặc rút lui khỏi đảng phái đó.
2. Mục tiêu của chính đảng là đạt được một quyền lực chính trị nhất định trong chính quyền, thường là bằng cách tham gia các chiến dịch bầu cử hợp pháp và tự do.
3. Một chính đảng cần có một hệ tư tưởng hay một đường lối nhất định, nhưng cũng có thể đại diện cho một liên minh giữa các lợi ích riêng rẽ.
4. Nhiệm vụ, lý tưởng của chính đảng là bảo vệ quyền lợi của tầng lớp, giai cấp, quốc gia.
Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay hoàn toàn không đảm bảo cả 4 yếu tố nêu trên, trong đó việc liên minh giữa các lợi ích riêng rẽ đã không được Đảng Cộng Sản Việt Nam tính tới, bởi vì họ không chấp nhận sự cạnh tranh chính trị của các đảng phái, nói cách khác, đối với họ không có sự chia sẻ quyền lực (mà điều 4 Hiếp pháp đã thể hiện).
Lệ Chi đã dẫn sự việc theo tư duy tư biện của mình, chẳng hạn:
"Lệ Chi" wrote:
Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng chính trị với chế độ xã hội, nhiều người hoặc cố tình hoặc ngây thơ về chính trị đã bỏ qua nhiều yếu tố khác, như bối cảnh lịch sử cụ thể hoặc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Những dòng chữ này, làm người đọc chưa thấy được tính thuyết phục của Lệ Chi trong việc bảo vệ sự độc đảng một cách khoa học.
Nếu khách quan, Lệ Chi đã phân tích 3 yếu tố: lịch sử, an ninh quốc gia, trật tự xã hội sẽ tác động xấu như thế nào khi thực hiện đa đảng, thay vì chỉ nêu ra lững lờ. Thử hỏi:
1. Bối cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam ra sao mà cho tới nay chưa thể có đa đảng? Nếu muốn đa đảng thì phải hội đủ yếu tố gì? Tại sao Lệ Chi không phân tích thấu đáo để đảm bảo tính xây dựng của bài báo?
Từ 1930 kéo tới 1988, lịch sử Việt Nam đã bao giờ chứng minh chỉ có Đảng CSVN hoạt động? Xin thưa, điều này chưa từng xảy ra. Như vậy không thể nói bối cảnh cụ thể của lịch sử Việt Nam "chưa cho phép đa đảng".
Trong khi đó, Đảng CSVN ngày càng tiếp tục khuynh đảo và thao túng toàn bộ nền lập pháp, hành pháp, tư pháp, kể cả quyền lực thứ tư của nhân dân.
Quốc hội ư? Bao nhiêu phần trăm trong các vị đại biểu là Đảng viên? trên dưới 90% Chính phủ? Trong nội các chính phủ, từ Thủ tướng cho đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng v.v... 100% là đảng viên.
Viện kiểm sát và tòa án? cũng 100% như thế.
Báo chí? Ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố cấm báo chí tư nhân dưới mọi hình thức!
Lịch sử Việt Nam đang chống lại Đảng CSVN, trong khi Đảng CSVN vin vào "bối cảnh cụ thể" để bảo vệ sự độc đảng của mình.
2. An ninh quốc gia của Việt Nam từ khi chỉ có một Đảng duy nhất (sau khi các đảng khác bị giải tán như Đảng dân chủ Việt Nam do ông Hoàng Minh Chính lãnh đạo) đã đảm bảo ngày càng ổn định, an tòan hơn không? Tôi e rằng ngược lại, an ninh quốc gia Việt Nam ngày càng trở nên nguy hiểm bởi các dự án bauxite, thuê rừng 50 năm v.v..., ngay cả chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, mà những tuyên bố và hành động của Đảng (thông qua Nhà nước) chưa tương xứng với vần đề an nguy. Chính sách đối nội, đối ngoại, quân sự trên lĩnh vực an ninh quốc gia, đảng cũng đang giữ một mình mà không công bố cho toàn dân được biết, chúng ta nhớ lại cuộc chiến 1979, dân lành đã trả giá bằng mạng sống cho việc thiếu thông tin nên bất ngờ, lụp chụp, hốt hoảng tháo chạy khi lính Trung Quốc bất thần tràn qua biên giới vào một sáng sớm tháng 2/1979. Thông tin an ninh quốc gia vẫn bị xem nhẹ và bưng bít. Thấp thoáng sau các dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, người ta đều thấy có liên quan đến lợi ích kinh tế cục bộ.
Như vậy, chính sự độc đảng của Đảng CSVN đang làm lung lay nền an ninh quốc gia vốn chẳng mạnh mẽ gì so với các nước, kể từ cuộc chiến biên giới phía bắc cách đây 31 năm.
3. Trật tự xã hội ngày càng khủng khiếp, từ dân oan biểu tình, công nhân đình công, đến đạo đức suy đồi trong nhà trường, trong gia đình, dòng tộc, sự khinh thường luật pháp của các tầng lớp nhân dân (đặc biệt đối với những tầng lớp có thế lực, giàu có và các đảng viên cao cấp) thậm chí cho đến băng nhóm xã hội đen cũng được Đảng sử dụng như là một công cụ phi chính thức để đàn áp nhân dân. Thêm vào đó, trật tự xã hội trên lĩnh vực kinh tế như các hoạt động phá hoại môi trường sống mà trong đó các công ty nước ngoài "góp phần lớn" đang diễn ra trên khắp đất nước như: Vedan, Tungkuang, huyndai sử dụng hạt nix v.v... Trật tự xã hội hỗn loạn cũng do sự chiếm giữ độc quyền lãnh đạo của ĐCSVN, bởi luật trong tay của Đảng, quan tòa xử án dân sự cũng theo ý đảng kết hợp ý cá nhân và lợi ích cục bộ.
Tóm lại cả 3 yếu tố: bối cảnh cụ thể lịch sử, an ninh quốc gia, trật tự xã hội như Lệ Chi dẫn ra để biện minh cho sự độc tôn của Đảng CSVN hoàn toàn gãy đổ, bởi thực tế khách quan đang diễn ra hàng ngày.
Hạnh phúc ấm no, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, thượng tôn luật pháp, đạo đức vun bồi, xóa bỏ bất công v.v... là những điều mà cho đến nay Đảng CSVN chưa mang lại cho người dân, bất chấp họ đang độc quyền lãnh đạo!
Việc viện dẫn 3 yếu tố này còn là sự ngụy biện rõ nét để "mà mắt" người đọc nhằm đánh thẳng vào người dân hiền lành, yếm thế, chỉ muốn yên thân, trong đó đa số vẫn còn e ngại trước hành vi trấn áp bằng bạo lực và cả những thủ đoạn chính trị& phi chính trị, cũng như Đảng không ngần ngại dùng cả những chiêu thức của xã hội đen để đàn áp.
* * *
Người dân đòi tự do dân chủ là vì người dân thiếu điều đó. Người dân không bao giờ là "ngây thơ hoặc cố tình" như Lệ Chi đã gán ghép.
Dân chủ là một nhu cầu của con người.
Dân chủ là gì? Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Khái niệm dân chủ không có gì mới mẻ hay xa lạ đối với nhân loại nói chung và người dân Việt Nam nói riêng. Khái niệm này đã được loài người nhắc đến cách đây 2.500 năm. Dù cho là ai đi nữa, chúng ta đều biết 2 nguyên tắc của dân chủ, đó là:
Thứ nhất: tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng.
Thứ hai: tất cả mọi thành viên (công dân) đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi.
Nhắc đến 2 nguyên tắc này, để thấy Đảng CSVN vẫn đang tìm mọi cách trì hoãn trao trả quyền lực về tay nhân dân thông qua bầu cử tự do và hợp pháp.
Khi những sự việc bất công và phi lý đến với người dân, họ phản ứng lại mà không màng và chẳng hề có chủ tâm gì đến chính trị. Đối với dân, họ chỉ yêu cầu được cư xử đúng pháp luật, tình lý, thế thôi. Lý giải này cũng giúp chúng ta hiểu thêm tính chất nghi ngờ cố hữu tồn tại thường trực của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với thường dân và nó được Đảng CSVN dùng cụm từ "bị các thế lực thù địch xúi giục" để né tránh tất cả những bức bối, oan sai, bất công mà người dân đang phải gánh chịu.
Hãy cùng đánh giá thêm về dân chủ mà bài báo đã đưa ra:
"Lệ Chi" wrote:
Theo họ (những người nghiên cứu mối quan hệ giữa Đảng chính trị với chế độ xã hội - NV) mối quan hệ giữa chế độ đảng (đa đảng hoặc một đảng)lãnh đạo với dân chủ là mối quan hệ duy nhất. Đời sống đã chỉ ra không phải như vậy. Đa đảng không phải là không tốt, cũng như một đảng không phải là không có lý.
...
Thứ nhất, đó là quan điểm của các nhà dân chủ - hàn lâm (Academic Democracy)...
Thứ hai, đó là quan điểm của các nhà dân chủ thực dụng...
Thứ ba, đó là quan điểm của các nhà dân chủ giả hiệu...
Bạn đọc hãy chú ý trong trích dẫn tô đậm sẽ thấy, bài báo cho rằng chế độ đảng lãnh đạo và dân chủ không phải là mối quan hệ duy nhất, tuy nhiên không đề cập nó là mối quan hệ trước tiên. Bởi lẽ, dân chủ là "mọi quyền lực thuộc về người dân thông qua bầu cử tự do và hợp pháp", điều này không bao giờ có đối với chế độ độc đảng.
Tiếp đó, tác giả cho thấy lập trường chính trị mập mờ bằng câu: "Đa đảng không phải là không tốt, cũng như một đảng không phải là không có lý". Vậy khi nào đa đảng hay độc đảng được gọi là tốt và có lý? Câu trả lời là:
"Lệ Chi" wrote:
Sự lựa chọn chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo - cầm quyền phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.
Câu trả lời này không có gì khác với câu:
"Lệ Chi" wrote:
"tùy vào bối cảnh lịch sử cụ thể hoặc liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, trật tự xã hội".
Và chúng ta hiểu ngay, khi nào Đảng thấy "có lợi" cho dân tộc, cho quốc gia thì sẽ quyết định đa đảng hay vẫn tiếp tục giữ độc đảng(!!!).
Khi nào thì Đảng "thấy"? Khi nào Đảng thấy thì đảng sẽ nói(!) Một vòng lẩn quẩn, bế tắc, cù cưa lại tiếp nối để giữ rịch chế độ độc đảng.
"Lệ Chi" wrote:
Vậy đa đảng, “độc” đảng - đâu là chân lý? Chân lý tồn tại ở thực tiễn, ở lợi ích tốt nhất cho dân tộc .... Trước tiên phải đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên hết, phải lấy an ninh quốc gia, ổn định và phát triển bền vững làm tiền đề (cho các yêu cầu khác). Thứ hai, đương nhiên lựa chọn chế độ nào đều phải được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân, thông qua những người đại diện của mình đó là Quốc hội.
Hãy xem phần tô đậm để thấy nực cười và lố lăng của nó, bài báo dẫn người đọc đi một vòng rồi nói... chân lý... ở thực tiễn (!) ở lợi ích tốt nhất cho dân tộc!!! Dân tộc Việt Nam được lợi ích gì qua cái gọi là "chân lý thực tiễn" đó (?!)
Trong khi các bộ luật mang tính thúc đẩy một xã hội tự do dân chủ như: Luật biểu tình, Luật trưng cầu dân ý, Luật cung cấp & tiếp cận thông tin vẫn đang nằm ủ rũ trong một ngăn kéo nào đó, mà có lẽ chúng nó đang chờ cho đến ít nhất xong Đại hội đảng XI vào đầu năm sau cùng những dàn xếp, chia ghế của Đảng? Dù cho Đảng đã dàn xếp, chia ghế ổn thỏa rồi thì vẫn chưa có cơ sở để thấy các bộ luật này được nhanh chóng thông qua và được xem như là "chân lý ở thực tiễn"(!).
Những bộ Luật này nếu được soạn thảo cẩn trọng với tính khả thi cao, có lẽ là thách thức lớn đối với sự độc tôn của Đảng CSVN? Người ta tin chắc rằng đó là lý do làm chậm trễ. Bài báo kết thúc bằng câu:
"Lệ Chi" wrote:
"đương nhiên lựa chọn chế độ nào đều phải được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số nhân dân, thông qua những người đại diện của mình đó là Quốc hội".
Vâng! và quốc hội "ta" có 90% là đảng viên Đảng CSVN!!!
Qua phân tích, chúng ta sẽ thấy:
- Toàn bộ bài báo hoàn toàn né tránh đến yếu tố quan trọng: "BẦU CỬ TỰ DO VÀ HỢP PHÁP".
- Đưa người đọc đi từ lẩn quẩn này đến cù cưa khác nhằm bảo vệ tư duy tư biện cùng sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN.
- Tuy nhiên, bài báo có giải đáp được thắc mắc của nhân dân:
Nhân dân hỏi: "Khi nào thì đa đảng hay cứ giữ độc đảng?".
Đảng đáp: "Khi nào hoàn cảnh lịch sử cụ thể VN kết hợp với tình hình an ninh quốc gia, trật tự xã hội cho phép".
Nhân dân hỏi: "Khi nào 3 yếu tố này cho phép?"
Đảng đáp: "Khi nào Đảng thấy thì sẽ báo với nhân dân(!)"
Nhân dân hỏi: "Khi nào Đảng thấy?"
Đảng đáp: "Khi nào Đảng thấy thì Đảng nói(!)"
Nhân dân: "???!!!"
Và nhân dân cứ thế mà quay ngược lại từ câu hỏi đầu để tiếp tục hỏi nhé!!! Xin cám ơn.
Vỗ tay!!!
Nguyễn Ngọc Già

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét