Phạm Hoàng Long
Vào sáng ngày 26/6/2010 một buổi thuyết trình về Nguy cơ khai thác quặng Bô-xít tại Việt Nam đã được trình bầy tại Đền Thờ Quốc Tổ tại số 780 S. First Street San Jose bởi Kỹ sư Môi trường Nguyễn Trọng Khoa và Tiến sĩ Hóa học Hoàng Cơ Định.
Mở đầu, ông Đại diện Hội Đền Hùng Nguyễn Thanh Liêm đã giới thiệu 2 diễn giả, ông nhấn mạnh tới đặc tính “Du sinh” của Ks Môi trường Nguyễn Trọng Khoa phối hợp với kiến thức khoa học và quá trình sinh hoạt đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam của Ts Hoàng Cơ Định, ông tin tưởng các diễn giả sẽ có đầy đủ kiến thức cả về kỹ thuật lẫn chính trị để trình bầy và phân tích đề tài.
- Ks Môi trường Nguyễn Trọng Khoa và Ts Hóa học Hoàng Cơ Định trước buổi thuyết trình.
Bô-xít là loại quặng Nhôm có khá nhiều trong thiên nhiên mầu hồng nâu. Tại Việt Nam quặng Bô-xít tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Dak Nông và Lâm Đồng trên Tây Nguyên, một vùng có cao độ trên 1000 m. Trữ lượng Bô-xít tại Tây Nguyên được ước lượng trên 5 Tỷ Tấn, có thể coi như nhiều thứ tư trên thế giới.
Quặng Bô-xít ở gần mặt đất, trải rộng thành lớp mỏng. Khi khai thác người ta phải phá hủy lớp thảo mộc, xúc bỏ lớp đất mầu bên trên để lộ ra lớp quặng rồi dùng xe xúc để đào lấy lớp quặng. Vì vậy việc khai thác quặng Bô-xít sẽ phá hủy một diện tích thảo mộc rất lớn, lên tới cả ngàn mẫu và dẫn tới với 3 hậu quả sau:
1. Vùng khai thác sẽ tạo ra rất nhiều bụi, gió có thể cuốn đi rất xa làm trở ngại cho việc canh tác trong vùng và phá hoại vẻ đẹp thiên nhiên.
2. Khi trời mưa, cả một vùng rộng lớn sẽ trở nên lầy lội và dễ có lũ lụt lớn vì không còn thảo mộc và rễ cây rừng để giữ đất.
3. Khi đất mầu trên mặt đã bị xúc bỏ, sau khi lớp quặng Bô-xít được lấy đi, cây cối hầu như không mọc lại được nữa. Quan niệm khai thác quặng Bô-xít theo kiểu “cuốn chiếu” là một ý niệm hoàn toàn không thực hiện được trong thực tế.
Sau khi được đào lên, quặng Bô-xít được nghiền nhỏ rồi được chế biến theo quy trình Bayer để ly trích ra chất Alumina dùng để chế tạo kim loại Nhôm. Trong quy trình Bayer, bột Bô-xít được đun nóng trong một dung dịch kiềm (caustic soda) đậm đặc, hoá chất Nhôm chứa trong Bô-xít sẽ bị hoà tan, được lược để tách rời khỏi chất cặn. Từ lớp nước trong này, khi để nguội, bột Alumina sẽ kết tinh và sẽ được lọc riêng ra.
Alumina là sản phẩm được sản xuất để xuất cảng qua Trung Quốc, gía trên thị trường quốc tế thay đổi từ 250 tới 300 US$ mỗi Tấn.
Chất cặn có được trong quy trình Bayer là một loại bùn đặc sệt, mầu đỏ, thường gọi là Bùn Đỏ, còn chứa nhiều caustic soda, có độ kiềm rất cao, có thể làm cháy da thịt nếu đụng phải và giết hại cây cỏ, tôm cá nếu đổ vào sông hồ.
Trong việc biến chế Bô-xít, từ 4 Tấn quặng sẽ lấy được 2 Tấn Alumina và tạo ra 4 Tấn bùn đỏ. Những nơi khai thác Bô-xít cần phải làm những hồ chứa đặc biệt , dưới đáy có lớp cách ly bằng plastic và đất sét để chất kiềm không thẩm thấu vào lớp nước ngầm bên dưới. Hiện nay hầu hết các nơi khai thác Bô-xít đều ít nhiều bị tác hại bởi nạn bùn đỏ, trừ nước Úc là nơi quặng Bô-xít được khai thác một cách khoa học và bùn đỏ được tích lũy tại một vùng trũng, khí hậu sa mạc rất ít dân cư.
Dự án khai thác Bô-xít tại Việt Nam được phụ trách bởi 2 công ty là Than Khoáng Việt Nam (TKV) và Chalco của Trung Quốc. Các kế hoạch khai thác này chỉ được đem ra trước công luận vào năm 2008 do cuộc hội thảo giữa các chuyên gia và trí thức tổ chức bởi Viện Tư Vấn Phát Triển.
Trong buổi hội thảo, các thuyết trình viên đã nêu ra được 10 lý do bất lợi trong việc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên và khuyến cáo nên ngừng ngay dự án. Các lý do chính có thể tóm tắt như sau:
• Quá trình khai thác và chế biến alumina cần 1 lượng nước rất lớn. Trung bình 1 tấn alumina cần 30m khối nước, trong khi đó, vùng khai thác Bô-xít lại là nơi phát nguyên của sông Đồng Nai, nguồn nước sinh hoạt của vùng Biên Hoà & Sài Gòn. Chưa kể là mực nước ngầm cần thiết cho canh tác tại Tây Nguyên hiện đã xuống rất thấp, đang ở mức kiệt quệ.
• Giá thành sản phẩm của dự án chưa được xác định rõ ràng. Để xuất khẩu Alumina, cần xây dựng thêm 270km đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên và một cảng biển tại Bình Thuận với chi phí cộng chung khoảng 1 Tỷ 835 triệu US$. Với 2 khoản chi này giá thành để xuất cảng còn cao hơn nữa ! Trong khi đó giá bán nguyên liệu thô Alumina trên thế giới đang giảm mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa các dự án Alumina ở tỉnh Sơn Đông vì sở hụi sản xuất quá cao.
• So sánh với các sản phẩm khác của Tây Nguyên, nếu dùng số tiền đầu tư vào dự án khai thác Bô-xít để trồng Cà phê hay Cao su thì sẽ đem lại lợi tức và công ăn việc làm cho người dân hơn rất nhiều.
Xen vào giữa phần trình bầy của Ks Nguyễn Trọng Khoa và Ts Hoàng Cơ Định là phần phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc đã được ghi âm trước, ông nhận định như sau về vùng Tây Nguyên:
- Nhà văn Nguyên Ngọc
Mở tấm bản đồ Việt Nam, và cả bản đồ Đông Dương, ai cũng có thể thấy ngay vị thế đặc biệt của Tây Nguyên: nó nằm gần chính giữa và ở trên cao, là mái nhà của Việt Nam và của toàn Đông Dương, khống chế và chi phối toàn bộ bán đảo này về tất cả các mặt, đặc biệt về môi trường. Mọi tác động dù nhỏ về môi trường ở đây tất yếu gây ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến toàn vùng. Tây Nguyên lại còn có đặc điểm hết sức phong phú về tự nhiên, là vùng rừng giàu nhất và quan trọng nhất Đông Dương với hệ động thực vật hết sức đa dạng, là vùng đất màu mỡ, chiếm đến 60% quỹ đất bazan trong cả nước, đặc biệt thích hợp cho cây công nghiệp, lại giàu tài nguyên khoáng sản; lại đồng thời là quê hương lâu đời của các dân tộc thiểu số có lịch sử bền lâu, có những nền văn hóa độc đáo và đặc sắc - văn hóa theo tất cả các nghĩa sâu xa của nó, chứ không phải chỉ là hình thức lòe loẹt, kỳ lạ (exotique) bên ngoài như người ta thường lầm tưởng, những nền văn hóa chứa đầy sự hiền minh, đặc biệt về mối quan hệ khắng khít, ruột thịt giữa con người và tự nhiên, đã giữ cho các dân tộc ấy tồn tại ổn định, hài hòa, bền vững giữa một thiên nhiên vừa giàu có vừa khắc nghiệt qua hàng nhiều ngìn năm nay -. Người Tây Nguyên không bao giờ coi tự nhiên là "tài nguyên" để cho con người chiếm lĩnh và khai phá, thậm chí coi là môi trường theo nghĩa môi trường tự nhiên như ta vẫn thường hiểu; đối với họ, rừng - mà tự nhiên ở đây tức là rừng - là tất cả, con người là bộ phận, là tế bào không thể tách rời của rừng, là đứa con ruột thịt của rừng, không có rừng thì không có con người và xã hội, mất rừng thì con người tha hóa và xã hội rối loạn. Cũng có thể nói toàn bộ nền triết học, hay minh triết của Tây Nguyên là triết học, minh triết về rừng, hình như chính là nền minh triết mà tòan thế giới đang muốn quay về tìm lại ngày nay sau bao nhiêu bước đi hùng hổ và kiêu căng, khiến con người vừa giàu có hơn vừa ngày càng cô đơn hơn giữa chính sự giàu có đó…
Về nguyên nhân chính trị của Dự án khai thác Bô-xít Dak Nông, Ts Hoàng Cơ Định đã trình bầy về lá thư của Tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2009, trong thư Tướng Giáp nhấn mạnh như sau:
• Đầu tháng 11-2008 một số nhà khoa học và quản lý có tên tuổi đã gửi kiến nghị đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị cho dừng các dự án này để nghiên cứu, xem xét lại, cân nhắc lợi hại một cách toàn diện.
• Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang được triển khai, trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường (dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại một dự án).
• Lá thư đã nêu lên không những các khía cạnh kinh tế và văn hóa mà còn nhấn mạnh nhu cầu an ninh quốc phòng để yêu cầu ngưng các dự án khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên …
Gián tiếp trả lời cho bức thư này, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố với báo chí ngày 04/02/2009: “Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước... »
Điều đáng lưu ý là: Dầu bảo rằng đây là chủ trương lớn của Nhà Nước, nhưng không có dấu vết gì một vấn đề to lớn như vậy đã được thông qua bởi bộ phận Hiến Định của chế độ là Quốc Hội nước CHXHCNVN, mà chỉ là điều khoản được nhắc tới trong Thông Cáo Chung giữa Giang Trạch Dân và Tổng Bí Thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh vào tháng 12 năm 2001 và giữa Thông Cáo Chung của Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh vào tháng 6 năm 2008. Như vậy, việc khai thác Bô-xít Dak Nông có thể coi như mệnh lệnh từ Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào cho TBT Đảng CSVN Nông Đức Mạnh.
Suy đoán lý do Trung Quốc chủ trương biến Tây Nguyên của Việt Nam thành nguồn cung cấp Alumina cho Trung Quốc, Ts Hoàng Cơ Định đã trình bầy những nhận định sau:
• Lý do đầu tiên là dùng vốn đầu tư để thao túng và kết nạp tay sai, chẳng phải vì VN là nơi có tài nguyên Bô-xít phong phú và quý giá để TQ và VN hợp tác kinh tế.
• Tăng cường sự lệ thuộc của VN vào Trung Quốc bằng cách tiêu hao các nguồn lợi tức của VN như kỹ nghệ du lịch, nông sản cà phê, trà, hạt điều… thay thế bằng alumina chỉ có thể bán cho Trung Quốc
• Biến VN thành nơi hứng chịu các phế thải độc hại để khai thác Bô-xít thay cho các vùng đất của Trung Quốc.
• Tạo cơ hội cho Trung Quốc đặt chân vào Tây Nguyên, thực hiện gọng kìm thứ nhì khống chế VN. Mang tới Tây Nguyên hàng ngàn công nhân, gia đình và lực lượng bảo vệ, biến nguy cơ xâm lăng thành hiện thực. Điều cần lưu ý là hiện nay, về phương Tây, tại các vùng tiếp cận với Tây Nguyên là Attopeu bên Lào và Mondolkiri tại Cambot, đều đang được Trung Quốc khai thác về Bô-xít và các tài nguyên khác.
Như vậy, ngoài lằn ranh “lưỡi bò” Trung Quốc đang áp đặt tại Biển Đông của nước ta để dành độc quyền khai thác ngư sản và dầu khí, về phía Tây Trung Quốc đã thực hiện một mũi nhọn đi qua Attopeu, Mondolkiri và Dak Nông, đâm vào lưng lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài 2 gọng kìm về phía Đông và phía Tây, khi khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên, chỉ sau 1 thời gian ngắn Trung Quốc đã thành công treo lưỡi gươm tử thần bùn đỏ trên đầu dân tộc VN, an ninh Việt Nam sẽ ra sao khi Trung Quốc thành công tích lũy tại thượng nguồn sông Đồng Nai một khối bùn đỏ vĩ đại ?
Một vài hậu quả tích cực từ vấn nạn khai thác Bô-xít Tây Nguyên
Sau phần trình bầy về các nguy cơ trong dự án khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên, các thuyết trình viên đã đề cập tới một số hậu quả tích cực phát sinh ra từ chính mối đe dọa này.
Đầu tiên là sự xuất hiện của một thành phần trí thức trách nhiệm và tích cực tại Việt Nam, với những sự kiện và con số điển hình như sau:
• 2,746 người đã ký tên kiến nghị phản đối việc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên, trong đó có cả những đảng viên đảng CSVN.
• Luật sư Cù Huy Hà Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng hành động vi luật trong vụ Bô-xít Tây Nguyên, nêu gương dũng cảm và trách nhiệm của người trí thức.
• Giới Dân Báo (Blogger) tích cực thông tin và phản đối về diễn biến Bô-xít Tây Nguyên, làm rạn nứt bức trường bưng bít thông tin vốn dĩ là nền tảng cho chính sách ngu dân của chế độ CS.
Thứ nhì là vấn nạn khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên đã phát sinh ra nhiều sinh hoạt đối kháng chống lại chính sách độc tài của Nhà Nước CSVN:
• Thanh niên ngang nhiên lấy thái độ thách đố Nhà Nước Độc Tài qua việc thực hiện và phổ biến áo cổ vũ giữ mầu xanh và an ninh cho Việt Nam của nhóm “Người Việt Yêu Nước”.
• Trang nhà Boxitvn dưới 3 hình thức, ngoài chuyện phản biện việc khai thác Bô-xít tại Việt Nam còn đề cập cả tới vấn đề xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông và phản đối các hình thức độc tài khác của Nhà Nước. Đây là một trang nhà được nhiều người tìm đọc nhất từ trước tới nay và đã kiên trì tồn tại trước mọi đàn áp và thủ đoạn phá hoại của nhà cầm quyền CSVN.
Thứ ba, nguy cơ an ninh lãnh thổ và phá hủy môi trường sống của người Việt đã thật sự tạo ra được 1 đồng thuận dân tộc trước nạn nước:
Từ phía những người đã từng phục vụ trong chế độ CSVN, tới cộng đồng chống cộng tại hải ngoại, mọi người đều thấy mối đe dọa chung to lớn là sự xâm lăng của Trung Cộng. Nghi vấn chống Đảng để cứu Đảng không thấy được đặt ra trong công cuộc tranh đấu của những người từng phục vụ ĐCSVN, nhằm ngăn cảnTrung Quốc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên. Trước nguy cơ chung, chỉ có những người vì dân tộc mà nỗ lực tranh đấu.
Trong phần cuối, các thuyết trình viên đã trình bầy về:
Những gì đã xẩy ra từ khi ván bài Bô-xít Tây Nguyên bắt đầu
Thứ Nhất là: Đại họa ô nhiễm bùn đỏ được đưa ra ánh sáng tại chính Trung Quốc
• Nhiệt độ quanh khu vực quặng mỏ ở Thái Nguyên (Sơn Tây), Tịnh Tây (Quảng Tây) đã tăng cao một cách bất thường kể từ khi những mỏ khai thác Bô-xít được dựng lên ở đây.
Ở mỏ Bô-xít Tịnh Tây, chỉ mới khai thác hơn một năm nhưng mỏ này đã làm nguồn nước xung quanh khu vực nhiễm màu đỏ quạch khiến người dân trong khu vực không thể sử dụng được nguồn nước để sinh hoạt, kéo theo là những chứng bệnh lạ.
• Từ năm 2004-2008, chính quyền tỉnh Hà Nam đã đóng cửa hơn 100 mỏ khai thác Bô-xít trong toàn tỉnh
Thứ Nhì là: Giá và nhu cầu Alumina xụt mạnh trên thị trường thế giới.
• Công ty Nhôm lớn nhất Aluminum Corp of China giảm 23% giá bán alumina vì số cầu giảm và gía thị trường xuống thấp.
• Chalco, công ty Trung Quốc thầu khai thác Bô-xít Tây Nguyên đã giảm mức sản xuất Alumina liên tiếp trong 2 tháng là 720,000 Tấn , rồi 4,110,000 Tấn.
• Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (Chalco) vừa thông báo lợi nhuận năm 2008 giảm tới gần 100% so với một năm trước đó và chắc sẽ thua lỗ trong quý đầu 2009.Chalco cho hay sẽ cắt chi tiêu tới 34%, tương đương 1,9 tỷ đôla, trong năm nay vì nhu cầu nhôm thế giới giảm sút mạnh.
Thứ Ba là: Có chỉ dấu chương trình Bô-xít Tây Nguyên của Trung Cộng và CSVN bị chững lại, nhưng hiểm họa xâm thực còn nguyên vẹn.
• Căn cứ trên các hình chụp tại công trường mức độ xây dựng mới chỉ mới đạt khoảng 20-30%, vắng bóng rất nhiều các thiết bị nặng.
• Theo đà tiến độ chậm chạp này, mục tiêu của Trung Quốc có thể chuyển thành giữ chỗ trước, chiếm lĩnh vị trí chiến lược quan trọng trên nóc nhà Đông Dương, nhập lậu lao động phổ thông để tạo thành một đặc khu TQ, ăn ở lâu dài, rồi hãy nghĩ đến chuyện xây dựng nhà máy khai khoáng sau.
Kết Luận:
Không có chuyện “tự nhiên thành”, sự chùn bước của Trung cộng và CSVN trong việc biến Tây Nguyên thành nơi khai thác Bô-xít, cung cấp Alumina cho Trung cộng là hậu qủa của các nỗ lực tranh đấu của người Việt Nam, chúng ta may mắn có một đồng minh giai đoạn là gía cả và tình trạng tiêu thụ Alumina trên thế giới đang tạm thời xút giảm. Tình trạng này không phải sẽ kéo dài mãi mãi.
Cũng cần lưu ý là lợi nhuận về kinh tế trong việc khai thác Bô-xít tại Tây Nguyên chỉ là một trong những mục tiêu của Trung Quốc.
Hai thuyết trình viên kêu gọi sự hợp tác cụ thể từ các thính giả, mọi chương trình làm việc phải là những nỗ lực lâu dài. Buổi thuyết trình chỉ là cơ hội để làm quen, cùng nhau chia sẻ quan điểm và kiến thức.
Để tiến tới những việc làm cụ thể, những người cùng quan tâm cần giữ liên lạc để có thể tiếp tục trao đổi thông tin và tiến hành những việc làm cần thiết trong khả năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét