Văn Chu
Ngày thứ bẩy 26 tháng 6 vừa qua, một lần nữa đông đảo người Việt tại Canada và Hoa Kỳ đã kéo tới khuôn viên tòa nhà Quốc Hội tỉnh bang Ontario ở Toronto, Canada, để biểu tình phản đối Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng của Cộng Hòa XHCNVN. Cũng như thủ tướng của các nước Ethiopia, Malawi, Hòa Lan, và Tây Ban Nha, ông Dũng đến tham dự hội nghị G20 của 20 quốc gia có nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, với tư cách là quan sát viên, vì CHXHCNVN hiện đang là chủ tịch luân phiên khối ASEAN, chứ không phải vì Việt Nam đã có nền kinh tế giàu mạnh.
Từ trước đến nay mỗi khi lãnh đạo của chế độ CSVN đi đến đâu tại hải ngoại, tại những nơi có cộng đồng người Việt tự do, thì y như rằng họ gặp sự biểu tình chống đối của tập thể đồng hương của họ tại các xứ này, khiến họ luôn luôn phải tránh né. Cửa hông, cửa hậu và đường của đổ rác của địa điểm hội nghi là lộ trình của họ, dưới sự bao phủ của lực lượng an ninh.
Khi người lãnh đạo một chính quyền đến một nước khác, truyền thông quốc tế thường chú ý nhiều hơn, nhất là hội nghị thượng đỉnh G20 này lại diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng hiện nay. Đó là là cơ hội ít có để người Việt hải ngoại tố cáo giùm bà con trong nước trước dư luận truyền thông quốc tế, về tất cả những sự bất công, vi phạm nhân quyền của người dân của chế độ CSVN mà ông Dũng đang đại diện.Bộ máy tuyên truyền của CSVN thường phản ứng bằng lập luận rằng, những người biểu tình bôi xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt người ngoại quốc, vì dù sao những người lãnh đạo quốc gia như ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết cũng mang hình ảnh đại diện Việt Nam. Nhưng chính vì CSVN luôn đồng hóa Đảng với Tổ Quốc Dân Tộc như thế lại càng là lý do chính đáng để người dân Việt đang được ăn nói tự do nơi xứ người cần phải biểu tình, để tách rời hình ảnh đại diện dân tộc ta khỏi những người lãnh đạo chế độ và đảng CSVN. Biểu tình để phủ nhận trước dư luận quốc tế tính cách đại diện dân tộc Việt Nam của chế độ CSVN, vì nhà nước CSVN đã cướp chính quyền (như chính chủ thuyết họ từng hô hào), chứ chưa hề được dân bầu chọn một cách chính danh qua bầu cử tự do và công bằng.
Thử tưởng tượng nếu dân tộc ta bị đồng hóa với một tập đoàn buôn dân bán nước, thường hành xử côn đồ với đồng bào của mình, trong khi lại hèn nhũn như giun trước “nước lạ”, thì dân tộc ta nhục nhã đáng xấu hổ biết chừng nào. Người ta không còn lạ gì sự bóc lột cưỡng đoạt đất đai tài sản người dân của nhà nước CSVN, cũng như những hành vi côn đồ mà họ khuyến khích và núp sau lưng Xã Hội Đen để đàn áp tôn giáo và các nhà yêu nước. Trong khi đó thì họ lại nhường đất nhường biển, nhường cao nguyên, và rừng đầu nguồn cho nhà nước và tư bản Tàu, họ không dám bảo vệ ngư dân, để cho tàu lính kiêm hải tặc Trung Quốc bắn giết, trấn lột, bắt giữ dân ta đòi tiền chuộc v.v.… Như thế, nếu người dân Việt Nam, nhất là những người ngoài vòng kềm kẹp của chế độ, không biểu lộ chống đối lãnh đạo nhà nước tham ô hèn mạt, thì hóa ra dân tộc Việt Nam là một dân tộc bạc nhược, đáng để cho cầm quyền độc tài “hèn với giặc ác với dân” như vậy cưỡi cổ muôn đời sao?
Một lập luận khác, thường thấy từ cửa miệng những quan chức CSVN như bà Lê Thị Hồng Ngát, Tôn Nữ Thị Ninh, khi trả lời phỏng vấn của ký giả ngoại quốc, cho rằng “Con không chê cha mẹ khó, trong nhà không vạch áo cho người xem lưng, có bất đồng gì thì đóng cửa bảo nhau trong luồng, không lôi kéo người ngoài can thiệp vào chuyện nội bộ trong nhà mình. Biểu tình, la làng cho thế giới là không đúng truyền thống văn hóa VN”, v.v.. Đây là lập luận thể hiện một não trạng lạc hậu. Tư duy phong kiến phản động vẫn quan niệm rằng, quan chức nhà nước là những bậc cha mẹ mà dân chúng là con cái phải phục tùng biết ơn. Điều này càng cho thấy những khẩu hiệu của CSVN rằng nhân dân làm chủ, cán bộ nhà nước là công bộc của dân,... chỉ là những câu giả dối, mỵ dân bịp bợm. Thời buổi văn minh hiện nay, chính quyền không phải là cha mẹ, để bắt nhân dân phải tôn thờ biết ơn, cũng không phải là tôi tớ để nhân dân khinh rẻ sai khiến; mà đó là những người được nhân dân chọn lựa qua bầu cử, và trả lương qua tiền thuế của dân, để thuê họ trong một khoảng thời gian nhất định, trong nhiệm vụ điều hành quốc sự. Làm tốt thì được thuê tiếp, làm dở thì sẽ bị thay thế khi hết nhiệm kỳ.
Ngoài ra, trong thời đại văn minh toàn cầu hóa này, có những giá trị về nhân quyền phổ quát không thể coi là chuyện nội bộ trong nhà dạy nhau, người ngoài không được quyền can thiệp. Tại các nước văn minh dân chủ, lấy ví dụ nhỏ thôi: một ông chồng bạo hành với vợ con, hoặc một người thường bỏ bê không chăm sóc ngay cả thú nuôi trong nhà của mình, nói chi đến cư xử dã man với thú vật, cũng có thể bị truy tố ra toà vì đã tàn ác với người hay thú. Huống chi đây là một chế độ xúc phạm nhân quyền có hệ thống, trong đó mọi nguyện vọng, ta thán, hay phản biện trong nhà đều hoặc là bị dìm vào quên lãng, hoặc là mang tai họa trù dập đến người ta thán phản biện. Đồng thời, cũng dưới chế độ đó, người dân bị bóc lột, cướp đoạt nhà cửa đất đai, đi kiện trong vô vọng không được hồi đáp cứu xét, thì chuyện đồng hương ở hải ngoại “la làng” cho thế giới rọi đèn vào là điều càng cần thiết.
Để làm nản người đi biểu tình, cũng lại có ý kiến cho rằng người việt tỵ nạn đã liên tục biểu tình chống cộng từ bao năm qua, nhưng chẳng đi đến đâu, chế độ CSVN vẫn tồn tại, vậy thì tiếp tục biểu tình làm chi cho uổng công mất thì giờ.
Nếu toàn cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ chỉ có một cách là biểu tình ở hải ngoại, đôi khi rời rạc riêng lẻ, thì có thể dễ cảm thấy chẳng đi đến đâu thật. Nhưng nếu đặt biểu tình vào trong tổng thể của cuộc đấu tranh bao gồm nhiều khía cạnh và lãnh vực đa diện khác nhau từ trong ra ngoài nước, ta sẽ thấy biểu tình là một lãnh vực cần thiết hỗ tương cho các lãnh vực kia, như những làn gió góp lại sẽ thành bão. Một cách cụ thể thì những cuộc mít tinh biểu tình kiên trì bền bỉ trong bao năm qua của người Việt Tự Do đã góp phần xây lực cho các nỗ lực ngoại vận và quốc tế vận, để gia tăng sức ép dân chủ hóa lên chế độ CSVN hiện nay. Vì có biểu tình lên án thì người ta mới chú ý đến ước vọng của cộng đồng người Việt, các chính giới quốc tế mới thấy và hiểu được cử tri gốc Việt của họ mà phục vụ đáp ứng. Hơn nữa, các cuộc biểu tình của bà con hải ngoại luôn tạo khó khăn cho các phái đoàn lãnh đạo CSVN khiến họ phải tránh né, dương đông kích tây, luồn vào những nơi hội họp, tiệc tùng bằng cửa sau một cách đáng xấu hổ. Đây cũng là cách đánh vào tư thế của chế độ độc tài. Ở đây cần phải xác định rõ, những biểu tình là để chống sự độc tài. Vì chế độ CSVN độc tài nên bị chống đối, chứ nếu dù vẫn là cộng sản, nhưng từ bỏ độc tài và chấp nhận sinh hoạt dân chủ - như đảng cộng sản tại Pháp, Canada, Nhật và nhiều nước tây phương khác - thì chẳng ai chống đối làm gì. Cũng thế, dù chế độ CSVN, trước áp lực của dân chủ, có thay tên đổi chữ, làm ve sầu thoát xác nhưng vẫn giữ nguyên bản chất độc tài, thì dân cũng sẽ vẫn chống đối.
Biểu tình là một công cụ thường dùng nhất cua người dân tại các nước dân chủ trên thế giới để cho truyền thông và chính giới thấy đươc ý dân. Những cuộc biểu tình lien tục kiên trì của bà con người Việt tỵ nạn trong bao nhiêu năm qua còn giúp xiển dương lá cờ vàng tự do ở hải ngoại, để đối trọng phủ nhận lá cờ đỏ tượng trưng cho chế độ CSVN. Tại Hoa Kỳ chẳng hạn, những cuộc biểu tình trên đã khiến dư luận và chính giới Hoa Kỳ hiểu rõ hơn bản chất của CSVN, và là những nền tảng khởi đầu cho một loạt những nghị quyết tại khắp các thành phố và tiểu bang ở Hoa Kỳ công nhận lá cờ vàng như là biểu tượng căn cước của cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Điều đó cũng có nghĩa là một sự phủ nhận tính cách chính danh đại diện toàn thể dân tộc Việt Nam của chế độ CSVN. Biểu tình ngoài ra cũng đã nuôi lửa đấu tranh cho tự do dân chủ tại VN, để truyền đến các thế hệ trẻ giúp họ không dễ bị CSVN lừa bịp bằng những chiêu bài hoa mỹ như đã lừa các thế hệ cha anh, và qua những cuộc biểu tình, bà con hải ngoại cũng đã chuyển được cho công luận thế giới những tiếng nói của người dân đang bị áp bức bịt miệng nơi quê nhà.
Nói chung biểu tình phối hợp hữu cơ với những nỗ lực ngoại vận và truyền thông khác đã cùng với sự đấu tranh đa dạng khác của bà con trong nước, góp phần tạo áp lực khiến chế độ CSVN đã và đang phải có những bước lùi nhất định, không còn có thể toàn trị tuyệt đối như họ đã từng làm ở những thập niên 50, 60, 70. Ngay tại trong nước ngày hôm nay, bà con ta cũng đã nhen nhúm nhiều cuộc biểu tình, tụ tập càng ngày càng thường xuyên, phổ biến hơn, để nói lên nguyện vọng của mình. Đó là những diễn tập cho một ngày Hội Lớn của dân tộc khi toàn dân cùng xuống đường để đòi lại quyền thực sự làm chủ vận mệnh đất nước của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét