Lạc Việt
Santa Ana, ngày 16 tháng 7, 2010
Em Lê Thị Công Nhân thân mến,
Cho tôi xin được gọi em như thế vì em cũng cỡ khoảng tuổi các con tôi.
Hôm nay tôi viết thư này đến em để chia sẻ cùng em nỗi ưu tư của tôi về những người còn ở trong tù. Thật ra có quá nhiều nhà dân chủ để nói tới, có quá nhiều điều để ca ngợi sự hy sinh của họ và gia đình họ, nhưng tôi muốn tâm tình với em hôm nay về những người phụ nữ mà tôi quí mến và quan tâm đặc biệt dù chưa một lần gặp mặt. Tại sao như vậy? Có lẽ vì tôi là phụ nữ như chị Trần Khải Thanh Thủy và tôi cũng có con gái ở vào lứa tuổi của em và em Phạm Thanh Nghiên.
Công Nhân thân mến, cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh em hay em Phạm Thanh Nghiên đang ở tù với những thiếu thốn vật chất và đe doạ tinh thần là tôi nghĩ đến con gái tôi, tự đặt con mình vào hoàn cảnh của em hay Thanh Nghiên, tôi bỗng giật mình tự hỏi nếu con mình đang ở trong tù, liệu nó có đủ cam đảm chịu đựng được như các em? Và liệu mình có sẽ chịu đựng được nỗi đau trong tình mẫu tử như bà Trần Thị Lệ hay bà Nguyễn Thị Lợi đang phải chịu đựng không? Và mỗi lần nghĩ đến chị Trần Khải Thanh Thủy, lòng tôi xốn xang nghĩ đến cảnh cháu bé 13 tuổi không mẹ, cảnh gà trống nuôi con của anh Tân.
Và trí óc tôi miên man dẫn tới hình ảnh những người con gái, có một tấm lòng trong sáng, tuyệt đẹp, đang đi đi, lại lại trong nhà tù đen tối kia. Hình ảnh các em và chị Thủy bổng sáng lên, như có vầng hào quang bao quanh. Ánh sáng này tỏa chiếu ra tận bên ngoài khung cửa sắt, soi rọi vào lương tâm của nhân loại, đánh thức lòng tự hào dân tộc của nhiều người Việt trong và ngoài nước. Đặc biệt sự dấn thân của những người trẻ như Công Nhân, Thanh Nghiên, đã làm cho thế hệ lớn tuổi như tôi có thêm niềm hy vọng là tiến trình dân chủ ngày hôm nay sẽ được tiếp tục nuôi dưỡng và lớn mạnh. Với Công Nhân, với Thanh Nghiên, với Trần Khải Thanh Thủy chúng tôi có những gương sáng để nói với con cái về tấm lòng yêu nước, về sự dấn thân vì dân tộc của những người phụ nữ Việt Nam. Đó là những hình ảnh rất gần gủi, rất thật; nó sẽ dễ làm các em xúc động hơn là khi nói về hai Bà Trưng, bà Triệu của lịch sử xa xôi thời trước.
Cảm ơn em, cảm ơn Phạm Thanh Nghiên, cảm ơn chị Trần Khải Thanh Thủy đã cho tôi niềm hãnh diện của một người phụ nữ Việt Nam, biết được trách nhiệm của mình trước vận mạng đất nước.
Xin cầu nguyện sự bình an cho em và xin em hãy cùng tôi cầu nguyện cho sự tự do của Phạm Thanh Nghiên và Trần Khải Thanh Thủy em nhé.
Thân mến,
Lạc Việt
Lạc Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét