2010/06/19

Hội thảo nhân quyền với chính giới Canada

Radio Chân Trời Mới

(Ottawa - Canada) Một buổi hội thảo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam do đảng Việt Tân đứng ra tổ chức với sự hỗ trợ của Dân Biểu Navdeep Bains và Luật Sư Chris McLeod thuộc tổ hợp luật sư danh tiếng Cambridge LLP đã diễn ra vào trưa thứ Năm, ngày 17/6/2010.
JPEG - 27.1 kb
Sau phần ăn trưa thân mật, các vị dân biểu và đại diện bộ ngoại giao Canada, các đại diện truyền thông và khách mời từ cộng đồng Việt Nam, bao gồm nhiều khuôn mặt trẻ quan tâm đến đất nước, đã cùng tham dự buổi hội thảo sôi nổi kéo dài gần hai tiếng đồng hồ.
Đại diện đảng Việt Tân, Tiến Sĩ Trần Diệu Chân tóm lược tình trạng vi phạm nhân quyền qua hai trường hợp điển hình, đó là vụ vợ chồng nhà hoạt động dân chủ Trần Khải Thanh Thủy bị chế độ Cộng sản Việt Nam cho côn đồ hành hung rồi vu khống cho bà tội đánh người khác với một bức hình ngụy tạo. Nhà văn nữ yêu tự do và công lý này bị kết án 3 năm tù; chồng bà bị cầm tù tại gia hai năm. Trường hợp thứ hai là việc chế độ khai thác bô-xít tại Tây nguyên bất chấp các hệ quả lên môi sinh, rồi dở trò đàn áp thô bạo những khuyến cáo trung thực và tâm huyết của các chuyên gia. Hai thí dụ này đã cho thấy những phi lý và sai trái của một chế độ độc quyền, từ cai trị hà khắc theo luật rừng, đến chà đạp nhân quyền, tàn phá môi sinh, vi phạm quyền tự do thông tin, v.v...
Ts. Diệu Chân đã đưa ra 3 đề nghị cụ thể với chính quyền Canada. Thứ nhất, lên tiếng vận động tự do cho các nhà đấu tranh dân chủ và lên án các cuộc đàn áp, bắt bớ hàng loạt mới đây tại Việt Nam, nhất là nhân dịp Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt tại Toronto vào tuần tới để tham dự hội nghị G20 như một quan sát viên. Thứ hai, tòa Đại Sứ Canada gởi người tới thăm hỏi các nhà đấu tranh dân chủ bị cầm tù hoặc bị đem ra xét xử bất công; đây cũng là một thông điệp nhắn gởi tới CSVN là thế giới đang quan sát họ. Thứ ba, cần đặt điều kiện cải thiện nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do Internet, chính sách phát triển hợp lý, bền vững và không tác hại môi sinh vào những khoản viện trợ hay hợp tác kinh tế từ Canada với Việt Nam.
JPEG - 27.2 kb
Cử tọa đã theo dõi với nhiều xúc động, nhất là khi hình ảnh chị Trần Khải Thanh Thủy bị hành hung với những thương tích được chiếu lên; hình vùng cao nguyên bị bùn đỏ độc hại từ quặng bô-xít bao phủ; hình em bé 12 tuổi bị bắn chết tại Nghi Sơn với vết đạn trên bụng.
Một trong bốn vị chủ tọa buổi hội thảo, Dân Biểu John Weston, thuộc đảng Bảo Thủ đang cầm quyền và đại diện Bộ Hợp Tác Quốc Tế, tiếp lời. Ông cho biết chính phủ Canada luôn quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông cho biết Canada là một trong “Tứ Nhân Bang”, gồm Thụy Sĩ, Tân Tây Lan, Na Uy và Canada, luôn thống nhất trong việc lên tiếng cảnh giác chế độ CSVN về những vi phạm nhân quyền, và vẫn gởi người tới theo dõi các buổi xử án các nhà dân chủ. Ông rất vui có những buổi tiếp xúc như thế này để hiểu thêm vấn đề và lắng nghe nguyện vọng của người Việt Nam, cũng như lắng nghe những đề nghị đối sách khả thi hầu đem lại sự thịnh vượng chung cho người dân cả hai nước đồng thời cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
JPEG - 28.5 kb
Tiến Sĩ Lê Duy Cấn, thuộc chủ tọa đoàn và đại diện cho Liên Hội Người Việt Canada, chia xẻ những hình ảnh tù đày của các nhà đấu tranh dân chủ, tấm hình Linh mục Lý bị bịt miệng trước tòa án CSVN, và ông đưa ra một thí dụ cụ thể - và cũng chứa đựng một đề nghị rất hữu lý - về việc chính phủ Canada đã từng tài trợ cho những thành phần luật sư, chánh án của chế độ Hà Nội sang tu nghiệp tại Canada. Tiến sĩ Lê Duy Cấn kết luận: “Tôi không biết họ đã học được điều gì, nhưng rõ ràng là có học được điều hay thì họ cũng đã không áp dụng khi trở về Việt Nam; những hiện tượng sai trái trong các phiên tòa của CSVN vẫn xảy ra.”
Phát biểu sau cùng trong chủ tọa đoàn là Luật sư Chris McLeod. Vị luật sư trẻ tuổi - yêu công lý và đất nước Việt Nam như một người Việt - đã mạnh mẽ khẳng định: “Không thể nào tách rời nhân quyền ra khỏi các quyền lợi kinh tế; không thể nào có phát triển kinh tế lâu dài, bền vững và công bằng nếu không có nhân quyền.” Ông đã nói với tất cả bầu nhiệt huyết về những hình thức vi phạm nhân quyền, phi lý và bất công của chế độ độc tài và sự cần thiết phải có những thay đổi tận gốc rễ về hệ thống pháp lý tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến những áp lực quốc tế nói chung và chính phủ Canada nói riêng qua những ràng buộc cải tổ với các giao dịch thương mãi và ngoại giao với Việt Nam.
Đặc biệt, Dân Biểu Robert Oliphant thuộc Đảng Cấp Tiến cho biết ông rất vui mừng khi thấy lá cờ Vàng, biểu tượng cho lý tưởng tự do của người Việt Nam, ngạo nghễ hiện diện trong phòng họp. Ông cho biết, là một người bạn của cộng đồng Việt Nam, ông rất ủng hộ cuộc đấu tranh của người Việt để xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Ông đề nghị những buổi hội thảo bổ ích như hôm nay cần phải được tổ chức thường xuyên hơn nữa. Ông cũng lên tiếng phê bình thẳng thắn là đối với một kẻ lãnh đạo độc tài như Nguyễn Tấn Dũng, đáng nhẽ Thủ Tướng Stephen Harper chưa nên mời tham dự G20 vì họ không xứng đáng cho đến khi có những cải thiện đáng kể về nhân quyền tại Việt Nam.
Dân Biểu Navdeep Bains cũng đã quan tâm đặt vấn đề về phương cách cụ thể buộc chế độ CSVN phải trả lời về những điều kiện nhân quyền – thí dụ qua hình thức một bản báo cáo (report card) chăng? Tiến sĩ Diệu Chân hoan nghênh ý kiến này vì các quốc gia viện trợ nhân đạo và tài chánh cho Việt Nam thường quá lịch sự đối với những quốc gia bất xứng và cần phải xử dụng thế mạnh của mình hơn nữa; tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh đến yếu tố cần có một ban giám sát/ điều tra độc lập những báo cáo này của chế độ - một ủy ban đặc nhiệm gồm các chuyên gia Canada cũng như người Việt trong và ngoài nước. Một đề nghị khác là chính phủ Canada không chỉ nhắm làm việc với nhà cầm quyền CSVN để đưa tới những thay đổi căn bản tại Việt Nam, mà còn cần phải làm việc với người dân, kể cả các nhà dân chủ và hoạt động xã hội để giúp đẩy mạnh sự hình thành một xã hội dân sự trong tiến trình chuyển hóa Việt Nam.
Ngoài ra từ phía chính giới còn có sự tham dự của Dân Biểu Scott Andrews thuộc Đảng Cấp Tiến.
Ban tổ chức cũng đã gởi đến chính giới và quan khách tham dự một số tài liệu về tình hình nhân quyền, danh sách các tù nhân lương tâm và các tin tức cập nhật về nỗ lực đấu tranh của người Việt Nam.
— -
Bài diễn văn của Tiến sĩ Trần Diệu Chân tại Quốc hội Canada ngày 17/06/1020
Ngày 17 tháng Sáu năm 2010
Kính thưa các Thành viên Quốc Hội,
Kính thưa toàn thể quý vị,
Trước tiên tôi xin cảm ơn sự hiện diện của quý vị trong buổi hội thảo về chủ đề nhân quyền Việt Nam tại Quốc Hội Canada hôm nay. Chúng tôi cũng xin đặc biệt trân trọng cảm ơn Dân biểu Navdeep Bains và các nhân viên, Luật sư Chris McLeod và văn phòng Luật Cambridge LLP về những giúp đỡ và ủng hộ quý báu của quý vị.
Để hiểu rõ hơn tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, tôi xin chia sẻ với quý vị hai sự kiện.
Sự kiện thứ nhất liên quan tới nhà văn nữ Việt Nam nổi tiếng, đồng thời là một nhà tranh đấu dũng cảm cho dân chủ, đó là bà Trần Khải Thanh Thủy.
Hồi tháng Mười năm 2009, Nhà nước Việt Nam đã đưa một loạt các công dân ra tòa xét xử với những tội danh gán ghép cho họ là “Tuyên truyền chống chế độ Xã hội Chủ nghĩa”. Bà Thủy đã cố gắng tới tham dự một trong các phiên tòa nói trên tại thành phố cảng Hải Phòng, nhưng đã bị Công an Việt Nam dùng vũ lực ngăn chặn. Ngay sau đó, vào buổi chiều cùng ngày, Công an đã dàn dựng cho một số người bất hảo đến quấy phá tư gia của bà. Họ đã đánh đập, gây thương tích khá nặng cho bà Thủy và chồng bà. Nhưng, điều kỳ quặc là sau đó hai nạn nhân này đã bị nhà cầm quyền cáo buộc tội “Hành hung gây thương tích” - đây là chuyện chỉ có thể xảy ra trong một thể chế độc tài.
Trong những ngày tiếp theo, truyền thông Nhà nước đã đưa ra bức ảnh một người đàn ông bị thương chảy máu vùng đầu và cổ, đồng thời cáo buộc rằng, các vết thương đó là do người đàn bà nhỏ bé chỉ cao một mét rưỡi là nhà văn Trần Khải Thanh Thủy gây ra. Ngay sau đó, giới dân báo (bloggers) Việt Nam đã phân tích và chứng minh đó là ảnh giả . Thông số kỹ thuật trong bức ảnh cho thấy bức ảnh thực ra đã được chụp vào năm 2005 và được sửa bằng Photoshop để làm ra vẻ là được chụp vào thời điểm sau khi vụ việc hành hung bà Thuỷ và chồng bà xảy ra. Bà Thủy sau đó đã bị kết án ba năm rưỡi tù vì những tội danh vu khống. Chồng bà cũng bị kết án hai năm quản chế.
Rõ ràng là nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã bị trả thù chỉ vì bà đã chống đối một cách ôn hòa các chính sách của chế độ. Bà đã viết nhiều bài trên blog và mạng Internet để vạch trần tình trạng tham nhũng cũng như bất công xã hội dưới chế độ cai trị hiện nay tại Việt Nam. Những gì đã xảy ra cho bà Thủy có thể cũng sẽ xảy ra cho bất cứ người dân Việt Nam nào khác sống dưới chế độ đó. Nếu chế độ muốn một cá nhân nào phải im lặng, họ sẽ sử dụng mọi thủ đoạn đê hèn để đạt mục tiêu đó.
Không may là những gì xảy ra cho nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cũng rất có thể sẽ xảy ra cho những doanh nhân Phương Tây làm ăn ở Việt Nam. Một tranh chấp thuần túy thương mại tại đây có thể bị nhà cầm quyền cáo buộc như thể một vụ phạm tội hình sự. Thực tế là đã có nhiều trường hợp như vậy xảy ra. Một số doanh nhân ngoại quốc đã bị bắt giữ hoặc bị tịch thu hộ chiếu chỉ vì những dự án đầu tư mà họ thực hiện bị trục trặc.
Bà Trần Khải Thanh Thủy chỉ là một trong nhiều tù nhân chính trị đang bị giam cầm tại Việt Nam. Trường hợp của bà là một sự kiện điển hình về tình trạng áp chế và tùy tiện trong hệ thống pháp lý tại đây.
***
Sự việc thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với quý vị liên quan tới việc khai thác quặng Bauxite. Đây là nguyên liệu chính để sản xuất ra Nhôm. Vùng cao nguyên miền trung Việt Nam là nơi có trữ lượng Bauxite lớn; đây cũng là vùng có nền văn hóa phong phú của các sắc dân thiểu số, cũng như có một môi trường sinh thái đa dạng. Nhà nước Việt Nam đã lên kế hoạch và bắt đầu thực hiện việc khai mỏ Bauxite theo phương pháp lộ thiên, điều chế quặng Bauxite để tạo Ô-xít Nhôm bằng một quy trình thô sơ thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường trong vùng. Sau đó vận chuyển Ô-xít Nhôm hàng trăm cây số tới cảng biển để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hồi đầu năm ngoái, một phong trào dân sự đã dấy lên chống lại kế hoạch khai thác Bauxite này của nhà cầm quyền Hà Nội. Những nhà trí thức hàng đầu đã thực hiện một bản kiến nghị kêu gọi lấy chữ ký để cảnh báo và yêu cầu ngưng ngay dự án có nguy cơ gây thảm họa môi sinh này. Nhà nước Việt Nam coi dự án khai thác Bauxite nói trên là một “chính sách kinh tế lớn”, nhưng lại không màng gì tới việc nghiên cứu và chuẩn bị đối phó với những hậu quả tai hại khôn lường về môi trường. Chỉ trong vòng vài tháng, hàng ngàn người Việt Nam đã tham gia ký vào bản kiến nghị nói trên. Phong trào vận động môi trường này cũng đã thành lập một trang mạng mang tên Bauxite Việt Nam. Cho tới tháng Mười hai năm ngoái, trang mạng đã trở nên nổi tiếng và có tới 20 triệu lượt người vào đọc.
Vậy phản ứng của chế độ Hà Nội là gì? Họ đã tổ chức các cuộc tấn công mạng với quy mô lớn và tinh vi, hòng làm tê liệt trang Bauxite Việt Nam. Cuối cùng trang mạng này cũng đã bị phá sập vì các cuộc tấn công tràn ngập gây tắc nghẽn (Denial of Service - DoS) - theo các thông tin và điều tra từ công ty Google cũng như từ công ty an ninh mạng McAfee. Cuộc tấn công này chỉ là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn và có hệ thống, được nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện bắt đầu từ tháng Mười hai năm ngoái, nhằm xâm nhập và phá hoại các trang mạng cùng các trang dân báo có nội dung bất đồng với nhà nước.
Gần đây, An ninh Việt Nam còn bắt những người chủ trương thực hiện bản kiến nghị Bauxite và ban điều hành trang mạng lên "làm việc" nhiều lần. Thật là sai trái khi những công dân Việt Nam bị cấm bày tỏ chính kiến của mình đối với các chính sách của nhà nước. Điều đó cũng đã đưa đến câu hỏi, liệu ai là những kẻ được hưởng lợi qua các chính sách như vậy? Tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam cũng sẽ gây ra các trở ngại về kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.
***
Tôi xin được kết thúc bài phát biểu của mình với ba đề nghị xin gởi tới quý vị, nhằm giúp cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam:
Thứ nhất, hãy cùng chúng tôi vận động yêu cầu thả tự do cho các nhà đấu tranh dân chủ hiện đang trong lao tù như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Tiếng nói hay những lá thư của quý vị gửi tới giới cầm quyền tại Việt Nam đều có tác động. Chỉ trong một vài ngày nữa, Thủ tướng CHXHCN Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, sẽ tới Toronto tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. Đây là một dịp quan trọng để phản đối làn sóng bắt bớ gần đây tại Việt Nam.
Thứ hai, hãy yêu cầu Sứ quán Canada tại Hà Nội lên tiếng đòi thăm viếng các nhà dân chủ đang bị xét xử hay đang bị giam cầm. Những chuyến thăm tù của nhân viên ngoại giao Canada là một nguồn hỗ trợ tinh thần to lớn đối với các nhà dân chủ và gia đình họ. Việc này cũng sẽ cho Hà Nội biết rằng thế giới đang theo dõi những gì họ đang làm.
Thứ ba, vận động hỗ trợ cho các chính sách phát triển không làm hại môi sinh và có sự góp ý của mọi tầng lớp xã hội. Tại một cuộc gặp gỡ với các nhà tài trợ quốc tế tại Việt Nam mùa hè năm ngoái, các vị Đại sứ đã đưa ra vấn đề rủi ro trong việc khai thác Bauxite. Chúng tôi hoan nghênh sự quan tâm này và hy vọng sẽ có các nỗ lực không ngừng để chất vấn các chính sách phát triển thiếu suy xét của Hà Nội, đặc biệt là khi tiền thuế của người dân Canada cũng là một trong những nguồn tài trợ cho các chính sách đó.
***
Trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và những kêu gọi ngưng khai thác Bauxite tại Việt Nam là những ví dụ điển hình về sự phát triển của phong trào dân sự đấu tranh cho dân chủ và công bằng xã hội tại Việt Nam, dù phải đối phó với nhiều trấn áp. Hiển nhiên, chính người dân Việt Nam phải tranh đấu đòi quyền tự do cho mình. Nhưng những người bạn quốc tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền và ủng hộ những tiếng nói dân chủ tại đất nước Việt Nam.
Xin cảm ơn sự hỗ trợ của quý vị.
— -
Một số đề nghị với các nhà lập chính sách Canada
Bối Cảnh Tình Hình:
• Nhà cầm quyền Việt Nam đang thẳng tay đàn áp tự do ngôn luận: (i) nhà nước này đã kết án chín nhà đấu tranh dân chủ trong tháng 10 năm 2009 về tội "tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa", (ii) ban hành Sắc Lệnh số 97 của thủ tướng cấm nghiên cứu những đề tài không được nhà nước cho phép, (iii) qui định những giới hạn mới về các blogs cá nhân, (iv) quy định mới về việc cài đặt phần mềm để theo dõi tại các quán internet tại Hà Nội.
• Để tránh bị thế giới chỉ trích, Hà Nội đã sử dụng những tội danh bên ngoài lãnh vực chính trị để bắt những nhà bất đồng chính kiến: (i) bắt nhà văn Trần Khải Thanh Thủy về tội hành hung sau khi chính nhà văn đã bị công an đánh đập, (ii) kết án blogger Điếu Cầy về tội trốn thuế sau khi ông phản đối chính sách nhà nước.
• Hà Nội cô lập các nhà đối kháng bằng cách giam giữ họ tại nhà một cách không chính thức và sách nhiễu gia đình họ: (i) ông Đỗ Nam Hải không bị kết án bất cứ tội gì. Dù vậy ông không thể gặp ngay cả những nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ, (ii) nhà văn Trần Khải Thanh Thủy liên tục bị (công an giả dạng) côn đồ hành hung trong năm nay, (iii) các vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị giam lỏng tại chùa.
Đề Nghị:
• Kêu gọi trả tự do cho những người bị giam giữ, đặc biệt là trưòng hợp luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và chín người bị kết án trong tháng 10 năm 2009; lên án luận điệu bất hợp lý của Hà Nội cáo buộc những người này không phải bị tù vì chính kiến mà vì vi phạm pháp luật.
• Đặt trọng tâm trở lại vào việc cải tổ luật pháp: yêu cầu Việt Nam bãi bỏ những luật lệ lỗi thời như Điều 88 của bộ luật hình sự hoặc Nghị Định số 97/2008/NĐ-CP về việc quản lý các blogs cá nhân.
• Đưa vấn đề nhân quyền vào quan hệ song phương: (i) yêu cầu cải tổ pháp lý trong phạm vi cải tổ nền giáo dục đại học Việt Nam và phát triển kinh tế, (ii) vận động mạnh mẽ hơn về vấn đề nhân quyền, đặc biệt là trong các chuyến viếng thăm Việt Nam của các giới chức cao cấp.
• Hợp tác với các quốc gia cùng quan điểm: để củng cố một lập trường chung về nhân quyền. Tòa Đại Sứ Canada tại Hà Nội nên mở những cuộc hội thảo về nhân quyền với các toà đại sứ khác và mời những người Việt Nam không thuộc chính quyền đến tham dự và bày tỏ quan điểm.
• Hỗ trợ quyền tự do internet: Kêu gọi Hà Nội ngưng ngăn chặn các truy cập vào mạng Internet; hỗ trợ hoặc tài trợ các kỹ thuật vượt rào cản và các sinh hoạt dân báo.
• Nối tay với xã hội dân sự tại Việt Nam: thông qua tòa Đại Sứ Canada, bảo trợ những diễn đàn về các chủ đề như quyền lao động, tệ trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, vai trò của truyển thông và tổ chức dân sự; mở các cuộc gặp gỡ với các nhà đấu tranh cho nhân quyền.
• Thăm viếng các nhà đấu tranh đang bị cầm tù: để bảo đảm họ không bị ngược đãi và động viên tinh thần các tù nhân lương tâm cùng gia đình họ.
• Gắn liền các khoản viện trợ nhân đạo và ODA với tình trạng cải thiện nhân quyền; có biện pháp để giám sát việc thi hành và bảo đảm sự trong sáng trong các chương trình viện trợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét