2010/06/14

Dám hay không dám bàn thảo về Luật Biển Việt Nam

RFA

2010-06-09
Luật biển của Việt Nam không được đưa ra bàn thảo trong kế hoạch làm luật của quốc hội. Điều này khiến nhiều vị đại biểu băn khoăn. Vậy những băn khoăn đó là gì? Và tầm quan trọng của một Luật Biển ra sao trong tình thế hiện nay?
Luật biển, nhạy cảm nhưng phải làm
Mạng VietnamNet hồi ngày 4 tháng sáu vừa qua có bài trình bày lại ý kiến các đại biểu quốc hội về việc rút dự án Luật Biển của Việt Nam ra khỏi chương trình nghị sự.
Băn khoăn đầu tiên được trình bày là của chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Ngô Quang Xuân. Theo ông này thì đừng vì những vấn đề nhạy cảm mà để ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc.
Đại biểu Đặng Thuần Phong của tỉnh ven biển Bến Tre cũng cho rằng Luật Biển là một dự án luật khẳng định tính độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, cho nên không vì lý do nhạy cảm mà không cương quyết thông qua.
Vậy tầm quan trọng của một luật biển thế nào?
Đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết phát biểu:
Luật biển là luật rất quan trọng nhằm tạo ra những cơ sở pháp lý để phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển. Theo tôi hiểu trong thời gian vừa qua luật này đã được soạn thảo nhưng chưa hoàn chỉnh cho nên rút lại trong kỳ họp này. Dầu vậy, trong kỳ họp này, các đại biểu quốc hội trong quá trình thảo luận cũng đề nghị nói rõ nếu rút trong kỳ này thì bao giờ phải trình. Chúng tôi đang chờ câu trả lời từ phía chính phủ.
Vừa rồi có nhiều luật mà các đại biểu cũng như dân thấy rất cần thiết nhưng chưa được đưa ra trong kỳ họp này và kỳ tới. Chúng tôi khi thảo luận ở cấp tổ cũng nêu ý kiến. Sắp tới trong buổi thảo luận tại hội trường chắc chắn sẽ nêu ý kiến tập trung hơn, cũng đòi hỏi phải có động thái rõ ràng hơn, cam kết rõ ràng hơn từ cơ quan trình dự thảo đó.
Chúng tôi tin rằng Cơ quan Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến thúc đẩy việc tiếp tục hoàn thiện các luật này để quốc hội xem xét và thông qua trong thời gian ngắn nhất.
Quan trọng và cần thiết của Luật Biển VN hiện nay
Một chuyên gia nghiên cứu về tình hình Biển Đông lâu nay, luật gia Hoàng Việt, từ Tp. HCM cũng có trình bày về tầm quan trọng của một luật như thế tại Việt Nam hiện nay:
Những yêu sách về chủ quyền cũng như những vấn đề khác đều cần phải luật hóa. Trung Quốc đã ra một loạt luật như luật năm 1996, gần đây nhất là luật năm ngoái của họ về bảo vệ vùng biển. Philippines năm vừa rồi cũng ra hai dự luật về việc vẽ đường cơ sở thẳng, qua đó bao gồm cả quần đảo Trường Sa. Đó là bước pháp lý khẳng định về chủ quyền rất lớn.
Trước đây Việt Nam chỉ có những tuyên bố về vùng biển như tuyên bố về đường cơ sở năm 1977, và sau này năm 1982. Đầu tiên đó là tuyên bố, về sau tuyên bố ở cấp chính phủ, chưa đến mức cao nhất Quốc hội. Do vậy Việt Nam sớm phải có đạo luật qui định các vùng biển quốc tế thế nào, đường cơ sở ra sao, vùng đánh cá được bảo vệ theo chủ quyền thế nào, vùng biển được diễn giải theo Công ước Luật Biển năm 1982 thế nào; cần có cấp cao nhất là quốc hội phê chuẩn.
Còn đối với điều mà nhiều người cho là nhạy cảm trong tình thế hiện nay, thì luật gia Hoàng Việt có ý kiến:
Gần đây báo chí cho biết do ‘nhạy cảm’ chưa thể đưa ra. Tôi không biết nhạy cảm là thế nào?
Nhạy cảm là từ có nhiều nghĩa trong tiếng Việt… Theo cá nhân tôi sớm ban hành đạo luật biển là hết sức cần thiết. Như Trung Quốc và Philippines đều có ra luật dù có tranh cãi. Nhờ vào luật mà điều kiện pháp lý rõ ràng hơn nhiều.
JPEG - 23.4 kbTàu đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc chặn bắt trên Biển Đông.
Lâu nay, tình hình tại Biển Đông trở nên căng thẳng sau khi phía Trung Quốc có những động thái ra lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền từ tháng sáu cho đến tháng tám, rồi đưa tàu ngư chính xuống tuần tra tại đó.
Chính quyền địa phương và ngư dân tại nhiều nơi dọc ven biển Việt Nam nhiều lần bắt gặp tàu mang cờ Trung Quốc vào gần bờ biển Việt Nam. Và trong năm qua có 33 tàu Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc dù rằng những tàu này cho biết bị bắt khi đang đánh bắt cá tại vùng biển Việt Nam.
Dù Bộ Ngoại giao Việt Nam có lên tiếng phản đối mỗi khi có ngư dân bị bắt, hay khi Trung Quốc đơn phương ban hành những lệnh trong vùng Biển Đông; nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn không có hành động cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân. Đồng thời những ý kiến liên quan đến hành động vi phạm vùng biển của Trung Quốc bị cho là nhạy cảm, không được công khai phổ biến.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Quốc hội Ngô Quang Xuân cho rằng dự án luật biển đã rục rịch cách đây gần 10 năm rồi từ nhiệm kỳ quốc hội khóa X. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng kể từ đó đến nay mỗi khi đi tiếp xúc cử tri các tỉnh ven biển đều bị chất vấn, nay bị rút lại thì khó giải thích cho cử tri lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét